VnReview
Hà Nội

Tại sao smartphone cũ lại sạc chậm hơn?

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chiếc điện thoại của mình lại sạc chậm hơn hẳn so với lúc mới mua?

>> Làm gì khi điện thoại không nhận hoặc sạc pin rất chậm?

Smartphone hiện đang là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Chúng có thể làm nhiều thứ, từ gọi điện, nhắn tin cho tới chạy ứng dụng VR. Tuy nhiên, nếu hết pin, smartphone sẽ hoàn toàn vô dụng.

Một điều không may là sau khi sử dụng một thời gian, smartphone sẽ cần nhiều thời gian hơn để sạc đầy pin. Nói cách khác, bạn sẽ có ít thời gian hơn để sử dụng smartphone khi nó cũ đi.

Vậy, tại sao smartphone cũ lại sạc pin lâu hơn so với smartphone mới. Để hiểu được điều này, chúng ta cần phải biết về cách smartphone sạc pin và sự khác nhau giữa các phương pháp sạc pin phổ biến hiện nay.

Nhà báo Bryan Wolfe tới từ trang công nghệ MakeUseOf vừa có một bài giải thích khá dễ hiểu về 5 lý do khiến điện thoại của bạn sạc ngày càng chậm hơn. VnReview xin dịch lại để bạn đọc tham khảo:

Hiểu về pin có thể sạc lại

Mỗi chiếc điện thoại đều có một viên pin ở bên trong. Đối với đa phần trường hợp, mỗi viên pin đều có cách tạo ra dòng điện khá giống nhau.

Cấu tạo của một viên pin điện thoại bao gồm hai điện cực (cực dương và cực âm) và chất điện phân ở giữa. Về cơ bản, dòng điện là dòng dịch chuyển của các electron mang điện tích. Khi sử dụng pin, ion sẽ bị tách ra khỏi chất điện phân. Điều này sẽ hình thành một dòng electron ở cực âm và di chuyển tới các "lỗ trống" ở cực dương. Khi các electron lấp gần đầy cực dương, thông báo "pin yếu" sẽ xuất hiện trên điện thoại.

Đối với pin không thể sạc lại, phản ứng hóa học này chỉ diễn ra một lần. Tuy nhiên, đối với pin có thể sạc lại (loại dùng trong điện thoại ngày nay), các electron có thể bị tách ra khỏi cực dương và trở lại chất điện phân. Khi các electron được tách hết, điện thoại sẽ thông báo "pin đầy".

Hiện nay, có hai phương pháp sạc pin điện thoại là sạc không dây và sạc có dây. Mỗi phương pháp lại có một ưu và nhược điểm khác nhau.

Ưu và nhược điểm của sạc có dây

Giống như nhiều thiết bị tiêu thụ điện khác, smartphone cũng dùng dây cáp để sạc pin. Trong một thời gian dài, cáp sạc điện thoại đã không có nhiều sự thay đổi.

Trong gần một thập kỷ vừa qua, đa phần cáp sạc điện thoại đều hỗ trợ chuẩn USB 3.0. Ngoại lệ là Apple khi từ năm 2012, Táo khuyết đã sử dụng Lightning, một thiết kế cổng sạc riêng của hãng.

"Sạc nhanh" là công nghệ giúp gia tăng tốc độ sạc có dây được phát triển trong những năm gần đây. Loại công nghệ này thường yêu cầu thiết bị phải có cổng kết nối USB Type-C. Đối với mỗi nhà sản xuất và thiết bị khác nhau, tốc độ "sạc nhanh" lại không giống nhau.

Thông thường, các nhà sản xuất sẽ dùng con số tỷ lệ % pin sạc được trong 30 phút để nói về tốc độ sạc của điện thoại. Ví dụ, khi sử dụng sạc nhanh, bạn có thể sạc 50% pin iPhone trong vòng 30 phút.

Ưu điểm của sạc có dây

Lý do quan trọng khiến các nhà sản xuất vẫn gắn bó với sạc có dây đó là tính hiệu quả, ít nhất là cho đến bây giờ.

Nhược điểm của sạc có dây

Không có gì ngạc nhiên khi cáp sạc chính là nhược điểm lớn nhất của công nghệ sạc có dây. Cáp sạc dùng khá bất tiện và có thể hao mòn theo thời gian. Hơn nữa, cáp sạc cũng khá thiếu thẩm mỹ khi nhìn vào.

Ưu và nhược điểm của phương pháp sạc không dây.

Bên cạnh sạc có dây, chúng ta hiện còn có một phương pháp sạc khác là sạc không dây. Nhìn chung, sạc không dây đem lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng có một số nhược điểm nhất định.

Ưu điểm của sạc không dây

Với công nghệ sạc không dây, bạn sẽ không bao giờ phải mất công tìm kiếm cáp sạc mỗi khi muốn sạc điện thoại. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tốn ít tiền hơn vào phụ kiện sạc, ít nhất là trong thời gian dài. Chi phí dành cho cáp sạc có thể rất đắt nếu phải thay nhiều lần.

Sự tiện lợi là một ưu điểm khác của sạc không dây. Nhiều đế sạc được bày bán trên thị trường hiện nay có thể cho phép bạn sạc cùng lúc nhiều điện thoại.

Nhược điểm của sạc không dây

Cho tới hiện nay, sạc không dây vẫn chậm và kém hiệu quả hơn so với sạc có dây. Tuy nhiên, vì đa phần điện thoại di động hiện nay đều có pin dùng được cả ngày, bạn cũng không cần phải quá lo về việc này. Chỉ cần để sạc qua đêm là bạn đã có thể dùng điện thoại thoải mái trong cả ngày hôm sau.

Một điểm đáng chú ý khác là đế sạc sẽ tỏa ra rất nhiều nhiệt trong quá trình sạc. Điều này có thể khiến cho điện thoại của bạn gặp tình trạng quá nhiệt. Vì vậy, để tránh những tai nạn đáng tiếc, hãy chắc chắn là bạn chỉ mua những đế sạc chính hãng hoặc được chứng nhận tiêu chuẩn rõ ràng. Ngoài ra, phụ kiện sạc không dây cũng đắt hơn nhiều so với phụ kiện sạc có dây.

5 lý do khiến điện thoại của bạn sạc ngày càng chậm

Nếu đọc đến đây, bạn có lẽ đã hiểu được phần nào cơ chế sạc pin của điện thoại. Vậy, tại sao điện thoại cũ lại sạc ngày càng chậm. Dưới đây là 5 lý do giải thích cho hiện tượng này:

Phụ kiện sạc kém chất lượng

Lý do đầu tiên khiến bạn phải mất nhiều thời gian hơn để sạc pin có thể không đến từ bản thân chiếc điện thoại. Thay vào đó, bạn có thể đang dùng một bộ sạc hoặc bộ chuyển đổi kém chất lượng và thậm chí là nguồn điện yếu.

Cáp USB có thể bị bảo quản ở những điều kiện không tốt, đặc biệt là ở những gia đình có thói quen sử dụng chung đồ của nhau. Chúng có thể bị làm rơi, bị uốn cong hoặc để ở những nơi có nhiệt độ cao. Vì vậy, khi nhận thấy tốc độ sạc giảm đi, thay đổi cáp sạc mới là điều nên thử để xem tình trạng có được khắc phục hay không.

Bạn cũng nên thử chuyển sang dùng một củ sạc (adapter) mới nếu thấy tốc độ sạc chậm đi. Ở nhà, bạn có thói quen tái sử dụng củ sạc của chiếc điện thoại cũ khi mua điện thoại mới không? Nếu có, bạn nên mua một củ sạc mới để dùng.

Nhiều người cũng thích sạc điện thoại bằng máy tính. Đó không phải là một cách lý tưởng để sạc điện thoại vì sẽ phải phụ thuộc vào độ tuổi máy tính và các cổng kết nối trên máy tính đang hoạt động. Vì vậy, sạc điện thoại bằng máy tính sẽ luôn chậm hơn nhiều so với sạc bằng cách thông thường.

Cổng sạc gặp vấn đề

Cáp sạc không phải là yếu tố duy nhất khiến cho điện thoại sạc chậm hơn. Cổng sạc trên điện thoại cũng có thể gặp một số hư hỏng và dẫn tới tình trạng này. Hãy thử nhìn vào cổng sạc để xem nó có bị bẩn hoặc bị vật lạ chèn vào không. Mặc dù điều này có thể khó xảy ra, bạn cũng nên thử làm.

Bạn hãy sử dụng đèn pin và kính lúp để phát hiện xem có gì đặc biệt trong cổng sạc của điện thoại hay không? Cố gắng loại bỏ bất cứ vật lạ nào như bụi một cách nhẹ nhàng ra khỏi cổng sạc. Tốt nhất, bạn nên dùng một bàn chải nhỏ để làm vệ sinh cổng sạc.

Ứng dụng chạy ngầm

Điện thoại sạc lâu hơn cũng có thể là do bạn vừa sạc, vừa sử dụng máy. Tuy nhiên, nếu bạn không dùng máy trong lúc sạc, nguyên nhân rất có thể là do một hoặc nhiều ứng dụng chạy ngầm.

Cả iOS và Android đều có những công cụ giúp bạn phát hiện đâu là ứng dụng chạy ngầm. Bạn chỉ cần vào phần Cài đặt -> Pin để kiểm tra những ứng dụng nào đang chạy ngầm và tiêu tốn pin.

Khi bạn xác định được ứng dụng chạy ngầm, hãy xóa chúng và thử cảm nhận xem tốc độ sạc có được cải thiện hay là không?

Tuổi thọ pin

Một trong những nhược điểm chính của pin Lithium-ion trên nhiều smartphone hiện nay là khả năng sạc sẽ giảm dần theo tuổi thọ pin. Nếu bạn đã thử kiểm tra theo những cách kể trên mà không đạt kết quả, thay pin có lẽ là một sự lựa chọn hợp lý.

Nếu bạn còn nhớ, vào cuối năm 2017, Apple đã bị chỉ trích dữ dội vì lén lút giảm hiệu suất pin của iPhone đời cũ. Mặc cho Apple bào chữa như thế nào, nguyên nhân đơn giản là do pin Lithium-ion không thể sạc được mãi mãi và bị giới hạn trong số chu kỳ sạc nhất định. Apple đã quyết định hi sinh hiệu suất của iPhone để đảm bảo thời lượng sử dụng pin cho người dùng.

Sau đó, dưới áp lực từ nhiều phía, Apple đã phải xin lỗi và giảm giá thay pin iPhone từ 79 USD xuống chỉ còn 29 USD. Nhiều người dùng sau khi thay pin đã đưa ra nhiều phản hồi về việc hiệu suất iPhone được cải thiện đáng kể. Tất nhiên, iPhone không phải là trường hợp duy nhất nên đi thay pin. Nếu thấy hiệu suất và khả năng sạc của điện thoại bị giảm xuống, bạn nên đến ngay đại lý ủy quyền của nhà sản xuất để thay một viên pin mới.

Vấn đề là bạn

Người dùng cũng có thể là vấn đề của tình trạng điện thoại sạc lâu. Bạn có phải là người có thói quen dùng điện thoại kể cả lúc sạc. Nếu đúng là như vậy, bạn chính là nguyên nhân góp phần làm tăng thời gian sạc của điện thoại.

Những ứng dụng như Facebook nổi tiếng về khả năng ngốn pin khi sử dụng. Đối với nhiều người hiện nay, việc kiểm tra Facebook thường xuyên không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc sử dụng liên tục một ứng dụng như Facebook sẽ gây áp lực rất lớn đối với pin của điện thoại.

Vì vậy, hãy nhớ là điện thoại cũng cần được có thời gian nghỉ ngơi. Tốt hơn hết là bạn không nên dùng điện thoại trong khi đang sạc.

Nếu nghi ngờ, hãy mang điện thoại đi sửa

Nếu bạn nhận thấy thời gian sạc điện thoại đang lâu một cách đáng kể, hãy sử dụng một trong những cách kể trên. Tuy nhiên, nếu vấn đề không được khắc phục, bạn nên mang điện thoại đến một đại lý ủy quyền của nhà sản xuất để các nhân viên tại đó xem xét tình trạng của máy.

Nguyễn Long

Chủ đề khác