VnReview
Hà Nội

Huawei P20 Pro: khi tốt quá cũng là một cái tội

Khi HTC giới thiệu chiếc smartphone camera kép thực sự đầu tiên - One M8 - vào năm 2014, chẳng ai ngờ rằng chi sau đó 4 năm đã xuất hiện tiếp chiếc smartphone có đến 3 camera đầu tiên trên thế giới. Có thể đây ;là điều chẳng sớm thì muộn, nhưng 3 camera ư? Thật ngớ ngẩn!

> Huawei P20/P20 Pro chính thức trình làng với "tai thỏ", 3 camera độ phân giải tới 40MP

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, đã có smartphone 3 camera, phải chăng sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta có một chiếc smartphone với 4 camera? Liệu có quá nhiều camera có phải là điều tốt không? Và quá trình tiến hoá của camera smartphone đã diễn ra như thế nào để dẫn đến kết quả như lúc này?

Thực tế

Đầu tiên, chúng ta cần biết một số thông tin về cụm 3 camera trên Huawei P20 Pro. Giống như các điện thoại Huawei trước, máy có một cảm biến RGB chính và một cảm biến monochrome hỗ trợ. Dù cảm biến monochrome kia có thể được sử dụng để chụp những bức ảnh đen trắng rất đẹp, chức năng chính của nó lại là bắt thêm nhiều chi tiết hơn để cải thiện màu sắc trên những bức ảnh được chụp bởi camera chính. P20 Pro còn có thêm một ống kính thứ 3 - ống kính telephoto - cho phép zoom quang học 3x, và khi kết hợp với hai ống kính nêu trên, người dùng sẽ có thể zoom lai (kết hợp giữa quang và số) lên đến 5x mà không (hoặc ít) phải lo lắng về việc mất chi tiết hình ảnh. Nghe có vẻ rất tốt đấy.

Thế nhưng, là chiếc điện thoại 3 camera đầu tiên trên thế giới, chúng ta hầu như chẳng thấy nét gì đặc biệt mang tính cách mạng xét về mặt công nghệ, ít nhất là đối với phần cứng. Mọi thứ đều rất quen thuộc, chỉ là chúng được tích hợp vào một sản phẩm mới với kích cỡ vừa đủ để nhét túi quần mà thôi.

Biến cũ thành mới

Huawei quảng cáo rất nhiều về cảm biến RGB 40MP, bởi chúng ta đều biết rằng số càng lớn càng dễ bán hàng. Nhưng có một số điều bạn cần hiểu về cảm biến này. Mặc định, P20 Pro chỉ chụp các bức ảnh 10MP. Tại sao? Bởi điểm ảnh kích cỡ 2 micron trên P20 Pro thực ra là 4 điểm ảnh kích cỡ 1 micron gộp lại. Nghe quen chứ? Đó chính là điều mà Nokia đã làm với công nghệ Pure View trên Nokia 808. Mới đây, OnePlus cũng làm điều tương tự trên OnePlus 5T, và hãng này gọi đây là Công nghệ Điểm ảnh Thông minh.

Huawei lại gọi đây là Công nghệ Hợp nhất Ánh sáng tiên tiến, nhưng tóm lại, chúng cũng chỉ là một biến thể của quy trình lấy mẫu (oversampling) với một cái tên hào nhoáng khác mà thôi.

Ý tưởng của công nghệ này khá đơn giản. Mỗi điểm ảnh đơn lẻ chỉ có thể hấp thụ một lượng ánh sáng nhất định, do đó chúng ta có 3 lựa chọn chính: tăng kích cỡ điểm ảnh (khiến số lượng điểm ảnh trên cảm biến bị giảm xuống) - chính là lựa chọn của HTC với UltraPixel; tăng kích cỡ của cả điểm ảnh lẫn cảm biến; hoặc kết hợp thông tin từ nhiều điểm ảnh liền kề nhau thành một điểm ảnh lớn hơn trên cảm biến với kích cỡ thông thường. Đây gọi là lấy mẫu (oversampling).

Bởi không gian bên trong một chiếc smartphone là rất hạn chế, việc tăng kích cỡ cảm biến để chứa các điểm ảnh lớn hơn là một cuộc chiến không bao giờ có hồi kết. Nhưng chúng ta có thể chọn giải pháp dễ dàng hơn là ghép các điểm ảnh nhỏ lại với nhau thành một điểm ảnh lớn hơn để có thể thu được lượng ánh sáng gấp 4 lần bình thường. Đó chính xác là những gì Huawei nói về P20 Pro.

Nhưng Huawei cũng tăng kích cỡ vật lý của cảm biến nữa. P20 Pro có cảm biến kích cỡ 1/1.7-inch, ngang với cảm biến trên các máy ảnh PnS kỹ thuật số, lớn hơn nhiều so với cảm biến trên iPhone X và Galaxy S9.

Tại sao không dùng Ultrapixel?

Tại sao Huawei không phóng lớn điểm ảnh trên cảm biến vốn đã lớn hơn của họ để tránh việc phải sử dụng oversampling? Thay vì làm các điểm ảnh lớn hơn - như HTC One M8 với điểm ảnh kích cỡ 2 micron - để mỗi điểm ảnh đơn lẻ có thể thu được nhiều ánh sáng hơn, Huawei lại sử dụng các điểm ảnh 1 micron trên camera chính của P20 Pro.

Lý do cho việc này có lẽ là để đảm bảo sự linh hoạt.

Nếu bạn vẫn còn nhớ thì "gót chân Asin" của UltraPixel (bên cạnh marketing yếu kém) là nó chỉ là một giải pháp rất hạn chế. Một hình ảnh độ phân giải 4 UltraPixel không thể đọ lại được với độ chi tiết của một hình ảnh 16MP trong điều kiện ánh sáng hoàn hảo. Huawei né vấn đề này bằng cách sử dụng các điểm ảnh nhỏ hơn so với phần lớn các smartphone hiện nay, nhưng khi cần thiết, các điểm ảnh nhỏ này có thể gộp lại để tạo thành một điểm ảnh kích cỡ 2 micron, giúp tận dụng mọi ưu thế của cả hai loại điểm ảnh. Nhờ đó, trong những tình huống đủ sáng, bạn có thể thoải mái chụp các bức ảnh độ phân giải khủng 40MP bằng các điểm ảnh 1 micron, còn trong điều kiện ánh sáng yếu, bạn có thể gộp 4 điểm ảnh lại với nhau để tạo ra một điểm ảnh lớn hơn, kích cỡ 2 micron, với khả năng hấp thu ánh sáng tuyệt vời. Tất nhiên, độ phân giải ảnh lúc này chỉ cón 10MP mà thôi.

Chúng ta sẽ cần thêm thời gian mới biết được liệu camera của Huawei P20 Pro có tốt hơn UltraPixel của HTC hay bất kỳ cách thức oversampling nào của các hãng khác hay không. Tuy nhiên, từ những trải nghiệm ban đầu, có thể nói camera của P20 Pro rất tốt, chỉ có một điểm trừ đáng kể: giá cả. P20 Pro có giá lên đến hơn 1.100 USD, đắt hơn 125 USD so với chiếc P10 - vốn chỉ có camera kép mà thôi.

Một món hời với mức giá gấp bốn

Camera và màn hình là những linh kiện đắt nhất trên smartphone. Khi thêm camera thứ 2, chi phí cho camera sẽ tăng gấp đôi. Thêm camera thứ 3, có lẽ bạn đã hiểu vấn đề. Nếu giá linh kiện tiếp tục tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất liên tục thêm camera vào smartphone của mình, chiếc smartphone đó chắc chắn sẽ cần phải đủ tốt để khiến người tiêu dùng quyết định bỏ một số tiền khá lớn như vậy. Hiện các điện thoại camera kép có thừa khả năng chụp chân dung, nhiều máy trong số đó hỗ trợ zoom quang học và có trang bị ống kính góc rộng. Còn với một chiếc smartphone 3 camera mà một trong số đó lại chỉ chủ yếu đóng vai trò tăng cường độ chi tiết cho hai camera còn lại, thị trường sẽ phản ứng ra sao, chẳng ai biết được.

Bạn có thể tranh cãi rằng, tốt hơn nên dành tiền cho việc phát triển cảm biến lớn hơn, hay phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, xây dựng phần mềm..., khi mà với 3 camera cùng cảm biến lớn hơn, giá máy đã tăng lên gấp 4 lần thông thuường.

Chiếc Google Pixel 2 có thể chụp chân dụng bokeh tốt hơn hầu hết các smartphone camera kép khác, đồng thời có khả năng chụp thiếu sáng cực tốt chỉ với một ống kính đơn được trang bị cảm biến 1/2.55-inch và kích cỡ điểm ảnh 1,4 micron. Nhưng Huawei lại không có nguồn tài nguyên gần như vô hạn của Google, và kho hình ảnh với số lượng cực khủng dùng cho việc "huấn luyện" machine learning và các thuật toán xử lý hình ảnh khác.

Không rõ liệu Pixel 3 có có camera kép hay không, nhưng chắc hẳn một công ty như Google sẽ luôn tìm được cách để "làm nhiều hơn với ít công cụ hơn", nhờ vào việc ưu tiên các giải pháp phần mềm so với phần cứng. Hướng giải quyết vấn đề camera mà Huawei áp dụng - ưu tiên phát triển phần cứng, và song hành cùng nó là một phần mềm không được tốt lắm - có đi đến một kết quả cụ thể nào không, chúng ta vẫn còn phải chờ đợi. Khi mà thời đại của những smartphone 3 camera đã tới, liệu người dùng có chịu "móc hầu bao" để mua chúng hay không, nhất là khi chỉ 1 camera đã là quá đủ?

Minh.T.T

Chủ đề khác