VnReview
Hà Nội

Huawei đã trở thành "Apple của Android"

Trong những năm trở lại đây, các hãng điện thoại Trung Quốc phát triển cực kỳ mạnh mẽ khi luôn cho ra mắt các mẫu flagship cao cấp chất lượng cao hay các mẫu điện thoại tầm trung giá rẻ cấu hình tốt nhằm cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Samsung hay Apple, và tiêu biểu nhất chính là Huawei.

> DxOMark đánh giá camera P20 Pro: Công nghệ sáng tạo, ảnh chụp ấn tượng

> iPhone X "clone" của Huawei cung cấp tính năng ẩn tai thỏ, iFan có thích điều này?

Khi giới thiệu bộ đôi flagship Huawei P20/P20 Pro và mẫu smartphone siêu sang Porsche Design Mate RS với những tính năng cao cấp mà các flagship cùng năm khác không có, Huawei đã tự tin khẳng định rằng trong tương lai gần, họ sẽ vượt qua Apple, Samsung và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, dù cho có gặp đôi chút khó khăn ở một số thị trường như Mỹ, Anh, Úc. Và để làm được điều đó, Huawei đã vạch ra kế hoạch phát triển cấp tốc để có thể vượt qua các đối thủ của mình.

Huawei đang từng bước tạo nên chiếc iPhone X cho riêng mình

Dĩ nhiên P20/P20 Pro cũng mang trên mình những điểm mà Huawei sao chép Apple: màn hình "tai thỏ", vị trí camera kép Leica như iPhone X chứ không tách rời làm hai ống kính riêng như trên P10. Hay giắc cắm tai nghe 3.5 mm bị lược bỏ tương tự như các hãng điện thoại Android khác.

AirPods (trái) và FreeBuds (phải)

Bên cạnh đó, trong sự kiện ra mắt P20/ P20 Pro, Huawei còn giới thiệu thêm chiếc tai nghe không dây FreeBuds với kiểu dáng gần như giống hệt tai nghe AirPods của Apple. Dù vậy, không hẳn Huawei sao chép tất tần tật mọi thứ từ Apple, họ vẫn có cho mình những sáng tạo riêng: P20/P20 Pro được trang bị cảm biến vân tay ở mặt trước hay thiết kế của mẫu Porsche Design Mate RS khác xa so với iPhone X - không có "tai thỏ", cùng theo đó là hai bộ cảm biến vân tay, một cảm biến vân tay nhúng bên trong màn hình và một đầu đọc vân tay thứ hai ở mặt sau.

Huawei đã đi theo một chiến lược khác?

So với loạt sản phẩm Mate 10 ra mắt 6 tháng trước, ta có thể dễ dàng nhận ra chiến lược kinh doanh của Huawei đã thay đổi. Với chiếc Mate 10 Pro, nhà sản xuất Trung Quốc mang đến cho người dùng một thiết kế nổi bật với màn hình 18:9 viền siêu mỏng, mặt lưng kính với toàn bộ cụm camera kép được bố trí hài hòa, cân đối bên cạnh đèn flash kép, cảm biến lấy nét laser cùng đầu đọc vân tay. Và khi nhìn trên thị trường thì ít có sản phẩm nào "đụng hàng" với Mate 10 Pro, từ đó giúp cho Huawei trở nên khác biệt hơn bao giờ hết.

Có đôi lúc những thứ Huawei đang làm lại khiến người dùng khó hiểu hơn bao giờ hết. Tiêu biểu như trên chiếc Mate 10 Pro, công ty đã lược bỏ jack 3.5 mm trong khi bản Mate 10 thường lại được trang bị tính năng ấy. Có thể các kỹ sư của Huawei tin rằng công nghệ không dây sẽ phát triển hơn trong tương lai và việc loại bỏ giắc cắm trên Mate 10 Pro là cần thiết? Hay thậm chí Huawei còn không trang bị những thiết lập có ích trên phiên bản Android gốc lên EMUI hoặc các thao tác vuốt tiện lợi như iPhone X tương tự như các hãng điện thoại khác đang làm.

Về giá bán, dường như Huawei cũng đang học theo Apple. Chiếc iPhone X với giá ngàn đô đã được xem là đắt đỏ thì P20 Pro lại còn có giá cao hơn thế: 1.110 USD, đắt hơn 123 USD so với phiên bản tiền nhiệm. Dù vậy, CEO Richard Yu vẫn cho rằng mình không "hút máu" như Apple khi tung ra mẫu Porsche Design Mate RS 512GB với nhiều cải tiến cao cấp xứng đáng hơn rất nhiều so với mức giá 2.576 USD. Ngoài ra hãng còn tặng kèm củ sạc nhanh trong hộp máy chứ không buộc người dùng phải mua thêm nếu muốn sử dụng tính năng này như Apple.

Khi ở Trung Quốc hay Hoa Kỳ, Apple luôn là biểu tượng của "đắt xắt ra miếng", và rõ ràng Huawei cũng muốn người tiêu dùng nhìn nhận mình theo cách đó. Nếu muốn đánh bại Apple, Huawei phải trở thành Apple, thậm chí là một Apple tốt hơn chính bản thân Apple.

Tập trung vào camera

Nhờ hợp tác cùng Leica mà Huawei có thể tạo điểm nhấn cho sản phẩm của mình so với các nhà sản xuất Apple, Google hay Samsung luôn đi đầu trong mảng phần cứng máy ảnh, đồng thời cũng giúp hãng quảng cáo tốt hơn.

Nếu cứ khăng khăng Huawei đang copy Apple thì có lẽ bạn đã sai. Công ty Trung Quốc này đã tích hợp rất nhiều công nghệ đi trước Táo khuyết như công nghệ aptX HD, LDAC cho phép sử dụng tai nghe và loa không dây tốt hơn, khả năng sạc nhanh siêu tốc, tận dụng mọi nguồn lực của AI vào camera, và hãng cũng không tốn thời gian vào những thứ "vớ vẩn" như Animoji hay AR Emoji.

Cũng giống như Samsung, Google hay Apple, Huawei từ lâu đã nhận ra rằng những công nghệ tiên tiến mà họ trang bị cho chiếc flagship tuy tốt nhưng chúng ít được dùng trong các tác vụ hằng ngày và chỉ có camera mới là tính năng được cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Và với P20 Pro, công ty Trung Quốc đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc của mình khi trang bị cho máy cụm 3 camera chính đầu tiên trên thế giới hợp tác cùng Leica kèm theo đó là bộ cảm biến ảnh lớn hơn đáng kể so với các đối thủ, mang lại chất lượng ảnh vượt trội. Thậm chí ông Richard Yu còn nói đùa rằng nếu Apple trang bị những tính năng có trên P20 Pro thì có lẽ giá bán sẽ lên đến 1.500 Euro thay vì 899 Euro.

Rất nhiều trang chuyên đánh giá camera-phone như DxOMark đã dành tặng cho Huawei P20 Pro số điểm trên cả tuyệt đối – 114 điểm, vượt xa các đối thủ Galaxy S9, iPhone X và Google Pixel. Có thể nói Apple từ trước đến nay luôn là hãng smartphone chụp ảnh đẹp nhất nhưng giờ nó đã bị thay thế bởi một nhà sản xuất đến từ Châu Á. Nhờ vậy mà Huawei đã dễ dàng ghi điểm hơn trong lòng của các tín đồ thích chụp ảnh bằng smartphone. Hãng đã chứng minh rằng việc sử dụng tới 3 camera không phải chỉ để "trưng" hay để thu hút sự chú ý của báo chí.

Xây dựng và phát triển phần cứng riêng

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa Huawei và hầu hết các nhà sản xuất smartphone khác là các thiết bị của họ luôn sử dụng chipset "cây nhà lá vườn" Kirin. Và đây cũng chính là điểm tương đồng giữa cả ba nhà sản xuất lớn nhất thế giới khi sở hữu cho mình một bộ vi xử lý riêng tập trung vào những khía cạnh riêng biệt: Kirin 970 của Huawei được phát triển mạnh mẽ về AI cùng bộ xử lý thần kinh chuyên dụng (NPU) mà công ty có thể tận dụng triệt để nhằm tối ưu cả phần cứng lẫn phần mềm cho thiết bị, trong đó có camera của P20/P20 Pro. Chipset A11 Bionic của Apple cũng được phát triển theo hướng tương tự với khả năng máy học, kèm theo đó là bộ modem riêng tích hợp bên trong giúp con chip này hỗ trợ được tất cả các băng tần mạng trên thế giới.

Với việc xây dựng cho mình phần cứng riêng, Huawei có thể tối ưu toàn diện thiết bị của mình, giúp tăng khả năng xử lý đồ họa, thời lượng pin được kéo dài hơn. Đây cũng được xem như cách làm tương tự Apple, kiểm soát chặt chẽ từ phần cứng đến phần mềm nhằm mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng. Tuy nhiên bản chất của hệ điều hành Android cũng khiến công ty Trung Quốc bị hạn chế trong việc tối ưu ấy.

Lời kết

Rõ ràng, Huawei đang theo đuổi chiến lược kinh doanh mới mà họ tin rằng nó sẽ giúp mình vươn lên tầm cao mới, kết hợp những sáng tạo, đổi mới và học hỏi những trào lưu trong tương lai lại với nhau chính là công thức sản xuất smartphone cao cấp của hãng. Kết quả thu được là một thương hiệu nhắm đến phân khúc cao cấp nhất của thị trường sẵn sàng trang bị những lựa chọn công nghệ gây tranh cãi cho sản phẩm của mình, miễn sao chúng có thể giúp hãng đạt được mục tiêu cuối cùng. Một việc làm mà có lẽ ngay cả Samsung cũng do dự.

Và nếu mô tả về Huawei và P20 Pro thì bạn sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Sở hữu chất lượng camera và cấu hình phần cứng hàng đầu? Một thiết kế đẹp và đầy màu sắc? Có mức giá "trên trời"? Những điều này có làm bạn liên tưởng đến hãng điện thoại với logo là quả táo cắn dở hay không?

Thái Âu

Chủ đề khác