VnReview
Hà Nội

Mạng 5G: Cải tiến công nghệ, “cải lùi” thiết kế smartphone

Trong giai đoạn đầu phát triển điện thoại 5G, những smartphone mỏng nhẹ, hiện đại sẽ bị thay thế bởi những model thô kệch, xấu xí.

Phác thảo thiết kế điện thoại 5G của Qualcomm

Theo BGR, cuộc cách mạng 5G đã đến rất gần, và các nhà sản xuất smartphone chắc chắn sẽ muốn sản phẩm của mình hỗ trợ công nghệ này càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không như những cải tiến khác trên di động suốt thập kỷ qua như camera tốt hơn, chip xử lý nhanh hơn hay màn hình sắc nét hơn, 5G sẽ đòi hỏi một số thay đổi về thiết kế khiến thiết bị của bạn trông "lạc hậu" hơn bao giờ hết – ít nhất là đối với những người tiêu dùng đã quen với thiết kế mỏng, nhẹ, thời trang của smartphone ngày nay.

Nguyên nhân là bởi 5G sử dụng phổ tần số cao hơn nhiều so với những chuẩn kết nối di động mà chúng ta đang dùng ngày nay. Phổ tần số cao hơn sẽ giúp thiết bị đạt được tốc độ hàng gigabit mà giới công nghệ vẫn mong chờ suốt bấy lâu nay, nhưng phạm vi hoạt động của 5G sẽ nhỏ hơn đáng kể, khi khả năng đâm xuyên vật thể của sóng không tốt bằng 3G hay 4G.

Điều này ảnh hưởng gì đến thiết kế của smartphone? Vì khi chúng ta cầm điện thoại, bàn tay sẽ trở thành vật cản giữa ăng-ten của máy và trạm phát, khiến kết nối của máy bị chập chờn hoặc thậm chí mất hẳn. Để khắc phục vấn đề này, các nhà sản xuất sẽ phải thiết kế lại sản phẩm của mình với nhiều ăng-ten hơn, dẫn tới thay đổi trong vật liệu chế tạo cũng như cách tạo hình, kích cỡ của smartphone. Thiết kế mặt lưng kim loại chắc chắn sẽ bị "khai tử", khung thép không gỉ hay nhôm mà chúng ta thường thấy cũng sẽ cần phải được thay thế bằng vật liệu khác.

Phụ kiện 5G Moto Mod của Motorola với phần ăng-ten nhô lên không khác gì điện thoại của những năm 2000

Bên cạnh những giới hạn về thiết kế, có không ít hệ quả khác đủ để khiến smartphone 5G phải mất tới vài năm để trở nên phổ biến: cơ sở hạ tầng, giá cả gói dữ liệu,… Do đó, các nhà sản xuất smartphone có lẽ cũng chưa cần phải quá vội vã đánh đổi nhiều thứ như vậy chỉ để có thể tích hợp một công nghệ mà 90% khách hàng chưa thể tiếp cận được ngay. Chẳng hạn như Apple, gã khổng lồ xứ Cupertino luôn tỏ ra không mấy "hào hứng" trong cuộc đua công nghệ dữ liệu di động, nhất là khi nếu hãng phải đánh đổi thiết kế để làm được điều đó.

VH

Chủ đề khác