VnReview
Hà Nội

Hành trình tiến hóa từ điện thoại nắp trượt thành điện thoại camera popup

Các công ty điện thoại từng đưa ra nhiều quyết định về mặt thiết kế mà khi nhìn lại, chỉ có thể nhận định bằng một từ "tệ". Chúng ta đã thấy một số thiết kế smartphone khá nghèo nàn trong thập kỷ vừa qua, và phần lớn trong số chúng đều nhằm một mục đích duy nhất là tạo nên một thứ gì đó thú vị, cải tiến và mới mẻ.

Thế nhưng, "gậy ông đập lưng ông", những thiết kế đó lại không đáp ứng được kỳ vọng bởi chúng buộc nhà sản xuất lẫn người dùng phải hi sinh nhiều tính năng khác, hoặc bản thân chúng không hoạt động như mong đợi.

Một trào lưu thiết kế mới đang nổi lên, lần này không phải "tai thỏ" nữa, mà là camera popup. Khởi đầu với chiếc Vivo NEX có camera trước trông không khác gì kính tiềm vọng của tàu ngầm, đến chiếc Oppo Find X với một cơ chế trượt lớn hơn nhiều, chứa không chỉ cụm camera trước mà cả camera sau nữa.

Nhiều người dùng cho rằng sử dụng cơ chế trượt để giấu camera là một nỗ lực sáng tạo... tồi và yếu kém, không mang lại lợi ích thực tế nào. Nhưng nếu ngẫm kỹ, bạn sẽ thấy đó là một ý tưởng đầy thực dụng, một sự phát triển cần thiết - xét những hạn chế trong công nghệ ngày nay - để mang đến cho người tiêu dùng mọi thứ họ muốn. Không như đầu những năm 2000 - khi các điện thoại màn hình lật và trượt thống trị thế giới feature phone và smartphone - điện thoại thời ấy khá đơn giản, với thiết kế dạng thanh, màn hình nhỏ, và phần lớn mặt trước là bàn phím.

Khi nhu cầu của chúng ta đối với các tính năng mới thay đổi, các ưu tiên về phần cứng cũng thay đổi theo. Chúng ta muốn những màn hình màu lớn hơn, camera tốt hơn, do đó điện thoại nhanh chóng "phình" ra. Nhưng các điện thoại nhỏ vẫn được một nhóm đối tượng người dùng ưa thích, do đó các điện thoại màn hình lật xuất hiện với cả màn hình lớn và bàn phím tích hợp. Không lâu sau đó, nhu cầu của con người về độ lớn màn hình một lần nữa tăng lên, chúng ta sẵn sàng chấp một bàn phím nằm sau màn hình, và đó là lúc các điện thoại trượt dọc xuất hiện. Tất nhiên, sự tiến hóa của feature phone chưa dừng lại ở đó. Ở giai đoạn cuối trong quá trình chuyển tiếp lên smartphone, chúng ta thấy sự xuất hiện của các điện thoại trượt ngang hoặc có bản lề ở giữa với bàn phím QWERTY đầy đủ.

Quá trình phát triển phần cứng của feature phone và smartphone đời đầu đã để lại nhiều dấu ấn khó quên, từ các loại ăng-ten thò ra thụt vào, đủ kiểu cơ chế màn hình xoay, cho đến vô số thiết kế bàn phím. Điện thoại ngày ấy vẫn có tính cơ học rất cao, phụ thuộc vào các nút bấm vật lý và nhiều thành phần chuyển động đảm nhiệm các chức năng cơ bản của máy. Hầu hết trong số chúng đều là những yếu tố cần thiết trong thời kỳ mà các linh kiện vẫn chưa đủ nhỏ và công nghệ chưa đủ tốt để tạo ra những "con quái vật" nguyên khối làm được mọi thứ chúng ta muốn.

Trở về với hiện tại, chúng ta vẫn đang loay hoay giữa thế khó, nhưng là với smartphone. Các điện thoại hiện đại lúc này hầu hết đều nguyên khối, mọi thứ gắn kết với nhau hết sức chặt chẽ, với các cổng kết nối và các thành phần chuyển động bị cắt giảm hết mức có thể để nhường chỗ cho đủ loại công nghệ được nhồi nhét vào một thiết bị nhỏ gọn duy nhất. Các điện thoại trượt và lật đã chết. Nắp lưng và pin cũng không còn tháo ra được. Các nút bấm được thiết kế tối giản. Khe cắm thẻ nhớ hiếm như nước giữa sa mạc. Với sự xuất hiện của eSIM, trong tương lai khay SIM cũng sẽ biến mất, và khoảng hở lớn nhất trên điện thoại có lẽ chỉ còn cổng USB-C. Trên chiếc HTC U12+ mới ra mắt, thứ duy nhất thực sự chuyển động là module OIS (chúng rung quang học) của camera. Nhưng xu hướng này lại mâu thuẫn với một nhu cầu khác của người tiêu dùng: không được từ bỏ những tính năng phần cứng chủ chốt như vị trí đặt camera tiện lợi.

Có nghĩa là gì? Mọi người muốn smartphone có màn hình lớn hơn, nhưng kích cỡ máy phải nhỏ hơn. Họ không muốn viền màn hình, và lại ác cảm với "tai thỏ". "Được voi đòi tiên", người tiêu dùng còn không muốn camera, loa thoại, cùng các cảm biến được đặt ở một vị trí kỳ lạ. Kết quả là chúng ta chỉ còn cách quay lại với những chiếc điện thoại có các thành phần chuyển động - một tính năng từng đóng vai trò chủ chốt của các feature phone tiên tiến những năm 2004, nay được hiện đại hóa và tự động hóa để mang đến cho người dùng những tính năng phần cứng họ không hề muốn thấy nhưng không thể sống thiếu chúng được.

Phát triển và lắp ráp một module nhỏ, hay thậm chí cả một phần của đỉnh máy, có thể trồi lên làm lộ camera không phải là một điều dễ dàng. Đó là một thành tựu ấn tượng, cả trên quy mô nhỏ như chiếc Vivo NEX và quy mô lớn hơn như chiếc Oppo Find X. Và rõ ràng, cả hai điện thoại này đều phải hi sinh một số thứ nhỏ: chiếc NEX có kích cỡ khá lớn cùng cảm biến vân tay chậm chạp, trong khi Find X hoàn toàn không có cảm biến vân tay!

Nhưng khi mọi người nói rằng họ muốn màn hình lớn, thân máy nhỏ, và không viền, các công ty trả lời cách duy nhất họ có thể làm là đưa vào những thành phần di chuyển như trên. Trào lưu này có lẽ sẽ không tồn tại mãi. Nó sẽ chấm dứt khi công nghệ phát triển đủ cao. Còn ở thời điểm hiện tại, đây sẽ là thứ chúng ta học cách làm quen từ ít nhất một vài công ty smartphone muốn đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.

Minh.T.T

Chủ đề khác