VnReview
Hà Nội

Samsung cần tìm một lý do cho sự tồn tại của bút S-Pen, hoặc khai tử nó đi!

Tính năng điểm nhấn giúp phân biệt Galaxy Note với những chiếc điện thoại khác không phải là màn hình lớn, mà là cây bút cảm ứng. Tại sao? Bởi trong cả thập kỷ qua, hầu như chẳng có chiếc smartphone nào khác trang bị món phụ kiện đặc biệt này.

Bút cảm ứng là một truyền thống của dòng Note, nhưng oái ăm thay, trong bối cảnh hãng điện tử Hàn Quốc sắp sửa tung ra phiên bản thứ 9 của chiếc phablet trứ danh, hãng lại phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: thuyết phục người tiêu dùng thông thường lẫn người dùng Note ở khắp nơi trên thế giới rằng S-Pen đáng để sử dụng!

Bút cảm ứng đến thời điểm này vẫn là một thứ không mấy thông dụng trong thế giới smartphone, bởi nó…vô nghĩa. Bút S-Pen, cho đến chiếc Note 8, vẫn chỉ là một món phụ kiện đi kèm, nằm đó chẳng vì lý do gì ngoại trừ việc minh hoạ cho cái tên Note của máy. Đã đến lúc Samsung cần thay đổi điều đó.

Chỉ có ích với giới nghệ sỹ

Nếu bạn đọc đến đây và thấy cơn giận đang sục sôi, chúng tôi phải khẳng định một điều: cây bút này thực sự hữu ích với giới nghệ sỹ. Chỉ lũ nhóc chưa đi học mới vẽ bằng ngón tay, còn với những nghệ sỹ, khi cảm hứng bỗng nổi lên, cây bút cảm ứng trong tầm tay sẽ giúp tạo ra những tác phẩm thú vị. Ngoài ra, nếu bạn dùng bút S-Pen với chiếc Galaxy Tab S4, mọi chuyện còn hấp dẫn hơn nữa, bới đây là một chiếc tablet - ngôi nhà tự nhiên dành cho bút cảm ứng.

Các điện thoại ngày nay, đặc biệt là các thiết bị màn hình lớn, được thiết kế chuyên biệt để sử dụng bằng các ngón tay. Trước đây, khi công nghệ cảm ứng điện dung vẫn chưa phổ biến, chúng ta phải dùng một công nghệ khác là cảm ứng điện trở. Màn hình cảm ứng điện trở có độ nảy và đòi hỏi một lực nhấn nhất định mới ghi nhận một thao tác chạm (dùng móng tay sẽ cho hiệu quả cao nhất). Lúc đó, bút cảm ứng là một vị cứu tinh. Nhưng rồi màn hình cảm ứng điện dụng xuất hiện, "vị cứu tinh" bỗng trở nên lạc lõng.

Vị CEO quá cố của Apple là Steve Jobs nổi tiếng với việc… ghét bút cảm ứng. Ông khẳng định rằng nếu bạn nhìn thấy bút cảm ứng trên điện thoại đồng nghĩa với việc hãnh sản xuất đã thất bại, và đó là lý do tại sao chiếc iPhone đầu tiên không hề có món phụ kiện này. Với cách nhìn của Steve Jobs, Samsung và Galaxy Note 9 đã thất bại ngay cả khi nó chưa ra mắt. Đáng lo ngại hơn, trong một cuộc khảo sát trên Twitter do trang tin DigitalTrends tổ chức, không ít người dùng dòng Galaxy Note cho biết họ cũng chẳng tìm thấy lý do gì để sử dụng bút S-Pen cả. Trong số 200 người trả lời, có đến 61% nói rằng họ không sử dụng cây bút cảm ứng trên chiếc Note của mình.

Nếu thực sự đại đa số người dùng Galaxy Note cảm thấy bối rối với chiếc S-Pen như bài khảo sát trên, Samsung rõ ràng đã và đang thất bại, dù không phải theo cách mà Steve Jobs nghĩ. Nếu bạn sắp tích hợp một tính năng đặc biệt, gần như độc nhất vào chiếc điện thoại của mình, thật tội lỗi nếu nó vô dụng với mọi người.

Nhanh chóng bị quên lãng

Theo một biên tập viên trang tin DigitalTrends, dù anh rất thích dùng chiếc Note 8, nhưng trong suốt quá trình sử dụng anh chỉ rút chiếc S-Pen ra ngoài 2 lần, 1 trong 2 lần hiếm hoi đó là để… khoe với mọi người. Phần lớn thời gian còn lại, theo anh thì sử dụng ngón tay nhanh hơn nhiều vì Android vốn dĩ được thiết kế để dùng như vậy.

Anh này còn cho biết mình chẳng có năng khiếu hội hoạ nên cũng chẳng bao giờ thấy cần dùng chiếc S-Pen để vẽ vời. Mặt khác, menu lối tắt xuất hiện mỗi khi rút S-Pen ra không mấy hữu dụng khi mà ngón tay cũng làm được điều tương tự, và còn nhanh hơn nữa. Khi họp hành, anh sẽ chuyển sang dùng bút và giấy để ghi chú bởi anh không cần phải nhìn vào màn hình điện thoại vào lúc này. Cuối cùng, việc viết trên màn hình vẫn có cảm giác khá kỳ quặc vì…không có ma sát.

Nói một cách đơn giản: bút cảm ứng không phải là thứ dành cho tất cả mọi người. Đây là tính năng đã tồn tại đến gần 9 thế hệ, nhưng lại không nhận được nhiều đánh giá tích cực hay thậm chí được xem là một lý do lớn để mua chiếc Note. Ngay cả khi Samsung bổ sung cho S-Pen nhiều tính năng đồ hoạ, các nút bấm mới, và nhiều cấp độ cảm biến áp lực mới, bút cảm ứng S-Pen của Note vẫn là một kẻ lỗi thời. Một món phụ kiện còn sót lại từ thời công nghệ màn hình vẫn còn hoang sơ.

Ý nghĩa của bút S-Pen nằm ở đâu?

Vậy thì tại sao bút S-Pen vẫn xuất hiện trên Note 9? Đơn giản là Samsung đang quá ngoan cố, và hãng này cần một thứ gì đó xuất hiện trong các quảng cáo để nhắc mọi người rằng thứ họ đang thấy không phải là một chiếc S9 Plus. Đây là vấn đề, bởi dòng Galaxy Note trong vài năm trở lại đây ngày càng mất đi bản sắc, và ngày càng khó để phân biệt một chiếc Note với các mẫu Galaxy S Plus. Để S-Pen trở thành tính năng then chốt thu hút người dùng cho dòng Note là một ý tưởng tốt, dù hầu hết người dùng sau khi mua máy về chẳng hề đụng vào cây nút này. Samsung có lẽ biết điều này, do đó gần đây có tin đồn cho rằng chiếc Note 9 sẽ là chiếc Note cuối cùng. Nếu Galaxy Note không còn nữa, số phận bút cảm ứng cũng không khác là bao.

Quá khắt khe ư? Không đâu. Chúng ta luôn phàn nàn về việc các ứng dụng trùng lặp chức năng của nhau, hay các tính năng camera ngớ ngẩn như các bộ lọc thực tại tăng cường. Chúng chẳng mang đến điều gì hay ho cho trải nghiệm người dùng, mà đơn giản là bắt chước các ứng dụng hay dịch vụ khác vốn làm tốt hơn nhiều. Đối thủ truyền kiếp của S-Pen là ngón tay, không "dễ xơi" đâu!

Đúng là S-Pen khiến chúng ta phát điên, nhưng khi những tính năng chúng ta nghĩ bị giấu nhẹm đi bỗng được "đào lên", cẩn thận "đánh bóng" và trưng ra trước mắt, chúng sẽ nhanh chóng trở nên đáng mong đợi. BlackBerry Key2 là một ví dụ. Chúng ta không thực sự muốn bút cảm ứng của Note biến mất. Nó cần một lý do để tồn tại. Không chỉ tồn tại để phục vụ giới nghệ sỹ, mà phải để phục vụ mọi người dùng dòng Note.

Note 9 sẽ cứu rỗi bút cảm ứng?

Samsung đã nói rằng họ muốn cải thiện các tính năng chủ chốt của dòng Note với chiếc Note 9, và chỉ có một số rất ít tính năng mang tính biểu tượng như S-Pen. Có tin đồn rằng cây bút này sẽ được tích hợp kết nối Bluetooth cùng một nút bấm phụ thêm hoạt động như nút điều khiển camera từ xa, và thú vị nhất là hoạt động như một thiết bị điều khiển game.

Nintendo đã biến bút cảm ứng thành một thiết bị điều khiển game khá tốt trên chiếc 3DS, và Samsung cũng có thể làm điều tương tự. Như vậy, S-Pen sẽ hữu ích với giới nghệ sỹ, game thủ, fan selfie, và cả những người thường xuyên ghi chú nữa. Nhưng vẫn còn nhiều đối tượng khác cần một lý do để rút bút ra mỗi ngày thay vì chỉ dùng ngón tay...cho nhanh.

Không có lý do để dùng S-Pen, người dùng sẽ tìm đến chiếc S9 Plus rẻ hơn nhưng vẫn gần như giống hệt về tính năng, hoặc đợi chiếc điện thoại gập vào năm sau của Samsung. Nếu Samsung không thể cho bạn một lý do để muốn bút cảm ứng, đừng bỏ tiền ra để mua một thiết bị có bút cảm ứng chỉ để thể hiện bản thân.

Minh.T.T

Chủ đề khác