VnReview
Hà Nội

Những điều thú vị bạn có thể làm khi sở hữu smartphone với ba camera chính

Huawei P20 Pro, Oppo R17 Plus và sắp tới là LG V40, có thể cả Galaxy S10 nữa, trào lưu tiếp theo được thị trường smartphone đón nhận sau "tai thỏ" rất có thể sẽ là 3 camera chính thay vì chỉ 2 như đại đa số ngày nay.

Bài viết thể hiện quan điểm của trang tin Android Authority, được VnReview biên dịch và tổng hợp để bạn đọc tham khảo.

Khi cuộc đua số chấm camera trên smartphone đã là chuyện của nhiều năm về trước, giờ đây, các nhà sản xuất đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến mới: số camera trên smartphone của mình, với phát súng đầu tiên do cái tên đến từ Trung Quốc Huawei "khai hỏa".

Với 3 camera chính ở mặt sau, bao gồm một cảm biến độ phân giải cao 40MP, một cảm biến đơn sắc và một ống kính tele, có thể nói Huawei P20 Pro, với 109 điểm DxOMark (tất nhiên, điểm số này chỉ mang mục đích tham khảo và chứa ý kiến chủ quan của người đánh giá) đã mở ra một trào lưu mới trên smartphone, với hai cái tên đầu tiên "hưởng ứng" là Oppo và LG.

Độ phân giải ảnh cao hơn

Tại sao phải chụp những bức ảnh 12MP khi bạn có thể tùy chọn lên đến 40MP? Đó là quan điểm của Huawei với chiếc P20 Pro. Những camera có độ phân giải cao như vậy rõ ràng sẽ không khác gì "lấy dao mổ trâu để giết gà", thừa thãi đối với mục đích đăng lên Facebook hay thậm chí là nhu cầu in ấn, nhưng nó sẽ tỏ ra hữu ích khi chúng ta zoom và cắt ảnh. Tại sao phải cân nhắc mua một ống tính tele 2x trong khi chúng ta có thể cắt từ một bức ảnh có độ phân giải cao hơn?

Các camera có độ phân giải cao hiếm khi được tích hợp vào bên trong smartphone, một phần bởi vì giới hạn không gian nên phải đánh đổi kích thước pixel nhỏ hơn, dẫn đến ảnh nhiễu hơn và chụp thiếu sáng kém hơn. Tuy nhiên, kết hợp nó với một cảm biến đơn sắc (monochrome) sẽ giúp cải thiện khả năng chụp trong tối, đi cùng với kỹ thuật "ghép điểm ảnh" (pixel binning) và các công nghệ phần mềm gộp hình thông minh sẽ giúp camera độ phân giải cao phát huy được tiềm năng của mình.

Điều chỉnh khẩu độ

Pixel binning có thể là một cách thuận tiện để cải thiện hiệu năng chụp thiếu sáng trong những cảm biến độ phân giải cao, nhưng về cơ bản, khẩu độ là một trong những yếu tố vật lý ảnh hưởng trực tiếp đến độ sáng của ảnh, và vì thế, camera trên smartphone cũng nên tận dụng khả năng thay đổi khẩu độ, tương tự như những chiếc máy flagship mới nhất của Samsung.

Khẩu độ là một trong những yếu tố chính để xác định lượng ánh sáng có thể đến được cảm biến là bao nhiêu. Nhiều ánh sáng hơn sẽ đồng nghĩa với việc bức ảnh trở nên sáng hơn khi chụp trong tối và ít nhiễu hơn. Tất nhiên, sẽ phải có sự cân bằng với tiêu cự và chất lượng ống kính khi thay đổi khẩu độ, nhưng đó lại là giải pháp tốt cho sự giới hạn kích thước của smartphone hiện tại. Ngoài ra, việc người dùng có thể thay đổi khẩu độ cũng cho phép họ kiểm soát độ xóa phông của camera hơn.

Không chỉ duy nhất một cảm biến, sử dụng công nghệ này trên hai hay thậm chí ba ống kính có thể tăng khả năng chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu cho các camera tele hay góc rộng. ;

Zoom xa hơn

Chúng ta có thể tìm thấy ống kính tele 2x trên những chiếc smartphone flagship ở hiện tại, nhưng P20 Pro là thiết bị duy nhất cho phép zoom xa hơn với hệ số 3x. Vậy tại sao không phải là 4x hay 5x? Bởi tuy khả năng zoom quang học xa hơn sẽ cung cấp nhiều tùy chọn chụp hơn, nó có thể gây ra sự khó chịu nếu ứng dụng chụp ảnh không chuyển đổi một cách mượt mà giữa các mức zoom.

Sự tối ưu tốt nhất cho khả năng zoom phải đến từ việc kết hợp giữa phần cứng và phần mềm. Chúng ta thừa biết rằng nhiều hay thậm chí là một camera cũng có thể tạo ra những hình ảnh có độ phân giải siêu cao, giúp bức ảnh trở nên đẹp hơn so với cách zoom kỹ thuật số. Hybrid Zoom của Huawei cho thể zoom đến 5x, trong khi công nghệ Super Zoom cũ của Oppo lại có thể tạo ra những hình ảnh 50MP có độ chi tiết cực cao và có thể cắt ra. Hi vọng, trong tương lai, chúng ta sẽ thấy các công nghệ tương tự hoặc tốt hơn đến từ các nhà sản xuất khác.

Chụp ảnh góc rộng

LG đã đưa camera góc rộng lên cụm camera kép trên dòng V và G của mình, và Samsung có thể cũng sẽ tận dụng ý tưởng này cho chiếc flagship Galaxy S10 sắp tới. Ý tưởng này cũng được áp dụng vào camera trước, cho phép bạn lấy được nhiều khung cảnh môi trường xung quanh hơn khi chụp selfie.

Nhiều nhiếp ảnh gia luôn mong muốn có một ống kính góc rộng. Nó giúp cho họ có thể bắt được khung cảnh rộng hơn, khiến nó phù hợp hơn cho phong cảnh. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào chúng ta cũng cần góc rộng. Thế nên, nó sẽ rất tuyệt vời nếu được đưa vào cảm biến thứ hai hoặc thứ ba. Tất nhiên, sẽ có người thích zoom quang học xa hơn, có người lại thích ống kính góc rộng hơn. Vậy phải làm thế nào? Đưa cả hai vào, tất nhiên!

Xác định độ sâu

Xóa phông (bokeh) là một trong chế độ được yêu thích của nhiều nhiếp ảnh gia. Smartphone hiện nay cũng đã có thể thực hiện hiệu ứng này dựa vào phần mềm. Ngoài ra, nó vẫn có thể thực hiện điều này với hai camera có chung tiêu cự, trong đó bao gồm một "cảm biến độ sâu" chuyên dụng nhằm tạo ra một bức ảnh tuyệt vời nhưng mức giá vẫn rất rẻ.

Quay lại năm 2014, HTC đã đưa một cảm biến độ sâu 4MP chuyên dụng vào One M8, và ý tưởng này hiện tại vẫn còn được duy trì trên những chiếc smartphone như Xiaomi Pocophone F1 có một camera thứ hai 5MP chỉ để nhận diện độ sâu. Cảm biến chuyên dụng này không cần phải có độ phân giải hay chất lượng cao, nó chỉ cần đủ tốt để thuật toán phần mềm có thể phát hiện các góc cạnh của vật thể.

Nếu bạn thích thú với hiệu ứng bokeh thì hãy để ý đến những chiếc smartphone có cảm biến độ sâu chuyên dụng. Ngoài ra, các cảm biến chuyên dụng cũng được sử dụng để tạo bản đồ 3D, tương tự như những gì mà Google đã thực hiện với công nghệ (nay đã bị bỏ rơi) Tango của mình.

HDR và chụp thiếu sáng tốt hơn

Ít thú vị hơn, nhưng vẫn rất hữu dụng, chính là sử dụng thêm một camera bổ sung để cải thiện khả năng chụp thiếu sáng. Nhiều smartphone đã thực hiện điều này, với những cảm biến monochrome độ phân giải cao giúp tăng độ nhạy sáng trong môi trường ánh sáng yếu và tăng độ chi tiết dải tần nhạy sáng. Nếu bạn muốn một bức ảnh HDR không bị rung mờ do việc kết hợp các tấm hình khác nhau với những độ phơi sáng khác nhau trong quá trình xử lý HDR, tốt nhất bạn nên có một cảm biến monochrome chuyên dụng.

Bên cạnh đó, sử dụng cảm biến camera có kích thước điểm ảnh lớn hơn cũng cho kết quả tương tự. Ví dụ như công nghệ UltraPixel trước đây của HTC. Hồi sinh nó để chuyên chụp ảnh ban đêm, cùng với đó là một camera chính thông thường như bao điện thoại khác cũng là một ý tưởng không tồi.

Nếu không thì pixel binning vẫn là một cách tốt để giảm độ phân giải xuống thấp hơn nhưng lại chụp tốt hơn trong môi trường ánh sáng yếu. Không chỉ Huawei sử dụng công nghệ này cho P20 Pro, Xiaomi cũng áp dụng nó cho chiếc Mi A2 mới của mình với một cảm biến Super Pixel có khả năng kết hợp 4 điểm ảnh vào thành 1 với kích thước 2um lớn hơn, cho ra ảnh chụp 5MP trong điều kiện thiếu ánh sáng. Tương tự vậy, LG V30 ThinQ cũng có chế độ Bright Mode cho phép chụp ra bức ảnh 4MP từ camera 16MP.

Công nghệ pixel binning có thể sẽ là tương lai của việc chụp ảnh thiêu sáng trên smartphone. Nhưng nếu các nhà sản xuất tận dụng nó đưa lên ống kính tele thì quả là tuyệt vời.

Minh Hùng

Chủ đề khác