VnReview
Hà Nội

Smartphone nhiều ống kính: xu thế lớn tiếp theo trong nhiếp ảnh di động?

Chiếc smartphone 5 camera của Nokia vừa bị rò rỉ cách đây vài ngày trông khá thú vị (hay kỳ quặc tùy theo quan điểm của mỗi người). Dù có thiết kế độc đáo, nhưng Nokia lại không phải là hãng đầu tiên tích hợp nhiều ống kính đến vậy vào một chiếc điện thoại di động.

Có thể bạn chưa biết, vào năm 2015, đã có một chiếc smartphone được trang bị đến 16 camera - chiếc Light L16 - và có vẻ như năm nay, công ty tạo ra chiếc smartphone nhiếp ảnh siêu khủng này đang nhăm nhe tung ra thị trường một bản nâng cấp mới của L16.

Thế nhưng Light L16 lại đến từ một tên tuổi không được nổi tiếng lắm trên thị trường. Khi nói đến các ông lớn, chúng ta có Huawei với flagship Huawei P20 Pro được trang bị cụm 3 camera ở mặt sau. Điện thoại 3 camera đã xuất hiện, thì việc tiến lên 5 camera cũng chỉ còn là vấn đề về thời gian mà thôi. Nhưng có một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây: trang bị nhiều camera vào một chiếc điện thoại để làm gì?

Bạn có thể làm gì với quá nhiều ống kính như vậy?

Trên thị trường smartphone hiện nay có rất nhiều loại cảm biến camera. Tại sao lại phải lựa chọn giữa cảm biến góc rộng, telephoto, cảm nhận chiều sâu, hay monochrome, khi bạn có thể mang tất cả số đó vào một thiết bị duy nhất?

Về mặt lý thuyết, điều này có thể thực hiện được, nhưng một chiếc smartphone như vậy sẽ có thiết kế cực khó để sử dụng, với phần mềm chụp ảnh sẽ phải tự động chuyển đổi giữa tất cả các chế độ chụp hoặc đưa ra một loạt các tùy chọn phức tạp để người dùng tự lựa chọn. Chưa hết, sản xuất ra một chiếc điện thoại nhiều ống kính sẽ rất tốn kém, trong khi tính hữu dụng lại là một điều cần phải xem xét. Mỗi camera sẽ hoạt động độc lập và người tiêu dùng nhiều khả năng chẳng bao giờ sử dụng hết tất cả các chế độ chụp mà họ được cung cấp. Hơn nữa, có ai chắc rằng người tiêu dùng sẽ chấp nhận chi thêm tiền cho những tính năng như vậy hay không? Muốn bán được, những chiếc điện thoại nhiều ống kính phải làm được nhiều điều hơn chỉ là chụp ảnh đơn thuần.

Chiếc Huawei P20 Pro đã cho chúng ta thấy nhiều camera có thể kết hợp cùng nhau để tạo ra những kết quả thú vị như thế nào. Chúng ta đang nói đến công nghệ Monochrome và Hybrid Zoom của Huawei. Monochrome giúp cải thiện dải tần nhạy sáng của những bức ảnh thông thường bằng cách kết hợp dữ liệu từ các cảm biến RGB chuẩn và cảm biến trắng-đen nhạy sáng. Phần mềm Hybrid Zoom thậm chí còn tham vọng hơn, kết hợp dữ liệu từ nhiều camera để tạo ra những hình ảnh độ phân giải cao hơn, có chất lượng zoom tốt hơn. Trong trường hợp của P20 Pro, ống kính telephoto 8MP có thể tạo ra những hình ảnh độ phân giải 10MP ở cả mức zoom 3x và 5x.

Huawei P20 Pro với 3 camera sau

Độ phân giải cao hơn, nhiếp ảnh linh hoạt hơn

Chiếc Light L16 hoạt động theo cách tương tự, nhưng nó sử dụng các kính tiềm vọng để đưa các module camera vào thân máy vốn khá nhỏ nhắn. Camera của L16 thu dữ liệu từ các module ống kính 28mm, 70mm và 150mm, tùy thuộc vào mức độ zoom. Kết quả là chúng ta có được một bức ảnh lớn 52MP tạo ra từ 10 góc nhìn khác nhau, cho phép zoom quang học lên đến 5x. Mẫu L16 mới có thể tận dụng từ 5 đến 9 ống kính cùng lúc, cho ra những bức ảnh với độ phân giải thậm chí còn cao hơn: 64MP.

Việc ghép nhiều hình ảnh lại với nhau còn giúp cải thiện hiệu năng chụp thiếu sáng và HDR thông qua sử dụng nhiều khẩu độ khác nhau. Bạn cũng sẽ có được hiệu ứng DoF (độ sâu trường ảnh, hay nói dễ hiểu là hiệu ứng xóa phông) chất lượng cao nhờ kết hợp giữa giả lập phần mềm và sử dụng nhiều tiêu cự khác nhau.

Chiếc Light L16 đời đầu không đạt được hiệu năng như mong đợi, nhưng ý tưởng đằng sau nó có rất nhiều hứa hẹn. Phiên bản tiếp theo có thể là một bom tấn thực sự, và hãng sản xuất đã công bố rằng chiếc smartphone mới được trang bị nhiều ống kính của họ sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay.

Light L16 với 16 ống kính trên thân máy

Trước đây Nokia từng nghiên cứu về điện thoại nhiều camera với thương vụ đầu tư vào Pelican Imaging từ năm 2013. Không như Light, cảm biến hình ảnh trên chiếc Nokia này nhỏ hơn nhiều. Dù vậy, công nghệ của Nokia vẫn dựa trên ý tưởng tương tự và được quảng cáo là có những lợi ích tương tự, bao gồm tính năng lấy nét lại (refocus) bằng phần mềm, tạo bản đồ chiều sâu, và chụp ảnh độ phân giải siêu cao. Không may là Tessera đã mua lại Pelican Imaging vào năm 2016, nhưng ý tưởng về điện thoại nhiều ống kính chắc chắn vẫn nằm trong kế hoạch của Nokia.

Zeiss, đối tác camera hiện tại của Nokia, nắm giữ một bằng sáng chế về thiết kế zoom có thể chuyển đổi, nhưng chúng ta vẫn chưa được nghe nhiều về chiếc điện thoại nhiều ống kính từ họ. Một đối tác khác của Nokia, FIH Mobile - sở hữu bởi Foxconn - hãng sản xuất điện thoại Nokia và cũng từng đầu tư vào Light vào năm 2015, nhờ đó có được giấy phép sử dụng công nghệ này.

Điện thoại nhiều ống kính của Nokia vừa bị rò rỉ

Nếu bạn chợt nhận ra có điểm tương đồng giữa chiếc Nokia bị rò rỉ với hình ảnh mockup của Light ở đầu bài, có lẽ đó chẳng phải là điều trùng hợp đâu. Foxconn là mối liên kết chính giữa hai công ty. Có phải thiết bị của Nokia sẽ chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng công nghệ của Light vào cuối năm nay?

Tương lai đây chăng?

Nhiếp ảnh độ phân giải siêu cao không phải là một khái niệm mới - chiếc Oppo Find 7 vào năm 2014 từng sử dụng một ý tưởng tương tự, và thông qua Hybrid Zoom, Huawei đã nâng cấp công nghệ này để hoạt động với nhiều camera. Trước đây, vấn đề với công nghệ nhiếp ảnh độ phân giải siêu cao là nó đòi hỏi sức mạnh xử lý, chất lượng thuật toán, và mức tiêu thụ điện năng "khủng". Nhưng các smartphone hiện đại ngày nay đều được tích hợp những chip xử lý tín hiệu hình ảnh mạnh mẽ hơn nhiều, những bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số tiết kiệm năng lượng, và thậm chí là khả năng xử lý mạng thần kinh tiên tiến, nhờ đó vấn đề hóc búa kia đã được giải quyết phần nào.

Mức độ chi tiết cao, khả năng zoom quang học, và hiệu ứng bokeh (xóa phông) có thể tùy biến được hiện là những yêu cầu hàng đầu đối với các smartphone hiện đại, và công nghệ nhiều ống kính chắc chắn có thể giúp đạt được những tiêu chuẩn đó. Thay vì sử dụng nhiều camera riêng biệt cho các tính năng khác nhau, kết hợp nhiều camera vào một thiết bị duy nhất để cung cấp những khả năng tiên tiến và linh hoạt chính là tương lai của nhiếp ảnh di động.

Vẫn còn một số câu hỏi xoay quanh công nghệ của Light, đặc biệt liên quan đến việc ghép các hình ảnh từ nhiều tiêu cự khác nhau. Chúng ta sẽ phải đợi để xem liệu mọi thứ có tốt hơn không khi Light công bố thế hệ 2 của thiết bị 16 ống kính của hãng.

Minh.T.T

Chủ đề khác