VnReview
Hà Nội

Nếu Steve Jobs còn sống, liệu iPhone XS Max với màn hình 6.5 inch có thể tồn tại không?

Đây có lẽ là một câu hỏi khó vì Steve Jobs vốn được biết là một người theo đuổi chủ nghĩa sáng tạo, tiện dụng và quan điểm của ông là "chẳng khách hàng nào muốn mua một chiếc iPhone màn hình lớn cả".

Kể từ khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, Apple đã liên tục thay đổi và vượt qua nhiều giới hạn trong tư duy sản phẩm nhằm bắt kịp xu thế.

Tới nay sau hơn 7 năm, Apple dưới triều đại Tim Cook đã thực sự lột xác, trở thành công ty Mỹ đầu tiên vượt qua cột mốc giá trị vốn hóa nghìn tỷ đô và có những thay đổi quan trọng về kích thước màn hình.

Bộ ba iPhone XS, XS Max và iPhone XR đã ra mắt thị trường vào ngày 13/9 vừa qua. Trong đó, điểm nhấn không thể bỏ qua chính là iPhone XS Max với màn hình lên tới 6.5 inch. Thực tế thì kích thước của máy chỉ bằng một chiếc iPhone 8 Plus với màn hình 5.5 inch nhờ đã được tối ưu viền màn hình.

Với kích thước lên tới 6.5 inch, iPhone XS Max thực sự đã đi ngược lại quan điểm của Steve Jobs về màn hình lớn. Lúc này nhiều người tự hỏi, liệu rằng nếu Steve Jobs còn sống và điều hành Apple, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của iPhone XS Max hay không?

Theo PhoneArena, Jobs luôn ủng hộ màn hình 3.5 inch vì nó cho phép ngón tay cái của họ có thể kiểm soát toàn màn hình dễ dàng hơn. Ông cho rằng, sẽ chẳng có ai quan tâm tới việc mua một chiếc điện thoại màn hình lớn. Trước đó vào năm 2010, Jobs khẳng định Apple sẽ không bao giờ ra mắt iPhone màn hình lớn vì "sẽ chẳng ai mua chúng cả".

Thế nhưng, mọi thứ đã xoay vần kể từ khi Motorola ra mắt chiếc Motorola DROID X với màn hình 4.3 inch vào tháng 5/2010. Giới công nghệ đã dần chú ý hơn tới màn hình lớn và tiềm năng của nó trong tương lai.

Nhưng Steve Jobs lại đột ngột qua đời do căn bệnh ung thư tuyến tụy vào tháng 10/2011, bỏ lại một Apple đơn độc, không rõ sẽ theo đuổi triết lý sáng tạo hay chạy theo xu hướng để đem lại lợi nhuận cao nhất.

Sau đó, Tim Cook đảm nhiệm vai trò CEO điều hành Apple và tất nhiên triết lý kinh doanh của Cook ai cũng đã rõ kể từ iPhone 5 tới nay. Đó là sự hợp thời và phải đón đầu xu hướng.

Bạn còn nhớ năm 2011, khi Galaxy S II với màn hình 4.2 inch trở thành cơn sốt lúc bấy giờ trên thị trường Android và sau đó là Galaxy Note với màn hình 5 inch ra mắt vào tháng 10/2011 không? Một năm sau đó, Apple bất ngờ cho ra mắt chiếc iPhone 5 với màn hình 4 inch đầu tiên, chính thức đánh dấu sự thay đổi của Apple nhằm phù hợp với xu hướng màn hình lớn.

Tới năm 2014, Apple lại tiếp tục phá vỡ lời thề của Steve Jobs khi lần đầu tiên mở rộng kích thước màn hình lên tới 5.5 inch trên model iPhone 6 Plus.

Kể từ khi bộ đôi iPhone 6/6 Plus ra mắt, đánh dấu bước chuyển mình đầu tiên từ iPhone màn hình 4 inch lên 4.7 inch và 5.5 inch, đã có nhiều hoài nghi về sự thành công của bộ đôi iPhone mới và quyết định của Tim Cook. Nhưng rồi mọi thứ lại diễn biến theo hướng chưa bao giờ tốt đẹp hơn với Apple lúc bấy giờ. Đó có thể coi là siêu chu kỳ thành công nhất trong lịch sử của hãng.

Kể từ khi bộ đôi iPhone 6/6 Plus ra đời, đã có nhiều bài viết chỉ ra sự khác biệt trong cách điều hành giữa Steve Jobs và Tim Cook. Nếu như Jobs là người tận tụy với công việc sáng tạo và nâng tầm các sản phẩm, danh tiếng cho Apple thì với Tim Cook, ông được coi là người đã tạo ra cỗ máy in tiền hiệu quả nhất cho Apple tính tới nay.

Lật lại vấn đề ban đầu, Apple đang sống dưới triều đại của Tim Cook và không ai rõ nếu Steve Jobs còn sống và tiếp tục điều hành Apple tới nay, liệu hãng có cho ra mắt những chiếc iPhone màn hình khủng như iPhone XS Max 6.5 inch hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Bởi lẽ dù khăng khăng giữ quan điểm đến mấy nhưng nếu không đem lại hiệu quả và lợi ích thì Steve Jobs hoàn toàn có thể thay đổi vì một Apple ngày càng lớn mạnh hơn.

Nhưng tất nhiên, phỏng đoán chỉ là phỏng đoán vì Steve Jobs không còn trên đời nữa. Điều người dùng mong mỏi ở Apple đó chính là sự thay đổi và dám đột phá đã xuất hiện kể từ iPhone 6/6 Plus. Nhưng cũng kể từ đây, Apple của thuyền trưởng Tim Cook không còn được coi là công ty sáng tạo nhất trong làng công nghệ mà được ví như công ty kinh doanh theo đúng nghĩa, chỉ sản xuất và bán tới tay người tiêu dùng.

Mai Huyền

Chủ đề khác