VnReview
Hà Nội

Android bước sang tuổi thứ 10: Đây là 5 tính năng chúng ta vẫn dùng từ Android 1.0

Vào ngày 23/08/2008, tức cách đây 10 năm, Android chính thức ra đời. Phiên bản đầu tiên của hệ điều hành di động này được tích hợp bên trong chiếc máy HTC Dream, hay còn có tên gọi khác là T-Mobile G1. Đây là thiết bị đi vào lịch sử của Android, sở hữu một giao diện cảm ứng kèm với một bàn phím vật lý được thiết kế theo dạng trượt ngang.

Dù Android 1.0 thiếu rất nhiều tính năng, nó không hề có một trình phát video được tích hợp sẵn hay không hỗ trợ kênh stereo cho Bluetooth, thậm chí còn chẳng có nổi một cái biệt danh để phân biệt trong tương lai, thế nhưng, nó lại là nền tảng cho thế giới smartphone ở hiện tại.

Cho đến nay, sau 10 năm kể từ ngày ra mắt, chúng ta vẫn sử dụng không ít những tính năng của Android 1.0. Tên của chúng có thể đã thay đổi, bộ tính năng của chúng có thể đã được mở rộng, nhưng những gì cốt lõi của chúng sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa.

Android Market (tiền thân của Google Play Store)

Điều gì sẽ xảy ra khi một thiết bị Android không được tích hợp kho ứng dụng? Dĩ nhiên, có rất nhiều ứng dụng cần thiết đã được cài đặt sẵn bên trong Android 1.0 nhưng không có nghĩa như vậy là đã đủ. Điển hình như việc bạn phải tải một phần mềm bên thứ ba mới có thể xem được video vì lúc đó nó chưa được tích hợp sẵn bên trong Android.

Android Market là nơi bạn sẽ tìm thấy những ứng dụng mà bạn cần cho chiếc HTC Dream. Tuy nhiên, những ngày đầu, Android Market cũng chẳng có gì nhiều: chỉ có 13 ứng dụng được đưa lên (nhưng may mắn là chúng miễn phí!). Chỉ 13.

Khi Google mở cửa Android Market cho các lập trình viên đưa ứng dụng của mình lên thì số lượng ứng dụng đã tăng khá đáng kể, nhưng đến cuối năm 2008, con số ứng dụng chỉ là khoảng 200.

Vào năm 2012, Google gộp Android Market với 2 dịch vụ khác của mình, bao gồm Google Music và Google eBookstore, và đổi tên thành Google Play.

Đồng bộ hóa

Nhớ lại ngày trước, chúng ta phải lưu trữ danh bạ vào SIM. Và khi bạn mua một chiếc điện thoại mới, bạn sẽ phải gắn SIM vào và thực hiện thao tác lưu lại danh bạ từ SIM vào máy. Thời bấy giờ chưa xuất hiện các dịch vụ đám mây.

Thậm chí cho đến bây giờ, bạn vẫn có tùy chọn lưu danh bạ từ SIM trên Android, thế nhưng, hầu như mọi người giờ đã có cách tốt hơn: lưu danh bạ trên Google Contacts và không còn phải lo lắng không biết ai đã liên hệ với mình khi đổi điện thoại mới.

Với Android 1.0, các ứng dụng đã có thể đồng bộ, ví dụ như Google Contacts, Gmail hay Google Calendar. Ví dụ, nếu bạn thêm một sự kiện trên Google Calendar trên smartphone, nó sẽ đồng bộ với dịch vụ này trên web, giúp bạn có thể theo dõi một cách tiện nhất bất kể là hệ thống nào.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đồng bộ dữ liệu của bạn với các ứng dụng bên thứ ba như Microsoft Outlook. Chính điều này làm cho khả năng đồng bộ hóa của Android trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Đồng bộ hóa có vẻ như là một điều nhỏ nhưng nó lại là nền tảng của các ứng dụng smartphone ở hiện tại.

Sắp xếp ứng dụng

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa Android và các đổi thủ khác, kể cả cho đến bây giờ, chính là việc người dùng có thể sắp xếp ứng dụng. Không như iOS, xuất hiện cùng lúc với Android 1.0 và nó chỉ đưa ứng dụng vào màn hình chính mà không có bất cứ sự sắp xếp nào, các ứng dụng Android được sắp xếp lại một cách chặt chẽ.

Khi bạn cài đặt một ứng dụng mới, nó sẽ được đưa vào app drawer, một cách rất mới và tuyệt vời để đảm bảo màn hình chính của bạn không bị lộn xộn. Với app drawer, các ứng dụng sẽ được sắp xếp theo tên, giúp bạn có thể tìm kiếm thứ mình cần dễ dàng và nhanh chóng.

Nếu bạn muốn đưa ứng dụng ra màn hình chính thì bạn vẫn có thể đặt nó bất cứ vị trí nào bạn thích và thậm chí là có thể gộp chúng vào một thư mục.

Ngoài ra, một số ứng dụng còn hỗ trợ widget, cho phép bạn đặt nó trên màn hình chính và giúp bạn truy cập nhanh vào các tính năng mà không cần chạy toàn bộ ứng dụng.

Tất cả các tính năng này của Android hiện đang được dùng rất phổ biến và rất ít thay đổi trong 10 năm qua. Rõ ràng, việc Android tích hợp chúng vào những ngày đầu quả là một thứ hay ho.

SMS và MMS

SMS và MMS đã rất phổ biến vào thời bấy giờ, và nếu Android 1.0 không hỗ trợ thì quả là một điều ngu ngốc. Vậy mà lúc đấy, Apple không hề hỗ trợ MMS trên chiếc iPhone đầu tiên của mình vì một vài lý do. Phải đến năm 2009, khi họ tung ra iPhone 3GS cùng iPhone OS 3.0 thì người dùng iPhone mới có thể gửi các tin nhắn hình ảnh đến bạn bè.

Trớ trêu thay, SMS và MMS giờ đây đã lỗi thời. Google hiện cũng đang phát triển một giao thức nhắn tin mới tốt hơn nhằm cạnh tranh với iMessage của Apple. Nhưng tại năm 2008, Android 1.0 của Google đã đi trước một bước.

Thông báo

Nghe có vẻ thật ngớ ngẩn nhỉ? Bởi mọi hệ điều hành di động đều có một hệ thống thông báo riêng.

Tuy nhiên, nếu chú ý, bạn sẽ thấy Android có 2 công cụ làm nó hơn mọi hệ điều hành khác khi thông báo ứng dụng, đó chính là việc kéo khu vực thông báo xuống và thanh trạng thái. Cả hai đều được tích hợp ngay từ Android 1.0.

Thanh trạng thái rất đơn giản. Nó chỉ là một phần nhỏ, luôn hiển thị ở trên đầu màn hình với một hàng biểu tượng, giúp cho bạn biết những thông báo của ứng dụng nào mà bạn chưa xem. Bạn sẽ không phải cuộn màn hình chính để tìm dấu chấm đỏ (e hèm, iPhone).

Và nếu bạn vuốt thanh trạng thái từ trên đỉnh xuống thì bạn sẽ thấy một khu vực thông báo. Khu vực này sẽ hiển thị toàn bộ các thông báo xuất hiện dưới dạng biểu tượng trên thanh trạng thái.

Đấy mới là điểm thú vị thời bấy giờ. Nếu Android 1.0 không có một hệ thống thông báo tuyệt vời như vậy thì hãy tưởng tượng, bây giờ, bạn sẽ phải kiểm tra các thông báo như thế nào.

Chặng đường 10 năm tới

Gần như chắc chắn, Android sẽ vẫn còn tồn tại trong nhiều năm nữa. Ngay cả khi Project Fuchsia của Google có thay thế Android, bản chất mở và miễn phí của nó vẫn sẽ là một di sản được bảo tồn.

Sau 10 năm, Android đã thay đổi rất nhiều nhưng chính phiên bản Android 1.0 đã đặt nền tảng cho nó để có thể được xuất hiện rộng rãi như ngày hôm nay. Một lần nữa, chúc mừng sinh nhật 10 tuổi của Android!

Minh Hùng

Chủ đề khác