VnReview
Hà Nội

Chiếc smartphone Android đầu tiên đã thay đổi mọi thứ như thế nào?

Khi nhìn lại, rõ ràng chiếc T-Mobile G1 (hay còn gọi là HTC Dream) đã thách thức iPhone của Apple ngay từ những ngày đầu tiên.

Chiếc điện thoại Android đầu tiên của Google đã tròn 10 tuổi. Thật khó mà tin rằng chiếc điện thoại đã khởi đầu mọi thứ - HTC Dream (được gọi là T-Mobile G1 ở Mỹ) - lại có một thiết kế có phần ngớ ngẩn và cồng kềnh như vậy. Nhưng mặc kệ mọi thứ, nền tảng mới mẻ này đã khiến iPhone của Apple phải run sợ theo những cách mà các thương hiệu khủng thời đó như BlackBerry, Palm, Nokia và Windows Mobile không thể làm được.

Google công bố HTC Dream vào ngày 23/9/2008, một năm sau khi chiếc iPhone thế hệ đầu của Apple tạo ra cuộc cách mạng định nghĩa lại thế nào là một chiếc smartphone. Trong khi sức mạnh của iPhone nằm ở thiết kế gọn gàng, đơn giản, và giao diện dễ hiểu, thì chiếc điện thoại Android đầu tiên nổi bật ở tính cá nhân hóa và khả năng tùy biến trải nghiệm người dùng. Hiện nay, hơn 85% số điện thoại trên thế giới chạy Android.

Đó là một thành tích vô tiền khoáng hậu, khi mà chiếc G1 không hề có ngoại hình hay những thứ nhỏ nhặt thú vị của iPhone. Bàn phím vật lý trượt ra của nó khiến nhiều người phát chán vì các phím quá phẳng; cái cằm - nơi chứa các nút bấm vật lý - trồi lên trông thật kỳ quặc, cản trở việc gõ phím; những thứ cơ bản như bàn phím ảo và jack headphone thì hoàn toàn mất tích. Nhưng chiếc điện thoại dày, nặng này vẫn để lại một dấu ấn không thể quên trong thế giới smartphone, mang chúng ta đến với tương lai đang hiện hữu ngày nay.

G1 còn có một vài tính năng quan trọng mà chiếc iPhone cùng thời điểm - iPhone 3G, chạy iPhone OS 2 - còn thiếu: một chiếc camera tốt, và khả năng cắt/dán - sức mạnh của nền tảng mà Google tạo ra. Quan trọng nhất là G1 đã chứng minh được rằng: một công ty phần mềm có thể tạo nên một chiếc điện thoại di động thành công. Dưới đây là cách mà thiết bị có phần ngớ ngẩn này đạt được vinh quang của mình.

1. Chứng minh được rằng khả năng tùy biến là số 1

Chiếc G1 ngay lập tức thể hiện sự khác biệt của mình so với chiếc iPhone đầu tiên với việc cho phép người dùng thay đổi sâu về mặt giao diện người dùng và hoàn thiện cách bạn sử dụng chiếc điện thoại của chính mình. Đối với những người thực sự tham vọng, điều này có nghĩa họ có thể tự viết ra các ứng dụng của chính mình. Còn đối với phần lớn người dùng, việc chỉnh sửa màn hình chính của G1 cho phù hợp sở thích đã là một bước khởi đầu thú vị, và là một phần cốt lõi tạo nên danh tiếng của Android. Với vô số các launcher, gói biểu tượng, hình nền, widget và thư mục, những gì bạn thấy đều có thể được thay đổi chỉ trong chớp mắt.

iPhone sau đó đã chạy theo xu thế này: bạn có thể thay đổi hình nền, sắp xếp các ứng dụng vào thu mục,... nhưng G1 cho thấy tùy biến giao diện smartphone là một nhu cầu có thật (và theo cách nào đó, tùy biến trên Android đơn giản hơn nhiều so với Windows Mobile).

Không chỉ người dùng tùy biến điện thoại Android của họ. Tính mở của nền tảng này đồng nghĩa với việc các hãng sản xuất smartphone có thể lấy Android gốc làm nền móng và xây dựng nên các bản ROM của chính họ, với giao diện, launcher, và thậm chí là các ứng dụng và tính năng riêng.

Tất nhiên, tính mở này cũng có một nhược điểm. Sự phân mảnh, bóng ma luôn rình mò căn phòng của Android, sau đó trở thành một rào cản đối với khả năng cập nhật nhanh của hệ điều hành này, đặc biệt khi các nhà sản xuất phải tốn thời gian chỉnh sửa các bản cập nhật cho phù hợp với các giao diện tùy biến của họ.

Sự hứng thú của người dùng đối với khả năng tùy biến mà Android mang lại đã thể hiện rõ từ chiếc G1 đầu tiên này, và cũng chính là lý do khiến Android thành công đến vậy ở thời điểm hiện tại.

2. Chợ ứng dụng

iTunes App Store ra mắt trước G1 chỉ vài tháng, nhưng chiếc điện thoại của HTC vẫn là một mối đe dọa đối với iPhone lúc bấy giờ khi vừa ra mắt đã có sẵn hệ sinh thái ứng dụng của riêng nó.

Android Market (sau đó trở thành Google Play) cho phép người dùng G1 không phải chờ đợi để có thể làm được nhiều điều mới mẻ cho chiếc điện thoại của mình, bất kể đó là trò chơi, mua sắm, hay phục vụ sắp xếp công việc. Ngay ở thời điểm năm 2008, một sự thật đã quá rõ ràng là ứng dụng chính là tương lai của điện thoại, và G1 đã sẵn sàng ngay từ lúc lên kệ.

Bản chất của Android Market khiến nó có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Với một cơ chế chọn lọc và kiểm duyệt dễ thở hơn so với Apple, cửa hàng ứng dụng của Google chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ứng dụng hơn, và thân thiện hơn với các nhà phát triển thuộc mọi thành phần.

Mặt trái của nó, quy trình kiểm soát chất lượng nhẹ nhàng hơn có nghĩa bạn sẽ có khả năng cao bị dính malware, ứng dụng lừa đảo, hay các ứng dụng không bắt kịp với các bản cập nhật Android.

3. G1 tăng cường sức mạnh của Google, và đặt nó vào túi bạn

Là thiết bị Android đầu tiên, G1 cho phép Google dụ dỗ bạn lệ thuộc nhiều hơn vào các công cụ trực tuyến của hãng.

Sức mạnh của iPhone là khả năng phối hợp với các phần cứng khác của Apple. Chiếc iPhone đầu tiên về cơ bản là chiếc iPod huyền diệu nhất Apple từng tạo ra, bởi nó có thể thực hiện cuộc gọi và có những ứng dụng bạn có thể tìm thấy trên máy Mac.

Google chọn hướng đi ngược lại, tập trung vào hệ sinh thái mạnh mẽ và ngày một mở rộng của đế chế phần mềm Google. Với G1, bạn có sức mạnh của Google Search ngay trong túi quần, cộng với Gmail và ứng dụng bản đồ tuyệt vời của Google nữa. Phần lớn trong số này có thể dùng được trên iPhone (Google Maps là ứng dụng bản đồ mặc định của iPhone trước khi Apple tạo ra hàng "chính chủ" Apple Maps vào năm 2012), nhưng với Android, chúng đều được cài sẵn và tích hợp chặt chẽ vào hệ điều hành. Nếu bạn đã từng sử dụng các công cụ của Google, Android là một lựa chọn không cần suy nghĩ.

Với Google, điều đó có nghĩa là bạn sẽ dựa vào các sản phẩm của Google ở nhà, nơi làm việc, và hiện nay, khắp mọi nơi khác ở giữa hai nơi nói trên.

4. Đặt tiền lệ cho nhiều thiết kế khác nhau

Dù chiếc điện thoại Android đầu tiên có bàn phím QWERTY và rất nhiều nút bấm, kế hoạch mà Google muốn dành cho G1 lại sâu xa hơn.

G1 có nhiệm vụ cho người mua thấy một chiếc "điện thoại Google" sẽ hoạt động như thế nào, và trao cho các nhà phát triển ứng dụng một thứ họ có thể mày mò không ngừng nghỉ, từ đó những chiếc điện thoại Android tiếp theo sẽ có thể khởi đầu với một nền tảng cơ sở mạnh mẽ hơn.

Quả nhiên, không lâu sau, người dùng Android được chứng kiến một làn sóng smartphone đến từ Motorola, Samsung, LG, và thậm chí rất nhiều thiết bị khác đến từ HTC. Đội quân Android nhỏ này có đủ các kích cỡ màn hình, kích thước máy, khả năng chụp ảnh,...

Nhưng nếu không có chiếc điện thoại Android đầu tiên cắm lá cờ khai phá và để đánh giá sự hào hứng của người tiêu dùng, chúng ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ được thấy Motorola Droid - vốn từng được quảng cáo là kẻ thay thế iPhone thực thụ; hay HTC Evo 4G - chiếc điện thoại 4G đầu tiên tại Mỹ; chiếc Samsung Galaxy Note đầu tiên với bút S-Pen; hay chiếc Google Pixel 3 sẽ được ra mắt vào ngày 9/10 tới đây.

5. Phép màu của HTC mở đường cho Pixel

Trước G1, HTC là một hãng sản xuất nhỏ bé tại Đài Loan, đang cố để trở thành một thương hiệu toàn cầu để cạnh tranh với các ông lớn như Samsung và Motorola.

G1 đã cho HTC cơ hội bứt phá và bắt đầu mối quan hệ hợp tấc với Google. Những chiếc điện thoại sau đó của họ đều rất đáng nhớ: Google Ion/T-Mobile MyTouch 3G - chiếc điện thoại Android thứ 2, HTC Hero - điện thoại Android dùng mạng CDMA đầu tiên, và HTC Droid Eris - điện thoại Android đầu tiên với khả năng zoom hình ảnh bằng 3 ngón tay (pinch-to-zoom).

G1 và Google Pixel 2

Nhưng phải đến Nexus One vào năm 2010, HTC mới thực sự tiến thêm một bước dài trong thế giới Android. Một chiếc điện thoại "thuần" Android, nhận cập nhật nhanh hơn và sở hữu giao diện gốc của Android, không hề có tùy biến như của các hãng sản xuất điện thoại vốn đang rất phổ biến. Kể từ đó, HTC tiếp tục sản xuất một số thiết bị Android đỉnh cao khác, như chiếc Pixel 1 vào năm 2016. Năm nay, Google thậm chí còn trả đến 1,1 tỷ USD để thuê các kỹ sư HTC về thực hiện các dự án điện thoại sắp tới của hãng.

6. Đối thủ thực sự của Apple trở thành đối thủ duy nhất của Apple

Có lẽ hiệu ứng đáng kể nhất của HTC Dream/T-Mobile G1 là vai trò của nó: một đối thủ sừng sỏ của iPhone. Google và Apple - hai công ty có trụ sở cách nhau chỉ 18 km tại Thung lũng Silicon - là hai trong số những công ty công nghệ mạnh mẽ và hấp dẫn nhất trên thế giới.

Apple và Google cũng từng là những kẻ chân ướt chân ráo bước vào một chiến trường điện thoại vốn rất đông đúc thời đó, bị kiểm soát bởi BlackBerry, Nokie (Symbian OS), và các thiết bị Windows Mobile ở phân khúc "thông minh", và các điện thoại nắp gập, dạng thanh ở phân khúc bình dân (feature phone nằm ở phân khúc giữa).

Với iPhone ngày một phổ biến, các nền tảng kỳ cựu bắt đầu "rụng" dần. Nhưng rồi Android xuất hiện, mới mẻ, hấp dẫn, có tiềm lực hùng hậu của Google để cạnh tranh với Apple chiếm lấy vị trí nền tảng điện thoại của tương lai.

T-Mobile G1 còn hối thúc Apple phải làm tốt hơn, mang lại những tính năng ngang bằng với Android trên các iPhone đời sau, như camera tốt hơn, bản đồ với điều hướng theo từng lối rẽ, và... cắt/dán. Google thành công đến nỗi Android ngày nay không chỉ cạnh tranh với iPhone, nó còn là đối thủ duy nhất của iPhone còn tồn tại.

Và tất cả đều khởi đầu với một chiếc điện thoại nhỏ nhắn và hài hước.

Minh.T.T

Chủ đề khác