VnReview
Hà Nội

Mức chiết khấu 30% của Google Play Store chẳng khác gì "ăn cướp giữa ban ngày"!

Việc trò chơi đình đám Fortnite do Epic Games phát hành trên Android nhưng không thông qua Google Play là dấu hiệu cho thấy studio này đang coi thường kho ứng dụng này hay còn do một lí do nào khác?

Bài viết dưới đây là ý kiến cá nhân của tác giả Stephen Schenck đăng tải trên trang Android Police được VnReview chuyển ngữ.

Bạn vừa hoàn thành ứng dụng triệu đô của mình à? Chúc mừng nhé. Tôi biết bạn đã dành nhiều thời gian để lên ý tưởng, hiện thực hóa nó, rồi thêm vào đó một giao diện người dùng bóng bẩy, và cuối cùng là liên tục thử nghiệm để tìm ra toàn bộ số bug còn sót lại. Còn bây giờ chính là lúc dành cho một màn xuất hiện hoành tráng, bạn có thể ngồi xuống, thư giãn và thoải mái tận hưởng tới 70% số tiền người dùng trả cho sản phẩm của mình. Hmm, nghe có vẻ sai sai nhỉ? Đây chính là thực trạng mà các nhà phát triển ứng dụng di động trên toàn thế giới phải đối mặt, nó là sự kết hợp có cả yếu tố mạnh mẽ và dịu êm: sự bất công kinh khủng và hành vi tống tiền mềm dẻo.

Có thể bạn biết rằng, Google hiện đang thu khoản phí 30% cho toàn bộ ứng dụng, bao gồm cả doanh thu có được từ mở bán và doanh thu từ các hoạt động mua hàng trong ứng dụng. Trong cái bối cảnh hiện nay của ngành công nghiệp thì đây có vẻ không phải là một điều quá hiếm gặp. Apple cũng có chính sách tương tự với việc phân phối phần mềm iOS thông qua App Store, thị trường game PC cũng tương tự với ví dụ điển hình chính là kênh phân phối Steam.

Nhưng không phải cứ cái gì dễ thấy thì nhiễm nhiên là nó đúng. Thứ gì đã khiến chúng ta tin rằng việc chỉ trả cho nhà phát triển 70% doanh thu cho những công sức mà họ bỏ ra là điều chấp nhận được?

Hãy cùng nhìn lại cái khoảng thời gian mà việc phân phối phần mềm chủ yếu được thực hiện offline, hoàn cảnh của các nhà phát triển còn tệ hơn nhiều. Đầu tiên bạn phải tìm một nhà phát hành, phải chấp nhận chia một phần lợi nhuận cho họ. Sau đó bạn phải tính đến chi phí phát hành vật lí, cùng với đó là chi phí thiết kế, sản xuất bao bì sao cho thật bắt mắt. Rồi lại tới khoản tiền vận chuyển tới của hàng phân phối, chuyển tới rồi thì đôi khi lại phải tốn thêm một khoản phí cho cửa hàng phân phối để phần mềm của bạn được "lên kệ". Và tất nhiên là những bên tham gia phát hành sản phẩm của bạn lại còn muốn được đảm bảo rằng doanh thu khi ra mắt phải càng cao càng tốt, thế là bạn phải tiếp tục tốn thêm một khoản đắt đỏ cho các chiến dịch quảng cáo.

Để rồi con số mà nhà phát triển có thể may mắn nhận được chỉ còn 20% doanh thu bán hàng. Đấy là tôi còn chưa đề cập tới việc phát hành game trên dòng máy console đâu nhé. Với khoản phí bản quyền mà nhà sản xuất máy console yêu cầu thì 10% đã là may mắn rồi.

Nhưng đó không phải là thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm nhiều loại phí được liệt kê bên trên. Bây giờ chúng ta không cần phải tranh đấu giành vị trí trên kệ bán hàng, không còn khái niệm hàng tồn kho, không cần phải trả quá nhiều cho các bên trung gian, chẳng cần một nhà phát hành nào trong khi bạn hoàn toàn có thể tự xây dựng một studio-một-thành-viên.

Nhiều người sẽ so sánh và tìm ra những điểm khác biệt giữa quá khứ và hiện tại để rồi tự bảo bản thân rằng họ hoàn toàn chấp nhận thực tại. Nhưng không thể lấy lí do rằng nó tốt hơn quá khứ để lấp đi sự bất công, tôi không thể tìm ra được điều gì để giải thích cho con số 30% mà Google "vòi vĩnh" từ các nhà phát triển.

Việc bán ứng dụng thông qua Play Store sẽ giúp nhà phát triển không cần phải suy nghĩ về thanh toán và phân phối tệp tin, nhưng đây chỉ là những khoản phụ phí, nó không đáng giá với con số 30% giá trị của phần mềm. Có thể khoản phí ấy là chi phí để sản phẩm của bạn xuất hiện trên Play Store, nhưng đó cũng chẳng ăn nhằm gì so với những ứng dụng được bỏ tiền để quảng cáo trực tiếp trong Play Store, và trừ khi ứng dụng của bạn trở thành một trong những ứng dụng phổ biến còn không thì chúc ứng dụng của bạn sẽ sớm được "phát kiến" bởi người dùng nhé.

Vậy thì với khoản phí mất đi, nhà phát hành thu được gì? Chúng ta sẽ cùng xem xét một ví dụ điển hình về việc đi ngược lại lẽ thường của một ứng dụng lớn: Epic Games tuyên bố sẽ phát hành Fortnite trên Android mà không hợp tác với Google.

Tôi không thể tính chính xác số lượng của lượng bình luận cho rằng Epic đang phá hoạt tính bảo mật của một nền tảng bằng việc khuyến khích người dừng cài đặt phần mềm từ những nguồn không thuộc Play Store; rằng hành động khuyến khích này không khác gì với việc mở cửa lũ để làm sụt đổ niềm tin của người dùng vào một hệ điều hành bảo mật và đáng tin cậy.

Người ta cứ đổ thêm dầu vào hâm nóng cái thứ nhảm nhí ấy, tôi cảm tưởng với sức nóng từ đó đủ để tôi có thể phát triển cả một ngành công nghiệp nhiệt điện có quy mô.

Vốn chẳng có cái gì gọi là an toàn hay không an toàn khi cài đặt phần mềm từ một nguồn nhất định nào cả, tất cả phần mềm đều mang sẵn trong mình một mức độ rủi ro nào đó. Bạn phải có niềm tin vào ý định của nhà phát triển, tin rằng bất kì những kẽ hở không chủ đích nào đó không thể kéo theo một thảm họa về bảo mật, đồng thời bạn cũng nên cảm thấy may mắn khi biết rằng hành trình của phần mềm đi từ nhà phát hành tới tay bạn không hề bị can thiệp hay lợi dụng bởi bất kì ai. Một nền tảng tốt như Android sẽ thực hiện nhiều bước để giảm thiểu rủi ro này nhưng dựa vào điều này để khẳng định rằng những giới hạn công nghệ là giải pháp hiệu quả và cần thiết là một khẳng định vô căn cứ.

Và rồi khi những bài viết về việc bộ cài Fortnite của Epic có lổ hổng bảo mật nổi lên, đâu đâu cũng là tiếng gièm pha về Epic phát ra từ miệng những kẻ thích chỉ trích mọi thứ. Nhưng tiếc là trong thế giới mà bug phần mềm luôn là thứ gần như hiển nhiên thì sự việc này không thể tạo nên những nghi vấn về khả năng của các bên thứ ba trong việc phân phối thành công phần mềm mà không dựa vào Play Store.

Nhưng điều khiến tôi cảm thấy khó chịu nhất khi nghĩ về biến cố này chính là cái thái độ của nhiều người cho rằng cái khoản phí 30% mà Google lấy của nhà phát triển, đôi khi chính là khoản thuế mà chúng ta phải trả cho hai chữ "bảo mật"; rằng cứ miễn là phân phối từ những kênh ngoài, không có sự giám sát thì đều nguy hiểm; rằng không có cái giá nào là quá cao khi so với sự an tâm.

Tôi chẳng mong đợi rằng mình sẽ thay đổi được niềm tin của những người vốn đã hoàn toàn sai lầm trong cách tiếp cận. Nếu họ tin rằng bám víu vào những phần mềm trên Play Store chính là con đường đúng đắn duy nhất để sử dụng Android, thì đó là cách mà họ chọn, tôi không can dự.

Tôi sẽ luôn tôn trọng những nhà phát triển đang không đặt niềm tin vào những giá trị mà dịch vụ phân phối phần mềm Google đang điều hành mang lại, mà quyết định tự đi con đường của mình. Đây chính là thời điểm mà việc phát hành và quảng bá phần mềm di động trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, và tôi cũng chẳng thể và sẽ không bao giờ coi thường những ai khuyến khích người dùng Android ấn đồng ý vào cái ô "nguồn không rõ" đáng sợ ấy.

Có lẽ nếu Google đưa ra con số tỷ lệ thấp hơn, 10% phí cho nội dung Play Store chẳng hạn, thì tôi sẽ không cảm thấy "sôi máu" mà đứng lên phản đối. Nhưng với con số hiện tại thì người dùng và các nhà phát triển đang ném tiền qua cửa sổ để đổi lấy những lời hứa hẹn mơ hồ về trật tự và bảo mật vốn chẳng đáng cái giá mà Google đưa ra.

Trung Nguyễn

Chủ đề khác