VnReview
Hà Nội

Hầu hết ứng dụng Android đều gửi dữ liệu tới các công ty như Google, Facebook, Amazon

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford, Anh Quốc chỉ ra, có khoảng 90% các ứng dụng Android hiện nay đang chia sẻ dữ liệu cá nhân cho Google, Facebook, Amazon và các hãng công nghệ khác.

Theo Techradar, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh Quốc đã tiến hành điều tra gần 1 triệu ứng dụng Android trên cửa hàng Google Play Store và phát hiện thấy nhiều điều bất ngờ. Cụ thể, một ứng dụng trung bình chia sẻ dữ liệu người dùng với khoảng 10 công ty bên thứ ba và có khoảng 200 ngàn ứng dụng chia sẻ với khoảng hơn 20 công ty bên thứ ba.

Nhóm tiết lộ với trang Financial Times, sự phổ biến của các ứng dụng freemium (miễn phí tải về và sử dụng các tính năng cơ bản với mục đích khuyến khích người dùng nâng cấp lên tài khoản cao cấp – premium) chính là nguyên nhân hàng đầu. Các ứng dụng freemium thường chứa quảng cáo và thu thập dữ liệu của người dùng.

Dữ liệu mà các ứng dụng này thu thập gồm độ tuổi, vị trí, giới tính. Thậm chí nhiều ứng dụng còn cho phép người dùng đăng nhập bằng tài khoản Google, Facebook để truy cập ứng dụng nhanh và dễ dàng hơn.

Chính sự kết hợp này khiến phần lớn dữ liệu của ứng dụng vô tình bị chuyển về các hãng như Google, Facebook, Twitter, Microsoft và Amazon. Mặc dù phần lớn dữ liệu bị thu thập và lưu trữ ngầm nhưng rõ ràng, người dùng không hề hay biết sự tồn tại của chúng.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Các ứng dụng tin tức và nhiều ứng dụng khác nhắm mục tiêu vào trẻ em là những ứng dụng theo dõi và gửi nhiều thông tin nhất về các bên thứ ba".

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp không tỏ ra quá ngạc nhiên về kết quả trên, đặc biệt khi nhắc đến mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu của các hãng công nghệ như Facebook hoặc Google. Mặc dù vậy, tác động của vụ việc này là cực kỳ nghiêm trọng đối với các ứng dụng tin tức và truyền thông.

Morten Brogger, CEO ứng dụng truyền thông mã hóa Wire chia sẻ: "Nghiên cứu của Đại học Oxford quả thực không quá ngạc nhiên. Các công ty công nghệ lớn thường áp dụng mô hình kinh doanh sinh lợi bằng cách sử dụng dữ liệu người dùng. Các ứng dụng sở dĩ miễn phí vì hãng phát triển sẽ sử dụng dữ liệu của người dùng để kiếm tiền thay cho mức phí mà mỗi người phải trả".

Về phía Google, hãng phản đối phương pháp thống kê của các nhà nghiên cứu. Hãng cho rằng, một số ứng dụng được nhắc đến thực chất đang báo cáo các phân tích và thống kê sự cố chứ không phải gửi dữ liệu tới bên thứ ba. Đáp trả lại phản biện của Google, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều ứng dụng di động đã và đang lạm dụng quyền hạn một cách quá đà.

Tiến Thanh

Chủ đề khác