VnReview
Hà Nội

Dùng thử SuperVOOC trên Oppo R17 Pro: sạc nhanh thế nào, có nóng không?

Một tính năng đáng chú ý nhất trên chiếc Oppo R17 Pro sắp bán ở Việt Nam là công nghệ sạc nhanh SuperVOOC thế hệ mới của Oppo. Đây là công nghệ tăng tốc độ sạc lên rất nhiều so với công nghệ sạc VOOC đời cũ và các công nghệ sạc nhanh khác hiện có trên thị trường.

Thị trường điện thoại hiện nay tồn tại khá nhiều công nghệ sạc nhanh gồm Quick Charge của Quacomm, Adaptive Fast Charging của Samsung, SuperCharge của Huawei, Turbo Charge của Motorola, Pump Express của Mediatek và VOOC của Oppo.

Nhiều công nghệ sạc nhanh hiện nay phát triển dựa trên công nghệ sạc nhanh Quick Charge của Qualcomm hoặc tương thích với củ sạc nhanh của Qualcomm. Đáng chú ý, củ sạc nhanh theo công nghệ sạc nhanh Pump Express của Mediatek, đối thủ của hãng bán dẫn Mỹ, cũng tương thích với chuẩn sạc nhanh của Qualcomm.

Trong khi đó, công nghệ sạc nhanh VOOC và phiên bản mới SuperVOOC là công nghệ sạc riêng của Oppo, hiện chỉ dùng trên các sản phẩm của hãng này. Củ sạc VOOC cũng chỉ sạc nhanh được cho các điện thoại OPPO có hỗ trợ VOOC, không dùng được với các điện thoại hỗ trợ công nghệ sạc nhanh của hãng khác.

Bảng thông số tốc độ các công nghệ sạc nhanh phổ biến

Theo bảng thông số trên, có thể thấy SuperVOOC đang là công nghệ sạc đang có công suất sạc cao nhất hiện nay. Trong bài trải nghiệm này, VnReview sẽ đo tốc độ sạc thực tế của công nghệ SuperVOOC trên chiếc Oppo R17 Pro đồng thời cũng đo nhiệt độ của máy lẫn củ sạc trong quá trình sạc.

Đo tốc độ sạc của SuperVOOC trên chiếc Oppo R17 Pro

Củ sạc VOOC thường của Find X (trái) nhỏ hơn đáng kể củ sạc SuperVOOC của R17 Pro (phải).

Ở thử nghiệm này, chúng tôi đo thời gian sạc của Oppo R17 Pro bằng củ sạc đi kèm máy ở hai tình huống: sạc khi máy hoạt động ở chế độ chờ và sạc khi máy đang chơi game. Cả hai tình huống này đều tính thời gian sạc từ khi máy hết kiệt pin tự tắt (0% pin), rồi tính thời gian sạc cho đến khi máy đầy pin (100% pin). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính thời gian sạc tương tự với chiếc Oppo Find X dùng công nghệ sạc VOOC đời cũ để bạn đọc dễ hình dung về những cải tiến của SuperVOOC.

So sánh tốc độ sạc của VOOC thường trên Oppo Find X và SuperVOOC trên Oppo R17 Pro.

Cụ thể, khi sạc bật máy ở chế độ chờ, chiếc Oppo R17 Pro với viên pin dung lượng 3700 mAh chỉ mất tổng cộng 36 phút để sạc đầy (lâu hơn 1 phút so với công bố của nhà sản xuất là 35 phút) cho máy từ lúc pin hết hẳn, máy tự động tắt. Sau 5 phút sạc, máy lên 17% pin, 10 phút lên 41% pin, 15 phút lên 53%, 20 phút lên 67%, 25 phút lên 83% và 30 phút lên 93% và đầy 100% sau 36 phút.

Trong khi đó, công nghệ VOOC cũ trên chiếc Oppo Find X (3730 mAh) phải mất tới 1 giờ 27 phút, tức gấp gần 3 lần thời gian để sạc đầy pin.

SuperVOOC có thể sạc nhanh cả khi điện thoại đang chơi game.

VnReview cũng đã test thử tốc độ sạc của Oppo R17 Pro trong khi vừa sạc vừa chơi game Dead Triggers 2 ở độ sáng 70% và âm lượng bật mức 70%. Tốc độ sạc gần như không thay đổi so với sạc khi đặt máy ở chế độ chờ. Cụ thể, máy đầy sau 37 phút, lâu hơn một phút so với khi sạc máy ở chế độ chờ.

Đầu cáp sạc của SuperVOOC chuyển sang màu cam, không còn là màu xanh quen thuộc của chuẩn VOOC cũ.

Sạc nhanhcả khi chơi game là một ưu thế của SuperVOOC so với các công nghệ sạc nhanh khác hiện nay. Các công nghệ sạc nhanh khác thường chuyển về chế độ sạc thường khi điện thoại đang xem phim hoặc chơi game để duy trì nhiệt độ ổn định.

Đo nhiệt độ trong quá trình sạc

Song song với tốc độ sạc, VnReview cũng đo nhiệt độ trong quá trình sạc trên hai máy và hai củ sạc đi kèm (Oppo R17 Pro và Oppo Find X) để xem sạc nhanh có gây ra hiện tượng tăng nhiệt độ đáng ngại không. Việc đo nhiệt độ sạc cũng được thực hiện khi sạc điện thoại Oppo R17 Pro ở chế độ chờ và vừa sạc vừa chơi game Dead Triggers 2. Môi trường đo là nhiệt độ văn phòng có điều hòa mát mẻ, khoảng 27 độ C.

Nhiệt độ máy khi sạc nhanh của Oppo R17 (ảnh trên) và Oppo Find X (ảnh dưới) chênh nhau không đáng kể.

Sau 10 phút sạc đầu tiên ở chế độ chờ, nhiệt độ trên thân máy của Oppo R17 Pro và Oppo Find X chênh nhau không đáng kể. Cụ thể, chỗ nhiệt độ ghi nhận cao nhất trên chiếc R17 Pro là 35,9 độ C, còn Find X nhỉnh hơn chút là 36,3 độ C. Tuy nhiên ở phía củ sạc, nhiệt độ củ sạc của chiếc R17 Pro nóng hơn đáng kể, 39,5 độ C so với 36,5 độ C trên chiếc Find X.

Ở phía củ sạc, củ sạc của R17 Pro (ảnh trên) nóng hơn đáng kể so với củ sạc của Find X (ảnh dưới).

Khi vừa sạc vừa chơi game Dead Triggers 2 liên tục sau 10 phút ở độ sáng 70% và âm lượng 70%, nhiệt độ trên thân máy của R17 Pro tăng lên 42,9 độ C ở chỗ ghi nhận nhiệt độ cao nhất phía trên đỉnh máy. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng lên này chủ yếu đến từ nhiệt độ để xử lý game, không phải là hoạt động sạc nhanh. Lúc bình thường khi chơi game nặng và không sạc thì nhiệt độ của máy cũng ghi nhận ở mức tương tự, dao động từ 41-43 độ C.

Vừa sạc nhanh vừa chơi game, Oppo R17 Pro nóng lên nhiều nhưng chủ yếu từ hoạt động chơi game.

Tổng kết

Kết quả thử nghiệm thực tế trên cho thấy công nghệ sạc nhanh SuperVOOC mới của Oppo trên chiếc R17 Pro có tốc độ sạc thực sự ấn tượng, nhanh nhất hiện nay. Công nghệ này vẫn có thể sạc nhanh cả khi đang chơi game hay lướt web trên điện thoại. Trong khi đó, nhiệt độ sạc;cũng được duy trì ở mức thấp, chỉ tăng lên rất ít.

Đây là điểm cộng đáng kể cho chiếc Oppo R17 Pro sắp bán. Ngoài sạc nhanh thì điện thoại này còn có một số điểm thú vị khác như cảm biến vân tay trên màn hình, khả năng chụp đêm và ảnh tự sướng tốt, màn hình AMOLED đẹp mắt... Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Oppo R17 Pro là mức giá đang quá cao, tới 17 triệu đồng, tiệm cận mức giá của nhiều sản phẩm cao cấp đình đám từ các hãng khác như Galaxy S9/Note 9, iPhone X/XR, Huawei Mate 20...

Thanh Phong

Chủ đề khác