VnReview
Hà Nội

Tại sao các nhà sản xuất Android không "chôm chỉa" tính năng thú vị này từ iPhone?

Đây có lẽ là quả đắng mà khó có fan cứng nào của Android nuốt nổi, nhưng nền tảng Android tồn tại được như ngày nay là nhờ có... iPhone của Apple.

Nghiêm túc đấy, bạn hãy xem lại đoạn video demo Android nguyên bản của Sergey Brin và Steve Horowitz vào năm 2007, khi Google hé lộ cho cả thế giới chiêm ngưỡng cái nhìn đầu tiên về nền tảng di động mới của công ty đi. Như bạn thấy rõ ràng trong đoạn video, Android ban đầu được phát triển như một bản sao tệ hại của nền tảng BlackBerry, và nó có thể phải theo chân nền tảng này thẳng xuống vực sâu nếu Google lúc đó quyết định tiếp tục đi theo con đường đã chọn. Nhưng gã khổng lồ tìm kiếm nhanh chóng nhận ra rằng hệ điều hành iPhone của Apple thân thiện với người dùng và đi trước thời đại hơn rất nhiều, nên đã tái tổ chức lại kế hoạch và phát triển nền tảng Android mới mà đến thời điểm này đã trở thành hệ điều hành di động số một thế giới. Trong khi đó, mọi công ty di động hàng đầu nhất quyết không chịu... sao chép Apple đều phải chứng kiến mảng kinh doanh di động của mình tụt dốc không phanh, bao gồm Microsoft với Windows Mobile, BlackBerry, và Nokia với nền tảng Symbian từng làm mưa làm gió trên thị trường.

Google và các đối tác Android của mình đã và đang tiếp tục sao chép hàng tá tính năng từ nền tảng iOS của Apple trong thập kỷ qua. Họ còn vay mượn vô số những yếu tố trong thiết kế của iPhone. "Tai thỏ" của iPhone X là ví dụ mới nhất, và có lẽ là một trong những tinh năng thiết kế của iPhone được sao chép rộng rãi nhất, nhưng chắc chắn không phải là thứ đầu tiên được "xào nấu" bởi Android. Samsung thậm chí còn viết cả một cuốn sách dài đến 132 trang, theo đúng nghĩa đen, về việc sao chép iPhone của Apple từ rất lâu trước khi iPhone X xuất hiện. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm, vẫn có một tính năng tuyệt vời nhưng ít ai để ý trên iPhone mà các hãng sản xuất Android từ chối sao chép; một điều khá ngạc nhiên bởi nếu tính năng này được mang lên Android, trải nghiệm smartphone trên các thiết bị này sẽ được nâng lên rất nhiều.

Kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời vào năm 2007, mỗi lần nâng cấp, Apple lại giới thiệu những tính năng mới khiến việc rời bỏ nền tảng này ngày một khó khăn hơn. iMessage đã trở thành tính năng độc quyền đáng chú ý nhất mà Apple sử dụng để "giữ chân" người dùng, nhưng còn có rất nhiều thứ khác mà người ta sẽ nhớ đến nêu rời bỏ nền tảng iOS. Đó có thể là Continuity, một tính năng cho phép bạn bắt đầu một cuộc nói chuyện trên máy tính, sau đó tiếp tục trên iPhone mà không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào. Hay như việc bạn có thể thực hiện cuộc gọi trên iPad, mở khóa MacBook Pro với Apple Watch và ngay lập tức kết nối đến hotspot di động trên iPhone mà không cần rút máy ra khỏi túi quần.

Không chỉ phần mềm, những thứ Apple dùng để níu kéo khách hàng hơn hơn thế nữa. Các tính năng và thiết kế phần cứng của Apple sau bao nhiêu năm vẫn vượt trội so với các đối thủ. Chưa có công ty nào nổi tiếng với việc chú ý vào các tiểu tiết trên sản phẩm như Apple, và họ luôn đi trước nhiều bước. Ví dụ gần đây nhất, một lần nữa, lại là màn hình "tai thỏ" của iPhone. Bên cạnh "tai thỏ", viền màn hình cũng đồng bộ một cách hoàn hảo bởi Apple sử dụng tấm nền OLED uốn dẻo và gập ngược nó xuống bên dưới để giấu đi phần điều khiển màn hình bên trong điện thoại. Đây là một giải pháp thông minh nhưng tốn kém, và không có nhà sản xuất Android nào sẵn sàng bỏ ra số tiền đầu tư đó vào những bản sao iPhone của họ. Kết quả là chúng đều có một cái "cằm" lớn trông cực kỳ ngớ ngẩn, không giống iPhone của Apple.

Một thiết kế thông minh khác của Apple mà các nhà sản xuất điện thoại Android không sao chép - có lẽ là tính năng phần cứng ấn tượng nhất, nhưng chẳng mấy ai để ý trên iPhone: Taptic Engine.

Taptic Engine là tên gọi Apple dành cho hệ thống rung phản hồi phức tạp trên các thiết bị của mình, bao gồm iPhone và Apple Watch. Bạn có thể cho rằng cảm giác cầm một thiết bị khi nó rung lên có gì đâu để nói, nhưng đảm bảo với bạn, không đơn giản vậy đâu. Nó có thể mang đến một khác biệt rất lớn đối với trải nghiệm người dùng tổng thể. Trên thực tế, ngay cả các blogger Android nổi tiếng cũng nhận ra giá trị mà Taptic Engine đã mang đến cho các thiết bị Apple là ra sao.

Sự rung của Taptic Engine trên iPhone và Apple Watch được kiểm soát nhiều hơn so với các mô-tơ rung cổ điển trên các điện thoại Android. Cường độ và thời gian của mỗi đợt rung được điều khiển một cách chính xác để những cú rung cảm giác như ngón tay chúng ta thực sự chạm vào, chứ không phải "rung bần bật" như trên các điện thoại Android. Taptic Engine giống như chim húng nhại vỗ cánh, so với một chú gà đập cánh phành phạch.

Chỉ khi nghe chiếc bàn gỗ ở nhà khuếch đại mọi cú rung khó ưa từ những chiếc điện thoại Android giữa một bữa tiệc thi vị mới thấy khoảng cách giữa iPhone và các điện thoại khác rộng như thế nào. Đây là thứ mà các fan Android sẽ chế nhạo và gọi nó là ngớ ngẩn, nhưng một khi các nhà sản xuất điện thoại Android bắt đầu sao chép nó, họ sẽ tự hỏi làm cách nào từ trước đến nay họ có thể sống thiếu nó được?

Minh.T.T

Chủ đề khác