VnReview
Hà Nội

Cùng là 48MP, vì sao Xiaomi và Honor đều nói cảm biến của Sony tốt hơn Samsung?

Vậy là trên thị trường hiện nay đã chính thức có hai chiếc smartphone có camera lên đến 48MP là Honor View 20 và Redmi Note 7. Tuy nhiên, cảm biến đến từ hai nhà cung cấp khác nhau và cả Xiaomi lẫn Honor đều công nhận Sony IMX586 chất lượng hơn Samsung ISOCELL GM1. Thực hư vấn đề này là sao?

Như VnReview đã có bài viết về Honor View 20 Redmi Note 7, cả hai đều trang bị camera 48MP cao nhất thị trường smartphone hiện nay. Trong đó chiếc Honor dùng cảm biến IMX586 của Sony còn Redmi là ISOCELL GM1 từ Samsung, cùng có số chấm là 48MP và công nghệ gộp 4 điểm ảnh làm 1 để chụp thiếu sáng tốt hơn. Nghe qua thì chúng ta tưởng rằng hai cảm biến này tương tự nhau nhưng thực ra lại không phải.

Điện thoại camera 48MP đầu tiên trên thế giới là Honor View 20, dùng cảm biến Sony IMX586

Tại sự kiện hôm qua, phía Xiaomi cho biết đã định đặt hàng IMX586 cho Redmi Note 7, tuy nhiên vì vấn đề cung ứng nên đành phải chuyển sang GM1 cho kịp lộ trình ra mắt. Công ty hứa hẹn đang chuẩn bị Redmi Note 7 Pro sử dụng cảm biến IMX586 nhấn mạnh vào camera, sẽ ra mắt sau khi Tết Nguyên đán kết thúc. Điều này cho thấy cảm biến ISOCELL GM1 của Samsung chưa đáp ứng được kì vọng của Xiaomi và họ vẫn mong đợi có thể dùng IMX586 cho sản phẩm sau này.

Redmi hé lộ về chiếc Redmi Note 7 Pro với cảm biến IMX586 tương tự Honor

Về phía Honor, họ là công ty đầu tiên công bố điện thoại dùng camera 48MP với cảm biến IMX586 của Sony. Đại diện hãng là ông Xiong Junmin đã có chia sẻ về khác biệt giữa hai loại cảm biến này, lí giải tại sao Honor lại chọn cảm biến Sony thay vì Samsung.

Cả hai đều lớn 1/2 inch và kích cỡ điểm ảnh là 0.8 micron, đều gộp 4 điểm ảnh làm 1 để xử lý khi chụp thiếu sáng, giảm độ phân giải xuống 12MP. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở cấu trúc sắp xếp điểm ảnh với độ phân giải 48MP. Cảm biến IMX586 sử dụng công nghệ Quad Bayer, hỗ trợ chuyển đổi đầu ra tín hiệu từ một điểm ảnh RGBG thành bốn điểm ảnh ma trận RGBG.

IMX586 dùng cấu trúc Quad Bayer để chuyển đổi từ 12MP 2x2 thành 48MP 4x4 và ngược lại

Ở độ phân giải 12MP, một điểm ảnh sẽ là 2x2 với ma trận RGBG. Còn khi chuyển sang 48MP, điểm ảnh chuyển thành 4x4 với mỗi điểm ảnh phụ lại tách thành một điểm ảnh độc lập ma trận RGBG. Đến khi cần sẽ chuyển ngược lại về ban đầu 12MP 2x2.

Đó là cách hoạt động của IMX586, còn ISOCELL GM1 có cơ chế khác. Ở cả độ phân giải 12MP và 48MP, cấu trúc điểm ảnh vẫn là 2x2 RGBG không thay đổi. Có thể thấy đơn giản là họ cắt một điểm ảnh phụ thành bốn điểm ảnh phụ nhỏ hơn, và khi cần thì chuyển ngược lại.

ISOCELL GM1 ở cả 12MP và 48MP vẫn là cấu trúc 2x2

Độ phân giải hiệu quả của GM1 vẫn là 12MP và nó giống như nội suy hơn. Chỉ có IMX586 mới có tín hiệu xuất ra ở độ phân giải 48MP đầy đủ, chuyển đổi qua lại 12MP 2x2 với 48MP 4x4. Về lý thuyết nếu chụp bằng hai cảm biến 48MP này, khi zoom vào chi tiết từ IMX586 sẽ nhiều hơn, ảnh sắc nét hơn, theo Honor giải thích.

Khác biệt khi chuyển từ 12MP lên thành 48MP của hai cảm biến

Tài liệu từ Samsung cung cấp cho biết độ phân giải khả dụng của GM1 là 4000x3000, tương đương 12MP. Trong khi IMX586 cung cấp 8000x6000 tức 48MP. Tuy nhiên cũng vì thế, chip xử lý cũng phải mạnh mẽ hơn để quá trình chuyển đổi giữa 12MP và 48MP trên cảm biến Sony được diễn ra trơn tru. Với Honor View 20 thì máy dùng Kirin 980 nên đáp ứng dễ dàng, đối với Redmi thì Note 7 Pro sẽ không chỉ đi cùng cảm biến IMX586 mà còn phải là cấu hình cao cấp hơn chứ không chỉ đơn thuần là Snapdragon 660 tầm trung như hiện nay.

Tóm gọn lại, ISOCELL GM1 thực chất là cảm biến 12MP với cấu trúc điểm ảnh 2x2, kể cả khi ảnh chụp đưa ra là 48MP. Còn IMX586 mới thực sự là cảm biến 48MP theo định nghĩa truyền thống, áp dụng cấu trúc Quad Bayer chuyển đổi giữa cấu trúc điểm ảnh 2x2 với 4x4.

Ambitious Man

Chủ đề khác