VnReview
Hà Nội

Màn hình nốt ruồi liệu có tốt hơn "tai thỏ"?

Trong năm 2018 vừa qua, kiểu thiết kế notch "tai thỏ" đã trở nên phổ biến trên thị trường smartphone khi được hầu hết các nhà sản xuất sử dụng với mong muốn tăng tỉ lệ hiển thị tối đa trong một kích thước máy nhỏ gọn nhất.

Tất nhiên, không phải ai cũng tỏ ra thích thú chúng nên các nhà sản xuất Android đã dần chuyển sang nhiều giải pháp khác giúp viền màn hình trở nên mỏng hơn mà vẫn có được camera selfie. Có thể kể đến như cơ chế trượt trên Oppo Find X, Xiaomi Mi MIX 3, màn hình đục lỗ hay còn gọi là màn hình nốt ruồi trên Samsung Galaxy A8s, Honor View 20.

Dù được đánh giá cao và được cho là có thể thay thế "tai thỏ" trong tương lai nhưng theo ý kiến của Android Central, kiểu thiết kế màn hình nốt ruồi vẫn còn khá nhiều thứ bất cập:

Không làm tăng diện tích hiển thị lên là bao

So với màn hình giọt nước, kiểu màn hình nốt ruồi có thể làm lãng phí nhiều không gian hơn và không thẩm mỹ bằng.

Màn hình nốt ruồi có nhiệm vụ ẩn camera selfie khi màn hình tắt hoặc khi màn hình hiển thị nền tối, từ đó giúp tăng tính thẩm mỹ cho thiết bị. Nhưng dù phần bị cắt trên màn hình có nhỏ thế nào đi chăng nữa thì khi nhìn vào, chúng ta vẫn cảm nhận được sự thiếu liền mạch và cũng như mất không gian hiển thị của các biểu tượng thông báo.;Google và các nhà phát triển hiện đang tinh chỉnh giao diện ứng dụng sao cho phù hợp với màn hình tai thỏ nên việc chuyển sang màn hình nốt ruồi tại thời điểm này có thể khiến phần giao diện người dùng trở nên kém thông minh và khó sử dụng.

Điển hình như chiếc Honor View 20 với camea selfie được đặt lệch sang trái màn hình đã khiến toàn bộ biểu tượng thông báo bị xê dịch sang phải một chút, cũng như phía còn lại của camera không thể hiển thị thêm được gì. Đáng nói hơn là màn hình nốt ruồi chỉ chứa được mỗi camera selfie chứ không thể chứa loa thoại, cảm biến hồng ngoại để nhận diện khuôn mặt, điều chỉnh ánh sáng màn hình như "tai thỏ".

Mất cân bằng tổng thể thiết bị

Dù cho có đổi hình nền tối đi chăng nữa thì nốt ruồi vẫn không thể nào biến mất.

Vấn đề lớn nhất của màn hình nốt ruồi chính là bất đối xứng. Thử nghĩ nếu đưa phần đục lỗ camera ra giữa trung tâm thanh thông báo tương tự như "tai thỏ hay giọt nước" thì mọi thứ còn tồi tệ hơn nên việc đưa sang góc màn hình chính là hướng giải quyết tối ưu nhất. Nằm ở một góc màn hình sẽ giúp người dùng ít chú ý đến nó hơn khi xem phim lẫn chơi game.

Nếu thường xuyên chơi game trên smartphone và phải xoay ngang màn hình, có thể bạn sẽ gặp không ít khó chịu vì một vài tính năng bên trong game nhiều khi lại được bố trí ngay tại phần đục lỗ, mặc cho nó vẫn hỗ trợ cảm ứng và vẫn có thể bấm mở. Tương tự đối với những ai thường xuyên kiểm tra thông báo, trả lời tin nhắn hay chỉ đơn giản là xem giờ thì cũng sẽ cảm thấy khó chịu vì phần nốt ruồi chướng mắt.

Tổng kết 

Đối với những ai ghét việc màn hình bị khuyết thì kiểu thiết kế màn hình trên Pixel 3 vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Các công ty như Huawei, Honor đang muốn chứng minh rằng nốt ruồi mới chính là tương lai của thiết kế màn hình smartphone. Và nếu đúng như những đồn đoán về thế hệ flagship Galaxy S sắp tới sở hữu màn hình nốt ruồi thì có vẻ như Samsung đã thực sự xem đây là một hướng đi lâu dài chứ không còn là bước thăm dò thị trường với chiếc Galaxy A8s. Hãy cùng chờ xem những sản phẩm được ra mắt trong tương lai liệu có được trang bị màn hình nốt ruồi hay không nhé!

Thái Âu

Chủ đề khác