VnReview
Hà Nội

Không cần thương tiếc cho cái chết của Windows Phone!

Thay vì tiếc nuối, người dùng Windows Phone nên tổ chức ăn mừng vì Microsoft đã sớm nhận ra sai lầm để hướng tới một thứ tốt đẹp hơn trong tương lai.

Như vậy Microsoft đã chính thức xác nhận sẽ khai tử Windows 10 Mobile vào ngày 10/12/2019. Thậm chí trên trang hỗ trợ, Microsoft còn khuyên người dùng nên sớm chuyển sang các nền tảng khác như iOS hay Android.

Theo Mashable, sự thất bại ê chề của Windows Phone OS không phải là điều quá bất ngờ với giới công nghệ. Đặc biệt sự thất bại này còn được giới chuyên môn dự đoán từ cách đây nhiều năm trước. Đúng vậy, hậu quả ngày hôm nay là do một quá trình dài Microsoft đã đi sai hướng trong quá khứ.

Microsoft không còn phát triển tính năng mới nhưng cam kết vẫn tiếp tục hỗ trợ bảo mật tới ngày 10/1/2020. Tuy nhiên rõ ràng, Windows 10 Mobile giờ đây chẳng khác gì một bệnh nhân thoi thóp và chỉ chờ từng ngày tới khi "rút ống thở".

Không ít người dùng đã bày tỏ sự tiếc nuối với sự ra đi của Windows Phone OS nhưng nếu thẳng thắn thừa nhận, sự ra đi này của Windows Phone OS là cần thiết và là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho Microsoft trước khi tính đến một cái gì đó xa hơn trong ngành công nghiệp di động.

Gã khổng lồ phần mềm nước Mỹ lần đầu công bố Windows Phone OS vào năm 2010 nhằm cạnh tranh trực tiếp với Android và iOS trong bối cảnh hai nền tảng này gần như chiếm sóng toàn bộ thị trường.

Sự xuất hiện của Windows Phone là thành quả nỗ lực của cựu CEO Steve Ballmer khi ông mong muốn Microsoft sẽ trở thành một tay chơi có tiếng trong cuộc đua di động, đồng thời chuẩn bị những điều kiện căn bản nhất cho thời kỳ hậu PC.

Sau khi ra đời, Windows Phone đã có sự phát triển khá mạnh mẽ, thậm chí đã có lúc chen chân được vào top 3 nền tảng di động lớn thế giới. Nối tiếp phiên bản Windows Phone 7 đầu tiên là Windows Phone 7.5, 7.8, 8, 8.1 và giờ đây là Windows 10 Mobile.

Sự ra đời của Windows 10 Mobile vào năm 2015 là một phần trong kế hoạch thống nhất các nền tảng thành một của Microsoft. Với nền tảng này, điện thoại Windows Phone có thể đồng bộ hóa nội dung hay điều khiển được cả các thiết bị lớn như PC. Từng được kỳ vọng là vậy nhưng Microsoft lại sai lầm trong chiến lược phát triển của Windows Phone OS.

Sai lầm trong cách tiếp cận của Microsoft đã phải trả giá bằng cái chết của Windows Phone OS

Sự xuất hiện của Windows 10 Mobile dường như không thể cứu chữa cho một nền tảng đã đánh mất mình từ trước đó. Sai lầm cốt lõi của Windows Phone là việc thiếu đi các ứng dụng quan trọng như Instagram, Snapchat và Gmail. Đây đều là những ứng dungsẵn có trên iOS hay Android và rất cần thiết với nhiều người dùng.

Sai lầm tiếp theo phải kể đến việc Microsoft không tạo ra được một cộng đồng nhà phát triển sôi động như các nền tảng khác. Đó là chưa kể Microsoft cũng không tâm lý trong việc giải quyết các khúc mắc của nhà phát triển và có đôi khi còn ngó lơ. Chính sự vô tâm đã làm hại Microsoft.

Phó chủ tịch phụ trách chương trình Windows Phone của Microsoft, ông Joe Belfiore từng thừa nhận rằng, lý do khiến Microsoft ngừng phát triển nền tảng này là vì không tìm được các lập trình viên viết ứng dụng.

Theo chia sẻ của nhà sáng tạo Game Tropper, Microsoft đã có cách tiếp cận rất sai lầm và hãng chẳng khác gì "kẻ sát nhân" đã giết chết chính Windows Phone. Người này cho rằng, Microsoft đã thay đổi rất nhiều thứ trên hệ thống của Windows Phone nhưng lại chẳng hề báo cho các nhà phát triển bên thứ ba. Thêm vào đó, cách họ thu hút và đối xử với lập trình viên ứng dụng cũng không tốt như các hãng khác.

Khi Windows Phone không thể tạo ra được sức hút với đông người dùng. Điều này cũng đồng nghĩa, chẳng một công ty hay lập trình viên nào muốn tốn công viết ứng dụng cho một nền tảng quá đìu hiu. Trong khi đó nhìn sang các nền tảng như iOS hay Android, họ có vô vàn sự lựa chọn.

Microsoft đã rất nỗ lực níu kéo sự tồn tại của Windows Phone OS trong một thời gian dài thông qua các bản cập nhật như Windows 10 Mobile 1703 hay 1709. Nhưng rõ ràng với thị phần chỉ chiếm khoảng 0,2% trên thị trường smartphone, Microsoft hiểu rằng đã đến lúc phải kết thúc mọi thứ tại đây thay vì cố níu kéo trong vô vọng. Hơn nữa việc sớm dứt khoát với Windows 10 Mobile sẽ giúp Microsoft có cơ sở tập trung xây dựng dịch vụ di động tốt hơn trên các nền tảng iOS và Android.

Biết buông bỏ đúng lúc là tốt

Trong vài năm qua, Microsoft đã liên tục giới thiệu nhiều ứng dụng, dịch vụ của hãng trên các nền tảng của đối thủ như Office, OneDrive,…Thậm chí các tính năng như Timeline, Clipboard cũng đã có mặt trên nền tảng iOS. Và quả thực bước đi này của Microsoft đã phát huy hiệu quả khi người dùng có được những điều họ cần từ hệ sinh thái của Microsoft nhưng không cần phải chuyển sang dùng thiết bị Windows Phone.

Dưới thời CEO Satya Nadella, Microsoft có vẻ đã chấp nhận một thực tế rằng, họ đã sai lầm với chiến lược phát triển Windows Phone OS. Nhưng sai đâu thì sửa ở đó, Microsoft đã biết cách rũ bỏ Windows Phone kịp lúc để chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo.

Chiến lược hiện tại của Microsoft là tập trung cho Windows 10, dịch vụ điện toán đám mây, AI, Surface và Xbox. Đây đều là những mảng kinh doanh đã và đang giúp Microsoft có được vị thế là công ty giá trị nhất thế giới vào cuối năm 2018.

Cánh diều sẽ chẳng thể bay cao nếu nó phải vác trên mình quá nhiều thứ rối rắm, không cần thiết. Chính bởi vậy, việc dũng cảm loại bỏ Windows 10 Mobile trong lúc này của Microsoft là điều đáng hoan nghênh thay vì thất vọng và tiếc nuối.

Điều gì đến cũng sẽ đến. Windows 10 Mobile sẽ khai tử vào ngày 10/12/2019 và người dùng Windows Phone cũng cần chuẩn bị tinh thần thật tốt cho sự ra đi này.

Mai Huyền

Chủ đề khác