VnReview
Hà Nội

Ở đâu cũng nghe gọi được, tại sao điện thoại vệ tinh lại không phổ biến?

Nếu đã từng xem qua những bộ phim hành động Mỹ, chắc hẳn bạn sẽ để ý trong những tình huống cấp bách (cầu cứu sự giúp đỡ hay nhờ giúp đỡ tìm kiếm/ cung cấp thông tin…), những nhân vật trong phim sẽ sử dụng một thiết bị gọi là "điện thoại vệ tinh" để có thể liên lạc với bất kỳ ai họ muốn.

Những "thiết bị vệ tinh" này thường được sử dụng trong quân đội hay trong những chiến dịch cứu hộ tại các địa điểm cực kỳ hiểm trở - nơi sóng điện thoại thông thường không thể tiếp cận được.

Tại sao chỉ điện thoại vệ tinh mới có thể sử dụng được trong những tình huống như vậy? Bởi đơn giản, chúng có khả năng kết nối gần như toàn cầu, tức là cho dù bạn có cách đầu dây bên kia nửa vòng Trái Đất và đang yên vị trong một "quái xế" bọc thép, hay đang lênh đênh trên Thái Bình Dương rộng lớn, hoặc thậm chí là đang trên một chuyến bay cách mặt đất hàng ngàn cây số - thì quá trình kết nối cuộc gọi giữa hai bên sẽ chỉ mất chưa đến …. 10 giây. Trong khi đó, mặc dù điện thoại di động sử dụng SIM thông thường cũng có khả năng kết nối cách xa hàng trăm cây số, tuy vậy chúng sẽ trở nên vô dụng khi phạm vi liên lạc là quá lớn (đây cũng chính là lý do khiến điện thoại di động thông thường không được chọn trong các hoạt động của quân đội).

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là, nếu điện thoại vệ tinh có thể coi là quá hoàn hảo đến như vậy (kết nối gần như toàn cầu, tại mọi địa điểm và gần như ngay lập tức), thì tại sao chúng lại không được sử dụng rộng rãi và thay thế cho những smartphone mà mọi người sử dụng hằng ngày? Tại sao điện thoại vệ tinh lại không phổ biến?

Và để tìm ra đáp án cho những thắc mắc này, hãy cùng lướt qua một số thông tin cơ bản về điện thoại vệ tinh, và bạn sẽ tự nhận được câu trả lời mà mình mong muốn.

Điện thoại vệ tinh là gì ?

Điện thoại vệ tinh là một thiết bị cầm tay;hỗ trợ người dùng trong việc liên lạc (thông qua cuộc gọi thoại hoặc tin nhắn ngắn) bằng cách kết nối với các trạm vệ tinh xoay quanh quỹ đạo thay vì sử dụng sóng từ các trạm phát sóng mặt đất.

Những chiếc điện thoại vệ tinh phổ biến hiện nay thường có kích thước lớn và cồng kềnh hơn nhiều so với các thiết bị di động thông thường và đa số thường được trang bị một dải ăn ten dài (có thể gập lại được) để bắt được sóng vệ tinh một cách chính xác nhất. Khác với điện thoại di động, vùng phủ sóng của điện thoại vệ tinh phần lớn sẽ phụ thuộc vào cấu trúc hệ thống bên trong của nó, quyết định khu vực kết nối sẽ là một vùng cụ thể hay toàn bộ hành tinh.

Như đã đề cập ở trên, điện thoại vệ tinh được chế tạo để sử dụng trong những trường hợp đặc thù, hay tại các địa điểm nơi mà các thiết bị di động thông thường không thể hoạt động được – nói đơn giản hơn là tình trạng "mất sóng" bởi chúng thực hiện việc gửi và nhận tín hiệu vô tuyến thông qua các vệ tinh thay vì sử dụng các tháp mạng di động mặt đất. Đó là lý do tại sao điện thoại vệ tinh hầu như là vật bất ly thân của con người trong các chuyến thám hiểm đến những vùng đất xa xôi hay các quốc gia nơi mà sóng điện thoại thông thường vẫn chưa thể tiếp cận đến.  

Vậy, tại sao điện thoại vệ tinh lại không được sử dụng rộng rãi?

Độ trễ thời gian (lag)

Một trong những nguyên nhân nổi bật khiến điện thoại vệ tinh không phải là lựa chọn hàng đầu của người dùng thông thường đó là độ trễ thời gian khá lớn. Chúng thường được kết nối với nhau hay với điện thoại di động hoặc cố định thông qua các vệ tinh địa tĩnh, có độ cao khoảng 30.000 km so với bề mặt Trái Đất, vì vậy, vấn đề về độ trễ trong khi kết nối là không thể nào tránh khỏi.

Trong khi một số người, trong những trường hợp nhất định có thể chấp nhận được vấn đề này, thì những người dùng thông thường – đặc biệt là những ai thường hay giao tiếp thông qua gọi thoại – thì khó có thể chịu đựng được tình trạng độ trễ lớn và luôn luôn xảy ra như vậy.

Giá cước cuộc gọi

Có một vấn đề rõ ràng rằng, việc chế tạo, quá trình phóng và duy trì những vệ tinh địa tĩnh này trên quỹ đạo phải cần đến một số tiền cực kỳ khổng lồ, do đó việc chi trả cho lượng băng thông hạn chế mà những tập đoàn chủ quản cung cấp sẽ khá tốn kém. Cụ thể, chi phí thực hiện một cuộc goi từ điện thoại vệ tinh đến điện thoại di động hay điện thoại cố định giao động trong khoảng 0,15 – 2 đô la (khoảng 46.000 đồng Việt Nam) mỗi phút. Nếu gọi từ điện thoại cố định đến điện thoại vệ tinh, số tiền còn cao hơn thế nữa. Vì vậy, điện thoại vệ tinh sẽ không phải là một lựa chọn khôn ngoan cho những người dùng phổ thông.

Không chỉ cước cuộc gọi, mà ngay đến giá thành của chiếc điện thoại vệ tinh cũng không hề rẻ chút nào. Mặc dù có thể sở hữu ngay cho mình điện thoại vệ tinh phiên bản chuẩn ở mức giá 200 đô, tuy nhiên đổi lại là một thiết bị có kích thước khá to và cồng kềnh. Hoặc có thể bỏ ra một số tiền lớn hơn để mua điện thoại vệ tinh hiện đại, với kích thước đã được thu gọn đáng kể, tuy nhiên vẫn khá dày và lớn hơn những chiếc smartphone mà chúng ta thường sử dụng ngày nay.

Một số vấn đề về kết nối

Mặc dù có phạm vi kết nối gần như toàn cầu, tuy nhiên chất lượng của các cuộc gọi qua điện thoại vệ tinh đôi khi bị ảnh hưởng do các vệ tinh địa tĩnh có giới hạn bao phủ liên quan đến vĩ độ. Vùng bao phủ chỉ trải dài từ 70 độ về phía Bắc đến 70 độ về phía Nam tính từ đường xích đạo, vì vậy làm tăng khả năng nhiễu từ các nguồn hoạt động trong cùng một dải tần số.

Ngoài ra, khác với việc sử dụng điện thoại thông thường, người dùng điện thoại vệ tinh phải ra ngoài và đứng dưới bầu trời để việc kết nối giữa thiết bị và vệ tinh không bị cản trở, nhằm thu được tín hiệu tốt nhất. Đây là điều khá bất tiện đối với những người dùng phổ thông, khi họ chỉ muốn nằm ở nhà, vừa xem tivi vừa tán gẫu với bạn bè của mình mà không cần phải để ý nhiều đến vấn đề kết nối.

Tóm lại ,mặc dù điện thoại vệ tinh cho thấy những lợi ích và hiệu quả nhất định, tuy nhiên với những vấn đề nêu trên, cùng với một số ràng buộc về pháp lý khi một số quốc gia không cho phép sử dụng điện thoại vệ tinh trong cộng đồng, thì việc chúng thay thế những chiếc smartphone hiện đại và trở nên phổ biến là điều hoàn toàn không thể - ít nhất là trong tương lai gần.

Quang Minh

Theo scienceabc

Chủ đề khác