VnReview
Hà Nội

Đây là lý do chúng ta vẫn cần đến điểm benchmark

Benchmark là một cách phổ biến để xác định xem liệu một chiếc smartphone có cải tiến hay nâng cấp đáng kể về mặt hiệu năng hay không? Và dù bạn có tin hay không thì nó vẫn là một chỉ số tham khảo rất tốt.

Nếu bạn từng dành thời gian để đọc các bài viết về smartphone, như của VnReview chẳng hạn, bạn sẽ thấy chúng thường xuyên được đánh giá qua các ứng dụng benchmark và so sánh với những chiếc điện thoại khác. Mục đích của bài viết này không phải là để giải thích cách hoạt động của từng ứng dụng benchmark, mà là tầm quan trọng của chúng.

Điểm benchmark thường gây ra những cuộc tranh cãi quyết liệt, khi chúng là những con số cụ thể mà khi người dùng nhìn vào, họ sẽ mặc định rằng chiếc điện thoại này có hiệu năng tốt hơn chiếc điện thoại kia. Các thương hiệu smartphone luôn có một lực lượng fan nhất định, và câu nói bảo vệ mà chúng ta thường được thấy mỗi khi chiếc smartphone của họ thua kém đối thủ là "benchmark chưa chắc đã nói lên hiệu năng sử dụng thực tế". Đây là luận điểm có phần đúng, dù ứng dụng như AnTuTu Benchmark luôn cố gắng sao cho các bài kiểm tra của mình sát với sử dụng thực tế nhất có thể, nhưng không có nghĩa là điểm benchmark hoàn toàn vô dụng.

Cuộc chiến giành "quyền được khoe khoang"

Theo PhoneArena, những bài kiểm tra benchmark luôn là thứ dành cho những người yêu thích công nghệ, để tìm hiểu giới hạn của một chiếc smartphone, thay vì khách hàng thông thường. Chẳng hạn, bạn sẽ không thấy ai đi ra Thế Giới Di Động và hỏi về điểm AnTuTu của Galaxy S10+ so với iPhone XS Max. Tuy nhiên, các hãng smartphone hiểu được tâm lý luôn muốn sở hữu một chiếc máy mạnh mẽ và có hiệu năng cao nhất của người dùng.

Đó là lý do vì sao các hãng lại lấy điểm benchmark ra để so bì và tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác. Với họ, điểm AnTuTu hay GeekBench cũng giống như thời gian hoàn thành một vòng đua của một chiếc siêu xe vậy: càng nhanh càng tốt.

Thời gian chạy hết một vòng ấy có nói lên điều gì về hiệu năng sử dụng hàng ngày không? Có, nhưng không nhiều. Bạn biết được rằng mình có một chiếc xe rất nhanh. Và với smartphone, điều này cũng không khác biệt nhiều.

Thế nhưng, điểm benchmark đôi khi lại trở thành công cụ "lợi dụng" của một số hãng. Rất nhiều hãng smartphone vì muốn vượt mặt đối thủ và tạo lòng tin với khách hàng nên đã âm thầm gian lận điểm benchmark.

Họ âm thầm sử dụng thủ thuật để nhắc hệ thống tự động nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa hệ thống mỗi khi người dùng bật công cụ chấm điểm benchmark. Chiêu trò này đã bị phát hiện trên nhiều mẫu smartphone gần đây của Oppo hay Huawei.

Việc lợi dụng công cụ benchmark như một chiêu trò để khoe hiệu suất ấn tượng của các hãng vô tình dẫn tới sự sụp đổ niềm tin trầm trọng của người tiêu dùng. Điều này khiến người dùng trở nên cảnh giác hơn trước mỗi công bố về điểm AnTuTu hay Geekbench của các hãng.

Tầm quan trọng của điểm benchmark

Điểm benchmark có thể không phải là tiêu chí hàng đầu quyết định sức mạnh của một thiết bị nhưng nó là chỉ số tham chiếu hiệu quả để biết chiếc máy của bạn mạnh đến đâu và có thể vượt được những giới hạn nào.

Ví dụ với các bài kiểm tra như AnTuTu, bạn có thể nắm được toàn bộ khả năng xử lý của thiết bị, bao gồm khả năng xử lý đồ họa 3D trong các ứng dụng, tựa game nặng. Từ đó bạn sẽ có được cho mình sự nhận định chính xác nhất về sức mạnh của máy so với các đối thủ khác.

Ngoài ra, các bài kiểm tra benchmark cũng tạo ra cơ sở dữ liệu quan trọng để bạn có thể so sánh và đối chiếu với các thế hệ cũ của sản phẩm. Ví dụ nếu nhà sản xuất nói rằng, GPU của họ mạnh hơn 50% so với GPU cũ thì bạn có thể sử dụng công cụ chấm điểm benchmark để xác nhận xem công bố đó có chính xác hay không.

Khi smartphone đạt đến mức độ trải nghiệm mượt mà và cao cấp đến nỗi không thể phân biệt được, điểm benchmark sẽ là tiêu chí để so sánh xem liệu con chip mới nhất có thực sự nhanh như lời các hãng quảng cáo.

Bây giờ bạn có thể đã trả lời được cho thắc mắc của bản thân rằng: "Tại sao các nhà sản xuất lại luôn dùng chip xử lý mới nhất cho smartphone qua mỗi năm?". Câu trả lời nằm ở việc mỗi con chip mới nhất lại đem tới một hiệu năng xử lý chất lượng hơn so với đời cũ.

Tất nhiên điểm benchmark không đơn thuần là những con số trừu tượng được thống kê và đánh giá qua các bài kiểm tra. Thực tế có một số bài kiểm tra về pin còn giúp người dùng đánh giá được thời lượng pin của máy và biết nên dùng máy thế nào để có được thời gian sử dụng lâu nhất.

Khi smartphone ngày một tích hợp nhiều tính năng mới, các công cụ chấm điểm benchmark sẽ cần cập nhật thêm các chỉ số quan trọng, ví dụ như đánh giá khả năng hỗ trợ các tác vụ AI hay thậm chí có hẳn một khung điểm đánh giá chất lượng camera, pin,… Hơn hết, những công ty phát triển công cụ chấm điểm phải có biện pháp ngăn tình trạng gian lận. Bằng cách đó, người dùng sẽ có thể kiểm tra tất cả những tuyên bố của các hãng có chính xác hay không.

Nhìn chung điểm benchmark là một chỉ số tham chiếu quan trọng nhằm xác định sức mạnh của một chiếc máy. Tuy nhiên người dùng cũng không nên quá cả tin vào chỉ số này mà hãy chỉ coi đó là một tiêu chí xác định chiếc máy nào cần quan tâm giữa một rừng smartphone trên thị trường.

Ngoài ra, hãy cố gắng trải nghiệm thật kỹ chiếc máy muốn mua và tham khảo thêm nhiều đánh giá từ những người đi trước để biết liệu có nên mua sản phẩm đó hay không.

Tiến Thanh

Chủ đề khác