VnReview
Hà Nội

5 lý do smartphone bảo mật hơn điện thoại "cục gạch"

Ai cũng nghĩ rằng có internet, Bluetooth, nhiều cổng kết nối, GPS hay kho ứng dụng khổng lồ, smartphone chính là mối nguy hiểm lớn về bảo mật và quyền riêng tư.

Thế nhưng nếu có ý định chuyển sang điện thoại "cục gạch", việc đó cũng không giúp bạn an toàn hơn đâu.

Đây là 5 lý do chứng tỏ smartphone thậm chí còn bảo mật hơn điện thoại cơ bản.

1. Smartphone hỗ trợ liên lạc mã hóa

SMS là dịch vụ nhắn tin phổ biến trên toàn thế giới, nhưng nó không bảo mật lắm. Với smartphone, bạn có nhiều lựa chọn để bảo mật nội dung mà mình muốn gửi bằng cách cài những ứng dụng nhắn tin mã hóa khác nhau. Không chỉ tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại hay video cũng có thể được mã hóa.

Signal là một trong những ứng dụng liên lạc mã hóa đơn giản và được đánh giá cao. Đây là ứng dụng nguồn mở và hoàn toàn miễn phí. Nguồn thu cho nhà phát triển chủ yếu đến từ các khoản tài trợ chứ không phải quảng cáo.

2. Smartphone có thể nhận cập nhật vá lỗi bảo mật

Ngoài những bản update bổ sung tính năng mới mà chúng ta thường rất mong đợi, smartphone còn thường xuyên nhận các bản cập nhật vá lỗi bảo mật, đôi khi đó là những lỗi nghiêm trọng vừa bị khai thác.

Điều đó có nghĩa sử dụng smartphone sẽ giúp bạn tránh những lỗ hổng bảo mật nguy hiểm, tất nhiên việc update nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhà sản xuất.

Còn điện thoại "cục gạch" thì sao? Thường thì chúng không bao giờ được cập nhật phần mềm, do đó nếu phần mềm bên trong chứa lỗ hổng bảo mật thì sẽ rất nguy hiểm. Điều đó cũng tương tự đối với hàng triệu smartphone Android giá rẻ, từ các hãng không tên tuổi. Chính vì vậy mà điện thoại Android không được đánh giá cao về bảo mật.

3. Hệ điều hành của smartphone trang bị nhiều tính năng bảo mật

Trước thời đại "thông minh", ngoài tính năng cơ bản nhất là nghe gọi, các nhà sản xuất còn tích hợp vào điện thoại di động tính năng nhắn tin, chơi game đơn giản, tải nhạc chuông hay truy cập web.

Càng nhiều tính năng mới, khả năng bảo mật của điện thoại càng cần được quan tâm. Đến thời đại của iOS hay Android, bảo mật và quyền riêng tư trên di động đã trở thành vấn đề vô cùng quan trọng. Các nhà sản xuất ngày càng bổ sung nhiều tính năng bảo mật hơn vào sản phẩm của mình như giới hạn quyền truy cập dữ liệu, hỏi ý kiến người dùng, cảm biến vân tay, quét khuôn mặt,...

4. Bạn có thể biết nếu smartphone gặp vấn đề bảo mật

Smartphone là những chiếc máy tính thu nhỏ, điện thoại cơ bản cũng vậy. Điểm khác biệt là bạn có thể làm nhiều việc mà máy tính làm được với smartphone, nhưng điện thoại cơ bản thì không.

Theo MakeUseOf, điện thoại cơ bản thường giấu đi phần lớn yếu tố "máy tính" như mở trình nhập mã Terminal, và điều đó khiến bạn khó mà kiểm tra khi máy gặp vấn đề bảo mật hay bị khai thác. Trừ khi mọi thứ bắt đầu tệ hơn như giật lag, treo máy, crash ứng dụng,... bạn không thể biết được chuyện gì đang xảy ra mà vẫn cứ thế sử dụng như thường.

Ngược lại, smartphone cung cấp những công cụ giúp kiểm tra xem có phần mềm lạ đang "ẩn nấp" hay không, bạn cũng có thể biết các file hệ thống hay thành phần nào bị sửa đổi một cách bất thường. Ngay cả khi không biết kiểm tra, tin tức về nó cũng sẽ sớm xuất hiện.

5. Linh kiện trên smartphone thường tách biệt nhau

Về mặt kỹ thuật, smartphone thường phức tạp hơn điện thoại bình thường, và đó cũng mang đến lợi thế về bảo mật.

Hãy lấy ví dụ với chip baseband, bộ xử lý sóng vô tuyến trên smartphone thường nằm tách biệt khỏi CPU chính. 2 thành phần này giao tiếp qua một bus (hệ thống chuyển dữ liệu giữa các thành phần máy tính).

Các nhà nghiên cứu từng phát hiện lỗ hổng từ các đoạn mã trên chip baseband có thể bị khai thác bởi các hacker, và việc tách khỏi CPU giúp chúng không có khả năng tấn công vào CPU chính dù có quyền truy cập vào chip baseband.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa smartphone là an toàn tuyệt đối

Cái gì cũng có hai mặt, ngoài những tính năng hỗ trợ bảo mật thì những phần mềm độc hại là điều khiến chúng ta phải đau đầu. Chỉ cần tải nhầm một phần mềm "fake" nào đó cũng đủ để dữ liệu của bạn gặp nguy hiểm rồi. Các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi, và nhà sản xuất, nhà phát triển ứng dụng, nhà nghiên cứu và chính cả người dùng chúng ta đều phải đề phòng trước bất cứ nguy cơ nào có thể xảy ra.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác