VnReview
Hà Nội

Gameboy tròn 30 tuổi: Nhìn lại quá trình "dậy thì thành công" của máy chơi game cầm tay huyền thoại

Game Boy, hệ máy chơi game cầm tay biểu tượng của Nintendo vừa tròn 30 năm ra mắt.

Trong khi NES (Nintendo Entertainment System) giúp Nintendo trở thành cái tên quen thuộc trước TV của mọi nhà thì Game Boy đã mở ra kỷ nguyên của máy chơi game cầm tay có thể mang đi bất cứ đâu. Game Boy được xem là tiền đề cho những chiếc máy game cầm tay hiện đại sau này.

Thế giới game đã thay đổi rất nhiều, từ màn hình trắng đen 8-bit trên Game Boy đến Nintendo Switch, Nintendo vẫn là một trong những cái tên đứng đầu ngành công nghiệp game. Hai yếu tố chính giúp Game Boy thành công là: thiết kế bền bỉ cùng thư viện game đồ sộ. Ngay cả khi ra mắt những sản phẩm hiện đại hơn, hãng vẫn xây dựng triết lý thiết kế đặc trưng và chăm chút cho từng chi tiết.

Nhân dịp Game Boy tròn 30 tuổi, cùng nhìn lại những chiếc máy chơi game cầm tay nổi bật của Nintendo trong 30 năm qua.

1. Game Boy (1989)

Thiết kế cứng cáp, hoạt động bền bỉ và kho game khổng lồ giúp Game Boy khuấy đảo thị trường trong suốt 10 năm, dù phải chịu cạnh tranh từ các thiết bị tiên tiến hơn như Sega Game Gear.

Tuy có đồ họa trông rất thô sơ so với hiện nay, nhưng chính Game Boy đã mở ra thị trường game di động mà 30 năm sau vẫn là con "gà đẻ trứng vàng" cho biết bao công ty.

2. Game Boy Color (1998)

Đúng như tên gọi, đây là thiết bị game cầm tay đầu tiên của Nintendo có màn hình màu. Ra mắt gần 10 năm sau phiên bản gốc nên Game Boy Color được nâng cấp khá nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của game thủ. Dù vậy đây chỉ là bước "chuyển giao" trước khi Game Boy Advance ra mắt sau đó 3 năm.

Trong 3 năm ấy, có khoảng 300 game mới được phát hành cho Game Boy Color, một trong số chúng thể chơi trên Game Boy gốc và ngược lại, Game Boy Color có thể chơi game trắng đen của Game Boy.

3. Game Boy Advance (2001)

Thế hệ Game Boy này được nâng cấp rất nhiều về phần cứng lẫn thiết kế so với đàn anh. Với kiến trúc 32-bit, Game Boy Advance có thể xử lý các tựa game từng chỉ dành cho máy console cỡ lớn, đáp ứng cho một thế hệ game thủ mới.

Theo Business Insider, GBA cũng hoàn toàn tương thích với các game cho Game Boy cũ, phần thưởng xứng đáng dành cho các "fan cứng".

4. Game Boy Advance SP (2003)

Những thay đổi trên GBA SP cho chúng ta cái nhìn ban đầu về thiết kế trên những máy game cầm tay trong tương lai của Nintendo, chính là Nintendo DS ra mắt sau đó hai năm.

Cùng với sự bùng nổ của điện thoại di động, GBA SP có thiết kế nắp gập, chất lượng gia công tốt hơn so với GBA. Đây cũng là thiết bị cầm tay Nintendo đầu tiên trang bị pin sạc, thêm đèn nền màn hình.

5. Nintendo DS (2004)

Màn hình thứ hai điều khiển bằng cảm ứng trên Nintendo DS tiếp tục mở ra thời đại mới của máy game cầm tay. Những trò chơi được thiết kế cho màn hình thứ hai mang đến sự hấp dẫn khó cưỡng, nhà phát triển luôn sáng tạo những cách thú vị để tận dụng nó.

DS cũng là sản phẩm cầm tay đầu tiên của Nintendo với sức mạnh có thể chơi các tựa game 3D, game port từ hệ máy console N64. Thiết bị cũng tương thích với các game của Game Boy Advance.

6. Game Boy Micro (2005)

Nintendo ra mắt phiên bản GBA thu nhỏ tên là Game Boy Micro khi sản phẩm DS được đón nhận nồng nhiệt. Thiết bị rộng chưa đến 13cm, chỉ chơi được game của GBA chứ không chơi được game của Game Boy hay Game Boy Color.

7. Nintendo DS Lite (2006)

Hệ máy DS cũng có khá nhiều biến thể, trong đó có bản nâng cấp DSi bổ sung pin sạc và camera, DS Lite là bản thu nhỏ của DS còn DSi XL thì có màn hình lớn hơn.

DS là series máy chơi game thành công nhất mọi thời đại của Nintendo với doanh số 150 triệu chiếc trên toàn thế giới. Kho game đồ sộ, trải nghiệm độc đáo khiến DS "trên cơ" hẳn so với PlayStation Portable, thiết bị mạnh mẽ hơn đến từ Sony.

8. Nintendo 3DS (2011)

Nâng cấp lớn nhất của Nintendo 3DS chính là màn hình 3D cho phép xem hình ảnh 3D không cần kính hay bất cứ phụ kiện bổ sung nào. Tuy nhiên tính năng 3D này không được nhiều game áp dụng nên dần bị lãng quên.

9. Nintendo 2DS (2013)

Do không phổ biến nên Nintendo đã sản xuất một phiên bản 3DS không có màn hình 3D gọi là 2DS. Trừ màn hình 3D, 3DS vẫn là dòng máy thành công của Nintendo với khả năng tương thích ngược. Kho nội dung digital cũng lần đầu xuất hiện trên dòng máy Nintendo cầm tay với nội dung đa dạng, được đánh giá cao hơn so với Wii hay Wii U, những tính năng online và quản lý dữ liệu cũng cải thiện đáng kể.

10. New Nintendo 3DS (2015)

Những gì đã tốt trên 3DS tiếp tục được cải tiến cho tốt hơn trên phiên bản mới, với hai biến thể bình thường và "XL" màn hình lớn hơn.

Dù không có những đột phá gây sốt như DS, nhưng việc nâng cấp đều đặn giúp Nintendo duy trì dòng máy game cầm tay này trong khoảng thời gian khá dài mà vẫn được người dùng đón nhận.

11. Nintendo Switch (2017)

Tuy chỉ mới ra mắt được hai năm nhưng Switch đã thành công trong việc kết hợp những thứ tốt nhất của Nintendo trên một chiếc máy chơi game cầm tay và console.

Ở chế độ di động, Switch chẳng khác gì cỗ máy Game Boy mạnh mẽ với màn hình cảm ứng, tay cầm tách rời cho những game hai người chơi. Khi về nhà, cắm màn hình vào dock và bạn đã có một chiếc máy console để giải trí.

Với Switch, Nintendo đã khắc phục những vấn đề liên quan đến mạng từng bị phàn nàn khá nhiều trước đây. Dù "tuổi đời" con rất trẻ nhưng Switch cũng có nhiều tựa game tuyệt vời như "The Legend of Zelda: Breath of the Wild" hay "Super Mario Odyssey".

Phúc Thịnh

Chủ đề khác