VnReview
Hà Nội

Nhìn lại những nguyên nhân mấu chốt khiến Galaxy Fold hụt chân

Chúng ta đã thấy những chiếc Galaxy Fold được gửi đến các reviewer của TheVerge, CNBC, Bloomberg, Wall Street Journal, và cả YouTuber nổi tiếng Marques Brownlee rơi vào tình trạng hỏng nặng chỉ sau vài ngày sử dụng. Và iFixit, sau khi mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng thiết bị mới lạ này, đã chỉ ra những nguyên nhân mấu chốt khiến chiếc Fold hụt chân đầy đáng tiếc.

fold

Dưới đây là những phân tích chuyên sâu về nguyên nhân khiến chiếc điện thoại nắp gập Samsung Galaxy Fold nhanh chóng gặp vấn đề, dựa trên kinh nghiệm cả thập kỷ mổ xẻ rất nhiều thiết bị với các thành phần thiết kế tương tự của các thành viên iFixit.

Màn hình OLED cực kỳ mong manh

Samsung là nhà sản xuất màn hình OLED di động hàng đầu thế giới, xét về cả kinh nghiệm lẫn thị phần. Họ đã cung cấp màn hình OLED cho dòng iPhone, cho các điện thoại Galaxy của chính mình, và khoảng 89% số màn hình AMOLED trên thế giới trong năm 2017. Màn hình OLED có nhiều ưu điểm so với màn hình LCD thông thường: chúng hoạt động không cần đèn nền, chúng tiết kiệm năng lượng hơn, chúng tạo ra màu sắc sống động hơn. Quan trọng nhất, chúng là loại màn hình duy nhất bạn có thể dùng trên những chiếc phablet màn hình gập có bản lề như chiếc Fold.

oled

Nhưng màn hình OLED cũng gặp nhiều vấn đề hơn LCD, và nó có khả năng bị hỏng toàn bộ màn hình thay vì chỉ một phần như LCD. Bất kỳ vết nứt nhỏ nào trên lớp phủ quanh lớp OLED cũng có thể gây thiệt hại nặng cho các chất liệu hữu cơ bên trong màn hình. OLED rất nhạy cảm với oxy và độ ẩm, và do đó lớp phủ là rất quan trọng.;

Cụ thể, phần viền của màn hình OLED chính là phần cực khó để tháo rời hoặc sửa chữa mà không gây hư hỏng. Sam Lionheart, kỹ sư trưởng của iFixit cho biết "chúng tôi làm hỏng nhiều màn hình như vậy khi tháo chúng ra, đặc biệt khi chúng được uốn cong. OLED rất dễ bị tách khỏi mặt kính, và khi điều đó xảy ra, không thể cứu được màn hình nữa". Các màn hình uốn cong đặc biệt rất khó sửa, chiếc Galaxy S6 Edge là một ví dụ.

Các màn hình OLED giống như những căn phòng sạch sẽ, siêu nhỏ, siêu mỏng mà bạn mang bên mình; bất kỳ thứ gì xâm nhập hay gây áp lực lên nó đều có thể phá vỡ sự cân bằng tinh tế của chúng.

OLED + bụi = chết

Với việc OLED rất nhạy cảm với ẩm, khí oxy, hay với các hành vi như bị nạy lên, có thể thấy rõ ràng rằng chiếc Fold giống như đang mời rắc rối đến với nó vậy.

fold

Trong những bức ảnh trên tay Galaxy Fold của trang TheVerge (trước khi nó bị hỏng), bạn có thể thấy rõ những khoảng hở ở đỉnh và đáy của bản lề khi màn hình được mở rộng ra. Một hình ảnh khác chụp cận cảnh phần bản lề từ một bên, bám đầy bụi trong túi quần, khiến nguyên nhân hỏng hóc càng rõ ràng hơn. Và mặt lưng của chiếc Fold, ngay cả với bản lề đã đóng hay được mở hờ, trông cũng không kín.

"Đó là những điểm hở lớn nhất tôi từng thấy trên một chiếc điện thoại hiện đại. Trừ khi có một loại màng chắn ma thuật trong đó, bụi bặm chắc chắn sẽ lọt vào trong mặt lưng" - Lionheart nói. Cần chú ý rằng Samsung không hề cung cấp thông tin về chỉ số IP (chỉ sống chống nước/bụi) trên chiếc Fold.

Phóng viên Dieter Bohn của TheVerge cảm thấy cực kỳ khó hiểu khi chiếc Fold của anh gặp vấn đề. Khi anh lần đầu thấy vết phồng dưới màn hình Fold vào đêm hôm trước, anh đã liên hệ với Samsung và đóng màn hình điện thoại lại, đặt nó sang một bên và không dùng đến nữa. Nhưng vào sáng hôm sau, màn hình đã xuất hiện thêm vết phồng thứ hai.

Bụi có thể đã lọt vào màn hình chiếc Fold của Bohn thông qua con đường bản lề phía sau. Một reviewer khác cũng gặp tình huống tương tự là Lorenz Keller, với một vết phồng nằm ở vị trí đối diện với vết phồng của Bohn. Vết phồng trên máy của Keller sau đó đã biến mất, cho thấy có lẽ bản lề đã được mở ra nhiều lần để bụi thoát ra ngoài.

Những hình ảnh các reviewer cung cấp cho thấy dù màn hình kéo dài từ tấm nền bên trái sang bên phải, vẫn có một khoảng trống ở giữa hai tấm nền để thiết bị có thể uốn cong với bán kính khá hẹp như vậy. Có nghĩa là màn hình OLED của Galaxy Fold khi uốn cong vào trong có khả năng đã chèn lên các vật thể lọt vào khoảng trống nói trên. Mổ xẻ thiết bị cho thấy có 3 bản lề dọc phần gáy của máy. Nếu bụi lọt vào trong phần gáy của Fold, nó cũng có thể tích tụ xung quanh những bản lề đó, khiến chúng tiếp xúc với lớp OLED dễ hư hỏng, và điều đó giải thích cho những nét tương đồng giữa các vết phồng trên hai thiết bị của Bohn và Keller.

Samsung nói rằng sau khi nghiên cứu sơ qua về các lỗi đã được thông báo, họ thấy có tác động lên các khu vực bị lộ ra ở trên đỉnh và đáy của bản lề, và có sự hiện diện của vật chất bên trong thiết bị gây ảnh hưởng đến hiệu năng của màn hình. Không rõ "tác động" mà Samsung nói là gì, nhưng "vật chất" bên trong thì hoàn toàn không bất ngờ chút nào.

Tại sao họ lại làm ra một thiết bị với một lớp OLED mỏng manh, có dung sai giữa màn hình và phần gáy quá nhỏ, và có quá nhiều cách để bụi và ẩm có thể lọt vào? Quá kiêu ngạo chăng? Hay họ thử nghiệm với robot chứ không phải với người thực (robot không biết bỏ máy vào túi quần, không có ngón tay, và cũng chẳng biết đóng, mở máy theo nhiều cách khác nhau)? Đó là những câu hỏi chẳng bao giờ có câu trả lời, ngay cả khi chúng ta biết được nguyên nhân gây hỏng hóc.

Tại sao lớp bảo vệ màn hình dán sẵn lại gây ra vấn đề lớn

Ba thiết bị được chuyển đến các reviewer bị hỏng bởi họ gỡ một lớp polymer bảo vệ màn hình mà Samsung không khuyến khích người dùng gỡ bỏ.

fold

Samsung cho biết lớp bảo vệ này không được gỡ bỏ bằng tay, cũng không hỗ trợ các giải pháp bảo vệ màn hình bổ sung khác. Điều này cho thấy một số thứ về màn hình bên dưới. Các lớp bảo vệ màn hình dán sẵn không có gì mới mẻ; dòng sản phẩm Galaxy S10 đã có trước đó. Nhưng vì màn hình uốn dẻo quá mỏng manh, những người gỡ bỏ lớp bảo vệ - vốn là hành động quên thuộc sau nhiều năm gỡ bỏ những lớp nhựa bảo vệ trên các điện thoại mới mua khác - đã tác động lực ngón tay và móng tay lên bề mặt bên dưới, đồng thời còn gây ra áp lực không đều lên toàn màn hình. Thế là...R.I.P Galaxy Fold.

Máy gập và người gập

Điều khác biệt giữa những con robot của Samsung và các reviewer là gì? Tất cả đều đóng màn hình Fold với các thao tác khác nhau. Robot của Samsung - mà theo công ty là đã gập các thiết bị thử nghiệm 200.000 lần - thực hiện những cú nhấn với áp lực phân bố đồng đều một cách hoàn hảo lên phần ngoài của điện thoại, và thao tác mở màn hình của chúng cũng vậy. Với các reviewer, đa phần họ nhấn vào đâu đó trong hay trên màn hình, để đẩy bản lề ra khỏi trạng thái mở và đóng điện thoại lại, và sau đó mở điện thoại ra như mở một cuốn sách, bằng các ngón tay. Reviewer Dieter Bohn thường nhấn gần phần trung tâm bên dưới của bản lề bên phải trên chiếc Fold, trong khi reviewer Lewis của UnboxTherapy thì lại thử mở và đóng màn hình Fold 1.000 lần, trong quá trình đó nhấn lên nhiều điểm khác nhau ở phần giữa và phần đáy. Một reviewer khác, Soldier Knows Best, đóng chiếc Fold với một cú nhấn lên phần trên bên trái của màn hình bên trong.

Dù chưa có chiếc Fold nào bị hỏng vì các vấn đề đóng mở, cần nhắc lại rằng nếu không có bất kỳ hạt bụi nào lọt vào bản lề của Fold, hay bên dưới miếng bảo vệ màn hình, thì nhấn vào màn hình để đóng máy lại cũng có thể gây hỏng hoặc gây sức ép lên OLED đủ để khiến nó bị hỏng hoặc gặp vấn đề. Chẳng ai nhấn rất mạnh vào màn hình để đóng nó lại cả, nhưng nhiều vấn đề mà nhà sản xuất chưa từng thử nghiệm sẽ xuất hiện nếu màn hình bị nhấn bởi những lực nhấn không đồng đều đến hàng ngàn lần - Lionheart nói. Các robot của Samsung làm việc trong một căn phòng sạch sẽ, trong khi con người sử dụng những chiếc Fold trong điều kiện thế giới thực: từ bàn ăn, ngoài trời, và trên tàu điện ngầm.

Một vài vấn đề tiềm tàng khác

Dường như chiếc Fold không có một đường thẳng được chia sẵn ở giữa màn hình để định hướng cho màn hình khi gập lại. Nhiều khả năng Samsung làm vậy để bảo đảm tính thẩm mỹ của thiết bị, để màn hình giống như một tấm hiển thị lớn thay vì là hai tấm riêng biệt. Nhưng vì không có đường chia sẵn đó, áp lực từ việc gập sẽ tác động lên nhiều điểm khác nhau, thay vì dồn vào một đường duy nhất đó.

Người đứng đầu iFixit tự hỏi không rõ đường hằn trên màn hình của Galaxy Fold có thể dịch chuyển đôi chút nếu bạn thường nhấn vào một bên không. Áp lực không đồng đều như vậy có thể gây ra những đường hằn khác trên màn hình, qua đó giải thích tại sao chiếc Fold của TheVerge lại có hai đường kẻ vuông góc với nhau.

Cả Bohn và Lionheart đều cho rằng màn hình của Fold cần một thứ gì đó ở giữa để ngăn nó không chạm vào cạnh màn hình khi đóng hoặc mở. Bởi lẽ, màn hình OLED không được thiết kế để bị nhấn xuống bởi bất kỳ thứ gì khác với ngón tay của con người.

Minh.T.T

Chủ đề khác