VnReview
Hà Nội

Smartphone chụp ảnh 100MP đã xuất hiện, nhưng bạn đừng tin vào chúng!

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, điện thoại càng có nhiều "chấm" thì ảnh chụp sẽ càng đẹp. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần và ngay cả khi có camera 100MP, bạn cũng chưa chắc đã có được bức ảnh ưng ý nhất.

Mới đây, chiếc Z6 Pro của Lenovo đã ra mắt với cụm camera có khả năng chụp ảnh độ phân giải 100MP. Nhưng liệu chúng ta có thực sự cần đến những tính năng như vậy?

Cuộc đua số "chấm" camera trên smartphone tưởng chừng đã kết thúc từ khi Nokia khai tử Lumia 1020, nhưng mới đây nó đã "nóng" trở lại, khi hàng loạt smartphone với camera 48MP được cho ra mắt. Tính thực tế của camera 48MP vẫn còn là một dấu hỏi, trên thực tế trong nhiều bài test của VnReview cũng đã cho thấy nó không thực sự có ưu điểm nào nổi trội so với ảnh chụp thông thường, vậy liệu chúng ta có cần đến camera 100MP?

Chúng ta cần camera độ phân giải siêu cao để làm gì?

Cảm biến camera trên smartphone phải rất mỏng và nhỏ để phù hợp với thiết kế của máy. Việc giảm kích thước cảm biến cũng đồng nghĩa với việc kích thước của các điểm ảnh có nhiệm vụ thu sáng bị cắt giảm. Máy thu được ít ánh sáng hơn, điều này dẫn tới việc camera sẽ khó chụp được bức ảnh chất lượng trong điều kiện thiếu sáng.

Khó khăn này buộc các nhà sản xuất phải lựa chọn hai giải pháp, đó là tăng số lượng điểm ảnh nhỏ (tăng độ phân giải, độ chi tiết cho bức ảnh nhưng khó chụp đẹp khi thiếu sáng) hoặc tăng kích thước điểm ảnh lớn hơn (độ phân giải thấp hơn nhưng chụp thiếu sáng tốt hơn).

Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, cảm biến trên smartphone đã bắt đầu áp dụng công nghệ kết hợp điểm ảnh (pixel-binning) để thu dữ liệu từ 4 điểm ảnh liền kề và tạo nên một "siêu điểm ảnh". Cách làm này giúp cảm biến không cần có quá nhiều điểm ảnh nhưng vẫn giữ được kích thước và quan trọng tạo ra được bức ảnh có độ phân giải siêu cao.

Cảm biến Sony IMX586 với độ phân giải 48MP là một ví dụ điển hình của công nghệ này. Vì các điểm ảnh của cảm biến khá nhỏ, chỉ 0,8 micron nhưng về cơ bản nếu áp dụng công nghệ kết hợp điểm ảnh, nó có thể tạo ra hình ảnh tương đương đương như khi chụp với cảm biến 12MP, kích thước điểm ảnh 1,6 micron.

Tại sao việc đưa cảm biến 100MP lên smartphone là một ý tưởng tồi?

Công nghệ này rõ ràng hoạt động với camera 48MP, ví dụ như với Redmi Note 7 Pro, Honor View 20 hay gần đây là Lenovo Z6 Pro. Tuy nhiên làm sao để tích hợp cảm biến độ phân giải 100MP trên smartphone là cả một thách thức vô cùng lớn.

Thách thức lớn nhất là làm sao có thể tích hợp đầy đủ mọi điểm ảnh trên cảm biến smartphone. Giải pháp được đưa ra đó là tăng kích thước cảm biến để chứa được tất cả điểm ảnh trong khi vẫn duy trì được kích thước của từng điểm ảnh. Nhưng nhược điểm của giải pháp này là khiến camera bị lồi lên. Hoặc có thể giảm kích thước điểm ảnh và áp dụng công nghệ pixel-binning để hỗ trợ khả năng chụp ảnh thiếu sáng.

Như vậy, một chiếc smartphone với camera 100MP sẽ có số điểm ảnh quá nhỏ để có thể áp dụng công nghệ pixel-binning và tạo ra một bức ảnh khác biệt, có độ chi tiết cao nhất.

Tất nhiên kỹ thuật pixel-binning không thể mang lại kết quả cao nhất như việc chụp từ một cảm biến 100MP do điểm ảnh quá nhỏ. Một cảm biến 100MP sẽ chỉ có kích thước điểm ảnh dao động từ 0,3-0,4 micron. Kích thước này tương đương với việc bạn chụp từ camera 25MP với kích cỡ điểm ảnh từ 0,6-0,8 micron.

Việc đưa cảm biến 100MP lên smartphone sẽ buộc các hãng phải đánh đổi khả năng chụp ảnh thiếu sáng. Nếu bạn chưa biết thì camera chính trên Galaxy S10 Plus và Pixel chỉ có độ phân giải 12MP nhưng kích thước điểm ảnh lên tới 1,4 micron.

Khả năng thu sáng kém và... vô cùng "ngốn" bộ nhớ

Không chỉ gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề chụp ảnh thiếu sáng, cảm biến 100MP còn phát sinh thêm một vấn đề khác, đó là lưu trữ.

Ảnh chụp từ camera 40MP trên model smartphone cao cấp của Huawei có thể dao động từ 7-15MB. Điều này cũng đồng nghĩa với ảnh chụp từ cảm biến 100MP có thể nặng khoảng hơn 30MB. Tất nhiên đây là ảnh đã qua xử lý và nén. Nếu chụp với ảnh RAW, dung lượng cho mỗi bức ảnh sẽ còn khủng khiếp hơn nữa. Lấy ví dụ ảnh RAW chụp từ Galaxy S8 có dung lượng dưới 24MB, trong khi ảnh DNG của Mate 20 Pro rơi vào khoảng 80MB. Do đó nếu ảnh RAW chụp từ cảm biến 100MP, con số sẽ khó có thể tưởng tượng được.

Điều đáng nói là cảm biến 48MP hay 40MP trên smartphone hiện nay thường chụp bằng công nghệ kết hợp điểm ảnh. Vậy nên chúng ta chắc chắn phải chờ đợi những công nghệ tiên tiến hơn thế ở cảm biến 100MP. Không chỉ chụp thiếu sáng tốt hơn, cảm biến 100MP còn phải giải quyết được bài toán lưu trữ. Sẽ chẳng có bộ nhớ nào đủ lưu trữ cho những bức ảnh tốn hàng chục MB dữ liệu.

Bên cạnh đó, các hãng có thể áp dụng định dạng HEIF để giảm kích thước file trong khi vẫn giữ được chất lượng bức ảnh.;

Nói về chip, đây cũng là một thách thức lớn với smartphone có camera 100MP. Qualcomm từng khẳng định một số mẫu chip của hãng có thể hỗ trợ chụp ảnh 192MP. Tuy nhiên giữa lời nói và thực tế là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Theo ghi nhận của trang Android Authority, Mate 20 Pro thỉnh thoảng hay xảy ra hiện tượng lag và không hiển thị thông báo khi sử dụng chế độ chụp ảnh RAW. Hay như Nokia 9 PureView cũng gặp chung tình trạng khi con chip Snapdragon 845 phải xử lý quá nhiều tác vụ bao gồm dữ liệu hình ảnh hay lưu ảnh vào bộ nhớ.

Từ những phân tích kể trên có thể thấy, lợi ích của cảm biến 100MP chưa thấy đâu nhưng hạn chế thì đã phơi bày rất nhiều, từ chất lượng ảnh thiếu sáng cho đến kích thước lưu trữ. Bên cạnh đó, liệu rằng khả năng thu phóng thuận tiện kia có thực sự cần thiết khi nhiều smartphone hiện nay còn trang bị cả ống kính tele để người dùng chụp xa.

Cuối cùng, trừ phi các nhà sản xuất tìm ra được giải pháp mới giúp hài hòa được giữa chất lượng hình ảnh, độ chi tiết và khả năng chụp ảnh thiếu sáng, camera 100MP vẫn chỉ là một thứ xa vời, không thực tế.

Tiến Thanh

Chủ đề khác