VnReview
Hà Nội

Vì sao một số mẫu điện thoại Android không có Play Store?

Điện thoại Huawei, máy tính bảng Amazon và điện thoại Google Pixel là các thiết bị đều sử dụng hệ điều hành Android; song một chiếc không có quyền truy cập vào kho ứng dụng Play Store, một chiếc "sắp" mất quyền truy cập, còn một chiếc thì được sử dụng đầy đủ kho ứng dụng này. Lý do nào dẫn đến sự khác biệt như vậy?

Mảng smartphone Huawei có thể bị huỷ hoại nặng nề nếu thiếu Android

Smartphone Huawei sẽ mất gì khi bị Google rút giấy phép sử dụng Android, chỉ được dùng bản AOSP

Nếu bạn vẫn đang tự hỏi bản chất của Android là gì và tại sao cửa hàng Play Store lại chỉ xuất hiện trên một số sản phẩm chạy Android nhất định, bài viết này sẽ giải thích chi tiết cho bạn lý do thực sự đằng sau. Những thông tin này rất hữu ích, giúp bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình trong tương lai.

Hệ điều hành Android được xây dựng dựa trên cơ sở một bộ mã nguồn được gọi là Dự án Mã nguồn mở Android (tiếng Anh: Android Open Source Project, viết tắt AOSP). Đúng như tên gọi: AOSP là một bộ mã nguồn mở: tất cả các đoạn mã được công khai và có thể được xem, sử dụng và chỉnh sửa bởi tất cả mọi người, hoàn toàn miễn phí. AOSP chủ yếu được bảo trì và phát triển bởi các kĩ sư Google, và bản thân AOSP lại được xây dựng dựa trên một phần mềm nguồn mở khác là Linux.

Đa số các nhà sản xuất điện thoại Android đều sử dụng AOSP làm cơ sở để phát triển phiên bản Android riêng của mình, và đó là lý do vì sao hệ điều hành Android trên các máy điện thoại của các hãng khác nhau như Samsung, LG, Xiaomi, OnePlus… lại có sự khác biệt. Mỗi công ty lại có một nhóm các lập trình viên và các nhà phát triển phần mềm riêng, sử dụng sản phẩm của các kĩ sư Google và xây dựng phần mềm riêng của mình lên trên lớp AOSP cơ sở. Mọi thứ chỉ đơn giản như vậy.

Ở tầng trên cùng của Android là một bộ các ứng dụng và dịch vụ độc quyền của Google có tên gọi Google Mobile Services (GMS). Gói này bao gồm các dịch vụ như Google Chrome, YouTube, Google Search, và quan trọng nhất là cửa hàng ứng dụng Google Play Store. GMS chính là thứ mà các thiết bị Amazon (và trong tương lai rất có thể là Huawei, nếu như lệnh cấm của Mỹ không chấm dứt) không có.

Google cấp phép sử dụng gói GMS cho các nhà sản xuất điện thoại hoàn toàn miễn phí, nhưng với một số điều kiện. Một trong những điều kiện đối với nhà sản xuất phần cứng là họ phải cài đặt sẵn các ứng dụng của Google (chẳng hạn như Gmail và Google Maps) trên các thiết bị của mình. Cũng chính vì lý do này mà Google "vướng" vào rắc rối pháp lý với các nhà hành pháp của Liên minh châu Âu và phải nộp phạt trong thời gian vừa qua.

Mặc dù vậy, đa số các nhà sản xuất điện thoại Android vẫn lựa chọn sử dụng gói GMS và đồng ý với các điều khoản mà Google đưa ra—bằng chứng là bạn có thể nhìn thấy ngay các ứng dụng của Google được cài đặt sẵn trên những chiếc điện thoại thông minh đầu bảng trên thị trường như Galaxy S10 và LG G8 ThinQ. Các công ty phần cứng có được phiên bản Android tốt nhất chạy trên sản phẩm của mình, Google có thêm rất nhiều người dùng ứng dụng và dịch vụ của họ; tất cả mọi người đều vui mừng.

Tuy nhiên, GMS không chỉ có vậy. Cửa hàng ứng dụng Google Play Store không chỉ cung cấp ứng dụng, nó còn cung cấp "bộ khung" (framework) Google Play Services thực hiện hàng loạt chức năng quét bảo mật trong hệ điều hành Android hiện đại. Nó cũng bao gồm các hàm giao diện lập trình ứng dụng (API) tối quan trọng để các lập trình viên có thể can thiệp sâu hơn vào nền tảng Android. Nếu không có các API này, việc phát triển ứng dụng Android bên ngoài Play Store sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Những người chỉ trích Google cho rằng gã khổng lồ tìm kiếm đang ngày càng đưa những thành phần quan trọng ra khỏi lõi AOSP đến mức, giờ đây để phát triển một hệ điều hành di động "dùng được", cho phép người dùng có thể sử dụng một cách hiệu quả, nếu chỉ dựa trên phần lõi AOSP thì gần như là bất khả thi. Ở chiều ngược lại, Google lập luận rằng phần mã nguồn cốt lõi vẫn được cung cấp dưới dạng nguồn mở và thường xuyên được duy trì để phục vụ nhu cầu của bất cứ ai muốn sử dụng nó để triển khai cho các sản phẩm của mình. Hãng lấy ví dụ về dự án LineageOS hay hệ điều hành Fire OS của Amazon để chứng minh cho luận điểm của mình.

Nhưng tại sao Amazon lại không "bắt tay" với Google để được sử dụng hệ điều hành Android có GMS trên dòng máy tính bảng Fire của mình? Bạn phải hỏi chính Amazon và Google thì mới biết được, nhưng có lẽ Amazon không thực sự lấy làm "vui vẻ" gì khi phải cung cấp cho người dùng các ứng dụng và dịch vụ của Google ngay trên chính sản phẩm phần cứng của mình (nhất là mảng dịch vụ về video và âm nhạc, khi mà Amazon cũng có các sản phẩm tương đương). Điều đó đồng nghĩa với việc dòng máy tính bảng Fire sẽ không có cửa hàng ứng dụng Google Play Store—Amazon bổ sung khiếm khuyết này bằng cách cung cấp cho Fire kho ứng dụng Amazon App Store của riêng mình. Một số ứng dụng của các "ông lớn" cũng xuất hiện trên kho của Amazon, song đa số chúng đều là những bản "nhái" chất lượng kém của ứng dụng tương đương trên Play Store, bởi các nhà phát triển thường rất ngại phải "port" ứng dụng sang một nền tảng khác, đặc biệt là khi nền tảng ấy không có nhiều người sử dụng.

"Đối lập" với AOSP, chúng ta có Android nguyên bản, hay nhiều người vẫn quen gọi là "Android gốc". Thuật ngữ này đã thay đổi về mặt ý nghĩa khá nhiều qua thời gian và quy mô của GMS ngày càng được mở rộng. Thực chất, Android gốc chính là lõi AOSP cùng với GMS nhưng không bổ sung thêm cái gì ở bên trên nữa (không có các giao diện, launcher, theme… của hãng sản xuất bên thứ ba)—mã nguồn của Android gốc được Google trực tiếp phát hành ngay khi chúng được duyệt và chấp thuận, do đó những thiết bị sử dụng Android gốc thường sẽ được cập nhật phiên bản hệ điều hành mới sớm nhất.

Thời trước, cách tốt nhất để trải nghiệm hệ điều hành Android gốc là mua một chiếc điện thoại Nexus. Hiện tại, chúng ta có Android One (phiên bản đang được Nokia và ngày càng nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh sử dụng), nhìn chung khá gần với Android gốc — bạn có Google Assistant, Google Play Store, các bản cập nhật hệ điều hành nhanh chóng từ Google, và nhiều thứ khác nữa. Bạn chỉ không có được giao diện hào nhoáng và các ứng dụng phụ trợ như các sản phẩm của Samsung và OnePlus mà thôi. Vậy có thể hiểu, Android One chính là phiên bản Android được các nhà sản xuất thiết bị tạo ra gần với nguyên bản của Google nhất có thể, gồm AOSP + GSM và chỉ có rất ít phần mềm bổ sung do các nhà sản xuất bên thứ ba thêm vào.

Nói về giao diện và các chi tiết "bề ngoài", phiên bản được coi là Android gốc mới nhất (và cũng là phiên bản Android gốc "thực thụ" nhất) chính là hệ điều hành Android được Google sử dụng trên các dòng điện thoại Pixel do chính hãng sản xuất: phiên bản này là sự kết hợp của lõi AOSP, gói dịch vụ GSM cùng một số chi tiết bổ trợ khác mà Google tạo ra để tối ưu hoá cho phần cứng của mình. Các chi tiết này bao gồm: widget dự báo thời tiết, mục hiển thị Now Playing trên màn hình khoá, hỗ trợ tính năng Call Screen, cùng một số cải tiến về chức năng camera (chụp ảnh, quay video).

Nhìn chung, các thuật ngữ Android gốc, Android One và Android của Pixel thường xuyên gây nhầm lẫn và khiến người dùng bối rối, bởi bản thân giữa chúng cũng chỉ có rất ít sự khác biệt. Nhưng nếu bạn muốn sở hữu những tính năng mới nhất, tốt nhất của Android (mặc dù đó có thể không phải phiên bản Android "sạch" nhất), hãy sử dụng những chiếc điện thoại do chính Google sản xuất.

Trở lại với trường hợp của Huawei, đang làm nóng các diễn đàn công nghệ trong thời gian vừa qua. Hiện tại, Huawei đã mất quyền truy cập vào các ứng dụng nằm trong gói GSM. Đây không phải là vấn đề gì quá to tát với công ty này, bởi bản thân Huawei (cũng như rất nhiều nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác), có một cửa hàng ứng dụng thay thế cho Play Store, bởi chính quyền Trung Quốc đã "cấm cửa" kho ứng dụng của Google từ lâu.

Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của lệnh cấm vận thương mai do phía Mỹ đưa ra sẽ không chỉ cấm Google cấp phép gói ứng dụng GSM, mà còn cả bản quyền sử dụng bộ lõi AOSP của Android cho Huawei. Ngay cả khi AOSP là một phần mềm miễn phí, mã nguồn mở, Huawei cũng vẫn có thể sẽ bị cấm sử dụng bộ mã nguồn lõi này.

Điều này buộc Huawei không chỉ phải tạo ra cửa hàng ứng dụng mới cho mình, mà còn phải viết hẳn cả một hệ điều hành hoàn toàn mới. Hiện tại vẫn còn rất nhiều khoảng trống bỏ ngỏ, chưa có kết luận cuối cùng về việc liệu Huawei sẽ bị cấm sử dụng những phần nào của Android, nhưng điều quan trọng là giấy phép sử dụng cả AOSP và GMS của công ty Trung Quốc này đều đang bị đe doạ. Có một điều chắc chắn là Google sẽ ngay lập tức phải ngừng cấp phép sử dụng GMS cho Huawei, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Huawei có thể tiếp tục sử dụng bộ lõi AOSP nữa hay không; nếu có, thì công ty Trung Quốc sẽ phải phát triển một hệ điều hành chỉ dựa trên nhân AOSP tương tự như Fire OS của Amazon bây giờ.

Ở thời điểm hiện tại, các lệnh cấm vận pháp lý và hậu quả của nó đối với Huawei vẫn chưa ngã ngũ – thậm chí, biết đâu Huawei có thể được "tha bổng" trong một diễn biến bất ngờ nào đó? Nếu bạn đang sở hữu một chiếc điện thoại Huawei, cũng đừng lo lắng: nó sẽ không đột ngột ngừng hoạt động đâu – Google đã đưa ra một thông báo cụ thể về trường hợp này: Google Play Store và Google Play Services sẽ tiếp tục hoạt động trên các thiết bị hiện tại — chỉ là chúng có thể sẽ không nhận được các bản cập nhật Android trong tương lai nữa thôi.

Huawei và các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc hiện vẫn "sống tốt" mà không cần đến Google Play Store ở thị trường Trung Quốc, nhưng vấn đề là ở chỗ kho ứng dụng thay thế của các hãng này chỉ có những app rất "bản địa", và chắc chắn sẽ không có chỗ đứng ở các thị trường nước ngoài, nơi Snapchat, Spotify và Twitter được ưa chuộng hơn bất cứ thứ gì khác.

Quang Huy

Link bài gốc: https://gizmodo.com/why-some-android-phones-dont-have-the-play-store-1835087772?fbclid=IwAR0ZExL2VpPgeiPRc45oMuP01n1fawTFVOzGtJgTpQGd-zNSO9aUYpYI4O8

Chủ đề khác