VnReview
Hà Nội

Gorilla Glass đã thay đổi ngành công nghiệp di động như thế nào?

Năm 2007, một vị CEO đã cảm thấy khó chịu khi màn hình chiếc điện thoại nguyên mẫu của mình đã bị trầy xước khi bỏ vào túi quần. Vì vậy, chỉ vài tuần trước khi giới thiệu chính thức sản phẩm, ông quyết định đổi lớp bảo vệ bằng nhựa của màn hình thành kính cường lực.

Sự trỗi dậy của Gorilla Glass và cách nó thay đổi ngành công nghiệp điện thoại

Trước thời điểm này, lớp bảo vệ màn hình bằng nhựa là tiêu chuẩn của ngành công nghiệp di động. Trên thực tế, loại vật liệu này đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong nhiều năm. Nhưng với Steve Jobs – cố CEO của Apple – thì nó vẫn chưa đủ tốt. Quyết định của ông đã làm thay đổi ngành công nghiệp di động và biến Gorilla Glass thành một tiêu chuẩn cho tới ngày hôm nay.

Theo GSMArena, Gorilla Glass được sản xuất bởi Corning, một công ty có lịch sử lâu đời trong ngành sản xuất kính. Corning từng sản xuất kính cho các dụng cụ nấu ăn của Pyrex, gương chính của kính thiên văn Hubble, kính cửa sổ tàu con thoi. Corning thậm chí còn sản xuất thủy tinh cho bóng đèn của Thomas Edison.

Tuy nhiên, công ty huyền thoại này cũng có lúc gặp khó khăn. Năm 2007 là năm thứ 5 liên tiếp họ làm ăn thua lỗ. Nhờ Steve Jobs và thành công lớn của iPhone, Corning một lần nữa quay lại quỹ đạo kinh doanh có lợi nhuận.

Sự trỗi dậy của Gorilla Glass và cách nó thay đổi ngành công nghiệp điện thoại

Năm 2008, với sự xuất hiện của iPhone 3G và T-Mobile G1 – chiếc điện thoại Android đầu tiên – kính cường lực Gorilla Glass càng được mọi người chú ý hơn nữa.

Năm sau nữa, các thiết bị chạy Symbian (ví dụ: Samsung i8910 Omnia HD và Nokia X6) và một số điện thoại cơ bản như LG BL40 New Chocolate, Samsung S3650 Corby cũng bắt đầu sử dụng Gorilla Glass để bảo vệ cho màn hình. Trong năm 2010, Gorilla Glass có thể được tìm thấy trên khoảng 200 triệu điện thoại thông minh được bán ra khắp toàn cầu (theo dữ liệu của Corning).

Điện thoại thông minh ngày càng mỏng hơn và đây là nguyên nhân ra đời của Gorilla Glass 2 vào năm 2012. Nó mỏng hơn 20% so với Gorilla Glass thế hệ đầu tiên nhưng có độ bền tương đương.

Sự trỗi dậy của Gorilla Glass và cách nó thay đổi ngành công nghiệp điện thoại

Sau đó, gần như mỗi năm đều có phiên bản Gorilla Glass ra mắt. Gorilla Glass 3 năm 2013 đã giúp giảm hiện tượng phản xạ và bám vân tay, Gorilla Glass 4 năm 2014 đã cải thiện khả năng chống va đập (Gorilla Glass 6 còn cải tiến khả năng này hơn nữa – nó được quảng cáo là vẫn an toàn sau khi bị rơi từ độ cao mà người dùng hay sử dụng thiết bị để selfie).

Tất nhiên, Gorilla Glass không phải là loại kính cường lực duy nhất trên thị trường. Apple đã từ bỏ Gorilla Glass để sử dụng kính cường lực ion hóa từ iPhone 6. Apple ban đầu muốn sử dụng sapphire nhưng công ty mà họ định hợp tác lại bị phá sản.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, Gorilla Glass vẫn là tiêu chuẩn của ngành công nghiệp di động. Corning hiện đang phát triển thế hệ Gorilla Glass có thể gập lại được để cung cấp cho các thiết bị như Galaxy Fold, và các phiên bản đặc biệt dành cho thiết bị đeo hay thậm chí là TV. Kính cường lực Gorilla Glass có mặt khắp mọi nơi và xứng đáng trở thành một trong những yếu tố góp phần thay đổi ngành công nghiệp di động.

Bạch Đằng

Chủ đề khác