VnReview
Hà Nội

Có phải camera lồi là biểu tượng khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Camera lồi trên smartphone đang là một chủ đề phổ biến cho các cuộc thảo luận giữa những người đam mê công nghệ.

Có phải camera lồi đang là biểu tượng thể hiện khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Khi những chiếc điện thoại bắt đầu trở nên mỏng và đẹp hơn, các cụm camera được tích hợp trên chúng sẽ có hình dạng bị lồi lên với nhiều phong cách khác nhau. Và dù ban đầu nhiều người nghĩ "lỗi thiết kế" này sẽ được các nhà sản xuất giải quyết trong một hoặc hai thế hệ, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn.

Dĩ nhiên, vẫn có những chiếc điện thoại không sử dụng cấu trúc camera lồi và bài viết này cũng sẽ đề cập đến chúng, nhưng nhìn chung, chúng là một yếu tố thiết kế nổi bật trên hầu hết điện thoại hiện nay. Vậy tại sao lại thế? Có phải thực sự rất khó để thu gọn từng milimét cuối cùng của camera trên thân hình một chiếc điện thoại? Có lẽ vậy. Dù vậy, vẫn có nhiều vấn đề với camera lồi hơn là chúng ta tưởng.

Camera - thứ mà các smartphone dùng để cạnh tranh với nhau

Khi mà các con chip hệ thống đã đạt đến mức mà người dùng khó có thể phân biệt được, các nhà sản xuất smartphone lại tập trung vào một thứ hữu hình hơn: Camera.;

Trong các buổi ra mắt những chiếc điện thoại mới của nhiều hãng, gần như phần lớn của bài diễn thuyết được tập trung vào camera. Các slide và video luôn đề cập cũng như nhấn mạnh về cảm biến, những chế độ chụp, AI hay khả năng quay video phong phú. Tất cả được tạo ra theo một phong cách trông ấn tượng nhất có thể.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người chẳng quan tâm theo dõi các buổi lễ ra mắt điện thoại cũng như không thèm kiểm tra thông tin trên trang web chính thức của thiết bị. Thế nên, làm thế nào để các nhà sản xuất có thể gửi thông điệp rằng những chiếc điện thoại của họ có hiệu năng camera vượt trội sau khi điện thoại đã ra mắt? Một cách đơn giản là tận dụng các chiến dịch quảng bá thông qua TV, bảng quảng cáo hay thậm chí là những bài đăng trên nhiều mạng xã hội từ các ngôi sao điện ảnh. Cách tiếp cận này không chỉ đắt mà còn không khả thi cho mọi thiết bị, mọi lúc và mọi thị trường. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất đã thực hiện một cách tiếp cận trực tiếp và "cổ hủ" hơn: thiết kế các mô-đun máy ảnh thật "ngầu" để tự tuyên bố chúng hoàn toàn đủ tốt.

Có phải camera lồi đang là biểu tượng thể hiện khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Nhưng trước khi có được những tính năng "nâng cao" của cụm camera lồi, chúng ta nên đặt ra câu hỏi tại sao chúng tồn tại. Và câu trả lời rất đơn giản: vật lý.

Tại sao phải có camera lồi?

Mặc dù các nhà sản xuất đã có thể thu camera xuống tỉ lệ rất nhỏ mà vẫn có khả năng đáng kinh ngạc, thế nhưng vẫn có một số hạn chế mà họ phải chấp nhận. Cách hoạt động của quang học trên camera không phải là trọng tâm của bài viết, thế nên, chúng tôi sẽ không đề cập cụ thể về nó. Nôm na là camera cần phải duy trì một độ dài nhất định (hoặc độ dày, tùy vào cách bạn nhìn nhận) để có thể cung cấp chất lượng hình ảnh tuyệt vời như vậy. Và khi các phần cứng khác dần được thu nhỏ lại và smartphone dần mỏng hơn, các nhà sản xuất không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để cụm camera "lồi ra một cục" trên thân hình mảnh mai của chiếc điện thoại, thứ mà chúng ta gọi là cục lồi camera.

Dù cục lồi camera này thường không đạt được độ thẩm mỹ và vẫn trồi lên ngay cả khi sử dụng ốp lưng, thế nhưng, các nhà sản xuất điện thoại đã cố gắng thiết kế chúng trở nên bền hơn bằng cách gia cố cụm này thông qua một lớp lót kim loại hay sử dụng kính sapphire bọc ngoài ống kính nhằm chống trầy xước.

Dĩ nhiên, không phải mọi chiếc điện thoại đều có camera lồi. Một cách mà các hãng có thể tránh là tăng độ dày tổng thể của thiết bị. Điều này cũng cho phép họ tích hợp vào đó viên pin lớn hơn hay các linh kiện bổ sung khác. Thế nên, không có cách nào là đúng hay sai. Nhiều người dùng chẳng thèm quan tâm đến phần trọng lượng thêm này nếu thời gian pin sử dụng lâu hơn và thiết kế của thiết bị trông gọn gàng hơn.

Có phải camera lồi đang là biểu tượng thể hiện khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Nhưng việc có một cục lồi cho camera cũng có những lợi ích khác, không liên quan đến kích thước cảm biến và lượng ánh sáng thu được.

Kích thước là một vấn đề quan trọng trong nhiếp ảnh

Giả sử tình huống bạn đang trong một chuyến chụp ảnh với smartphone, trong khi người bên cạnh lại lấy chiếc máy ảnh DSLR cùng với một ống kính "siêu bự" ra và bắt đầu chụp mọi thứ có trong tầm mắt của họ. Có thể họ là "dân chuyên nghiệp", hoặc cũng có thể, họ mới vừa mua thiết bị đó. Nhưng dù sao đi nữa, trong thâm tâm bạn cũng cảm thấy điều đó thật ấn tượng.

Hãy lấy ví dụ như Huawei P30 Pro và Oppo Reno 10x Zoom. Cả hai đều có thiết lập ba camera và một trong số đó là camera tiềm vọng. Tuy nhiên, trong khi Oppo thiết kế cho cụm camera nằm ở mặt sau của mình gần như phẳng, bạn chỉ có thể cảm nhận được sự lồi lên một chút khi chạm vào khu vực này, thì Huawei lại sử dụng cục u cho phần camera sau và có màu tương phản so phần còn lại của mặt lưng. Thế nên, trang Phone Arena quyết định thực hiện một bài thử nghiệm nhỏ.

Họ mang cả hai chiếc điện thoại này và đưa đến những người có trong tòa nhà của họ xem (giấu đi thương hiệu và nhóm người được thử nghiệm không thuộc nhóm Phone Arena). Nhóm đã yêu cầu những người này nói lên suy nghĩ của mình về việc nhận định máy nào có camera tốt hơn, dựa trên những gì họ thấy. Đại đa số đều nghiêng về P30 Pro. Trong đó, có một người cho biết rằng: "Thiết bị này (P30 Pro) trông xấu hơn nhưng có lẽ nó sẽ tốt hơn).

Có phải camera lồi đang là biểu tượng thể hiện khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Thật ngớ ngẩn khi nhận xét khả năng của máy ảnh chỉ đơn giản bằng một cái nhìn. Thế nhưng, thực tế là khi mọi người không có đủ thông tin để đưa ra kết luận, họ sẽ lại chọn theo những gì mà bản năng của họ cho là đúng. Trong trường hợp này là: camera lớn hơn đồng nghĩa rằng sẽ có khả năng tốt hơn. Chúng ta cũng từng chứng kiến định hướng này với "số chấm" megapixel. Những người không biết về công nghệ camera ngày nay sẽ cho rằng số megapixel càng to thì lại càng chụp đẹp, bởi đó là mọi thứ họ thấy dựa trên thông số kĩ thuật.

Và khi cuộc chiến tranh giành thị phần ngày càng khốc liệt hơn, các nhà sản xuất có lý do để họ làm nổi bật cục u camera này như một dấu hiệu bổ sung rằng chúng có một hệ thống camera siêu việt mà hầu hết những người dùng muốn. Ý kiến cụm camera lồi trên P30 Pro trông rất xấu là không sai. Rất có thể các công ty đang cố tình làm cho cụm camera trở nên cứng cáp hơn và không bóng bẩy so với phần còn lại của điện thoại nhằm tạo ra sự "chuyên nghiệp" cho chúng.

Phần cứng là thứ rất quan trọng

Có hai ví dụ rất mới về xu hướng này và nó lại đến từ một vài "gã khổng lồ" trong cuộc chơi smartphone.

Google rất thích "khoe khoang" về khả năng chụp ấn tượng trên những chiếc điện thoại Pixel với chỉ một camera. Và giờ đây, họ lại sử dụng triết lý thiết kế cục lồi này nhằm chứa nhiều camera. Với hình ảnh mà Google "nhá hàng" trên Twitter cho thấy cụm camera của Pixel 4 sẽ có 2 ống kính cùng một cảm biến chưa bị lộ nhưng đủ để thấy rằng có thêm ít nhất một camera khác. Đây là một sự thay đổi lớn so với tất cả các mẫu Pixel trước đây. Điều này cũng cho thấy Google đang chuyển sang việc tích hợp thêm những thứ cao hơn nhằm cải thiện hiệu năng camera.  

Có phải camera lồi đang là biểu tượng thể hiện khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Google Pixel 4

Ở bên kia chiến tuyến, Apple dường như cũng đang cân nhắc đến hiệu ứng tương tự. Dù chưa có gì chính thức được tuyên bố từ công ty đặt trụ sở tại Cupertino này, thế nhưng, tất cả các tin rò rỉ đều gợi ý rằng những chiếc iPhone 2019 cũng sẽ có một cục u camera hình vuông. Không giống như Pixel, những chiếc iPhone trong tương lai sẽ có 3 ống kính camera và có kích thước khá lớn nếu những hình ảnh render là thật.

Với việc nhiều chiếc iPhone thế hệ cũ có thể chạy các phiên bản iOS mới nhất một cách mượt mà, tương tự như những mẫu gần đây, thì camera lại là một trong nhiều điểm khác biệt giữa chúng. Và dù iPhone XS vẫn sử dụng thiết kế camera lồi này nhưng nó vẫn có phần kín hơn so với iPhone 11 khi mà Apple đã chấp nhận đánh đổi ngoại hình để nhấn mạnh vào việc cải thiện và mang lại những điều mới cho camera. iPhone mới sẽ có cục u camera nổi bật hơn cùng một đường viền lớn hơn. Tất nhiên là nếu các tin đồn rò rỉ là sự thật.

Có phải camera lồi đang là biểu tượng thể hiện khả năng nhiếp ảnh trên smartphone?

Hình ảnh render iPhone XI

Samsung cũng không thua kém gì trong cuộc đua này. Dù cục u có trên các thiết bị Galaxy S10 không to như những flagship đến từ nhiều đối thủ khác, nhưng rõ ràng cụm camera vẫn là tâm điểm ở phần mặt sau. Thậm chí, chiếc Galaxy S10 5G còn có đến 4 camera và nó cũng không phải là mục tiêu mà thiết bị hướng đến. Không chỉ flagship, Samsung cũng hướng đến việc cải thiện khả năng cho những chiếc smartphone thấp cấp hơn, đặc biệt là với Galaxy A khi nó là dòng đầu tiên sở hữu 4 camera.

Các nhà sản xuất sẽ đi được bao xa trong xu hướng này trước khi chuyển sang một một thứ khác để cạnh tranh? Liệu trong tương lai chúng ta có thể thấy sự trở lại của các ống kính viễn vọng trồi ra từ mặt sau của điện thoại? Hay tất cả chỉ là giấu trong thân hình điện thoại và rồi các cục lồi camera biến mất mãi mãi?

Lẽ dĩ nhiên, dù tất cả chúng ta đều muốn camera trên smartphone có thể trở nên tốt nhất có thể, thế nhưng, chẳng ai mong sẽ có một cục u dành riêng cho camera trên thiết bị của mình cả. Mọi thứ rồi cũng sẽ qua mà thôi!

Minh Hùng

Chủ đề khác