VnReview
Hà Nội

Tại sao tốc độ làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng đối với bất kì màn hình nào?

Khi nói đến màn hình, có lẽ nhiều người sẽ để ý đến kích thước, số pixel hay thậm chí là mức độ màu mà nó có thể cung cấp. Thế nhưng, liệu rằng bạn có quan tâm đến tốc độ làm tươi của màn hình?

Tại sao tốc độ làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng đối với bất kì màn hình nào?

Thực tế, tốc độ làm tươi là một trong những thông số quan trọng nhất của bất kì màn hình nào và tầm quan trọng này của nó cũng đang tăng dần theo thời gian.;

Đối với một số loại thiết bị điện tử như TV và màn hình chơi game, tốc độ làm tươi là thứ mà người dùng cần phải cân nhắc khi mua. Thông số này thường không được nhắc đến đối với laptop, tablet và smartphone. Dù vậy, ở hiện tại, mức độ quan trọng của nó trên những thiết bị này lại đang ngày càng tăng. 

Ở mức đơn giản nhất có thể, tốc độ làm tươi biểu thị mức độ làm mới của màn hình nhanh như thế nào. Nó đặc biệt quan trọng khi bạn đang xem một trận đấu thể thao hay đang "chiến đấu" với kẻ thù trong các tựa game, nhưng sẽ không còn quan trọng nữa khi bạn chỉnh sửa bảng tính Excel hay lướt web. 

Thông số này được đo bằng đơn vị Hertz (Hz) và là số lần làm tươi trên mỗi giây, thường rơi vào mức từ 60 đến 240. Nó hoàn toàn giống nhau trên mọi thiết bị, từ TV, màn hình, smartphone hay những thứ có hiển thị khác, dù rằng sẽ có một số chi tiết kĩ thuật khác nhau do công nghệ. 

Tại sao tốc độ làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng đối với bất kì màn hình nào?

Tốc độ làm tươi cao hơn sẽ giúp màn hình "phản xạ" nhanh hơn, nhưng chắc chắn, nó cũng đắt hơn và gặp nhiều trở ngại về kĩ thuật hơn. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất không tăng tốc độ làm tươi của màn hình trừ khi có một lý do tốt để làm điều đó (ví dụ như người dùng chấp nhận trả tiền cao hơn cho thông số này). 

Trên thực tế, tốc độ làm tươi cao hơn cũng không luôn đồng nghĩa rằng sẽ mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn. Chất lượng mà mắt bạn thấy được sẽ còn phụ thuộc vào những đặc điểm khác của mình cũng như việc bạn sẽ xem những gì. Ví dụ, bạn coi bộ phim có tốc độ khung hình 60fps trên một màn hình 60Hz hay 120Hz là hoàn toàn tương tự nhau. Tất nhiên là nó cũng còn phụ thuộc vào những công nghệ khác mà nhà sản xuất tích hợp vào. 

Thế nhưng, khi tốc độ khung hình/giây của nguồn phát tăng lên, ví dụ như máy chơi game console, con số Hz này sẽ dần trở nên quan trọng hơn. Các màn hình cho PC có thể có tốc độ làm tươi lên đến 240Hz bởi những chiếc PC có khả năng nâng tốc độ khung hình/giây lên cao nhất. Điều này sẽ giúp bạn nhắm mục tiêu đến kẻ thù trong game nhanh hơn một phần giây so với những tấm nền có tốc độ làm tươi thấp hơn. 

Tại sao tốc độ làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng đối với bất kì màn hình nào?

Nếu như bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn thì có một vấn đề nữa, đó chính là con số khung hình/giây cũng phải phù hợp với số Hertz của màn hình. Rất nhiều nội dung video chỉ có 24fps, phù hợp với tốc độ 144Hz (6 lần) chứ không phải là 60Hz (2,5 lần). Với tầm nền 60Hz, phần cứng sẽ phải thay đổi số lượng thời gian mỗi khung hình hiển thị. Điều này dẫn đến trải nghiệm khi xem sẽ kém hơn. 

Chiếc màn hình Pro Display XDR giá siêu đắt mới ra mắt gần đây của Apple dù sở hữu những thông số kĩ thuật cực kì siêu việt, thế nhưng, tốc độ làm tươi của nó cũng chỉ đạt mức 60Hz (tuy vậy, đèn nền LED có tốc độ làm tươi gấp 10 lần con số đó để đảm bảo hình ảnh mượt mà, ổn định).

Nhiều nhà sản xuất luôn thích sử dụng các thuật ngữ kĩ thuật và đôi khi "che giấu" đi những con số nhằm khiến sản phẩm của họ nghe có vẻ ấn tượng hơn. Điều đó khiến chúng ta khó có thể hiểu hết về tốc độ làm tươi. Ví dụ, 2 chiếc TV 120Hz có thể không nâng (upscale) các nội dung Netflix cao cấp (thường có số khung hình tối đã 60fps) với cùng một cách và có thể cũng không có cùng mức độ trong trẻo về hình ảnh. Bạn cần phải tìm hiểu sâu về các thông số kĩ thuật mới có thể biết được những gì đang xảy ra bên trong. 

Bạn sẽ thấy những thuật ngữ như TruMotion (LG), Motion Rate (Samsung) và MotionFlow XR (Sony) liệt kê kèm với các thuật ngữ khác trên TV, nhưng tất cả chúng chỉ nhằm "thổi phồng" tốc độ làm tươi một cách giả tạo cùng với một số loại công nghệ bổ trợ khác. Dù vậy, nó không đồng nghĩa với việc những cải thiện nâng cao là xấu hay không có tác dụng. Cốt yếu vẫn là đảm bảo các con số tốc độ làm tươi nhằm giúp bạn dễ so sánh những tấm nền với nhau. 

Tại sao tốc độ làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng đối với bất kì màn hình nào?

Một số TV nội suy những khung hình lên nhằm bổ sung vào sự thiếu hụt bên trong (nâng lên mức 120 lần làm tươi trên mỗi giây so với 60). Hoặc cũng có những cách khác như chèn các khung hình màu đen vào nhằm giảm đi độ mờ chuyển động. Tất nhiên, chất lượng hình ảnh thu được không chỉ phụ thuộc vào tốc độ làm tươi mà còn liên quan đến các công nghệ xử lý bên trong TV sẽ chuyển đổi nội dung sang tốc độ làm tươi mới như thế nào.

Tốc độ làm tươi cũng là một vấn đề đối với thực tế ảo (VR). Hình ảnh trước mặt bạn được "vẽ lại" càng nhanh thì sẽ càng giảm đi khả năng khiến người dùng buồn nôn khi sống trong một môi trường ảo. Một trong những khác biệt trước đây giữa các headset VR kết nối với PC và headset VR độc lập đó chính là nó có thể tăng tốc độ làm tươi lên nhanh hơn, ví dụ như 80Hz đối với Oculus Rift S.

Giờ đây, khả năng "vẽ lại" nhanh của màn hình cũng dần trở nên quan trọng hơn đối với điện thoại và tablet, đặc biệt là khi các tựa game di động ngày càng trở nên phức tạp và chi tiết hơn cùng những phụ kiện như Apple Pencil (số lượng cập nhật của màn hình càng cao thì "mực số" cũng sẽ xuất hiện càng nhanh).

Tại sao tốc độ làm tươi lại là một trong những thông số quan trọng đối với bất kì màn hình nào?

Điển hình như chiếc Razer Phone 2 với màn hình 120Hz. Về lý thuyết, nó sẽ giúp các video, hoạt hoạ hay game sẽ trở nên mượt mà. Nhưng tương tự với TV, nó còn phụ thuộc vào những gì đang hiển trị trên màn hình và khả năng nâng (upscale) trên điện thoại tốt như thế nào. Ở hiện tại, chỉ có một số game Android hỗ trợ 120Hz. 

Lưu ý, những chiếc iPhone mới nhất có tốc độ lấy mẫu cảm ứng là 120Hz, nhưng tốc độ hiển thị chỉ 60Hz. Chúng có thể nhận diện được 120 lần nhập cảm ứng cho mỗi giây nhưng chỉ hiển thị nó ở tốc độ một nửa. Tuy nhiên, chiếc iPad Pro (2018) lại có tốc độ làm tươi 120Hz thực. Điều đó giúp cho thiết bị này sở hữu khả năng cuộn siêu mượt và có thể hiển thị cũng như nhận diện các bản vẽ của bạn bằng Apple Pencil. 

OnePlus 7 Pro cũng là một chiếc điện thoại khác có tốc độ làm tươi cao hơn thông thường: 90Hz. Chính thông số này đã tạo ra sự khác biệt cho sự mượt mà của menu cũng như quá trình cuộn. Đây cũng là một trong những cách để chiếc flagship này giữ vững chỗ đứng của mình trên thị trường lâu hơn. 

Dù sao đi nữa, bất kì khi bạn mua một thiết bị nào, hãy nhớ rằng tốc độ làm tươi là một thông số cực kì quan trọng mà bạn không thể bỏ qua.

Minh Hùng theo Gizmodo

Chủ đề khác