VnReview
Hà Nội

Liệu người dùng thông thường có nhận ra sự khác biệt giữa màn hình 60Hz và 90Hz?

Từ trước đến nay mỗi khi nhắc đến màn hình di động, người dùng thường chú ý đến độ phân giải, độ sắc nét cũng như độ sáng. Nhưng gần đây, chúng ta đã chứng kiến các nhà sản xuất smartphone vượt qua ranh giới của công nghệ màn hình di động khi cho ra mắt những màn hình có tần số quét rất cao.

Tần số quét đặc trưng cho số khung hình mà mắt có thể nhận được trong mỗi giây, ví dụ như mắt bạn sẽ nhận được 60 khung hình trên giây khi nhìn vào màn 60 Hz, tương tự với 90 và 120Hz. Chúng ta đều biết, số quét càng cao sẽ cho ra chất lượng hình ảnh chân thực, mượt mà và rõ nét hơn, nhưng liệu đối với những người không quá am hiểu về công nghệ, liệu họ có nhận ra sự khác biệt này.

Để trả lời cho câu hỏi này, các nhân viên trang công nghệ PhoneArena đã tiến hành khảo sát bằng chiếc OnePlus 7 Pro, smartphone mới nhất sở hữu màn 90Hz với 10 người dùng bất kì.

Đầu tiên, khảo sát được tiến hành với tất cả nhân viên trong văn phòng, và tất nhiên, đối với những người sành công nghệ như vậy, họ dễ dàng nhận ra ngay sự khác biệt. Vậy còn đối với những người dùng thông thường thì sao?

Họ đã mang theo 2 sản phẩm, OnePlus 6T (60Hz) và OnePlus 7 Pro (được cài đặt ở chế độ 90Hz), và tiến hành cho 10 người dùng bất kì dùng thử. Sau khi được xác nhận chưa biết gì về OnePlus 7 Pro, những người tham gia khảo sát sẽ được dùng thử cả 2 sản phẩm trong vài phút và sau đó trả lời câu hỏi "Hai màn hình này có điểm nào khác nhau không?".

Các câu trả lời phần chung đều nhận xét về độ tương phản, màu sắc, độ phân giải và độ sắc nét. Và thật ngạc nhiên, chỉ có 1 trong số 10 người được khảo sát cho biết những thao tác trên màn 90Hz của OnePlus 7 Pro mượt hơn so với màn 60Hz của OnePlus 6T.

Không hài lòng với kết quả quá chênh lệch này, họ đã đổi cách thực hiện. Trong lần khảo sát thứ hai, họ chỉ mang ra một chiếc OnePlus 7 Pro để thử trên cả 10 người. Những nhân viên này đã tiến hành cho người dùng thử các thao tác vuốt, cuộn trong ứng dụng Lịch ở cài đặt 60Hz, sau một phút hoặc lâu hơn, họ sẽ thay đổi tần số quét lên 90Hz – tất nhiên là không đi kèm giải thích – và để người dùng tiếp tục trong một phút nữa. Và kết quả lần này là 5 – 5.

Có 5 trong số 10 người dùng nhận ra sự khác biệt về thao tác giữa 2 mức thiết lập tần số quét. Còn 5 người còn lại hoàn toàn không nhận ra bất kì sự khác biệt nào.

Như vậy, thật khó để trả lời chính xác cho câu hỏi liệu người dùng thông thường có nhận thấy sự khác biệt giữa màn 60Hz và màn 90Hz không. Có vẻ như mọi người chỉ nhận ra sự khác biệt khi nó được chỉ ra. Hoặc họ có nhận thấy sự khác biệt về độ mịn nhưng lại không nhận thức rõ ràng được tác động tích cực cũng như độ tinh tế mà những trải nghiệm nâng cao này mang lại.

Đúng như câu "nồi nào up vung nấy", màn hình với tần số quét cao chỉ được đánh giá tích cực bởi những người có hiểu biết, tìm tòi về công nghệ, nhưng lượng người này lại không nhiều. Đó là lí do mà dù cho sản phẩm có cao cấp đến mấy thì cũng chỉ có một phần nhỏ người dùng công nhận và tán thưởng cho những sự nỗ lực của họ. Từ đó mới thấy các nhà sản xuất cũng phải chịu không ít bất công từ phía người dùng.

Trần Vũ Đức

Chủ đề khác