VnReview
Hà Nội

7 năm kể từ khi Nexus 7 ra mắt, tablet Android đã làm được gì?

Mới đây, chiếc Nexus 7 đã tròn 7 năm tuổi. Đây là thiết bị tạo tiếng vang cho Google trong thị trường máy tính bảng và mở đầu cho sự ra mắt một loạt sản phẩm như Nexus 10, Pixel C và Pixel Slate. Nhưng về sau, chúng ta lại thấy máy tính bảng chạy Android chỉ là những chiếc điện thoại được phóng to và không được đầu tư kỹ lưỡng.

Từ đó, sự quan tâm dành cho mảng tablet ngày càng đi xuống và người dùng trở nên hờ hững với những chiếc máy tính bảng chạy Android. Trên thực tế, Google đã quyết định giải tán bộ phận máy tính bảng, chuyển toàn bộ nhân sự sang tập trung phát triển Chromebook và các dự án khác. Sau đây là một số lý giải về sự thất bại của máy tính bảng mà Android Authority tổng kết được:

Ban đầu, Google chỉ xem máy tính bảng là một công cụ làm việc

Vào tháng 2/2011, Google đã phát hành Android 3.0 Honeycomb, một hệ điều hành được xây dựng dành riêng cho máy tính bảng. Bản cập nhật bao gồm những tính năng như thay đổi kích thước widget, hỗ trợ thiết bị ngoại vi qua USB, khả năng xuất ra nhiều màn hình phụ – và tất cả đều là những thứ giúp tăng năng suất làm việc!

Một số máy tính bảng sau đó được ra đời với mục đích giành lấy thị phần của iPad. Nhưng sau đó, Google nhanh chóng nhận ra người dùng mua iPad là để giải trí hơn là để làm việc. Màn hình lớn hơn giúp xem YouTube và đọc tin tức nhanh chóng, cũng như linh hoạt, thuận tiện thay vì phải ôm chiếc máy tính xách tay nặng cồng kềnh. Và nếu bạn muốn làm việc hiệu quả, bạn sẽ cần phải dùng đến một chiếc máy tính đúng nghĩa chứ không phải là một chiếc máy tính bảng.

Khi Google trình làng chiếc Nexus 7 vào bảy năm trước, hãng đã nỗ lực hướng nó trở thành một thiết bị giải trí. Trước đó vài tháng, các dịch vụ như Google Play Phim hay Google Play Sách đã được ra mắt và tất nhiên Google đều tích hợp lên Nexus 7 như một thiết bị đa phương tiện cỡ lớn. Ở thời điểm bấy giờ, người dùng đột nhiên có cả một thế giới giải trí trong tầm tay trên một thiết bị màn hình lớn. Điều này đã thúc đẩy doanh số bán của Nexus 7 lên cao ngất ngưởng.

Vấn đề dường như là một thứ gì đó mà Google không thể giải thích. Dần dần, điện thoại trở nên to ra và được trang bị bộ xử lý nhanh hơn rất nhiều, từ đó làm giảm nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân. Samsung Galaxy Note đã khởi xướng cuộc đua về kích thước màn hình và hiện nó vẫn đang tiếp tục diễn ra. Cùng theo đó là việc chipset smartphone thậm chí đang phát triển còn nhanh hơn so với chipset máy tính truyền thống. Mọi sự chú ý giờ đây đều đổ dồn vào điện thoại và máy tính bảng chỉ còn được xem là một phương tiện giải trí đơn thuần.

Máy tính bảng Android không phải là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất

Nexus 7 ra mắt với Android 4.1 Jelly Bean, một hệ điều hành có thể hoạt động trên cả smartphone lẫn tablet. Tuy được duy trì một số tính năng thiên về hiệu suất làm việc trên Honeycomb, nhưng rõ ràng Google cho thấy họ đã chuyển mối quan tâm về lại smartphone.

Với smartphone, người dùng có thể giải trí cùng các tựa game mobile mà vẫn có thể xem nội dung khi đang di chuyển. Cũng như đối với một số điện thoại màn hình lớn thì trải nghiệm khi ấy còn tốt hơn, mà vẫn không thua kém gì máy tính bảng. Ngoài ra, người dùng vẫn có máy tính bàn hay laptop phục vụ cho công việc nên các thiết bị tablet dần bị lược bỏ những tính năng hiệu suất và trôi vào quên lãng cũng là điều dễ hiểu.

Trong vài năm sau đó, nhu cầu của người dùng lại nhanh chóng chuyển từ giải trí sang làm việc cơ bản. Những tựa game như Angry Birds vẫn tiếp tục được đón nhận, nhưng bù lại, các ứng dụng năng suất như Slack và Todoist cũng đã và đang phát triển trên quy mô toàn cầu. Mọi người khi ấy nhận ra các thiết bị di động cũng có thể cho phép họ làm việc ở mọi lúc mọi nơi.

Đối với các tác vụ cơ bản như tổ chức, lập kế hoạch và giao tiếp, liên lạc, điện thoại thông minh hoạt động rất tốt, nhưng chúng vẫn kém hiệu quả hơn khi thực hiện các tác vụ chuyên sâu như đánh văn bản và chỉnh sửa video. Từ đó dấy lên mong muốn có màn hình lớn hơn với nhiều không gian làm việc hơn.

Và nếu cần màn hình lớn, hẳn bạn sẽ chọn laptop, nhưng xu hướng thế giới đang muốn sự tiện lợi, di động. Tablet cũng có thể đáp ứng. Trong khi máy tính bảng Android giá rẻ lại không đủ mạnh để làm việc thì các nhà phát triển iOS đã lợi dụng thời cơ và bắt đầu xem nghiên cứu năng suất phần cứng cho iPad. Họ nhanh chóng tận dụng lợi thế và khiến người dùng muốn dẹp bỏ chiếc laptop mà mình đang có để quay sang sử dụng iPad.

Theo truyền thống, các nhà sản xuất máy tính bảng Android thường sử dụng bộ vi xử lý cấp thấp để đảm bảo giá thành thấp. Bởi sở dĩ, tiêu thụ nội dung video và văn bản không thực sự tốn nhiều năng lượng. Nhưng với Apple, họ muốn iPad là một thiết bị cao cấp. Ngay cả trong trường hợp chỉ sử dụng với mục đích giải trí, iPad vẫn luôn mạnh mẽ khi được trang bị bộ vi xử lý hàng đầu giống hệt iPhone, có đôi lúc chipset trên iPad còn nhỉnh hơn cả. Khi iPhone và iPad phát triển nhanh và mạnh hơn, các nhà phát triển phần mềm cũng đã nhanh chóng đuổi theo và dần lạnh nhạt với Android.

Các lập trình viên không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ứng dụng trên Android như iOS

Trong nhiều năm qua, Google đã để các nhà phát triển tự tối ưu hóa ứng dụng cho cả smartphone lẫn tablet. Nhưng trong thực tế, mọi thứ lại không được như thế khi mà giờ đây, smartphone ngày càng to và dần bắt kịp kích thước của tablet. Cũng như việc tối ưu hóa ứng dụng trên các thiết bị máy tính bảng bị bỏ ngõ. Khi ấy, giao diện ứng dụng trên tablet sẽ là các ứng dụng gốc trên smartphone được phóng to với rất nhiều khoảng trống, khiến nó trở nên xấu hơn bao giờ hết.

Chỉ có một số ít công ty, có thể kể đến như Samsung và Huawei, mới thực sự quan tâm đến việc biến tablet Android trở thành đối thủ của iPad, kẻ đang thống lĩnh thị trường máy tính bảng. Với Samsung, họ đã trang bị bộ vi xử lý hàng đầu, bút S Pen, bàn phím và các dịch vụ hỗ trợ như Samsung Dex, với mục đích làm cho máy tính bảng có thể thay thế được desktop trong các tác vụ thông thường. Tuy nhiên, kể từ phiên bản Android 3.0 Honeycomb đã cho thấy Android chưa sẵn sàng để tối ưu hóa giao diện cho máy tính bảng. Bên cạnh đó, ngoài những nổ lực đáng khen từ Samsung trong việc cố gắng biến giao diện Android sao cho phù hợp với máy tính bảng thì việc tối ưu hóa ứng dụng kém từ phía các nhà sản xuất cho tablet Android cũng là một trở ngại lớn.

Google nhìn thấy được điều này nên đã ngừng phát triển máy tính bảng chạy Android gốc. Chiếc Pixel Slate chạy Chrome OS sau đó đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của Google. Và nếu mọi thứ đều là app nền web và bạn cũng có tùy chọn chạy app android, Chrome OS sẽ không sợ thiếu ứng dụng. Tuy nhiên, thật không may là Chrome OS chưa bao giờ được xây dựng để hoàn toàn phù hợp với cảm ứng. Pixel Slate sau đó đã thất bại và cũng đồng thời là nỗ lực cuối cùng của Google bởi hãng đã quyết định rút chân khỏi thị trường máy tính bảng kể từ đó.

iPad đã làm gì để tồn tại và phát triển cho đến nay?

Vào tháng trước, Apple đã giới thiệu iPadOS, một bản cập nhật hướng tới năng suất làm việc. Bởi ngày nay, người dùng đều muốn làm việc trên mọi thiết bị di động có kết nối mạng mọi lúc mọi nơi, trong khi smartphone lại không thể đáp ứng bởi trải nghiệm gõ kém, cũng như màn hình nhỏ. Và thế là iPad chiếm lĩnh thị trường tablet. ;

Tuy Apple chỉ mới bổ sung các tính năng mà Android Honeycomb đã ra mắt cách đây 8 năm trước như: cho phép truy cập các thiết bị ngoại vi bằng giao thức USB, bổ sung các tiện ích như máy tính để bàn hay tính năng chia đôi màn hình giúp gia tăng hiệu suất làm việc, nhưng bù lại, Táo Khuyết lại làm rất tốt. iPad giờ đây không còn được xem là thiết bị giải trí đơn thuần bởi nhiều người hiện nay đã thay thế laptop bằng một chiếc iPad mỏng nhẹ. Điển hình như hai nhiếp ảnh gia từ Android Authority đã sử dụng iPad mỗi ngày để chỉnh sửa ảnh và video, chủ yếu trong đó là sự hỗ trợ từ các nhà phát triển ứng dụng.

Một lý do khác để lý giải cho sự thành công của iPad là sự hỗ trợ và hoàn thiện từ Apple. Ví dụ bộ giao diện lập trình ứng dụng API như Metal sẽ giúp ứng dụng tương thích tốt hơn với phần cứng của Apple. Các nhà phát triển có thể tận dụng nguồn tài nguyên đó cho các ứng dụng làm việc của mình. Mặc dù phía Google cũng đã mở rộng các tùy chọn ngôn ngữ để tạo điều kiện cho các nhà phát triển, nhưng khó có thể phủ nhận việc xây dựng ứng dụng cho Apple vẫn tốt hơn so với cho Android.

Đối với người dùng, lý do lớn nhất để họ tiếp tục mua iPad là tính nhất quán. Một chiếc iPad sẽ vẫn mãi là một chiếc iPad, dù cho có là bất cứ kích thước nào đi chăng nữa. Và nếu bạn có sở hữu cho mình một chiếc iPad, bạn sẽ thấy được những gì mà nó mang lại.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với tablet Android?

Cho đến nay, mảng tablet Android chỉ còn lại mỗi Huawei và Samsung hoạt động, nhưng nếu Google vẫn tiếp tục không đầu tư xây dựng phần mềm cho tablet thì có lẽ cả hai ông lớn ấy cũng sẽ rút lui. Tuy nhiên, cũng thật tiếc nuối cho Nexus 7. Bởi đây được xem như một trong những nỗ lực đầu tiên của Google với một thị trường máy tính bảng còn tương đối mới và đầy tiềm năng thời bấy giờ.

Nhìn chung, tablet Android có lẽ sẽ mãi dậm chân tại chỗ, bởi hiện tại, Google chỉ tập trung cho Chromebook và xem đây như là tương lai về lâu về dài của công ty. Tuy nhiên, vẫn hy vọng trong tương lai, trên thị trường sẽ lại một lần nữa xuất hiện những thiết bị máy tính bảng Android đủ tầm để có thể cạnh tranh với iPad.

Thái Âu

Chủ đề khác