VnReview
Hà Nội

Cách khắc phục "10 lý do kinh điển" khiến điện thoại Android sạc pin chậm

Nếu đã dùng chiếc điện thoại Android hiện tại của mình được vài ba năm, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên khi mới mua về, máy chỉ mất chưa đến một giờ để sạc đầy pin. Giờ đây, mỗi lần chờ đợi cắm sạc là một lần bạn cảm thấy sốt ruột, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 10 nguyên nhân chính khiến cho các mẫu điện thoại Android ngày càng trở nên chậm chạp hơn trong việc sạc pin. Khả năng cao là chiếc máy của bạn đang gặp phải ít nhất là 1 trong 10 vấn đề sau đây, do đó, hãy thử tìm giải pháp từ những lời khuyên dưới đây của chuyên trang Android Authority nhé.

1. Cáp sạc chất lượng kém

Trường hợp điện thoại của bạn có dấu hiệu sạc chậm, kiểm tra lại cáp sạc USB luôn là bước đầu tiên bạn cần làm. Điều này thực ra cũng không có gì quá khó hiểu, nhất là khi xét đến tất cả những sự hao mòn mà sợi dây mỏng manh này phải chịu đựng trong quá trình bạn sử dụng chúng hàng ngày. Đa số người dùng thường giữ bên mình cục sạc và dây sạc đầu tiên đi kèm theo máy và dùng chúng hàng năm trời, mà không biết rằng cáp USB thường khá dễ hỏng.

Những sợi cáp USB có thể bị đánh rơi, uốn cong, giẫm lên, để quên trong xe hơi ở nhiệt độ cực cao hoặc cực thấp, và thường xuyên bị cắm ra cắm vào hàng ngày… Điều bạn cần nhớ là cáp USB được thiết kế với độ bền thấp hơn nhiều so với cổng sạc trên thiết bị của bạn. Lý do đơn giản nhất là bởi cáp sạc thường dễ thay thế hơn (và cũng rẻ hơn) so với việc sửa chữa cổng sạc nằm bên trong máy.

Bạn đã bao giờ gặp phải tình huống những sợi cáp sạc không thể "cắm chặt" vào điện thoại hay chưa? Cảm giác như thể chúng cứ cắm vào lại tuột ra một cách khó chịu? Hãy thử quan sát đầu cắm của sợi dây, bạn sẽ thấy có một số ngạnh nhỏ được làm từ kim loại mềm. Những ngạnh này phải còn nguyên vẹn, không bị uốn cong hay hỏng hóc thì mới có thể đảm bảo chất lượng sạc cũng như độ bền cho máy được.

Nói ngắn gọn, có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra với sợi cáp USB của bạn, và các nhà sản xuất dù muốn cũng không thể cải thiện nhiều chất lượng của chúng. Khi gặp trường hợp này, cách tốt nhất là bạn nên đi mua một sợi cáp mới (cũng không quá đắt) và cách làm này có thể giải quyết được khoảng 90% trường hợp tốc độ sạc pin chậm.

2. Nguồn điện yếu

Nếu sạc pin bằng cổng USB trên máy tính để bàn hoặc laptop thì đừng ngạc nhiên nếu tốc độ sạc pin thiết bị của bạn sẽ ở mức rất chậm. Ngay cả với chuẩn USB 3.0, thì nguồn điện ra tiêu chuẩn cũng chỉ ở mức 0,9A (con số thậm chí chỉ là 0,5mA đối với chuẩn USB 2.0). Đây rõ ràng là mức điện áp dưới mức lý tưởng, chưa kể bất kỳ hư hỏng nào xảy đến với sợi cáp USB hoặc cổng sạc của bạn còn có thể khiến tốc độ này xuống thấp hơn nữa.

Tương tự, nếu dùng sạc không dây, tốc độ sạc cũng sẽ thấp hơn khá nhiều so với sử dụng ổ cắm điện tường. Không ai có thể phủ nhận sự tiện dụng và độ "ngầu" của sạc không dây, nhưng một điều đơn giản mà bạn cần ghi nhớ là: sử dụng dây sạc và ổ điện truyền thống vẫn luôn cho tốc độ sạc nhanh hơn so với những công nghệ "hào nhoáng" này.

Và giải pháp cho vấn đề này? Tôi đã nêu ở trên rồi đó. Nhiều người sử dụng điện thoại đang áp dụng những cách sạc kém hiệu quả chỉ bởi họ cho rằng "sạc nào mà chẳng là sạc". Tuy nhiên, tốc độ sạc của mỗi phương pháp luôn khác nhau, và cách nhanh nhất vẫn là sử dụng ổ điện gắn trên tường nhà. Còn nếu ngay cả khi bạn dùng ổ điện truyền thống mà tốc độ sạc vẫn chậm, thì vấn đề có thể nằm ở đường dây điện của nhà bạn (toà nhà đã quá cũ rồi chăng?) hoặc nguồn điện ở khu vực bạn sinh sống yếu hay không ổn định.

3. Củ sạc chất lượng kém

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho củ sạc của bạn có thể gặp trục trặc. Có thể do một sự thay đổi điện áp bất thường xảy ra do nguồn điện nhà bạn không ổn định, hoặc chỉ đơn giản là vì bạn thường xuyên đánh rơi hay kéo lê chúng trên sàn. Và cũng tương tự như cáp sạc, phần củ sạc cũng khá dễ thay thế với giá thành thấp, do đó các nhà sản xuất điện thoại thường không tập trung tăng cường độ bền của thiết bị này mà sẽ chú trọng đến độ bền của cổng sạc trên máy hơn. Do đó, cách tốt nhất là bạn hãy thử sạc với một củ sạc khác, mới hơn xem sao.

4. Điện thoại đã quá cũ

Đây là một chủ đề khá "nhạy cảm", nhưng bạn có thể tự hỏi xem liệu đã đến lúc nâng cấp thiết bị của mình hay chưa. Đa số các mẫu điện thoại thông minh hiện đại, đời mới được trang bị các bộ vi xử lý hỗ trợ tính năng sạc nhanh, và nhiều dòng smartphone thậm chí còn được tích hợp sẵn tính năng sạc nhanh chuyên biệt. Nếu bạn đang so sánh tốc độ sạc của chiếc máy nhà mình với những mẫu máy đời mới hơn, thì đây có thể là một đặc điểm cần lưu ý.

Tuy nhiên, nếu bạn chắc chắn rằng chiếc điện thoại của mình là một mẫu máy tốt, đắt tiền, được trang bị công nghệ sạc nhanh mà tại sao sạc vẫn chậm, thì tin buồn là, đây là một thực tế không thể tránh khỏi. Lâu ngày, phần cứng của chiếc máy có thể đã bị hao mòn và không còn giữ được "phong độ" như trước. Trong trường hợp ấy, cách duy nhất là bạn nên cân nhắc mua một chiếc máy mới.

5. Pin bị lỗi hoặc có vấn đề

Đã từng xảy ra rất nhiều trường hợp các nhà sản xuất phải thu hồi những lô pin lớn vì "dính" lỗi. Hãy thử lên mạng tìm hiểu xem điện thoại bạn đang sử dụng có bị lỗi pin hay không, và liệu bạn có được hưởng chính sách thay thế pin từ nhà sản xuất điện thoại của mình hay không. Ngoài ra, tương tự như chính những chiếc điện thoại, bản thân các viên pin cũng bị hư hỏng và hao mòn dần dần trong quá trình sử dụng.

Điều không may là đa số các mẫu điện thoại thông minh hiện đại ngày nay không sử dụng những viên pin mà người dùng có thể tự mình thay thế được nữa. Điều này đồng nghĩa với việc khi pin bị cũ và yếu đi, thì bạn buộc phải đem chúng tới các cửa hàng sửa chữa hoặc chính hãng sản xuất để thay pin.

6. Bạn cũng có thể chính là nguyên nhân!

Đã đến lúc bạn thử tự "soi gương" và "kiểm điểm" bản thân xem sao. Bạn "nghiện" mạng xã hội như Facebook đến mức nào? Bạn có thường xuyên rơi vào tình trạng không thể rời mắt khỏi màn hình vì một ván game Candy Crush Saga? Bạn có thường xuyên "chơi" điện thoại trong khi sạc không?

Có rất nhiều người dùng điện thoại thông minh không biết rằng thứ tiêu hao nhiều năng lượng pin điện thoại nhất chính là màn hình. Việc liên tục "bắt" màn hình điện thoại phải hoạt động thông qua những tác vụ chẳng hạn như xem các đoạn video YouTube độ phân giải cao là "kẻ thù" lớn nhất đối với pin điện thoại, bởi lượng điện năng tiêu thụ là rất lớn. Các hành động "kiểu" này, cùng với một trong những vấn đề ở trên, có thể khiến lượng pin tiêu hao nhiều hơn tốc độ sạc vào của máy, từ đó dẫn đến tình trạng pin sạc chậm.

Tóm lại, nếu bạn muốn sạc pin điện thoại nhanh, thì nên "để cho nó yên" khi đang cắm sạc.

7. Các ứng dụng chạy nền cũng "ngốn" rất nhiều pin

Mặc dù màn hình là "kẻ tội đồ" số 1 làm ngốn pin, song bạn cũng đừng quên rằng có khá nhiều ứng dụng chạy dưới nền của điện thoại cũng đang liên tục tiêu thụ năng lượng, khiến chiếc điện thoại của bạn sạc lâu hơn. Bên cạnh việc khiến tốc độ sạc bị giảm, bạn có cảm giác rằng điện thoại của mình nhanh hết pin hơn hay không? Nếu có, đây có thể là vấn đề của bạn.

Các ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android thường xuyên tự khởi động hoặc chạy dưới nền sau khi bạn thoát chúng khỏi màn hình. Mặc dù đây từng là một vấn đề lớn trong quá khứ –bởi Android ngày nay đang ngày càng có cơ chế quản lý tài nguyên hiệu quả hơn – song việc để 1 đến 2 ứng dụng "nặng" chạy dưới nền cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất chiếc máy của bạn.

Cách giải quyết đơn giản nhất ở đây là bạn cần phải tìm một ứng dụng quản lý tiến trình thật tốt và thường xuyên kiểm tra để biết ứng dụng nào đang chạy dưới nền. Khi bắt gặp một ứng dụng đáng lẽ ra không cần phải hoạt động, bạn nên cân nhắc gỡ cài đặt để xem thời lượng pin và tốc độ sạc của máy có tăng thêm sau một vài ngày hay không.

8. Cổng sạc của điện thoại bị bẩn hoặc tắc nghẽn

Chúng ta thường có thói quen để điện thoại cả ngày bên trong túi quần, túi áo hoặc ví, nơi chúng thường xuyên phải tiếp xúc với các loại xơ vải, bụi và các loại hạt chất bẩn nhỏ li ti. Và điều đó đồng nghĩa với việc các loại "rác" trên cũng có thể lọt vào cổng sạc trên thiết bị và bị tắc ở đó. Nếu bạn cắm vào bộ sạc vào mà máy không nhận, rất có thể những loại "rác bẩn" trên đã bị lọt vào sâu bên trong khe cắm, khiến cho máy không thể kết nối với bộ sạc.

Bạn hãy thử chiếu đèn sáng, và nếu có thể, sử dụng thêm kính lúp để quan sát bên trong cổng cắm USB và xem có "những vị khách không mời" nào đang "trú ngụ" bên trong đó hay không. Nếu có, bạn hãy lấy một vật dụng mỏng và nhọn và cẩn thận "gắp" chúng ra ngoài. Đồng thời, bạn cũng cần phải thật cẩn thận để không làm hỏng bất kỳ linh kiện nào bên trong cổng cắm, nếu không có thể dẫn đến tình trạng "lợi bất cập hại" đấy.

Tôi khuyên bạn nên sử dụng những chiếc tăm nhựa (không phải bằng gỗ) để dọn sạch cổng cắm sạc trên điện thoại. Ngoài ra, hãy làm sạch cổng kết nối bằng một chiếc bàn chải đánh răng mới và khô là một phương pháp rất hiệu quả và an toàn để giúp cổng cắm không bị tắc nghẽn.

9. Cổng cắm sạc bị hỏng

Đây là những trường hợp không mong muốn nhất của tất cả chúng ta. Nếu bạn đã thực hiện được tất cả những thao tác trên mà điện thoại của bạn vẫn không sạc được như mong muốn, thì có thể bạn đã làm hỏng hoặc bẻ cong những chân cắm nhỏ bé bên trong cổng kết nối của điện thoại. Khi đó, bạn thực sự nên mang thiết bị của bạn đến cửa hàng để các kĩ thuật viên xem xét và sửa chữa. Nếu bạn có mua những gói "bảo hiểm" từ nhà mạng viễn thông hoặc các nhà cung cấp thiết bị, thì bạn có thể được giảm giá hoặc thậm chí là sửa hoàn toàn miễn phí.

10. Cổng USB bị ăn mòn

Thật vậy, mồ hôi hoặc độ ẩm cũng có thể gây ra hiện tượng ăn mòn các linh kiện điện tử trên thiết bị của bạn. Tác hại của hiện tượng này gây ra khá lớn do chúng thường tạo ra một "lớp phủ" trên bề mặt linh kiện, khiến cho củ sạc và máy không thể kết nối được với nhau. Tệ hơn nữa, nếu không sớm khắc phục, hiện tượng ăn mòn có thể lan ra các linh kiện khác của máy và gây nên hậu quả lớn hơn nhiều.

Quang Huy

Chủ đề khác