VnReview
Hà Nội

7 cách sửa màn hình điện thoại Android không hoạt động

Chúng ta sử dụng điện thoại thông minh mỗi ngày, giao tiếp trực tiếp với chúng thông qua màn hình bởi các thao tác nhấn, giữ và vuốt. Với cấu trúc kính tương đối mong manh, không quá ngạc nhiên khi màn hình cảm ứng trên smartphone là một trong những thành phần dễ gặp lỗi và hư hỏng nhất.

Tuy nhiên tình trạng màn hình cảm ứng bị liệt có khá nhiều nguyên nhân, đôi khi không phải xuất phát từ lỗi phần cứng. Hãy cùng tham khảo một số phương pháp sau đây để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với màn hình cảm ứng thiết bị, trước khi nhờ đến sự trợ giúp của chuyên viên kỹ thuật.

Màn hình điện thoại có thật sự hỏng?

Trước tiên, chúng ta cần phải kiểm tra để xác định liệu nguyên nhân có đến từ lỗi phần mềm hay không. Hãy thực hiện một số thao tác sau:

Khởi động lại

Việc khởi động lại điện thoại để sửa chữa các vấn đề nâng cao như liệt hay loạn cảm ứng màn hình, thoạt nghe có vẻ bất khả thi, tuy nhiên trong thực tế nó thường đem lại hiểu quả hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Khởi động lại điện thoại sẽ có tác dụng làm mới các dịch vụ đang chạy nền, trong đó có một số đã bị hỏng và xung đột dẫn đến vấn đề xảy ra với màn hình điện thoại của bạn.

Tiến hành nhấn giữ nút Nguồn (Power) để hiển thị menu power, sau đó chọn Restart để khởi động lại máy. Trong trường hợp màn hình bị liệt và không thể thao tác, hãy nhấn giữ nút Nguồn một vài giây để tắt bắt buộc thiết bị của bạn.

Bật chế độ Safe Mode

Kích hoạt chế độ Safe Mode trên Android sẽ cho phép chúng ta sử dụng điện thoại của mình chỉ với phần mềm gốc của nhà sản xuất cung cấp, loại bỏ tất cả các dịch vụ và ứng dụng mà bạn đã cài đặt bên ngoài. Nếu màn hình của bạn hoạt động tốt ở Safe Mode, thì nhiều khả năng phần mềm bên thứ ba đã bị lỗi, ảnh hưởng đến thiết bị của bạn.

Để đưa điện thoại vào chế độ Safe Mode, hãy nhấn và giữ nút Nguồn trong một vài giây, Khi biểu tượng tắt nguồn xuất hiện trên màn hình điện thoại, chạmgiữ nó trong một hoặc hai giây, sau đó chọn Accept và điện thoại của bạn sẽ khởi động lại và hoạt động ở chế độ Safe. Để quay trở lại hệ điều hành ban đầu, hãy thực hiện lại các bước như trên và chọn Restart.

Tiến hành chẩn đoán màn hình

Hãy thử kiểm tra lỗi màn hình bằng một vài ứng dụng có sẵn trên Play Store, chúng được thiết kế để xác định tương đối chính xác lỗi đang xảy ra với màn hình cảm ứng điện thoại của bạn. Đơn giản nhất, hãy thử Display Tester.

Khởi chạy Display Tester, chọn vào mục Tests và bạn sẽ thấy rất nhiều chức năng kiểm tra màn hình khác nhau: điểm chết, màn hình OLED bị burn-in, độ tương phản và độ bão hòa, multi-touch…, và nhiều bài kiểm tra khác.

Nếu kết quả các thử nghiệm dựa trên cảm ứng không có gì bất thường, thì vấn đề không phải đến từ phần cứng mà là phần mềm, đặc biệt là các ứng dụng từ bên thứ ba. Hãy kiểm tra lại tất cả các ứng dụng bạn đã cài đặt gần đây hoặc xem xét thực hiện khôi phục cài đặt gốc thiết bị.

Tháo lớp dán bảo vệ màn hình

Tấm kính cảm ứng là một linh kiện khá nhạy cảm, dễ trầy xước và hư hỏng chỉ sau một lần rơi vỡ. Chi phí thay màn hình cảm ứng (hay màn hình trong) có thể lên đến một nửa giá mua máy mới, vì vậy đa số người dùng thường bổ sung một lớp kính cường lực bảo vệ màn hình với chi phí phù hợp và độ an toàn cao. Tuy nhiên một vài loại kính cường lực đôi khi vô tình ngăn tín hiệu cảm ứng đến màn hình hiển thị của máy.

Nếu màn hình điện thoại của bạn có độ trễ cao hoặc không thể thao tác, hãy thử tháo lớp kính bảo vệ màn hình. Tất nhiên, hành động này không được xem là một phương thức sửa chữa, tuy nhiên ít nhất, nó cũng có thể giúp cải thiện tốc độ phản hồi trên màn hình vốn đã yếu.

Cải thiện độ trễ màn hình bằng ứng dụng

Đối với màn hình cảm ứng chất lượng thấp, ngoài việc không sử dụng lớp bảo vệ màn hình, bạn cũng có thể cải thiện độ trễ thông qua ứng dụng của bên thứ ba.

Touchscreen Repair là một ứng dụng tương đối nhỏ gọn nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, có khả năng hiệu chỉnh màn hình để giảm thời gian phản hồi. Ứng dụng sẽ yêu cầu bạn chạm liên tục vào một số vị trí trên màn hình cảm ứng. Dựa vào việc tinh chỉnh bên trong máy, Touchscreen Repair sẽ giúp cải thiện độ trễ nhiều nhất có thể.

Hiệu quả của Touchscreen Repair sẽ phụ thuộc khá nhiều vào nhà sản xuất điện thoại của bạn. Một số OEM xuất xưởng những chiếc điện thoại với tốc độ phản hồi đã được tinh chỉnh tối ưu, dẫn đến việc ứng dụng sẽ không có tác dụng cải thiện độ trễ thiết bị. Tuy nhiên chúng ta cũng nên thử một lần, biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Điều khiển điện thoại bằng giọng nói hay biểu cảm khuôn mặt

Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của Google Assistant hay các ứng dụng điều khiển bằng biểu cảm khuôn mặt đa dạng trên Play Store, bạn hoàn toàn có khả năng tương tác với "chú dế yêu" của mình thông qua giọng nói và các cử động trên khuôn mặt một cách dễ dàng và thuận tiện. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ có thể thực hiện khi màn hình cảm ứng vẫn còn có thể thao tác được, đủ để cài một ứng dụng từ Play Store. Hoặc, có thể thử phương pháp cài đặt ứng dụng thông qua Play Store giao diện web – cài đặt tự động không cần thao tác trên màn hình.

Voice Access

Ngoài Assistant, Google Voice Access là một ứng dụng khá hữu ích, được tạo ra với nhiệm vụ chủ động lắng nghe giọng nói của bạn và gán số cho mỗi tác vụ có sẵn trên màn hình thiết bị. Thay vì chạm vào icon ứng dụng hay tùy chọn menu, bạn chỉ cần đọc con số được gán tương ứng để mở chúng. Cũng có thể sử dụng các câu lệnh được cố định như "open Chrome", "go home", "click next", hoặc "scroll down" để điều khiển thiết bị của mình.

Eva Facial Mouse

Đúng với tên gọi của nó, Eva Facial Mouse là ứng dụng cho phép tạo ra con trỏ chuột ảo trên màn hình thiết bị và được điều khiển thông qua cử động khuôn mặt người dùng. Để di chuyển con trỏ, bạn chỉ cần di chuyển đầu của mình theo hướng thích hợp.

Khi con trỏ chuột đã ở trên đối tượng bạn muốn chọn, hãy giữ nguyên đầu trong một hoặc hai giây và ứng dụng sẽ tự kích vào đối tượng đó. Bạn cũng có tùy chọn dock để truy cập nhanh một số thao tác chủ yếu, bao gồm quay về màn hình chính và sử dụng đa nhiệm.

Kết nối với bàn phím và chuột rời

Nếu không thể thao tác trên màn hình và cài ứng dụng mới, hãy thử sử dụng bàn phím và chuột rời. Thao tác kết nối khá đơn giản, tất cả những gì bạn cần làm là tìm đúng cáp và cắm phụ kiện vào. Vì điện thoại có một đầu vào USB (thông qua cáp sạc Micro USB – USB), nên bạn sẽ cần phải có một đầu chuyển để kết nối cả hai phụ kiện với điện thoại.

Màn hình lỗi liên quan đến nước? Hãy thử làm khô

Vô tình để điện thoại vào nước có nguy cơ làm hỏng hoàn toàn thiết bị của bạn nếu không thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời. Nếu rơi vào tình huống như vậy, tốt nhất chúng ta nên ngay lập tức tắt nguồn thiết bị và chờ thiết bị khô. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số phương pháp làm khô điện thoại chuẩn nhất để tránh tình trạng thiết bị ẩm quá lâu dẫn đến "chết" vĩnh viễn.

Nếu không thể tự mình xử lý, hãy đến trung tâm sửa chữa

Với những cách khắc phục đã nêu trên đây, hy vọng bạn có thể hồi sinh màn hình cảm ứng điện thoại của mình, nếu đó chỉ là vấn đề về lỗi phần mềm. Hoặc, các ứng dụng được gợi ý có thể hỗ trợ tạm thời các thao tác cơ bản trong trường hợp bạn vẫn chưa có thời gian đến các trung tâm dịch vụ để kiểm tra.

Nếu có thể, hãy đến một số trung tâm sửa chữa để được giúp đỡ. Nếu may mắn, các nhân viên kỹ thuật sẽ có thể khôi phục chức năng vốn có trên màn hình cảm ứng. Trường hợp không may, bạn sẽ phải xem xét đến việc thay thế màn hình – hay thậm chí là thay thế chiếc điện thoại của mình.

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý trong việc tìm kiếm một trung tâm sửa chữa uy tín để có được chất lượng phục vụ tốt nhất. Đồng thời, trước khi mang điện thoại đi "mổ xẻ", hãy chắc chắn rằng các thành phần khác trên điện thoại của bạn vẫn còn hoạt động tốt.

Quang Minh

Chủ đề khác