VnReview
Hà Nội

Nhớ lại thời hoàng kim của Windows Phones

Tháng 9 là một cột mốc đáng nhớ vào năm 2011, khi Nokia được Microsoft mua lại. Đây là cột mốc đánh dấu sự kết thúc của Nokia trên thị trường điện thoại thông minh (cho đến khi HMD hồi sinh lại thương hiệu này).

Nhiều lời lý giải đã được đưa ra cho sự biến mất của Nokia trên thị trường như thiếu hụt ứng dụng, nền tảng lỗi và hệ thống của Microsoft thường xuyên bị reboot khiến người dùng hoang mang…

Người ta có thể vẫn còn nhớ đến những chiếc điện thoại Window Phones như những chiếc điện thoại một-tính-năng (ít nhất là dòng điện thoại Lumia), đó là có chất lượng camera tuyệt vời và chẳng còn gì khác. Nhưng nhiều người dùng vẫn đánh giá rằng có một thời gian, những chiếc điện thoại Window Phones giá rẻ mang lại trải nghiệm mượt mà, thậm chí còn tốt hơn những điện thoại Android cùng mức giá.

Android vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng

Ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm thấy những chiếc điện thoại Android giá rẻ có thể chạy mượt mà, đầy đủ tính năng. Nhưng thời kỳ đầu của Android lại không thành công như thế, nhất là vào thời kỳ của Android Ice Cream and Jelly Bean.

Ắt hẳn đã từng có nhiều người sử dụng dòng điện thoại Moto G, có giá khoảng 4,6 triệu đồng, mang lại những trải nghiệm mượt mà và có một vài bản cập nhật. Nhưng đó chỉ là một ngoại lệ nhỏ. Nếu bạn bỏ ra khoảng 2 đến 3 triệu đồng cho một chiếc điện thoại Android thời đó, bạn sẽ mua được một cục gạch chập chờn và thiếu bộ nhớ.

Có hàng loạt mẫu điện thoại mắc phải những lỗi trên như Samsung Galaxy Pocket, Sony Xperia E1, HTC Desire U và Alcatel.

Điện thoại Android giá rẻ những năm trước đây thường gặp phải nhiều vấn đề về hiệu năng do nhà sản xuất đưa ra các sản phẩm với những thông số kỹ thuật vượt quá khả năng tùy biến của Android. Nền tảng này vào thời điểm đó có độ tối ưu hóa rất kém, nhưng cũng khó đổ lỗi cho Google vì Android rất đa năng ở thời sơ khai.

Năm 2012, Google không cần mảy may xem xét khi đầu tư vào Project Butter và TRIM. Những sáng kiến này nhằm cung cấp một giao diện người dùng mượt hơn và cả thiện hiệu suất theo thời gian. Tuy nhiên, ngay cả những sáng kiến mới này cũng không thể phủ nhận rằng điện thoại Window Phone giá rẻ vẫn cho người dùng trải nghiệm mượt mà hơn các thiết bị Android tương tự.

Microsoft đã làm được điều đó như thế nào?

Một lý do giúp nền tảng của Microsoft mượt hơn là nhờ hãng này đã đặt ra một loạt các yêu cầu về thông số kỹ thuật tối thiểu cho nhà sản xuất. Ví dụ như điện thoại chạy Window Phone 8 yêu cầu bộ xử lý dual-core, 512MB RAM và 4GB bộ nhớ.

Những yêu cầu này giúp đảm bảo hiệu năng ổn định, ngay cả trên những chiếc điện thoại rẻ nhất. Thực tế là dấu hiệu duy nhất để phân biệt điện thoại giá rẻ và điện thoại cao cấp hơn của Window Phone là bạn sẽ thấy màn hình "resuming" trong vài giây khi chuyển đổi giữa các ứng dụng. Nhưng chập chờn, lag và những vấn đề về hiệu năng khác lại không xuất hiện trên nền tảng này.

Ngoài những yêu cầu bắt buộc này, Microsoft còn xứng đáng được tán dương cho việc duy trì hiệu năng do không cho phép ai sửa đổi giao diện quá sâu. Mọi hãng điện thoại như HTC, Nokia, Samsung… đều sử dụng chung một giao diện có tên Metro UI. Lúc đó không có những cái tên như TouchWiz, HTC Sense hay Timescape UI.

Định nghĩa lại dòng điện thoại giá rẻ

Nokia Lumia 520 là một ví dụ điển hình cho sự trải nghiệm mượt mà trên nền tảng Window Phone. Chỉ với khoảng 2 triệu đồng, bạn đã có một thiết bị với bộ xử lý dual-core, 512MB RAM, bộ nhớ trong 8GB có thể mở rộng thêm và camera sau có độ phân giải 5MB. Chẳng trách chiếc điện thoại này trở thành thiết bị chạy Window phổ biến nhất (bao gồm cả PC và máy tính bảng) trong một thời gian. Theo Kantar, nhờ có giá rẻ mà tại Ý vào năm 2013, những chiếc điện thoại Window Phone trở nên phổ biến hơn cả iPhone.

Mặc dù vậy, những ngày tháng tươi đẹp của Window Phone đã đi qua, không thể phủ nhận rằng Window Phone đã phát triển đến mức gần như có thể hạ gục Android. Nhưng cũng không thể phủ nhận sự phát triển của Window Phone đã thúc đẩy Google xây dựng nên một nền tảng Android tốt hơn cho điện thoại giá rẻ, flagship và cả những dòng điện thoại tầm trung.

Microsoft đã mang đến những tính năng mới như cho phép cài ứng dụng trên thẻ nhớ, hỗ trợ hai SIM và tính năng tiết kiệm pin. Những tính năng đó đều rất quan trọng trên thị trường điện thoại giá rẻ. Trong khi đó, mãi đến năm 2015, Google mới cho phép sử dụng nhiều SIM trên Android 5.1, sau một năm so với khi Microsoft ra mắt tính năng này trên Windows Phone 8.1. Google cũng chậm trễ hơn trong ra mắt tính năng tiết kiệm pin.

Một vài ví dụ khác về những tính năng của Window Phone mà sau này được Google cũng như các OEM khác "nhặt" về như Data Sense để theo dõi lưu lượng dữ liệu hay Wi-Fi Sense để chia sẻ mật khẩu wi-fi với người khác.

Gần đây, Google chuyển sang giải quyết câu chuyện hiệu năng trên những thiết bị giá rẻ bằng Android Go. Đây là một phiên bản Android thu gọn nhưng vẫn có một số yêu cầu về phần cứng tối thiểu, như 512MB RAM, nhằm đảm bảo trải nghiệm cho người dùng, có thể thấy đây là một bài học mà Google đã được Microsoft "truyền dạy".

Giữa sự nỗ lực từ Google và sự cạnh tranh khốc liệt từ các OEM khác, điện thoại Android giá rẻ dường như đã vượt qua cái dớp hiệu năng. Năm 2019, sự xuất hiện của những chiếc điện thoại giá rẻ như Redmi của Xiaomi, Realme, Moto E… và sau sự kiện HMD Global đưa thương hiệu Nokia trở lại với Android One và Android Go, bạn phải rất cố gắng để có thể lựa chọn một chiếc điện thoại chạy Android giá rẻ.

Dù sao thì hãy cùng nhau dành một ít thời gian để tưởng nhớ những chiếc điện thoại Window Phone đã bị lãng quên sau thời kỳ huy hoàng của chúng.

Minh Bảo – Theo Android Authority

Chủ đề khác