VnReview
Hà Nội

Cùng trang bị Snapdragon 855, smartphone nào là nhà vô địch về tối ưu hiệu suất?

Nền tảng di động Snapdragon 855 là tiêu chuẩn với bất kỳ flagship Android nào. Nhưng giữa rất nhiều cái tên đang trang bị, ai mới thực sự là người tối ưu hiệu suất nó tốt nhất?

Với cùng một nền tảng Snapdragon 855 nhưng được triển khai lên sản phẩm của từng hãng khác nhau, tất nhiên kết quả cũng sẽ có thay đổi. Tương tự với bất kỳ chiếc điện thoại nào mua màn hình Samsung, cảm biến Sony, bộ nhớ Toshiba,... hiệu quả chúng luôn có sự sai khác chứ không đồng nhất.

Là con chip tiên tiến được sản xuất trên tiến trình 7nm mới nhất hiện nay của TSMC, Snapdragon 855 giống như cái tên bảo chứng cho sức mạnh của những flagship Android. Kể cả một số máy dùng Exynos hay Kirin, cũng thường bị lấy ra so sánh xem bằng bao nhiêu phần so với sản phẩm của Qualcomm. Để tìm ra ‘nhà vô địch' trong số các điện thoại đầu bảng trang bị, trang công nghệ AnandTech đã thực hiện một màn so sánh giữa loạt 8 máy khác nhau. Trong số này, liệu ai sẽ là kẻ về đích?

Hãy cùng đi tìm nhà vô địch trong các flagship Android chạy Snapdragon 855;

Tổng quan.

Trước tiên, hãy ôn lại một số điểm nhấn về nền tảng di động mạnh nhất hiện nay cho điện thoại Android. Snapdragon 855 là chip 8 lõi với ba cụm nhân, trong đó có hai cụm dùng nhân Cortex A76, GPU Adreno 640, hỗ trợ tối đa RAM LPDDR4X, quay 4K@60fps, HDR (HDR10, HDR10+, HLG), modem X24 tốc độ CAT20. Các hãng thường trang bị Snapdragon 855 trên dòng đầu bảng, ở đây chúng ta có 8 sản phẩm như sau:

  • Nhóm thương hiệu lâu đời: Samsung Galaxy S10+, LG G8 ThinQ, Sony Xperia 1.

  • Nhóm Trung Quốc đang bành trướng: Xiaomi Mi 9, OnePlus 7 Pro, OPPO Reno 10x zoom, Xiaomi Black Shark 2, ZTE Nubia RedMagic 3.

Để đánh giá sức mạnh Snapdragon 855 trên từng chiếc và so sánh với nhau, AnandTech đã chia làm bốn hạng mục là hiệu suất hệ thống, hiệu suất machine learning (AI), hiệu suất GPU (bộ xử lý đồ họa), thời lượng pin. Ở mỗi hạng mục, họ lại sử dụng các công cụ benchmark để đo lường, cùng với những phân tích riêng. Chúng ta sẽ đi vào lần lượt từng thử thách để tìm ra flagship khai thác Snapdragon 855 tốt nhất.

Sơ đồ bố trí ba cụm nhân của Snapdragon 855

1. Hiệu suất hệ thống.

Do cùng dựa trên nền tảng di động giống nhau, điều khiến máy A chạy nhanh hơn máy B phần lớn được quyết định bởi phần mềm. Khi bắt đầu phát triển một chiếc smartphone, các hãng đều sẽ nhận được các công cụ cần thiết từ nhà cung cấp chipset để tối ưu hóa và tùy biến theo ý muốn. Chẳng ai lại chấp nhận đồng hóa sản phẩm của mình với người khác, chỉ vì chung một nhà cung cấp. Quá trình phát triển độc lập của mỗi thương hiệu dựa trên gói phần mềm cơ sở (BSP) mà Qualcomm cung cấp, sẽ cho ra những kết quả khác nhau.

Khi nào thì hãng smartphone bắt đầu làm việc với gói này? Và họ tận dụng nó như thế nào, cố hết sức dù tốn thời gian hay ‘lười nhác' vì còn bận thực hiện các cải tiến khác? Có rất nhiều yếu tố chi phối trong quá trình xây dựng một flagship đắt tiền, cho nên trong thực tế, hiệu năng hệ thống tổng thể sẽ có khác biệt.

Ở bài đánh giá ghi dữ liệu, Oppo Reno 10x là máy tệ nhất

Trong bài thử nghiệm duyệt web và chỉnh sửa video của PCMark, Galaxy S10+ và Nubia RedMagic 3 có điểm số khá ấn tượng. Và trong bài thử khả năng ghi dữ liệu khá quan trọng, hầu như các máy chạy Snapdragon 855 đều hoàn thành tốt, ngoại trừ G8 ThinQ và Reno 10x bị rớt lại phía sau. Tác giả AnandTech lưu ý rằng ông đã không kích hoạt chế độ "Performance" khi đánh giá phần mềm của Oppo.

Ở thử nghiệm về chỉnh sửa ảnh, nhóm dẫn đầu lần lượt là máy Trung Quốc OnePlus 7 Pro, Nubia RedMagic 3 và Xiaomi Mi 9. Và tiếp đến thao tác dữ liệu, lại thấy Nubia RedMagic 3 đứng đầu, sau đó đến Oppo Reno 10x và Xiaomi Black Shark 2. Ở bài thử hiệu suất thông thường, cuối cùng trong PCMark, hai máy dẫn đầu là Nubia RedMagic 3 và Galaxy S10+. Đây có vẻ là hai chiếc đạt hiệu suất trội hơn trong nhóm, trong khi Oppo Reno 10x thì xếp ở dưới cùng.

Về hiệu suất hệ thống, Oppo tỏ ra là hãng kém tối ưu nhất trong nhóm

2. Hiệu suất Machine Learning.

Sử dụng công cụ AIMark, AnandTech tiến hành bốn bài thử nghiệm để xem hãng nào khai thác các bộ SDK tốt hơn. Từ đó cho thấy những kết quả thú vị. Đầu tiên, OnePlus 7 Pro và Xiaomi Black Shark 2 không thể truy cập vào thư viện driver của Qualcomm đầy đủ. Vậy nên AIMark không thể chấm điểm cho chúng như những máy khác.

Samsung và Sony đạt kết quả tốt nhất về tối ưu thư viện dành cho các tác vụ AI của Qualcomm

Thứ hai là trường hợp của LG G8. Mặc dù cùng công bố Snapdragon 855 như các máy kia, nó lại thiếu mất thư viện cho bộ tăng tốc phần cứng của chipset, dẫn đến kết quả vô cùng tệ hại vì CPU phải "gánh" thêm công việc, trong khi đáng lý đã có thể tận dụng bộ tăng tốc phần cứng để giảm tải.

Và biểu đồ đo đạc cũng cho thấy, mặc dù điểm số khá tương đồng không quá cách biệt, hai máy Galaxy S10+ và Xperia 1 thay phiên nhau nằm trong top đầu, chứng tỏ Samsung và Sony khai thác thư viện driver của Snapdragon 855 tốt hơn, giúp hiệu năng khi xử lý tác vụ liên quan AI nhanh hơn.

LG G8 tỏ ra thua kém các đối thủ trong việc xử lý các tác vụ về AI

Nhưng sẽ thế nào nếu chỉ dùng CPU để giải quyết các công việc này, thay vì phần cứng chuyên dụng? AnandTech tiếp tục dùng AIBenchmark để đo lường, tập trung vào thư viện TensorFlow vốn cho phép OnePlus và ZTE có thể gia nhập cuộc chơi. Galaxy S10+ bản dùng Exynos 9820 cũng góp mặt, bởi công cụ đánh giá này không khai thác thư viện dành riêng cho Snapdragon 855.

Ở công cụ đánh giá này, các máy từ Xiaomi tỏ ra kém ấn tượng hơn cả, trong khi Oppo rất thất thường - có khi đứng đầu hoặc ngược lại thể hiện kém nhất. LG G8 vẫn không chứng tỏ được mình. Nếu có chiếc nào làm tốt nhất, đó sẽ là Galaxy S10+ và OnePlus 7 Pro khi nó giữ vững phong độ ở nhiều thử nghiệm khác nhau.

Galaxy S10+ hoàn thành xuất sắc phần đánh giá hiệu suất xử lý các công việc liên quan AI

3. Hiệu suất đồ họa của GPU.

Ai cũng khen ngợi GPU Adreno 640 của Snapdragon 855 là ‘chiến game' tốt nhất hiện nay. Nhưng giữa nhiều máy cùng trang bị, thậm chí có cả những chiếc được quảng cáo là "gaming phone", thì Adreno 640 trên máy nào cho kết quả ấn tượng nhất?

Xperia 1 bị phần mềm giới hạn sức mạnh CPU một cách chặt chẽ

AnandTech nêu lên ba yếu tố quyết định ở đánh giá hiệu suất đồ họa GPU. Thứ nhất, bản thân chipset và GPU của nó có sức mạnh như nào, hiệu suất ra sao. Thứ hai, thiết kế phần cứng làm sao để tối ưu dòng nhiệt từ chipset ra bộ khung ngoài nhanh nhất. Cuối cùng, hãng lập trình phần mềm để quản lý nhiệt độ bên trong máy như nào.

Ở bài thử nghiệm đầu tiên 3DMark Physics, Xperia 1 và Black Shark 2 xếp dưới cùng chủ yếu do phần mềm giới hạn CPU quá nghiêm ngặt. Điều gây ngạc nhiên có lẽ là Black Shark 2 khi nó được quảng cáo hướng đến gaming, nhưng lại quản lý chặt chẽ hiệu năng hơn cả Mi 9, G8 hay Galaxy S10+. Trong số này, OnePlus 7 Pro cho kết quả ấn tượng nhất khi chỉ bị suy giảm 15% so với mức đỉnh.

Trong tất cả các thử nghiệm, Black Shark 2 luôn cho kết quả vô cùng tệ hại, tái ngược danh xưng "gaming phone"

Tiếp theo là 3DMark Graphics, nhóm ba máy tốt nhất là Oppo Reno 10x, OnePlus 7 Pro, Xperia 1. Điều kì cục lại tái diễn khi chiếc "gaming phone" nhà Xiaomi lại bét bảng, kết quả tệ hại giảm đến 45% hiệu năng khi máy bị nóng. Và rồi cứ thế, kết quả này lặp đi lặp lại ở các thử nghiệm tiếp theo của 3D Mark. Trong khi ba máy kia liên tục thể hiện sức mạnh đồ họa 3D ấn tượng, điện thoại mệnh danh "gaming phone" Black Shark 2 lại khiến người ta phải hoài nghi về khả năng tối ưu phần mềm.

Đáng chú ý, AnandTech viết thêm rằng trong khi thử nghiệm, hai máy của Oppo và OnePlus nóng lên rất nhiều. Khi đo nhiệt độ tỏa ra từ màn hình của Oppo Reno 10x, con số đạt đến 50 độ C. Thậm chí máy đã hiện cảnh báo về vấn đề quá nhiệt khi phần cứng bị ‘vắt kiệt' qua các bài kiểm tra. Có lẽ không cần phải nghi ngờ khi OnePlus 7 Pro là chiếc cho khả năng gaming tốt nhất, hoặc nếu không bạn có thể lấy ‘vé vớt' là chiếc Xperia 1.

OnePlus 7 Pro có hiệu suất đồ họa rất ấn tượng, không bị quá nhiệt như Oppo Reno 10x

4. Thời lượng pin.

Galaxy S10+ là máy tối ưu tốt nhất Snapdragon 855 trên khía cạnh này. Kết quả các máy khác đều có thể lí giải. Xperia 1 có tấm nền 4K nên vi mạch điều khiển màn hình (DDIC) phải làm nhiều việc hơn. G8 và Mi 9 đơn giản là dung lượng pin hạn chế, hoặc tối ưu phần mềm kém. OnePlus 7 Pro có tần số quét 90Hz, vậy nên thời lượng pin phải đánh đổi là dễ hiểu. Nhìn chung ngoại trừ Xperia 1, các máy còn lại đều có thời lượng pin khá trở lên.

Tất nhiên đánh giá về pin cần phải dựa trên sử dụng thực tế, thay vì các trình benchmark nặng lý thuyết. Tham khảo từ những người đang dùng máy sẽ đáng tin hơn là dựa vào phần mềm, vốn không giống với điều kiện sử dụng hàng ngày của chúng ta.

Xperia 1 là chiếc máy có thời lượng pin kém nhất, chủ yếu vì phải gánh màn hình 4K

Kết luận.

Qua hàng loạt các thử nghiệm, những chiếc flagship trên cùng nền tảng Snapdragon 855 đã cho thấy sự vượt trội và thua kém khác nhau. Về hiệu suất CPU, Galaxy S10+ thực sự thể hiện kết quả rất ấn tượng, còn OnePlus 7 Pro và ZTE Nubia RedMagic 3 là những kẻ bám sát phía sau.

Đối với GPU, OnePlus 7 Pro và Oppo Reno 10x vượt lên hẳn, mặc dù phải trả giá bằng nhiệt độ cũng cao hơn hẳn. Các máy còn lại chủ yếu ở mức trung bình khi bị giới hạn hoặc là do thiết kế phần cứng, hoặc do thiết lập phần mềm, nên chúng chưa thể khai thác ở mức độ cao như OnePlus. Cũng còn tùy vào điều kiện môi trường chơi game mà bạn phải bận tâm.

Ngoại trừ đồ họa chỉ ở mức trung bình, Snapdragon 855 trên Galaxy S10+ thể hiện sự tối ưu rất tốt

Đáng ngạc nhiên nhất có lẽ là Black Shark 2. Nếu ở các bài thử nghiệm hiệu suất hay tác vụ AI, sản phẩm từ Xiaomi thường không mấy nổi trội thì riêng ở phần đồ họa lại khiến người ta phải bất ngờ vì quá thất vọng. Mặc dù được gắn mác "gaming phone" nhưng những gì mà máy đã thể hiện cho thấy sự tối ưu nghèo nàn, giảm trải nghiệm đi rất nhiều.

Trường hợp của Xperia 1 lại rất trái ngược. Sony lập trình phần mềm giới hạn CPU rất nghiêm ngặt, nhưng với GPU thì lại hào phóng hơn hẳn. Về mặt đồ họa thì máy còn ‘đè bẹp' cả Galaxy S10 vốn chỉ đạt mức trung bình, vừa đủ để hơn sản phẩm đến từ Xiaomi. Đây quả là điều đáng tiếc vì Xperia 1 không thể khai thác CPU của Snapdragon 855 tốt hơn, dù xử lý AI và đồ họa đã rất khả quan.

Xiaomi tỏ ra tối ưu Snapdragon 855 kém nhất, Mi 9 không thực sự vượt trội hơn các máy khác còn Black Shark 2 là nỗi xấu hổ cho danh hiệu "gaming phone" 

*Lưu ý: Mẫu Galaxy S10+ trong bài là bản Mỹ dùng chipset Snapdragon 855, khác với máy chính hãng thị trường Việt Nam dùng Exynos 9820. Bạn đọc muốn tham khảo đánh giá của AnandTech về hai bản Galaxy S10 này có thể tham khảo tại đây.

Ambitious Man

Chủ đề khác