VnReview
Hà Nội

Dẹp bỏ nỗ lực tùy biến CPU của Samsung có phải hành động đúng? - Phần 1

Thông tin Samsung dẹp bỏ dự án tùy biến chip di động đã lan rộng khắp ngành công nghệ. Liệu đây có phải một hành động hợp lý của Samsung, và nó có ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?

CPU tùy biến của Samsung là Mongoose đã phải vất vả để giành lấy "chén thánh" của một bộ xử lý di động hiệu quả - tiết kiệm năng lượng. Đó là một câu chuyện dài kể từ khi nhân tùy biến M1 được triển khai trên Exynos 8890 của Galaxy S7 năm 2016.

Các con chip Exynos với nhân tùy biến kể từ đó thường cung cấp sức mạnh CPU đáng kể so với các đối thủ. Tuy nhiên như đã nói, chúng không có được yếu tố tiên quyết để được xem là mang lại hiệu quả - tiết kiệm năng lượng kém, gây thất thoát thời lượng pin không cần thiết. Do vậy, quyết định khai tử dự án phần nào đã muộn màng khi họ đã đi đến thế hệ thứ 5, có mặt trên Exynos 990 vừa rồi.

Exynos 990 dùng lõi tùy biến Mongoose M5, sản phẩm cuối cùng của đội thiết kế CPU vừa bị giải tán

Tuy nhiên, với hàng đống tiền và thời gian, cũng như các nhân sự tài năng từ AMD hay IBM đã bị lãng phí thời gian qua, quyết định dứt bỏ của Samsung vẫn cần được khen là "dũng cảm". Họ dám buông bỏ và hướng tới một bức tranh tổng thể hơn, có thể là lối thoát cần thiết cho con chip di động của mình.;

Khai tử nhân tùy biến Mongoose giúp Samsung và khách hàng có cùng tiếng nói

Công ty Hàn Quốc không nêu chi tiết lí do đội phát triển CPU tùy biến bị giải tán. Họ nói về việc tái phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh về lâu dài,... Một số nhân sự được chuyển tới bộ phận khác, trong khi dừng phát triển dự án mới và 290 nhân sự bị sa thải. Thực tế, các kỹ sư mà Samsung thuê để thiết kế CPU đều rất tài năng, họ sẽ nhanh chóng được mời vào một môi trường mới.

Trung tâm phát triển của Samsung ở Mỹ, nơi các lõi CPU tùy biến ra đời

Một cuộc tái cấu trúc rộng khắp đã được tiến hành và dự án Mongoose đi đến hồi kết. Tuy nhiên, việc khai tử nó có ý nghĩa thế nào với người dùng? Thực chất chúng ta không cần quá bận tâm chuyện Samsung đã phải đau đầu vì dự án "đốt tiền" này như thế nào. Điều quan trọng với người dùng, là không còn phải lo lắng chuyện chiếc flagship của mình không phải bản hiệu năng cao nhất nữa.

Biên tập viên Android Authority đã có vài dịp nói chuyện với kỹ sư từ Samsung. Họ thường cố tránh đề cập đến mọi so sánh giữa hai bản flagship Galaxy chạy hai chipset khác nhau. Người quản lý PR cũng thường cố nói lái sang chuyện khác thật nhanh. Khi quảng cáo, thường Samsung hướng đến bản dùng Qualcomm Snapdragon hơn, hoặc họ cố truyền đạt rằng hiệu năng hai bản là tương đương nhau. Lý do hẳn không cần phải đoán mò: Samsung không hề muốn bất kỳ ai nói rằng có chênh lệch chất lượng giữa hai bản dùng hai loại chipset khac nhau.

Khách hàng sẽ không hài lòng khi biết cùng bỏ tiền mua điện thoại Samsung, nhưng người khác lại mua được thiết bị tốt hơn

Nhưng thật không may, câu hỏi khác biệt giữa máy chạy Exynos với máy dùng Snapdragon cứ đeo bám qua mỗi thế hệ. Người dùng chỉ cần lên Google hay Youtube, dễ dàng tìm thấy hàng loạt các chủ đề bàn luận, so sánh, video đối chiếu tận mắt hai máy xử lý công việc ra sao. Những chiếc dùng Exynos thường phải vất vả để cạnh tranh lại bản Snapdragon về độ ổn định hiệu suất, hiệu năng CPU, tiết kiệm pin. Sẽ thật đơn giản biết bao nếu tất cả có phần cứng y hệt nhau, người dùng sẽ không bận tâm nữa.

Mặc dù không phải là tất cả, nhưng có không ít người mong muốn khi bỏ ra một số tiền lớn để mua điện thoại đầu bảng, họ được nhận những gì tốt nhất từ hãng. Apple từng phải giải thích về việc iPhone dùng một chipset sản xuất bằng hai quy trình khác nhau, dẫn đến vài phần trăm khác biệt về hiệu năng, tiết kiệm năng lượng. Để rồi sau đó phải quay về dùng một đối tác đúc chip duy nhất. Qualcomm cũng từng tố Apple cố tình chỉnh hiệu suất modem mạng, để iPhone dùng sản phẩm Intel hay Qualcomm vẫn có tốc độ gần như nhau. Sau này, hãng đã phải chuyển hoàn toàn về một nhà cung cấp.

Apple từng đau đầu vì iPhone 7 Plus dùng modem Intel và Qualcomm chênh lệch hiệu suất

Bạn có thể thấy rõ, không nhà sản xuất nào lại muốn bị người dùng bóc mẽ về việc dùng các linh kiện có chất lượng khác nhau. Nếu để khách hàng nhận thức được việc đó, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người mua, thậm chí bỏ sang chọn hãng khác hoặc cố tìm mua bản được cho là chất lượng hơn. Nếu bạn bán thiết bị đầu bảng, bạn phải mang đến những gì tốt nhất của mình, không thể để khách hàng chi tiền nhưng lại phải mua như chơi xổ số may rủi.

Một cuộc chơi "đốt tiền" nhưng vẫn có thể thua!

ARM chính là công ty kiểm soát tất cả các con chip di động hiện nay. Dù bạn dùng sản phẩm có linh kiện từ Qualcomm, Huawei hay Samsung, cũng không thoát khỏi ảnh hưởng "trong bóng tối" của ARM. Dựa vào đó, Qualcomm đã trở thành hãng dẫn đầu trong cuộc đua với thiết kế CPU bán tùy biến (semi-custom). Thực chất họ từng cố theo đuổi thiết kế tùy biến toàn phần (fully-custom) như Samsung, chính là trên thế hệ Snapdragon 820/821. Ở giai đoạn đầu này, Qualcomm mua giấy phép ARMv8.0 về và tự mình tùy biến, không dựa trên thiết kế tham chiếu ARM Cortex.

ARM nắm quyền lực cao nhất với bất kỳ công ty thiết kế chip di động nào

Nhưng "đời không như là mơ", Qualcomm mắc phải khó khăn giống Samsung khi cố tự tùy biến là quá ngốn năng lượng. Bắt đầu từ Snapdragon 835 sau đó, Qualcomm dẹp bỏ - đúng như những gì Samsung vừa tuyên bố - và đặt hàng đội ngũ của ARM tùy biến theo yêu cầu. Nhân Kryo mới là bản tùy biến dựa trên thiết kế gốc của ARM Cortex, không giống Kryo đời đầu. Hẳn những người từng chê trách Samsung đã nhận ra, việc cố tự mình tùy biến toàn phần CPU khó đến thế nào. Tiền bạc, nhân lực, thời gian, huy động tất cả vào một "canh bạc" để rồi sau đó thành phẩm không đạt hiệu quả như ý. Đó là một ngõ cụt mà Samsung đã lún quá sâu, còn Qualcomm thì sớm rút chân.

Về phía người dùng, sự chênh lệch giữa chip Exynos 8895 lõi tùy biến toàn phần M2 và Snapdragon 835 lõi bán tùy biến Kryo 280 hẳn đã rõ. Và từ đây về sau, từng đời Snapdragon 845, 855 với lõi bán tùy biến của đội ngũ ARM càng tỏ ra vượt trội. Nhất là ở thế hệ nhân tùy biến thứ 3 của Exynos 9810, trang bị trên S9/Note 9, gặp phải vấn đề thất thoát năng lượng một cách nghiêm trọng. Không gì cứu vãn được mặc dù CPU này có sức mạnh rất đáng khen. Anandtech từng đánh giá đây là một con chip di động thảm họa.

Huawei là hãng duy nhất dùng chip không tùy biến trên flagship, còn Apple là hãng dùng chip có tùy biến thành công nhất

Còn với trường hợp của Huawei và Mediatek, thay vì lao vào cuộc chơi quá tốn kém nhưng rủi ro cao, họ chọn sử dụng lõi ARM Cortex mà không can thiệp nhiều. Điều này khiến các con chip di động Kirin và Mediatek khó bắt kịp Snapdragon nhưng ít nhất chúng chịu ít chi phí hơn, khó lặp lại sai lầm như của Samsung và Qualcomm. Và với người dùng cuối, một con chip như vậy vẫn là lựa chọn không tồi.

Ở đây chúng ta không bàn đến Apple bởi chip A series sẽ không bao giờ đặt chân lên smartphone Android. Tuy nhiên, đây có thể xem là công ty thành công nhất khi nhắc đến việc tùy biến chip di động. Họ là một hãng hiếm hoi mua bản quyền kiến trúc về và chỉnh sửa lại theo ý muốn nhưng không vướng phải sai lầm của Samsung hay Qualcomm ở trên. Nhờ vậy mà công ty nắm quyền kiểm soát các thành phần quan trọng nhất để đẩy hiệu năng iPhone bỏ xa máy Android.

(còn tiếp)

Ambitious Man

Chủ đề khác