VnReview
Hà Nội

Giải ngố: Hình thức sản xuất OEM, ODM là gì?

Những ngày gần đây, thông tin Samsung nhờ vả đối tác Trung Quốc để sản xuất smartphone khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vậy hình thức này có gì khác biệt với lối tự chủ trong thiết kế và sản xuất?

OEM là gì?

Original Equipment Manufacturer (OEM) là một công ty sản xuất thành phần, thiết bị có thể được bán bởi một công ty khác. Ví dụ, AcmeManufacturing chịu trách nhiệm sản xuất các dây năng lượng cho IBM, vậy thì họ chính là một OEM.

Vậy còn ODM?

Original design manufacturer (ODM) là một công ty thiết kế, sản xuất một sản phẩm được lên sẵn các thông số kỹ thuật trước, sau đó dập nhãn của một công ty khác và đưa ra thị trường.

Hai hình thức OEM và ODM trong ngành công nghiệp

Ngành công nghiệp đã vận hành như vậy từ lâu

Để hình dung, chúng ta có thể lấy một số hình mẫu thực tế sau để hiểu về OEM, ODM một cách dễ dàng nhất.

Ở Mỹ, Apple đang đau đầu để sản xuất iPhone đảm bảo đúng tiến độ. Quê nhà không thể đáp ứng điều đó, vậy nên Tim Cook phải đi đến Trung Quốc để gặp người có thể giúp họ.

Apple: Này anh OEM, hãy làm cho tôi một chiếc iPhone với khối lượng như thế này. Người hâm mộ đang rất sốt ruột và tôi không có thời gian để chờ đợi.

Foxconn: Được thôi! Vậy anh cần nó phải trông như thế nào? Chúng tôi có thể làm ra một chiếc điện thoại tuyệt vời theo bất cứ yêu cầu nào của anh.

Apple: Không cần quá phức tạp đâu. Tôi đã tự mình thiết kế đây rồi. Anh hãy làm đúng như những gì tôi đã sắp xếp và lắp ráp theo bản thiết kế. Hãy sử dụng những loại phần cứng tốt nhất anh có phù hợp với thiết kế của tôi.

Foxconn: Quá đơn giản! Chuyên môn của tôi là biến những hình vẽ trên giấy trở thành sản phẩm hữu hình.

Công nhân Foxconn đang sản xuất các thiết bị cho Apple

Trong khi đó, hãng điện thoại Ấn Độ Micromax cũng đang ấp ủ cho mình một kế hoạch. Họ tới Trung Quốc nhưng không phải để gặp Foxconn.

Micromax: Này ông ODM, ông có thể giúp tôi sản xuất điện thoại được không? Tôi muốn giới thiệu nó tại quê nhà như một sáng tạo của riêng mình.

Qiku: Chắc rồi! Vậy bản thiết kế của anh đâu? Hãy đưa cho tôi và anh chỉ việc chờ đợi thành phẩm mà thôi.

Micromax: Ừm… Xin lỗi nhưng tôi không chuẩn bị thứ đó.

Qiku: Cũng không sao. Hãy nói các yêu cầu anh muốn ở chiếc máy đó đi.

Micromax: Nghe này, tôi muốn nó có 4GB RAM, 128GB bộ nhớ, màn hình…, như này và như này nữa. Ông có vài mẫu nào phù hợp với mong muốn của tôi không?

Qiku: May cho anh đấy, chúng tôi có ở đây chiếc Qiku 360 Q5 Plus. Tôi gửi cho anh nhé!

Micromax: Quá tuyệt! Hãy gắn thương hiệu và logo của tôi lên lưng máy nhé! Và đừng quên, nhớ ghi thêm dòng chữ "Made in India". Người dân chúng tôi hẳn sẽ rất thích điều đó.

Qiku: Ổn thôi! Vậy chúng ta sẽ gọi sản phẩm này là gì đây?

Micromax: Để xem nào! "Micromax Dual 5" đi!

(Ít ngày sau)

Đây là thành quả hợp tác giữa Qiku và Micromax

Qiku: Đây là chiếc máy mà chúng tôi đã hứa với anh. Nó đã được thay thương hiệu mới và thêm vào một chút "gia vị" của Ấn Độ. Cá là nhiều người sẽ thích nó.

Micromax: Tốt quá! Giờ chúng tôi sẽ mang nó về nước và tiếp thị với mọi người.

Và đó là cách mà Apple và Micromax sản xuất điện thoại. Một người chọn OEM, người kia lại chọn ODM. OEM như Foxconn là người làm ra điện thoại nhưng lại không sở hữu bản quyền thiết kế hay bất cứ điều gì ở sản phẩm. Còn ODM như Qiku thì thiết kế, sản xuất, có đầy đủ bản quyền với thứ họ làm ra.

Đặc điểm và lợi ích đem lại từ mỗi hình thức

Vậy là bạn đã hiểu và có thể phân biệt được hai hình thức sản xuất này, tiếp theo, chúng ta sẽ nói kỹ hơn về lợi ích và đặc điểm của chúng. Nếu muốn biết nhiều hơn, bạn có thể đọc tiếp.

Với OEM, họ có nhà máy, nhân công, sẵn sàng làm việc theo yêu cầu của bạn và có thể cho ra lò hàng triệu đơn vị thành phẩm. Nhưng trước khi giao việc cho họ, bạn phải có quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) trước. Bao gồm nghiên cứu thị trường, thiết kế, gia công cơ khí,... Nhìn chung, tất cả các công việc cần thiết để đối tác bắt tay vào sản xuất. Đây chính là nền móng hay bộ khung cho ngôi nhà sau này, mà chẳng cần bạn phải tự mình xây dựng nó.

Một số OEM nổi tiếng về gia công, sản xuất theo hợp đồng: HTC, Foxconn, TSMC,...

Bạn xây dựng bản vẽ chi tiết về sản phẩm, khảo sát và điều tra thị trường để đánh giá mức độ quan tâm của khách hàng. Lên các thông số kỹ thuật để sản phẩm có khả năng cạnh tranh phù hợp với ngân sách dự kiến. Cuối cùng, việc cần làm là tìm một người có đủ khả năng sản xuất với quy mô lớn. Đưa cho họ tất cả những gì bạn có, bao gồm cả tiền bạc, họ sẽ xử lý những công việc còn lại.

Với hình thức này, bạn có toàn quyền kiểm soát sở hữu trí tuệ (IP) của sản phẩm. Nó thuộc về bạn dù bạn không trực tiếp làm ra, đơn giản vì bạn đã đổ tiền bạc, công sức của mình vào giai đoạn R&D trước đó. Tuy nhiên, nếu quy mô công ty không đủ để thực hiện những việc đó, hoặc tài chính có hạn, lựa chọn ODM sẽ hợp lý hơn.

Sau tất cả, không phải công ty nào cũng có đủ nguồn lực và kinh nghiệm cho công việc R&D tốn kém. Nếu bạn không giao đủ tài nguyên cho đối tác OEM, ví dụ thông số kỹ thuật chưa chi tiết, thiết kế chưa chính xác để đi vào thực tế, mọi việc sẽ rất khó triển khai trên quy mô sản xuất hàng loạt.

Và nếu bạn chọn ODM, người này có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn so với OEM, bao gồm cả khâu R&D ‘khó nhằn'. Thậm chí có thể là trọn gói tới mức bạn hầu như chẳng phải làm gì mà vẫn có sản phẩm đem bán. Tùy thuộc vào trình độ công nghệ, năng lực sản xuất của ODM mà họ có thể làm hộ bạn nhiều đến đâu. Một số thiết kế mà ODM nắm giữ đôi khi lại thuộc sở hữu của khách hàng khác.

Các hãng ít được biết đến gồm Wingtech, Huaqin, Longcheer, FIH Mobile, TCL đang đứng sau điện thoại mang các thương hiệu Huawei, Xiaomi, Lenovo, LG, Meizu, Nokia, Blackberry

Bạn tiến hành nghiên cứu thị trường và liệt kê hàng loạt các tính năng hấp dẫn, nhưng trong tay lại không có bản thiết kế nào, thông số tường tận ra sao. Đây chính là lúc mà bạn cần tìm đến một ODM. Họ sẽ giúp bạn hoàn thiện ý tưởng sản phẩm theo khả năng để nó khả thi nhất có thể, từ thiết kế đến cấu hình. Thậm chí họ có thể cung cấp sẵn một vài mô hình mẫu sát với hình dung của bạn, chỉ việc tùy chỉnh lại một chút mà thôi.

Và tất nhiên, ODM cũng sẽ đảm nhận luôn việc sản xuất. Cuối cùng, cái mà bạn nhận được sẽ dập logo và thương hiệu như ý bạn, trong một khung thời gian ngắn mà nếu lao vào hoạt động nghiên cứu, bạn chắc chắn không thể theo kịp.

Rõ ràng lợi ích lớn là tiết kiệm cả về công sức lẫn tiền bạc, đồng thời, rút ngắn thời gian phát triển giúp bạn bắt nhịp với thị trường nhanh hơn. Còn về điểm trừ, tất nhiên bạn không có quyền sở hữu sản phẩm. Sẽ thật tệ nếu một công ty khác cũng đến mua thiết kế gốc giống bạn. Sản phẩm của cả hai trông sẽ rất giống nhau khi bán ra, làm giảm lợi thế cạnh tranh vốn có. Một số khách hàng nhạy cảm khi nhìn vào có thể suy nghĩ tiêu cực về sản phẩm của bạn.

Vsmart Live là máy được làm theo dạng ODM, dẫn đến trùng lặp thiết kế với điện thoại của Meizu

Ambitious Man

Chủ đề khác