VnReview
Hà Nội

Mua smartphone - 3 thông số phần cứng cần lưu ý

Các nhà sản xuất smartphone thường tung ra rất nhiều thông số kĩ thuật vô cùng rắc rối cho người tiêu dùng tiềm năng của mình. Nhưng có bao nhiêu người biết hoặc quan tâm đến ý nghĩa của chúng?

Mặc dù những thông số kĩ thuật cung cấp thông tin về sản phẩm nhưng chúng cũng khiến cho người tiêu dùng bối rối, khó hiểu. Hy vọng bài viết của Readwriteweb dưới đây sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn về thông số kĩ thuật phần cứng của một smartphone trước khi ra quyết định mua sắm.

Tuổi thọ pin

Phần lớn các nhà sản xuất điện thoại thể hiện dung lượng pin bằng một loại đơn vị gọi là mAh. mAh là viết tắt của mili ampe giờ - đơn vị dùng đo thời gian hoạt động của một thiết bị được bao lâu trước khi nó cần sạc lại.

Chỉ số mAh càng cao thì tuổi thọ pin càng lớn. Vì thế, chỉ số mAh là một tiêu chí cơ bản dùng khi so sánh, chọn lựa một mẫu smartphone.

Tiêu chí này được nhiều nhà sản xuất thể hiện một cách dễ hiểu đối với người tiêu dùng hơn qua thời gian đàm thoại hay thời gian xem video. Ví dụ, Apple không nói rõ pin iPhone 5 có dung lượng bao nhiêu mAh mà thay vào đó hãng này cho người tiêu dùng biết iPhone 5 có thời gian xem video 10 tiếng liên tục.

Tuổi thọ pin được cải thiện qua từng thế hệ smartphone. Hai mẫu smartphone Nokia Lumia 920 và Motorola Droid Razr M đều có pin dung lượng 2000 mAh, còn Samsung Galaxy Note 2 sở hữu pin 3200mAh. Tuy nhiên, cũng lưu ý là điều này không có nghĩa là Galaxy Note 2 có thời gian sử dụng lâu hơn Nokia Lumia, bởi màn hình của Galaxy Note 2 to hơn nên ngốn pin hơn.

Nokia Lumia 920

Các mẫu smartphone tốt nhất trên thị trường hiện nay thường được trang bị pin dung lượng khoảng 2000mAh, tương đương 10 tiếng dành cho đàm thoại, xem video hay lướt web và 40 tiếng nếu như chỉ nghe nhạc.

Hiện tại, Motorola và Nokia là hai trong số những hãng đi đầu về công nghệ pin, kế đó là Apple và Samsung.

Số lõi

Tuy nhiên, dung lượng pin sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như bộ vi xử lí CPU và bộ xử lí đồ họa GPU không hoạt động một cách hiệu quả.

Một bộ vi xử lý lõi đơn có tốc độ xung nhịp 1,2GHz (Gigahertz, đơn vị đo tốc độ thiết bị thực hiện phép tính) thì tốn nhiều pin. Đó chính là lý do cần đến đa lõi. Các tính năng của một chiếc smartphone lõi kép có thể được xử lý tách biệt trên các lõi để hoạt động hiệu quả hơn. Tuy vậy, không phải tất cả các smartphone được chế tạo như nhau và hiệu suất hoạt động của lõi vi xử lý sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào bộ xử lý do ai sản xuất và nhà sản xuất smartphone nữa.

Tóm lại: Hãy chọn mẫu smartphone có số GHz cao, và ít nhất được trang bị chip lõi kép. Thực tế thì vấn đề này phức tạp hơn nhiều, nhưng đây là yếu tố để đánh giá khả năng hoạt động của các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng hay máy tính cá nhân. Những chiếc smartphone hàng đầu trên thị trường hiện nay được trang bị chip lõi kép với tốc độ xung nhịp khoảng 1,5 GHz.

Những chiếc smartphone lõi tứ đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng. Tuy chip lõi tứ giúp quản lí năng lượng và cho hiệu năng hoạt động tốt hơn so với lõi kép, nhưng chúng lại không mấy phổ biến ở Mỹ. Nguyên nhân là do Mỹ chủ yếu sử dụng mạng 4G LTE và 3G, vì thế hầu hết các nhà sản xuất bán ra smartphone lõi kép ở thị trường này để giúp người tiêu dùng quản lí điện năng tốt hơn.

Bước tiến mới cho bộ vi xử lí của smartphone sẽ được biết đến như phong trào "cộng một". Về cơ bản, các smartphone sẽ được trang bị bộ vi xử lý lõi kép hoặc lõi tứ cộng thêm một bộ xử lý khác nhằm thực hiện một chức năng chuyên biệt, ví dụ như đồ họa.

Trong khi bộ vi xử lí trung tâm CPU là yếu tố quyết định tốc độ và hiệu suất hoạt động của một smartphone thì bộ xử lí đồ họa GPU được thiết kế để xử lý đồ họa tốt hơn. Ví dụ, iPad 3 có độ phân giải màn hình cực kỳ sắc nét, do đó nó cần đến nhiều GPU để hiển thị hình ảnh. Trong trường hợp này, nhà sản xuất có thể bổ sung thêm GPU để thiết bị hiển thị đồ họa tốt hơn. Tuy nhiên, trái ngược với CPU, GPU càng nhiều lõi thì pin càng nhanh hao.

Bộ xử lí Exynos của Samsung

Bạn chắc hẳn đã từng nghe đến thuật ngữ ARM hay x86 khi đề cập đến bộ vi xử lý của smartphone. Hầu hết mọi smartphone và máy tính bảng hiện nay đều hoạt động trên nền tảng ARM bởi vì hiệu suất của ARM tốt hơn nhiều so với x86. Nền tảng x86 do Intel - hãng sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới - thiết kế đã không gây được tiếng vang lớn trong thị trường di động. Còn nền tảng ARM thì được phát triển bởi các công ty như Samsung, Qualcomm, Nvidia hay Texas Instruments. Mỗi nền tảng có những đặc trưng riêng, nhưng quan trọng là phần lớn smartphone hiện nay đều hoạt động trên nền tảng ARM.

Độ phân giải màn hình

Độ phân giải màn hình là một trong những điểm nhấn mà các nhà sản xuất, đặc biệt là Apple, dùng để gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng.

Độ phân giải màn hình được xác định theo hai cách: mật độ các điểm ảnh trên mỗi inch (ppi) và tổng số các điểm ảnh. Mật độ điểm ảnh được hiểu như số chấm nhỏ trong một diện tích kích thước 1 inch. Các chấm nhỏ đại diện cho các điểm ảnh, và số điểm ảnh càng nhiều thì màn hình smartphone càng rõ nét, sinh động.

Tại thời điểm hiện tại, Apple là hãng đứng đầu về độ phân giải màn hình của smartphone. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần nhớ rằng độ phân giải màn hình càng cao thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ pin nếu như bộ xử lý đồ họa không đủ mạnh.

Samsung Galaxy S III

iPhone 5 của hãng Apple có mật độ điểm ảnh là 326 (tương tự iPhone 4S) với độ phân giải 1136 x 640. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của iPhone, Galaxy S III của Samsung sở hữu màn hình độ phân giải 1280 x 720 mm, mật độ điểm ảnh 306 ppi. Về mặt kỹ thuật, Galaxy S III có nhiều điểm ảnh hơn nhưng do kích thước màn hình là 4,7 inch, to hơn so với kích thước 4 inch của iPhone 5, nên mật độ điểm ảnh của Galaxy S III thấp hơn.

Tóm lại, lựa chọn mẫu smartphone có chỉ số ppi cao hơn nếu như bạn muốn có độ phân giải sắc nét.

Phương Phương

Chủ đề khác