VnReview
Hà Nội

Thế giới Android trong năm 2020 có gì hot?

Điện thoại màn hình gập, 5G, và những cụm camera chất lượng tuyệt vời!

android

Thế giới Android luôn thu hút chúng ta bởi sự đa dạng cùng hàng tá những cải tiến mới mẻ, bất ngờ, xuất hiện mỗi năm. Và nhân dịp đầu năm 2020, hãy cùng dự đoán xem những điều thú vị nào sẽ diễn ra trong năm nay.

Điện thoại màn hình gập (sẽ thực sự bùng nổ)

2019 lẽ ra đã là năm điện thoại màn hình gập trở nên phổ biến. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Chiếc Galaxy Fold thất bại ê chề từ khi chưa bán ra, buộc hãng điện tử Hàn Quốc phải trì hoãn ngày lên kệ và khiến sự hào hứng của người tiêu dùng nhanh chóng bốc hơi. Trong khi đó Huawei Mate X thì chưa bao giờ thực sự được bán ra. Vậy nên, năm 2020 trở thành điểm khởi đầu thật sự của điện thoại màn hình gập.

Theo đó, mở màn năm 2020 sẽ là chiếc Motorola RAZR – không chỉ là một điện thoại màn hình gập mà còn là chiếc điện thoại màn hình gập đầu tiên có thiết kế kiểu vỏ sò, mang lại cho thị trường điện thoại màn hình gập sự đa dạng vốn có của thế giới Android, bên cạnh những chiếc điện thoại màn hình gập kiểu tablet mà chúng ta đã thấy trong năm qua. Tiếp đó, nhiều thông tin cho biết Samsung đang chuẩn bị chiếc điện thoại màn hình gập thế hệ 2 với thiết kế vỏ sò tương tự, và TCL (cùng một vài hãng Trung Quốc khác) cũng đang thử nghiệm với một loạt các thiết kế màn hình và bản lề nhằm cho ra những chiếc điện thoại màn hình gập với hình dáng và kích thước khác nhau.

Tất nhiên, những chiếc điện thoại màn hình gập đời đầu này sẽ chưa thể hoàn hảo – chúng sẽ phải đánh đổi. Vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp xoay quanh việc tạo ra một chiếc điện thoại có thể liên tục mở ra, đóng vào – từ màn hình, đến mọi thứ khác bên dưới nó. Nhưng năm 2020 ít nhất cũng sẽ mang lại cho chúng ta một cơ hội để trải nghiệm những chiếc điện thoại màn hình gập đó và bắt đầu có cái nhìn chi tiết hơn về những ý nghĩa chúng mang lại.

Số lượng cổng kết nối, nút bấm vật lý, và các khe hở sẽ giảm đi đáng kể

android

Chúng ta đều biết các công ty smartphone muốn đơn giản hóa phần cứng của họ; chính sự phức tạp của phần cứng là một trong những lý do lớn nhất khiến việc sản xuất các điện thoại màn hình gập trở nên cực kỳ khó khăn và đắt đỏ. Nhiều năm về trước, ngành công nghiệp di động đã đạt được một bước tiến lớn khi tạo ra được những chiếc điện thoại nguyên khối, không dùng pin rời – nhưng vẫn còn rất nhiều thứ cần làm. Jack headphone đã bị loại bỏ, và các điện thoại ngày nay cũng không còn khay riêng để gắn thẻ nhớ nữa. Một số điện thoại không có khay SIM, bởi chúng đã chuyển sang sử dụng eSIM rồi. Và một số khác thậm chí còn loại bỏ hoàn toàn nút điều khiển âm lượng và nút nguồn truyền thống, thay vào đó là những giải pháp khác biệt, mang lại những kết quả cũng khá lẫn lộn.

Nhưng đó lại là hướng đi mà các nhà sản xuất phần cứng cần tiến tới – điện thoại càng ít những khe hở, càng ít các thành phần chuyển động, thì càng bền hơn. Dù là những "nút bấm" nhạy lực như HTC từng thử, hay các vùng cảm ứng luôn bật, chắc chắn các điện thoại trong thời gian tới sẽ tránh xa các nút bấm vật lý truyền thống.

Nói về loa trên điện thoại: từng có một thời gian ngắn, chúng ta được thấy những cặp loa stereo chính hiệu xuất hiện trên một số smartphone cao cấp, nhưng trong bối cảnh các công ty một lần nữa tìm cách đơn giản hóa thiết kế phần cứng của họ, sẽ có những giải pháp thú vị hơn. Sử dụng một loa đơn ở trên đỉnh điện thoại để làm loa thoại kiêm loa ngoài chỉ là khởi đầu – tiếp theo sẽ là truyền âm thanh qua xương và sử dụng tấm nền màn hình làm loa. Chất lượng âm thanh của điện thoại ngày càng ít phụ thuộc vào số lượng loa, kích thước và vị trí đặt chúng – năm 2020 sẽ mang đến rất nhiều yếu tố khác, hãy chờ xem.

Tưởng như việc giảm kích thước viền màn hình và tăng tỷ lệ màn hình so với thân máy là điều đơn giản, nhưng hóa ra mọi chuyện phức tạp hơn thế. Ban đầu, các hãng sử dụng thiết kế tai thỏ, rồi tai thỏ nhường chỗ cho các phần khoét trên màn hình, rồi các phần khoét này cũng biến mất, thay vào đó là các cảm biến dưới màn hình và thậm chí là camera dưới màn hình. Và trong quá trình tiến hóa này, các cụm loa đặt phía trước máy cũng dần bị loại bỏ.

5G – dù bạn có dùng nó hay không

android

Giống như điện thoại màn hình gập, những hứa hẹn về mạng 5G vẫn chưa được thực hiện trong năm 2019. 2020 sẽ là năm mà mạng di động thế hệ tiếp theo này thực sự phổ biến, mà phần lớn là nhờ những nỗ lực thúc đẩy công nghệ 5G của Qualcomm. Các nền tảng di động mới của hãng, Snapdragon 865 và 765, chỉ có phiên bản 5G – có nghĩa là khả năng cao chiếc điện thoại mới bạn dự định mua trong năm 2020 sẽ hỗ trợ 5G, bởi các nhà sản xuất điện thoại đơn giản là không thể tung ra một chiếc điện thoại chỉ hỗ trợ 4G nếu muốn sử dụng các vi xử lý mới nhất. Những con chip 5G khác, có giá thấp hơn, đến từ các đối thủ như MediaTek, cũng sẽ mang chuẩn mạng mới này lên các điện thoại giá thấp hơn.

Và điều đó sẽ diễn ra cho dù bạn có thực sự dùng được mạng 5G hay không. Các mạng 5G hiện vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, mặc cho các nhà mạng đang liên tục khoe khoang về thành tích của họ. Các mạng mmWave, như của Verizon, chỉ có mặt tại một số khu vực cụ thể ở những thành phố cụ thể ở Mỹ. Các mạng 5G Sub-6, như của T-Mobile, có độ phủ sóng rộng nhất – nhưng hãy cứ tin chắc rằng trong năm 2020, bạn vẫn sẽ chủ yếu lướt mạng LTE mà thôi.

Nếu dự định mua một chiếc điện thoại cao cấp trong năm 2020, bạn có thể tự hào vì nó có 5G, dù bạn có dùng hay không – và tất nhiên số tiền bạn phải bỏ ra cho những chiếc điện thoại như vậy sẽ cao hơn một chút, bởi chúng hỗ trợ 5G. Một điều an ủi là càng nhiều điện thoại 5G xuất hiện, các nhà mạng sẽ triển khai các mạng 5G càng nhanh hơn – và có lẽ bạn sẽ được sử dụng 5G trước khi chiếc điện thoại mới đó trở nên lỗi thời.

Camera tuyệt vời hơn nữa

android

Nhiếp ảnh điện toán và các hệ thống camera đa ống kính đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng ảnh chụp trên smartphone, và xu hướng đó sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm nay. Một loạt các cảm biến camera độ phân giải siêu cao sắp xuất hiện, vượt mốc 100MP – trên thực tế, đã có hai thiết bị sử dụng cảm biến khủng như vậy xuất hiện trên thị trường.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng ta sẽ sớm thấy những bức ảnh với độ phân giải cao hơn trước; dữ liệu bổ sung từ cảm biến sẽ được xử lý với các thuật toán ngày một tiên tiến hơn để kết hợp các điểm ảnh lại với nhau, tạo nên những bức ảnh mượt mà hơn, sắc nét hơn, nhưng vẫn giữ độ phân giải bình thường. Một cảm biến camera 100MP sẽ cho ra ảnh 25MP, hay thậm chí là 12,5MP – nhưng không sao, bởi chúng ta đầu cần độ phân giải cao hơn? Thứ chúng ta cần là nhiều ánh sáng hơn và màu sắc đa dạng hơn trong các bức ảnh chụp từ smartphone.

Những cảm biến và phần mềm xử lý mới sẽ tiếp tục song hành cùng nhau, và cùng với sự xuất hiện của những cụm camera nhiều ống kính hơn nữa. Hai ống kính nay đã hết sức bình thường; chúng ta đang thấy các cụm camera 3 và 4 ống kính dần trở thành tiêu chuẩn mới – và các cụm camera này cho phép các công ty có thể sử dụng từng cảm biến riêng vào từng mục đích cụ thể, thay vì chỉ để chụp ảnh chung chung. Bạn chẳng còn lạ gì những cảm biến riêng biệt để cảm nhận chiều sâu, chụp đen trắng, chụp ảnh với tiêu cự dài… đúng không?

Các bản cập nhật phần mềm nhanh hơn (và dung lượng nhỏ hơn)

android

Project Treble của Google đã thay đổi phương thức cập nhật hệ điều hành Android, cải thiện được tốc độ và tính nhất quán của các bản cập nhật phần mềm, nhưng như thường lệ, không phải thiết bị nào cũng may mắn như nhau. Project Treble cho phép Google và các nhà sản xuất điện thoại tung ra các bản cập nhật dễ dàng hơn và nhanh hơn, bởi những thay đổi nhỏ - như các bản vá bảo mật – có thể được tung ra mà không ảnh hưởng đến toàn hệ thống, nhờ đó chúng ta có thể nhận được các bản cập nhật tính năng từ Google mà không cần các nhà sản xuất phải tinh chỉnh và tái chứng nhận toàn bộ các thành phần hỗ trợ phần cứng cấp thấp của họ trước khi tung ra cập nhật nữa.

Nhưng Project Treble chỉ hoạt động trên các điện thoại cài sẵn Android 8.0 trở về sau. Hiện nay, khi Android Oreo đã ra mắt được vài năm, đại đa số các điện thoại chúng ta đang dùng đang chạy Android 8.0 hoặc 9, và có tích hợp Treble. Chúng ta cũng sắp cận kề những ngày cuối trong vòng đời cập nhật phần mềm của các điện thoại cài sẵn Android 7.0, có nghĩa các nhà sản xuất sẽ có thể tập trung toàn bộ tài nguyên vào các bản cập nhật theo kiểu Treble cho tất cả các điện thoại đang bán trên thị trường.Nhờ đó, kể cả khi bạn mua điện thoại vào năm 2019, thì trong năm 2020, bạn cũng sẽ có thể tận hưởng các bản cập nhật nhanh hơn và nhất quán hơn.

Với các điện thoại Android 10 ra mắt trong năm 2020, mọi chuyện còn tuyệt vời hơn nữa bởi Google tiếp tục cải tiến quá trình cập nhật thông qua Project Mainline, một sự kết hợp hoàn hảo dành cho Treble. Tương tự Treble, Project Mainline cho phép các nhà sản xuất điện thoại cập nhật các phần riêng rẽ của hệ thống – như driver phần cứng, các tính năng bảo mật, các thành phần mạng… - mà không cần động đến lớp giao diện trên cùng hay lớp nằm bên dưới Treble. Những bản cập nhật sẽ được chuyển đến người dùng giống như các bản cập nhật phần mềm, thông qua framework Google Play Services, do đó chúng mang lại cho người dùng một cảm giác liền lạc trong quá trình sử dụng điện thoại.

Sự kết hợp của Treble và Mainline có thể không giúp đẩy nhanh việc triển khai các bản cập nhật lớn, như nâng cấp lên Android 11 vào cuối năm 2020. Nhưng nó sẽ đẩy nhanh các bản cập nhật nhỏ như cải thiện các tính năng riêng rẽ, tinh chỉnh thiết lập mạng, và mang lại các thay đổi cho các trình điều khiển và driver cấp thấp, từ đó cải thiện hiệu năng của các thành phần hệ thống có liên hệ trực tiếp với CPU và GPU. Cùng với Treble, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được các bản cập nhật phần mềm và firmware thường xuyên hơn trong năm 2020.

Minh.T.T

Chủ đề khác