VnReview
Hà Nội

Đừng lầm tưởng đồng hồ thông minh đã có thể thay thế bác sĩ!

Apple quảng cáo rằng chiếc đồng hồ thông minh mới nhất của họ có thể phát hiện chứng rối loạn nhịp tim, cụ thể là chứng rung nhĩ, hay còn gọi là rối loạn dòng điện trong tâm nhĩ. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không như những gì được quảng cáo.

Apple Watch là thiết bị đồng hồ thông minh thành công nhất hiện nay. Hiện Apple đang dần đưa thiết bị lấn sân nhiều hơn vào lĩnh vực y tế. Một báo cáo được đăng tải gần đây của Apple Heart Study trên Tạp chí Y khoa New England cho thấy để đạt đến mục tiêu, công ty này vẫn còn một chặng đường rất dài ở phía trước.

Ước tính hiện có 6 triệu người tại Mỹ (khoảng 2% dân số) mắc bệnh rung nhĩ, một dạng rối loạn nhịp tim bất thường có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, đau tim và đột quỵ. Con số thống kê cho thấy có đến 700 nghìn người tại Mỹ mắc phải căn bệnh này mà không hề hay biết.

Một tính năng hút khách của chiếc đồng hồ mới này là khả năng theo dõi nhịp tim của người đeo và phát hiện triệu chứng của bệnh rung nhĩ.

Jeff Williams, chuyên viên của Apple, đang giới thiệu tính năng theo dõi sức khỏe trên Apple Watch 5 hồi tháng 9/2019 (Ảnh: Stephen Lam/Reuters)

Jeff Williams, chuyên viên của Apple, đang giới thiệu tính năng theo dõi sức khỏe trên Apple Watch hồi tháng 9/2019 (Ảnh: Stephen Lam/Reuters)

Để kiểm tra độ chính xác trong việc chẩn đoán của thiết bị này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên 420 nghìn người. Nghiên cứu này được Apple tài trợ và có nhân viên của công ty này tham gia nghiên cứu. Những người tham gia đeo Apple Watch và được theo dõi trong bốn tháng. Trong khoảng thời gian nghiên cứu, chỉ có 2.161 trường hợp được cảnh báo rối loạn nhịp tim, chỉ chiếm khoảng 0.5% tổng số người tham gia.

Những người này sẽ được kiểm tra sức khỏe từ xa, nếu xuất hiện các triệu chứng nhẹ, họ sẽ được mang một máy đo điện tâm đồ trong một tuần để xác nhận tình trạng rung nhĩ. Những người tham gia thí nghiệm sẽ gửi lại máy đo và kết quả, các chuyên gia sẽ dựa trên những thông tin được gửi về và liên lạc ngay lập tức cho người bệnh để hướng dẫn chăm sóc y tế nếu bệnh nhân đó đang gặp nguy hiểm. Nếu kết quả dương tính với rung nhĩ nhưng chưa cần chăm sóc y tế ngay, họ sẽ được đề nghị khám sức khỏe từ xa lần hai và được hướng dẫn để gặp trực tiếp bác sĩ của mình.

Nhưng chỉ có 450 trên 2.161 người nhận được thông báo về chứng rối loạn nhịp tim từ bộ cảm biến trả máy đo và kết quả về phòng thí nghiệm. Điều này có nghĩa là gần 80% số người tham gia thí nghiệm được đeo đồng hồ và nhận được cảnh báo về sức khỏe bỏ qua việc gửi kết quả về trung tâm.

Trong số 450 người trả kết quả về, chỉ có 152 người được chẩn đoán rung nhĩ, chiếm khoảng 34%. So với con số 420 nghìn người tham gia thì chỉ chiếm 0,04%.

(Ảnh: Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ)

Kết quả này không có nghĩa là Apple đã thất bại. Nhiều người tham gia thí nghiệm đã nhận được chẩn đoán sớm hơn về tình trạng của mình. Dù vậy, việc chẩn đoán sớm tạo ra khác biệt bao nhiêu và khác biệt như thế nào trong vấn đề sức khỏe vẫn cần được thảo luận thêm.

Nhiều tờ báo đưa tin về thí nghiệm này đã giật tít rằng: "Giá trị dự đoán dương tính" đạt 84%. Giá trị này thể hiện khả năng một người thật sự mắc bệnh nếu nhận được kết quả xét nghiệm dương tính.

Nhưng con số này lại không giống với bất cứ kết quả nào được đưa ra ở trên. Nó chỉ được thống kê trong số các bệnh nhân nhận được thông báo nhịp tim không đều khi mang thiết bị chẩn đoán. Những bệnh nhân này chỉ chiếm thiểu số trong số những người tham gia thí nghiệm. Trong số 86 người nhận được thông báo khi mang thiết bị đo, 72 người trong số đó được xác nhận có các triệu chứng của rung nhĩ và đây chính là nguồn gốc của con số giá trị dự đoán dương tính đạt 84%.

Giá trị dự đoán dương tính chủ yếu được bác sĩ sử dụng khi tư vấn cho bệnh nhân, giá trị này không phải lúc nào cũng là một thước đo hoàn hảo cho tính hiệu quả của nghiệm pháp chẩn đoán. Vi dụ, khi bạn tiến hành xét nghiệm trên một nhóm người mắc bệnh, thì mọi kết quả dương tính đều chính xác.

Các tiêu chí đánh giá nghiệm pháp chẩn đoán như độ nhạy (khả năng phát hiện bệnh của nghiệm pháp, hay kết quả dương tính thật) và độ đặc hiệu (khả năng loại trừ trường hợp không có bệnh của nghiệm pháp, hay kết quả âm tính thật) thể hiện chất lượng của kết quả chẩn đoán về tổng thể là hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thí nghiệm này lại không được thiết kế để đánh giá dựa trên những tiêu chí trên.

Vẫn có những cách khác để theo dõi và chẩn đoán chứng rung nhĩ. Từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 22 nghiên cứu về thiết bị y tế di động dùng để phát hiện chứng rung nhĩ được thống kê trong một hệ thống đánh giá chuyên biệt. Một số thiệt bị có độ nhạy và độ đặc hiệu gần như đạt con số 100%. Dù vậy không có thí nghiên cứu nào được tiến hành với quy mô lớn như nghiên cứu này.

Thậm chí cả những máy đo huyết áp được sử dụng phổ biến trong các phòng khám cũng có thể theo dõi chứng rung nhĩ. Một hệ thống đánh giá các thiết bị này cho thấy độ nhạy của chúng đạt 85% và độ đặc hiệu đạt 90%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách theo dõi này không phải là một ý kiến hay. Vẫn có những trường hợp bệnh nhân không được chẩn đoán đúng tình trạng của mình. Chúng ta cần được theo dõi liên tục bằng máy đo điện tâm đồ. Hội đồng Phòng bệnh Hoa Kỳ (U.S. Preventive Services Task Force) đã cân nhắc thực hiện yêu cầu này với những người trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên, đây là nhóm có nguy cơ cao mắc phải chứng tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, hội đồng cho rằng hiện chưa có đủ bằng chứng về tính hiệu quả của phương pháp chăm sóc đặc biệt này có cao hơn so với quy trình hiện nay hay không.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại cho rằng theo dõi bằng điện tâm đồ có thể xuất hiện nhiều kết quả dương tính sai hơn dẫn đến chẩn đoán sai và những rủi ro từ việc tiến hành các xét nghiệm không cần thiết khác. Và bạn cũng nên nhớ rằng ngay cả với Apple Watch thì hầu hết những người nhận thông báo không mắc bệnh rung nhĩ.

Hơn nữa, hội đồng các chuyên gia chỉ tập trung vào nhóm người cần sự can thiệp, chính là người lớn tuổi. Đây là nhóm người có khả năng cao bị tắc nghẽn mạch máu nếu mắc bệnh rung nhĩ và họ cần điều trị với thuốc chống đông máu. Đối với nhóm người trẻ hơn và khả năng mắc bệnh thấp hơn, các chuyên gia chưa thể khẳng định họ nên điều trị như thế nào hay thậm chí có cần điều trị hay không.

Và một điều nữa là những người trẻ hầu hết đều sử dụng đồng hồ thông minh.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào nhóm người mắc bệnh rung nhĩ nhưng chưa được chẩn đoán. Đối với những người đã được chẩn đoán và có các triệu chứng rõ ràng cần được theo dõi bởi bác sĩ và điều trị bằng thuốc cùng các liệu pháp y tế khác. ;Bạn không được bỏ qua hay làm lơ việc chẩn đoán và các triệu chứng bệnh.

Kết luận mà ta có thể rút ra từ nghiên cứu này là có những thiết bị y tế cá nhân mà ta có thể sử dụng để đánh giá tình trạng bệnh mà không cần đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, dựa trên kết quả nghiên cứu này thì Apple Watch vẫn chưa phải là một thiết bị y tế đáng tin cậy trong việc sử dụng chúng để theo dõi chứng rung nhĩ một cách rộng rãi.

Minh Bảo – Theo The New York Times

Chủ đề khác