VnReview
Hà Nội

Vệ sinh màn hình điện thoại thế nào cho đúng?

Màn hình điện thoại không sạch như bạn vẫn nghĩ, đây là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và bụi bẩn. Ngoài ra chúng là nơi tay và mặt của bạn thường xuyên tiếp xúc. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều chọn "sống chung với lũ" dù biết rõ điều này vì việc giữ màn hình điện thoại luôn sạch là rất khó.

Bạn có thể quẹt vài đường lên quần hoặc vạt áo để làm sạch, nhưng thật ra nó chẳng có hiệu quả nhiều. Ngoài ra, có những cách làm sạch mà bạn không nên sử dụng cho màn hình điện thoại dù chúng có hiệu quả làm sạch tốt nhưng lại quá mạnh khiến màn hình dễ bị hư hại.

Hãy đảm bảo bạn vệ sinh điện thoại đúng cách (Ảnh: Derek Poore/CNET)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào để vệ sinh màn hình điện thoại đúng cách và những điểm cần phải tránh. Bạn sẽ có thể làm sạch dấu vân tay, cát và bụi trong các cổng kết nối, vết trang điểm trên màn hình và thậm chí là làm sạch vết thịt sống dính vào khi bạn nấu ăn. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu cách xử lý với điện thoại có khả năng chống nước.

9 thứ bạn không bao giờ được dùng để vệ sinh điện thoại

1. Nước lau kính

Bạn có thể sử dụng nước lau kính để làm sạch các bề mặt bằng thủy tinh và chúng khá hiệu quả, vậy có thể sử dụng chúng trên điện thoại không? Câu trả lời là không! Một số dòng điện thoại mới, như iPhone XR chẳng hạn, có một lớp bảo vệ chống nước và dầu trên màn hình, lớp này có thể trôi dần theo thời gian.

Sử dụng các chất tẩy rửa mạnh có thể làm trôi lớp bảo vệ này nhanh hơn và khiến điện thoại bạn dễ trầy xước hơn. James LeBeau, phó giáo sư khoa học vật liệu tại MIT, cho biết bất cứ chất tẩy rửa nào có chứa chất mài mòn đều có thể làm xước màn hình, do vậy bạn cần tránh sử dụng chúng để lau màn hình.

2. Chất tẩy dùng trong bếp

Các đặc tính chống trầy của mặt kính không bị chất bào mòn trong chất tẩy tác động, tuy nhiên lớp bảo vệ trên cùng vẫn là một vấn đề. Đó là lý do Apple khuyến cáo người dùng không nên sử dụng các chất tẩy rửa gia dụng để làm sạch điện thoại iPhone. Bar Keepers Friend cho biết các thành phần làm sạch trong chất tẩy gây hại đến lớp bảo vệ màn hình. Bon Ami cũng nhấn mạnh không sử dụng chất tẩy trên mặt kính có lớp phủ bảo vệ.

Đặt ngay chai xịt rửa kính xuống ngay! (Ảnh: Derek Poore/CNET)

3. Khăn giấy

Bạn có thể sử dụng chúng để làm sạch mặt bàn, nhưng đừng dùng cho điện thoại của bạn. Giấy có thể để lại vụn và càng khiến cho điện thoại bạn trông còn bẩn hơn. Thậm chí giấy quá cứng cũng có thể làm trầy màn hình điện thoại.

4. Chất tẩy có cồn

Với những điện thoại có lớp bảo vệ màn hình thì chất tẩy có cồn có thể khiến chúng biến mất nhanh hơn bao giờ hết. Hãy kiểm tra liệu có cồn trong chất tẩy của bạn không và chúng có nhãn "an toàn" đối với màn hình điện thoại hay không. Apple cho biết không nên sử dụng cồn để làm sạch thiết bị của họ.

5. Nước tẩy trang

Một số loại nước tẩy trang có chứa những chất hóa học có thể có hại cho màn hình điện thoại. LeBeau khuyến cáo không nên sử dụng nước tẩy trang và thay vào đó là dùng vải mềm với nước sạch.

6. Vòi xịt khí nén

Các bộ phận trong điện thoại rất phức tạp, do đó việc sử dụng khí nén phun vào điện thoại để làm sạch bụi có thể gây ra hư hỏng, đặc biệt là phần mic. Apple cũng khuyến cáo người dùng không sử dụng khí nén để làm sạch thiết bị.

7. Nước rửa chén và nước rửa tay

Nước rửa chén và nước rửa tay có lẽ nhẹ nhàng hơn so với những loại chất tẩy kể trên. Tuy nhiên chúng chỉ có thể sử dụng với nước. Hầu hết điện thoại đều khuyến cáo người dùng không được ngâm nước, dù có tính năng kháng nước. Cho nên cứ sử dụng cách truyền thống là bằng một chiếc khăn ẩm.

8. Dấm

Hoàn toàn không được sử dụng dấm để vệ sinh điện thoại. Có thể mấy trang mẹo vặt hàng ngày chỉ cho bạn cách sử dụng dấm để vệ sinh điện thoại, tuy nhiên, Android Central khuyến cáo người dùng nên pha dấm với nước theo tỷ lệ 1:1 và chỉ dùng để làm sạch phần viền và mặt sau điện thoại.

9. Chất khử trùng

Những khuyến cáo in trên các sản phẩm này đều nhắc chúng ta rửa tay sau khi sử dụng, do vậy sử dụng chúng trên bề mặt mà tay và mặt chúng ta chạm vào hàng ngày không phải là một ý tưởng sáng suốt. Ông LeBeau cho biết những chất khử trùng có cồn sẽ làm mất lớp chống nước và chống dầu trên bề mặt màn hình điện thoại.

Làm sao để làm sạch dấu vân tay trên điện thoại? (Ảnh: Derek Poore/CNET)

Cách vệ sinh dấu vân tay

Dấu vân tay là thứ khó vệ sinh do chúng được tạo ra từ dầu tiết ra trên da của chúng ta. Do đo mỗi lần bạn chạm vào điện thoại đều sẽ để lại dấu vân tay.

Cách an toàn và hiệu quả nhất để làm sạch dấu vân tay là sử dụng khăn vải sợi nhỏ. Nếu màn hình quá bẩn, bạn có thể dùng nước làm ẩm khăn lau, tránh xịt nước trực tiếp lên màn hình. Bạn cũng có thể dùng cách này để lau viền và mặt sau điện thoại.

Mẹo làm sạch bụi và xơ vải

Bụi và xơ vải có thể bám trong các cổng kết nối điện thoại và các kẽ hở trên màn hình. Cách tốt nhất để làm sạch chúng là sử dụng băng dính. Bạn có thể dùng bằng dính dán vào các góc và loa rồi lột ra, với các cổng kết nối bạn có thể nhẹ nhàng đưa chúng vào rồi lấy ra. Xơ vải và bụi bám trên điện thoại sẽ dễ dàng được lôi ra ngoài.

Với những nơi quá nhỏ mà băng dính không thể làm sạch được, bạn có thể dùng tăm xỉa răng hoặc máy hút bụi với đầu hút nhỏ. Những mẹo này cũng có thể áp dụng trong việc vệ sinh xe hơi đấy.

Cách khử trùng điện thoại sau khi tiếp xúc với thịt sống

Nếu điện thoại bị dính thịt sống trong khi bạn nấu ăn, nhiều người nghĩ đến việc sử dụng cồn đầu tiên. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, cồn sẽ gây hại cho màn hình điện thoại. Bạn có thể sử dụng cồn pha với nước, tuy nhiên nó vẫn có thể làm mòn lớp bảo vệ. Vì thế để an toàn thì tốt nhất bạn không nên dùng cồn.

Thay vào đó, khăn vải sợi nhỏ với nước là số một, bạn có thể sử dụng thêm đèn khử trùng bằng tia UV. Tia UV có khả năng tiêu diệt đến 99.99% vi khuẩn và vi trùng.

Đoán xem thứ gì sẽ bám trên màn hình sau khi các chị em nghe điện thoại? (Ảnh: Sarah Tew/CNET)

Cách làm sạch lớp trang điểm

Với khuôn mặt đầy lớp trang điểm của các chị em, sau khi nghe điện thoại chắc chắn chúng sẽ để lại vết trên màn hình. Và trong khi tẩy trang vào mỗi tối, bạn không nên tiện tay dùng nước tẩy trang để làm sạch luôn cả điện thoại. Có những hóa chất trong nước tẩy trang gây hư hại màn hình như đã nói ở trên.

Thay vào đó, bạn nên sử dụng chất tẩy trang dành riêng cho màn hình điện thoại, như Whoosh chẳng hạn. Whoosh được quảng cáo là an toàn cho mọi loại màn hình và không chứa cồn hay chất tẩy rửa có thể làm hư lớp bảo vệ màn hình.

Ngoài ra, cách truyền thống vẫn là khăn vải sợi nhỏ được làm ẩm. Bạn có thể bỏ khăn vào máy giặt để làm sạch lại. Nên nhớ là hãy sử dụng bình xịt để làm ẩm khăn thay vì nhúng chúng vào chậu nước, sử dụng càng ít nước càng tốt.

Có thể rửa điện thoại có tính năng chống nước?

Nếu điện thoại có khả năng chống nước chuẩn IP67 trở lên, bạn có thể rửa chúng dưới vòi nước. Mặc dù những chiếc điện thoại như iPhone 7 hay các dòng Galaxy mới ra có thể chịu nước đến 30 phút ở độ sâu đến 1m, dùng khăn ẩm để làm sạch vẫn an toàn hơn. Sau đó bạn cần lau khô điện thoại bằng một chiếc khăn khác, nhớ lau khô cả phần loa và các cổng kết nối nữa nhé.

Ngâm nước hoặc rửa dưới vòi có thể khiến nước chảy vào các cổng kết nối, khi đó bạn không thể sạc điện thoại cho đến khi chúng khô hoàn toàn, việc này sẽ mất khá lâu đấy. Hãy nhớ rằng tính năng chống nước giúp bạn yên tâm về mặt tinh thần nhiều hơn là việc bạn có thể mang chúng đi bơi.

Minh Bảo theo CNET

Chủ đề khác