VnReview
Hà Nội

Xperia 1 Mark II: Cái tên ngớ ngẩn gói gọn sự yếu kém trong cách đặt tên của Sony

Xperia 1 II là một cái tên ngớ ngẩn, và Sony cần phải nhìn thấy được điều đó.

*Bài viết là quan điểm của cây viết Oliver Cragg đến từ trang Android Authority. VnReview xin lược dịch lại để gửi tới bạn đọc.

Theo như nhiều tài liệu báo chí chính thức, Sony muốn giới công nghệ và người tiêu dùng gọi Xperia 1 II là "Xperia 1 Mark 2". Mục tiêu của Sony, có lẽ, là người mua sẽ nhận ra cách gọi này giống với cách đặt tên dòng máy ảnh Alpha của hãng và cho thấy sự "nhất quán" trong cách đặt tên.

Theo quan điểm của cây viết Oliver Cragg đến từ trang Android Authority, cách tiếp cận của Sony có sự tương đồng với HMD Global và smartphone Nokia. Nhưng ít ra thì tên gọi của smartphone Nokia - những con số thập phân - còn dễ hiểu, chẳng hạn Nokia 7.2 thì sẽ cao cấp hơn Nokia 6.2, còn Sony thì khác.

Sony đã có một thời gian dài lúng túng trong việc quyết định có nên nối tiếp dòng Z-series hay không. Xperia Z1 đến Xperia Z5 lẽ ra đã là cách đặt tên hợp lý, dễ hiểu, dễ nhớ nhất của Sony, cho đến khi bạn nhận ra là các máy tính bảng của hãng cũng có tên gọi tương tự, chỉ thêm mỗi chữ "tablet" ở phía sau.

Đến năm 2016, câu chuyện đi sang một ngã rẽ mới. Sau nhiều năm gắn bó với thiết kế "Omnibalance" nhàm chán, Sony đã mang lại một làn gió mới cho mảng di động của mình với dòng X series.

Xperia X là cái tên đầu tiên xuất hiện, một sản phẩm cấu hình tầm trung nhưng có mức giá của "flagship killer" lúc bấy giờ. Nếu muốn một flagship thực thụ, bạn phải tìm đến chiếc Xperia X Performance, nhưng viên pin quá nhỏ và dung lượng RAM thấp khiến nó không thể cạnh tranh với những chiếc điện thoại như Galaxy S7.

Trước những đánh giá không mấy khả quan, Sony tiếp tục phải tìm giải pháp mới. Nhưng gọi chúng là gì bây giờ? Xperia X1 hay X2? Cuối cùng, thứ chúng ta nhận được là ba chiếc điện thoại trong khoảng thời gian chỉ 5 tháng: Xperia XZ, Xperia XZs và Xperia XZ Premium. Thật "dễ hiểu", phải không?

Tới năm 2017, dòng smartphone giá rẻ mới của Sony xuất hiện với tên gọi Xperia XA1, XA1 Plus và XA1 Ultra (họ thực sự đã đi trước Samsung tới 3 năm). Tạm bỏ qua sự khó hiểu về cấu hình, khi chiếc XA1 Ultra kích thước lớn hơn lại có viên pin dung lượng nhỏ hơn nhiều so với XA1 Plus, ít nhất thì Sony cũng đã cho thấy sự nhất quán, nhưng lại có một vấn đề mới: Tại sao phải có thêm một chữ X? Đặt tên là Xperia A1 không phải dễ dàng hơn sao?

Xperia XZ1 ra mắt vào cuối năm 2017 để nối tiếp dòng XZ và Sony tiếp tục mắc kẹt trong cách đặt tên đó tới XZ3. Sau nhiều năm lúng túng trong việc kết hợp chữ và số trong việc đặt tên sản phẩm, chúng ta chợt nhận ra rằng Sony đã một lần nữa làm khó mình: bảng chữ cái đến chữ Z là hết, sau đó Sony định dùng chữ cái nào?

Tại MWC 2019, Sony tiếp tục tung ra một sáng kiến nữa với Xperia 1. Lần này thì khác: Nó thật hoàn hảo. Xperia 1 cho bạn biết tất cả những thông tin gì bạn cần biết - đây là chiếc flagship cao cấp nhất của Sony, là một, là duy nhất.

Và rồi Sony lại có một pha xử lý "cồng kềnh" với sự xuất hiện của dòng Xperia 10. Tất cả những niềm hy vọng về cách đặt tên đơn giản, theo thứ tự của fan hâm mộ đã biến mất. Và rồi chiếc Xperia 5 ra mắt cuối 2019 không khác gì gáo nước lạnh của Sony.

Và giờ đây, chúng ta không có Xperia 2, mà là Xperia 1 Mark 2. Tồi tệ hơn, đây còn chẳng phải là chiếc smartphone cao cấp nhất của Sony nữa, mà danh hiệu đó thuộc về Xperia Pro. Lạc quan mà nói, ít ra thì khác với hàng chục những chiếc điện thoại "Pro" khác, Xperia Pro thực sự là một chiếc điện thoại được thiết kế dành cho dân chuyên nghiệp.

Đây chỉ là những triệu chứng của một vấn đề rộng lớn hơn mà Sony đang mắc phải. Hãy nghĩ tới những dòng sản phẩm từ trước đến nay của Sony: Walkman, Alpha, PlayStation và có lẽ là cả Bravia nữa. Chúng đều có danh tiếng và di sản của mình. Xperia (và cả những tai nghe true wireless nữa) thì chưa. Cho đến khi Sony tìm được hướng đi đúng đắn, họ sẽ còn tiếp tục bị nhấn chìm trong thị trường smartphone vốn đã rất cạnh tranh.;

Tiến Thanh

Chủ đề khác