VnReview
Hà Nội

Mô hình "Freemium" là gì và tại sao nhiều nhà phát triển yêu thích nó như vậy?

"Freemium" là cách tiếp cận được nhiều nhà phát triển áp dụng để thu lợi nhuận từ phần mềm của họ.

Nhiều ứng dụng được phát triển ngày nay đều tuân theo mô hình kinh doanh "Freemium". Thuật ngữ này là sự kết hợp của từ "free" (miễn phí) và "premium" (cao cấp), có nghĩa là bạn có thể tải xuống và sử dụng các ứng dụng miễn phí, nhưng sẽ phải trả tiền cho các tính năng cao cấp hơn.

Mô hình Freemium không hề mới

Freemium là một hình thức kiếm tiền mà nếu muốn sử dụng một số tính năng tiên tiến khách hàng buộc phải trả phí, cho dù đó là thanh toán thuê bao hay thanh toán một lần. Mặc dù thuật ngữ này chỉ mới trở nên phổ biến gần đây, nhưng mô hình kinh doanh hàng hóa kỹ thuật số này đã xuất hiện từ lâu.

Tính phí cho các tính năng bổ sung có thể bắt nguồn từ sự thịnh hành của các shareware (dạng phần mềm chia sẻ) và biến thể của nó. Các trialware (phần mềm dùng thử), chẳng hạn như các phiên bản cũ của Adobe Photoshop hay Internet Download Manager chỉ được sử dụng sản phẩm trong khoảng thời gian nhất định (thường là 30 ngày) mà không phải trả tiền bản quyền.

Ngoài ra còn có dạng phần mềm crippleware, một số chức năng sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn để buộc người dùng phải mua phiên bản đầy đủ. Các công cụ chỉnh sửa video thường sẽ chặn toàn bộ các công cụ edit, đặt giới hạn thời gian hoặc chèn các watermark vào video.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng di động, mô hình freemium đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Thực tế, chúng có thể là dạng ứng dụng phổ biến nhất trên smartphone của bạn.

Mô hình Freemium có ở mọi nơi

Một nhà phát triển có thể kiếm tiền từ ứng dụng trên smartphone theo một số cách thông dụng. Lựa chọn đầu tiên là tính phí trả trước. Tuy nhiên, với số lượng ứng dụng rất đa dạng trên Google Play Store và App Store, sẽ khá khó khăn để thuyết phục người dùng trả phí cho một sản phẩm mà họ chưa được trải nghiệm.

Một cách khác nữa là kiếm tiền từ quảng cáo trên ứng dụng, tuy nhiên phần lớn người dùng đều phàn nàn về chúng. Đây cũng không phải là phương pháp đáng tin cậy nhất để đảm bảo lợi nhuận.

Đó là lý do tại sao nhiều nhà phát triển chọn hình thức thứ ba: chiến lược giá freemium. Gần như mọi loại ứng dụng, từ các công cụ tăng năng suất làm việc và ứng dụng dự báo thời tiết cho đến các ứng dụng hẹn hò đều tích hợp mô hình freemium. Ngay cả với các ứng dụng chụp ảnh, chẳng hạn như VSCO vốn đã khá phổ biến với người dùng iPhone, đều sẽ yêu cầu trả phí cho các bộ lọc và mẫu đặc biệt.

Sportify cũng cung cấp 2 gói dịch vụ là miễn phí và cao cấp. Với phiên bản miễn phí, trong quá trình trải nghiệm ứng dụng, quảng cáo sẽ xen giữa liên tục. Tuy nhiên, nếu nâng cấp lên Premium, bạn sẽ có thể thỏa thích sử dụng các tính năng nghe nhạc ngoại tuyến, loại bỏ quảng cáo và trải nghiệm âm thanh chất lượng cao.

Hầu hết các dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox, OneDrive và Google Drive cũng tuân theo mô hình freemium. Người dùng sẽ được cung cấp một dung lượng lưu trữ trực tuyến miễn phí và có thể nâng cấp để tăng không gian dịch vụ.

Mô hình freemium có mức độ phổ biến khá rộng rãi, không giới hạn loại hình ứng dụng. Các dịch vụ doanh nghiệp nổi bật như Slack, SurveyMonkey và Asana cũng đi theo trào lưu này.

Sự trổi dậy của giao dịch trong ứng dụng và Free to Play

Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình freemium cũng một phần đến từ xu hướng trả tiền trong ứng dụng. Mọi ứng dụng di động trong Google Play Store và App Store đều có tùy chọn bán các tính năng nâng cấp. Vì thế, hầu hết nhà phát triển sẽ tận dụng lợi thế này nhằm yêu cầu bạn trả phí loại bỏ quảng cáo trong khi trải nghiệm.

Mô hình này được liên kết với tài khoản Google hoặc Apple của người dùng, nên người dùng có thể hoàn tất giao dịch chỉ với một lần nhấp. Đó là lý do tại sao nhiều nhà phát triển sử dụng "dark pattern" (tạm dịch: thiết kế đen) để hối thúc khách hàng trả tiền. Chiến lược này sẽ sử dụng các cửa sổ pop-up yêu cầu mở khóa các tính năng bổ sung trong lần đầu tiên truy cập ứng dụng hoặc loại bỏ các quảng cáo phiền toái.

Các giao dịch trong ứng dụng cũng đặc biệt phổ biến trong loại hình game Free to Play với thông điệp "miễn phí". Không giống các ứng dụng khóa tính năng trước khi trả phí, các trò chơi thường sử dụng giao dịch vi mô (microtransaction) khuyến khích bạn liên tục trả tiền để mua các vật phẩm, nhân vật hoặc tiền tệ trong game.

Một số game di động thậm chí còn giới hạn số lần chơi trong một khung thời gian nhất định trừ khi bạn chấp nhận "móc hầu bao".

Tương lai của Freemium

Mô hình freemium sẽ khó lòng bị loại bỏ trong một sớm một chiều. Nó cho phép các nhà phát triển đưa sản phẩm của mình tiếp cận lượng lớn người dùng và giảm tần suất vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, một bộ phận khách hàng vẫn cảm thấy hoàn toàn ổn với các quảng cáo trong ứng dụng, trong khi số khác thì có sở thích trải nghiệm bản dùng thử trước khi quyết định trả tiền để nâng cấp tính năng.

Dù bằng cách nào, để trở thành một người tiêu dùng sáng suốt, điều quan trọng là bạn phải biết nguồn gốc phần mềm và cách thức các nhà phát triển kiếm tiền từ nó.

Giang Vu

Chủ đề khác