VnReview
Hà Nội

Khôi phục cài đặt gốc hàng năm để cải thiện hiệu năng máy tính

Việc khôi phục cài đặt gốc máy tính rất đơn giản và bạn sẽ phải bất ngờ với hiệu quả của nó đấy.

Khôi phục cài đặt gốc là một trong những biện pháp cuối cùng mà bạn có thể nghĩ đến khi gặp sự cố phần mềm. Tính năng này sẽ đưa máy tính của bạn về trạng thái xuất xưởng, dù nó đang chạy hệ điều hành Window, MacOS hay ChromeOS đi nữa. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ có thể tạm biệt đống lộn xộn trên máy tính và các lỗi phần mềm xuất hiện trong quá trình sử dụng.

May mắn thay là cách thức tiến hành khôi phục cài đặt gốc đã trở nên đơn giản hơn nhiều so với trước đây. Microsoft, Apple và cả Google đều đã tích hợp sẵn công cụ này trong hệ điều hành của mình. Bạn cần lưu ý là các dữ liệu quan trọng và các ứng dụng phải được sao lưu ở đâu đó để có thể tải lại sau khi hoàn tất quá trình này.

Việc khôi phục cài đặt rồi cài đặt lại những ứng dụng cũ từ bản sao lưu nghe có vẻ "huề vốn", nhưng thật ra, nó thật sự là một nước đi có hiệu quả đấy. Trải qua một thời gian dài sử dụng, các phần mềm bắt đầu trở nên cồng kềnh hơn, các tập tin hệ thống bị lỗi và các tập tin rác sẽ tràn ngập bộ nhớ, không khác gì ngôi nhà của chúng ta trên thực tế vậy.

Trước đây, nếu quá trình khôi phục cài đặt gốc bị lỗi sẽ rất nguy hiểm, chỉ một bước làm sai thì toàn bộ dữ liệu của bạn sẽ mất sạch. Nhưng ngày nay, quá trình này đã được đơn giản hóa để bất cứ ai cũng có thể thực hiện mà không sợ mắc lỗi.

Như đã nói ở trên, trước hết bạn cần chắc rằng tất cả các dữ liệu cần thiết đã được sao lưu lại trước khi tiến hành khôi phục. Tài liệu, ảnh, video quan trọng sẽ được lưu ở đâu? Liệu có thể cài đặt lại tất cả ứng dụng trước đây từ trang web? Liệu mật khẩu tài khoản và các dữ liệu khác đã được lưu ở nơi an toàn hay chưa?

Với các ứng dụng stream như Netflix hay Spotify thì hầu như dữ liệu không được lưu trên bộ nhớ máy, bạn cần quan tâm đến những dữ liệu có trong ổ cứng hơn. Toàn bộ dữ liệu sẽ được xóa sạch, vì thế hãy lưu dữ liệu của mình ở nơi an toàn. Nếu không có bộ nhớ ngoài, bạn có thể đăng ký tài khoản đám mây lưu trữ miễn phí như Google Drive, OneDrive, iCloud…

Sau khi đã chuẩn bị xong, đến lúc bắt tay vào công việc chính thôi.

Windows

Mở cửa sổ cài đặt Windows bằng cách nhấn vào biểu tượng bánh răng trên thanh Start, sau đó chọn mục Update & Security, rồi chọn Recovery. Chọn nútGet started bên dưới mục Reset this PC để bắt đầu cài đặt lại. Windows cũng khuyến cáo người dùng nên cài đặt lại hệ điều hành để cải thiện hiệu năng của máy nếu có vấn đề xảy ra.

Trong cửa sổ tiếp theo, Windows sẽ cho bạn lựa chọn xóa tất cả hay giữ lại các dữ liệu cá nhân, về cơ bản là các tập tin bạn lưu trên màn hình và trong các thư mục người dùng mặc định (như Documents, Pictures, Music…). Đừng mặc nhiên cho rằng Windows sẽ biết bạn lưu dữ liệu cá nhân ở đâu để giữ chúng lại. Nói cách khác, bạn cần phải tự sao lưu lại, để đề phòng xảy ra vấn đề trong quá trình thực hiện.

Chọn Keep my files để khôi phục Windows mà không thay đổi những dữ liệu cá nhân trên máy; chọn Remove everything để vào chế độ dọn dẹp triệt để hơn, bạn sẽ cần phải tải lại toàn bộ dữ liệu mình cần sau khi khôi phục xong.

Trước khi quá trình này bắt đầu, chọn Change settings và kiểm tra xem tính năng Data erasure đã được kích hoạt hay chưa. Tính năng này sẽ viết đè dữ liệu lên ổ cứng để đảm bảo rằng những dữ liệu cũ sẽ không thể khôi phục lại. Ở chế độ mặc định, tính năng này sẽ bị vô hiệu hóa. Nếu bạn có ý định bán máy thì nên bật tính năng này, nếu không thì bạn có thể bỏ qua nó.

Cuối cùng, bấm chọn Reset để bắt đầu quá trình khôi phục, quá trình này có thể mất khá nhiều thời gian, bạn nên kiên nhẫn chờ đợi nhé. Nếu bạn chọn Remove Everything, bạn sẽ phải đăng nhập lại tài khoản Microsoft và cài lại tất cả những ứng dụng cũ.

macOS

Quá trình khôi phục cài đặt trên MacBook phức tạp hơn chút so với Windows do không có tùy chọn mặc định trên giao diện người dùng của hệ điều hành này. Khi bạn đã sao lưu tất cả dữ liệu, bạn cần khởi động lại máy Mac của mình bằng cách vào Apple menu, sau đó chọn Restart và nhấn giữ Cmd + R khi máy tính bắt đầu khởi động để vào màn hình macOS Utilities.

Tại đây, bạn có thể chọn Reinstall macOS nếu bạn chỉ muốn thiết lập lại những phần chính trong hệ điều hành mà không tác động đến dữ liệu cá nhân (dù vậy thì bạn vẫn nêu sao lưu để an toàn). Tùy chọn này sẽ cài đặt phiên bản macOS mà máy tính hiện đang dùng và bạn sẽ cần phải lựa chọn lại ổ đĩa lưu hệ điều hành. Trên hầu hết các máy Mac thì sẽ chỉ có duy nhất một hệ điều hành được liệt kê mà thôi.

Bạn nên thử cách đơn giản ở trên trước nhưng nếu cảm thấy không có gì khác biệt, bạn có thể sử dụng cách "cứng rắn hơn" sau đây. Sau khi chắc chắn dữ liệu đã an toàn, bạn có thể dọn sạch sẽ mọi thứ bằng cách chọn Disk Utilitiy. Tùy chọn này sẽ xóa sạch những ổ cứng lưu dữ liệu, thông thường sẽ hiển thị Macintosh HD – Data để bạn chọn ổ đĩa cần xóa. Sau khi hoàn tất, chọn Macintosh HD, sau đó chọn ổ đĩa khởi động chính, chọn Erase và làm theo chỉ dẫn.

Bạn có thể chọn tên mới cho ổ đĩa sau khi cài đặt lại, hoặc cứ để "Macintosh HD" cũng chẳng sao cả. Cuối cùng, chọn Accept để tiến hành quá tình cài đặt lại ổ đĩa.

Sau khi hoàn thành, bạn có thể quay lại bước cài đặt lại hệ điều hành đã hướng dẫn bên trên và chọn Macintosh HD, hay bất cứ cái tên nào bạn đã đặt cho nó, để cài đặt hệ điều hành mới là xong.

Chrome OS

Một tin rất vui là với máy tính Chromebooks cùng hệ điều hành Chrome OS, mọi thứ gần như đều được lưu trữ trên đám mây. Gần như tất cả đều đã được lưu trên trang web, hay nói cách khác, hệ điều hành này không có dữ liệu rác trên ổ cứng máy tính. Bạn không cần phải khổi phục cài đặt máy tính định kỳ như Windows hay macOS, tuy nhiên nếu khôi phục lại thì vẫn có một số lợi ích nhất định đấy.

Đầu tiên, bạn cần đăng xuất tài khoản người dùng chính trên màn hình, sau đó nhấn tổ hợp phím Ctrl + Alt + Shift + R. Tổ hợp phím này sẽ mở ra màn hình cài đặt lại. Chọn Restart, sau khi đã khởi động lại, chọn Powerwash và nhấn Continue. Máy tính sẽ được khổi phục cài đặt gốc và đưa về trạng thái xuất xưởng. Mọi thứ bạn cần làm sau đó là đăng nhập tài khoản Google của mình là xong.

Minh Bảo theo WIRED

Chủ đề khác