VnReview
Hà Nội

Lý do cả ngành công nghệ đang "khai chiến" với viền màn hình

Viền màn hình mỏng hơn sẽ giúp thiết bị đẹp hơn. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.

bezel

Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến màn hình, chúng ta không thể không nhắc đến khung viền. Những chiếc TV ngày xưa có màn hình bé tí, chỉ 10-inch, chứa trong những "chiếc hộp" khổng lồ trông như một món đồ nội thất gia đình. Nhưng những khung viền siêu lớn kia đã dần biến mất qua thời gian, khi các TV màn hình CRT trở nên nhỏ hơn, và tấm nền phẳng xâm chiếm thị trường. Ngày nay, ngành công nghệ đang khai chiến với viền màn hình: viền càng nhỏ càng tốt – mỗi milimet ngăn cách giữa màn hình và thế giới thực đều là nỗi hổ thẹn mà chẳng nhà thiết kế công nghiệp nào mong muốn.

Về cơ bản, có thể dễ dàng thấy được tại sao ngành công nghiệp lại đi theo hướng này. Tối giản viền màn hình cho phép các nhà sản xuất thiết bị đưa màn hình lớn hơn vào các khung sườn nhỏ hơn. iPhone 11 Pro Max sẽ không thể nhét vừa màn hình 6.5-inch mà vẫn đủ gọn nhẹ để sử dụng nếu vẫn giữ thiết kế viền dày cộm trên các đời iPhone trước đó. Rõ ràng, sau thành công của phablet và những chiếc TV 4K khổng lồ, người tiêu dùng nhìn chung sẽ có suy nghĩ "càng lớn càng tốt" khi nhắc đến kích cỡ màn hình. Nhưng những chiếc TV khổng lồ đã tồn tại qua nhiều thập kỷ, vậy thì giá trị thực sự của việc "gọt" bớt vài milimet xung quanh màn hình là gì?

crt

Mọi thứ bắt đầu khi HDTV xuất hiện và trở nên phổ biến. Những mẫu TV ngày xưa đã thuyết phục được mọi người rằng mỗi hộ gia đình cần có một màn hình trong nhà – ai lại không muốn sở hữu một thứ được ví như "cánh cửa sổ" kết nối bản thân với cả một thế giới mới đầy những show truyền hình, phim ảnh, và tin tức thú vị được cập nhật liên tục cơ chứ? Việc nâng cấp lên độ phân giải cao sẽ mang đến cho người xem những nội dung với độ chân thực hoàn toàn mới, bên trong những chiếc TV nhỏ hơn đáng kể so với trước đây. Một màn hình CRT 32-inch cồng kềnh sẽ buộc bạn phải hi sinh một khoảng không gian lớn bên trong ngôi nhà mình, nhưng một chiếc TV LCD 50-inch thì không như vậy. Đó là chưa kể đến việc bạn có thể gắn TV lên tường cho gọn nhẹ!

"Nghĩ theo một cách tinh tế, thì khi viền màn hình dần mất đi, khi phần cứng trở nên mỏng hơn, công nghệ sẽ bắt đầu hòa quyện sâu hơn vào cuộc sống thường ngày của chúng ta" – Khôi Vinh, giám đốc thiết kế sản phẩm của Adobe, nói. "Vậy nên, khi chúng ta còn có những cái viền màn hình siêu dày, giống như chúng ta đang đặt ra một lằn ranh [giữa thế giới bên ngoài] với thiết bị… Viền càng mất đi, công nghệ càng trở nên không thể phân biệt được với một cuốn sách trên kệ sách, hay một cái lọ trên bàn…"

Theo Vinh, các công ty công nghệ đang tìm cách biến các thiết bị của họ trở thành những vật dụng không thể thiếu trong gia đình. Loại bỏ cạnh viền ngăn cách giữa màn hình và thế giới thực là giải pháp mới nhất mà các công ty này tận dụng để thể hiện khả năng dẫn đầu về công nghệ. Nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ đơn thuần là một đam mê thiết kế; viền màn hình mỏng quả thực có ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với thiết bị.

Nếu từng dùng những mẫu laptop như HP Spectre x360 và các mẫu TV OLED của LG trong vài năm qua – tất cả đều là những thiết bị với viền màn hình mỏng không tưởng – bạn sẽ cảm thấy mình như đắm chìm hoàn toàn vào màn hình của chúng so với khi sử dụng những thiết bị với thiết kế cũ kỹ. Hãy cứ nhìn vào sự khác biệt giữa hai mẫu MacBook Pro 16-inch và 15-inch trước đó – bạn chẳng cần phải là một chuyên gia mới nhận thấy được những viền màn hình dày cộm có thể khiến bất kỳ món đồ nào trở nên lỗi thời ngay lập tức!

bezel

Trong thời đại mà HDTV đã hoàn toàn thống trị thị trường, và người tiêu dùng bắt đầu xem những chiếc TV của họ như những tác phẩm nghệ thuật treo tường, các nhà sản xuất màn hình bắt đầu nghiên cứu những phương thức mới để tiếp tục thu nhỏ mọi thứ. Nếu như chiếc HDTV của Philips những năm 2005 có viền nhựa dày vài inch, thì chiếc TV Plasma của Samsung vào năm 2009 có viền chỉ còn 13mm, rồi sau đó là Sony với những mẫu màn hình có viền chỉ còn 4,5mm.

Đến năm 2010, cuộc đua viền màn hình nóng lên trở lại khi Sharp giới thiệu TV LED 60-inch với viền siêu mỏng 2,4mm – rồi nhanh chóng bị đánh bại bởi TV viền màn hình 1,9mm của Samsung. Những chiếc TV này được thiết kế dành cho các cửa hàng bán lẻ, chứ không phải cho các hộ gia đình, nhưng đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tương lai của TV không chỉ là những thứ bạn thấy trên màn hình – có rất nhiều điều vẫn cần phải cải tiến ở thiết kế bên ngoài. Và ngành công nghệ tất nhiên biết điều đó.

InfinityEdge và hơn thế nữa

Những năm đầu của thập niên 2010 là giấc mơ của những người yêu công nghệ. Các smartphone Android và iPhone nhanh chóng định hình cách chúng ta nghĩ về điện toán. Nhưng có rất nhiều cải tiến được thực hiện ngoài lĩnh vực di động: laptop cũng trở nên mỏng hơn và nhẹ hơn.

Chiếc MacBook Air thế hệ 2 của Apple đã giới thiệu đến cả thế giới phong cách thiết kế nguyên khối bóng bẩy, và dòng sản phẩm Ultrabook của Intel đã thôi thúc các nhà sản xuất PC phát triển ra những mẫu máy tính siêu gọn nhẹ không kém phần ấn tượng, như Zenbook của ASUS. Những chiếc máy tính này nhẹ hơn và mỏng hơn nhiều so với những chiếc laptop ngày trước, nhưng chúng vẫn có viền khá dày xung quanh màn hình. Và rồi mẫu laptop flagship mới của Dell xuất hiện.

dell

Sau khi tung ra chiếc XPS 13 vào năm 2012, cũng là chiếc notebook màn hình 13-inch nhỏ nhất của hãng, Dell hăng hái tìm kiếm nhiều cách khác nhau để đưa màn hình đó vào một khung máy vốn dành cho màn hình 11-inch. Cùng thời điểm, Sharp cũng muốn quay lại thị trường PC. Theo Giám đốc mảng XPS của Dell, Donnie Oliphant, cả hai công ty cuối cùng đã hợp tác chặt chẽ với nhau để phát triển công nghệ "InfinityEdge" trên chiếc XPS 13 2015 (ảnh trên) – và thế giới laptop đã mãi mãi thay đổi.

"Họ [Sharp] về cơ bản có mọi nguồn lực, và họ không đưa ra được lộ trình nào" – Oliphant nói. "Họ tìm đến chúng tôi để xem có thể hợp tác cùng phát triển thứ gì. Và thế là, với những kiến trúc cơ học và điện tử của chúng tôi, kết hợp với kỹ năng kỹ thuật và công nghệ của Sharp, chúng tôi đã tạo ra được màn hình InfinityEdge đầu tiên".

Chiếc XPS 13 2015 là chiếc notebook 13-inch nhỏ nhất thế giới vào thời điểm đó, với viền màn hình chỉ 5,2mm ở cả hai bên – tức chỉ bằng 1/2 so với viền hai bên của mẫu 2012, 10,8mm. Dell không dừng lại ở đó: trong vài năm trở lại đây, họ đã tiếp tục cắt gọt cạnh trái và cạnh phải của màn hình, rồi sau đó là cạnh trên và dưới.

Chiếc XPS 13 năm nay, với một số yếu tố thiết kế từ mẫu convertible xuất sắc ra mắt mùa thu năm ngoái, về cơ bản đã xóa bỏ hoàn toàn viền dưới màn hình. Viền dưới lúc này chỉ còn dày đúng 4,6mm, tức mỏng hơn 4 lần so với mẫu máy năm ngoái. Nhờ vậy, Dell đã có thể đưa vừa màn hình 13.4-inch, tỉ lệ 16:10 vào khung máy, tạo nên một bản nâng cấp ấn tượng đối với một mẫu laptop từng được xem là "siêu gọn nhẹ hoàn hảo".

Justin Lyles, Phó giá đốc mảng thiết kế cao cấp của Dell, cho biết Sharp đã mang đến cho họ công nghệ IGZO (indium gallium zinc oxide). Đó là một loại công nghệ bán dẫn màn hình siêu mỏng trong suốt mới, tiết kiệm điện hơn đáng kể, độ phân giải cao hơn, và có mật độ điểm ảnh tốt hơn so với silicon vô định hình thường được dùng trong các tấm nền LCD. Và một điểm đáng chú ý nữa: nó còn cho phép công ty tạo nên những màn hình mỏng hơn mà không cần viền màn hình lớn.

dell

XPS 13 và InfinityEdge đã thay đổi thị trường PC mãi mãi. Các đối thủ như ASUS, Acer, và HP nối đuôi Dell ra mắt những mẫu laptop với màn hình viền mỏng của riêng họ, nhưng chúng đều xuất hiện rất lâu sau mẫu flagship của Dell. Ngày nay, rất hiếm khi bạn thấy một mẫu laptop tầm trung hoặc cao cấp có viền màn hình dày. Apple từ trước đến nay nổi tiếng "ăn chắc mặc bền", nhưng mẫu MacBook Pro 16-inch là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Táo khuyết cũng đang bắt đầu đi theo xu hướng.

Điện thoại di động cũng có màn hình không viền

Trong vài năm trở lại đây, cuộc chiến không viền màn hình đã lan sang cả thị trường smartphone, và cả thị trường tablet nữa. Một lần nữa, Sharp lại là người tiên phong với chiếc Aquos Crystal vào năm 2014. Dù thiết bị này nhanh chóng bị lãng quên, nó đã cho thấy một tương lai mà ngành công nghiệp di động muốn hướng đến: những chiếc điện thoại với một tấm kính liền mạch ở mặt trước và không có đường viền nào xung quanh nó. Vào năm 2015, chúng ta có Samsung Galaxy S6 và S6 Edge, và trong năm tiếp theo, Xiaomi khiến mọi người sững sờ với Mi MIX. Tiếp đó, cuộc đua tiếp tục một cách gay cấn nhằm tìm xem ai có thể tạo ra những thiết bị thanh mảnh nhất, với viền màn hình mỏng nhất. Nhưng Essential Phone cho thấy một bài học: ngoại hình không phải là tất cả.

mobile

Mang thiết kế không cạnh viền lên điện thoại và tablet phức tạp hơn nhiều so với TV hay laptop. Chúng là những thiết bị để cầm trên tay, do đó rất khó để nắm chúng một cách bình thường mà không vô tình chạm vào màn hình, gây nên tình trạng cảm ứng nhầm. Theo Ross Rubin, nhà phân tích tại Reticle Research, chúng ta còn phải đối đầu với "tai thỏ", "nốt ruồi", và những yếu tố khác vốn thường chiếm dụng một số phần nhất định của màn hình để có thể tạo ra được những màn hình thực sự tràn viền.

"Cảm biến vân tay trong màn hình vẫn chưa chứng tỏ được tính hiệu quả như kiểu Touch ID, dù Qualcomm (và nhiều hãng khác) đang nghiên cứu tích hợp những khu vực cảm biến vân tay siêu âm lớn hơn để thu hẹp khoảng cách đó" – Rubin nói. "Trong trường hợp của chiếc Mi Mix Alpha (ảnh trên), khi màn hình bắt đầu cuộn quanh thân máy, nó sẽ dẫn đến những thách thức trong việc đặt nút bấm. Hiện các công ty như Sensel và Sentos đang tìm cách để tích hợp các cảm biến vào các khu vực trên thiết bị để giải quyết vấn đề thiếu hụt không gian".

Mong muốn có càng nhiều diện tích màn hình càng tốt của chúng ta chính là động lực để các nhà sản xuất tạo ra những thiết bị màn hình gập và màn hình kép. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, xóa bỏ viền màn hình là chưa đủ, chúng ta còn muốn vặn xoắn và uốn cong màn hình theo ý thích nữa!

xiaomi

Tương lai không viền màn hình

Không khó để thấy tại sao chúng ta lại hướng đến một tương lai không viền màn hình như ngày nay. Công nghệ màn hình đã và đang trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn bao giờ hết. Và người tiêu dùng chắc chắn luôn thèm khát những loại màn hình thường thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Trong thập kỷ qua, smartphone đã trở thành những phần mở rộng của cơ thể, mà nguyên nhân chính là sự phổ biến rộng rãi của kết nối di động băng thông rộng.

samsung

Máy tính ngày nay có mặt khắp mọi nơi, từ trường học cho tới văn phòng. Giấc mơ về nhà thông minh cuối cùng cũng thành sự thật nhờ vào các loại loa thông minh điều khiển bằng giọng nói, có khả năng thực hiện công việc theo câu lệnh của người dùng. Như đã nói ở đầu bài, nhắc đến màn hình là nhắc đến viền của nó. Khi mà bức tường vô hình chắn giữa cuộc sống thực và công nghệ đã biến mất, thì việc bức tường vật chất chắn giữa những nội dung số và thế giới quanh chúng biến mất cũng là điều hợp lý.

Minh.T.T (theo Engadget)

Chủ đề khác