VnReview
Hà Nội

“Bóc mẽ” 5 ngộ nhận cực kỳ sai lầm về smartphone!

Trong thời đại bùng nổ của truyền thông mạng xã hội và tin giả, khả năng kiểm chứng và đối chiếu của con người trở nên yếu đi, thật quá dễ để một thông tin sai lệch lan rộng và được số đông công nhận.

Tất nhiên, thế giới công nghệ của chúng ta cũng đầy rẫy những thông tin kiểu như vậy. Có rất nhiều quan niệm sai lệch về smartphone lại được công chúng thừa nhận, coi nó nghiễm nhiên phải như vậy. Nếu bạn là một độc giả khôn ngoan của Android Authority, có lẽ không còn xa lạ với một số điều sắp bị vạch trần dưới đây. Đã đến lúc bóc trần những điều tưởng như là sự thật, là đúng đắn, mà rất nhiều người lầm tưởng.

Rất nhiều quan niệm sai lầm xung quanh chiếc smartphone bé nhỏ (ảnh: Android Authority)

Camera nhiều ‘chấm' thì chất lượng sẽ tốt

Tuy đã bước sang năm 2020 nhưng vẫn rất nhiều có suy nghĩ này. Điện thoại có Megapixel càng dồi dào thì kết quả cho ra sẽ càng ngon, nhưng đó chưa bao giờ là toàn bộ câu chuyện. Số ‘chấm' không đại diện cho chất lượng ảnh chụp.

Một công nghệ đang được nhiều hãng sử dụng là gộp điểm ảnh (pixel binning). Một kỹ thuật gom các điểm ảnh lại với nhau rồi xử lý thông tin như thể chúng là một điểm ảnh. Nhờ có nhiều thông tin hơn, ảnh sẽ sắc nét, dynamic range tốt và màu sắc chính xác.

Những chiếc điện thoại có camera 48MP, 64MP hay kể cả 108MP thực ra đều đặt mặc định ở độ phân giải sau khi đã gộp điểm ảnh. Để có độ phân giải đầy đủ, bạn cần chuyển thủ công trong ứng dụng, một số thậm chí còn không cho phép làm điều đó.

Công nghệ gộp điểm ảnh trên camera điện thoại (ảnh: Samsung)

Một số trường hợp điển hình khác là iPhone hay Pixel. Những dòng điện thoại của Apple hay Google cho đến nay vẫn dừng lại ở 12MP, nhưng chất lượng camera luôn nằm trong top đầu. Ngay cả những máy có camera nhiều ‘chấm' hơn cũng chưa vượt trội hoàn toàn.

Đừng tin vào điện thoại có camera 100MP!

Chuẩn IP có nghĩa là điện thoại chống chịu được nước

Con số IP68 hay chuẩn chống chịu IPxx thường xuất hiện trong bảng cấu hình của các flagship ngày nay. Nó được marketing như khả năng chịu đựng của máy trước các điều kiện môi trường, phổ biến nhất là nước và bụi bẩn. Tuy nhiên, chính xác thì đó là "kháng" (resistant)!

Tiêu chuẩn này không có nghĩa là điện thoại hoàn toàn miễn nhiễm nước hay bụi. "Chống nước" (waterproof) hay "chống bụi" (dustproof) là cách hiểu phổ biến khi đọc thấy chỉ số IPxx, nhưng chính xác phải là "kháng nước" (water resistance), "kháng bụi" (dust resistance).

Rất nhiều điện thoại bị hư hỏng dù có chứng chỉ IP68 (ảnh: Sony)

Một chiếc điện thoại được ghi IP68 nghĩa là thiết kế nó được bảo vệ kín đáo khỏi bụi, và với nước thì chịu được trong một khoảng thời gian nhất định khi bị chìm. Theo tiêu chuẩn, đó là ngâm nước sâu 1.5m trong 30 phút. Tuy nhiên, điều kiện đây phải là nước tinh khiết.

Giải thích về tiêu chuẩn IPxx trên smartphone.

Các tiêu chuẩn này được cấp khi thiệt bị vượt qua bài thử trong phòng thí nghiệm, với các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt khác xa với môi trường thực tế. Đừng hy vọng điện thoại của bạn có thể quăng quật thoải mái trước bụi bẩn và các chất lỏng bên ngoài.

Càng nhiều RAM thì điện thoại chạy càng nhanh

Qua mỗi năm, lượng RAM trên điện thoại lại tăng lên, mức phổ biến hiện nay là 6GB hoặc 8GB. Tuy nhiên, nhiều người đã sai lầm khi đánh giá hiệu năng qua dung lượng RAM.;

Mua điện thoại có bộ xử lý mạnh quan trọng hơn có nhiều RAM (ảnh: Android Authority)

Cả ứng dụng chạy ngầm lẫn đang hoạt động đều lưu ở RAM, vậy nên dung lượng lớn có nghĩa bạn lưu được nhiều ứng dụng như thế hơn. Kết quả là trong thao tác hàng ngày, chúng ta có thể chuyển qua lại giữa các ứng dụng mau lẹ mà không phải chờ chúng chạy lại từ đầu.

Tuy nhiên, nhiều RAM hơn không có nghĩa là điện thoại chạy nhanh hơn, mà chỉ là lưu tạm ứng dụng thoải mái hơn. Cần phải có chipset tương xứng đi kèm cũng như phần mềm tối ưu, nhằm khai thác hiệu quả mức dung lượng sẵn có. Do vậy, đừng chỉ cố chạy theo RAM.

Cổng USB-C thì nhanh hơn micro-USB

USB-C chỉ là hình dáng vật lý của cổng, không có nghĩa cứ có nó là điện thoại bạn sẽ copy dữ liệu nhanh hơn. Khi chuyển từ USB-C sang micro-USB, nhiều hãng để tiết kiệm chi phí đã triển khai tốc độ USB 2.0, thay vì USB 3.0.

Cổng USB-C của nhiều máy chỉ có tốc độ dừng ở USB 2.0 (ảnh: Android Authority)

USB 2.0 là một tiêu chuẩn đã cũ, tốc độ truyền tối đa chỉ là 480Mbps. Trong khi đó, USB 3.0 là 5Gbps, chênh lệch quá rõ ràng. Ví dụ với OnePlus, phải đến đời OnePlus 7 họ mới áp dụng USB 3.1. Ở các đời flagship trước đó, đều là tốc độ USB 2.0 cho dù một số đã có cổng USB-C. Asus Zenfone 6 hay Realme X2 Pro cũng tương tự, cổng USB-C chỉ đạt chuẩn USB 2.0 lạc hậu.

Đánh đồng "QHD" là "2K"

Đây chắc chắn là hiểu nhầm phổ biến nhất hiện nay. Ở nhiều nơi trong đó có Việt Nam, người ta dùng "2K" để gọi cho độ phân giải màn hình smartphone. Nhiều người cho rằng 2K tương ứng với 2.560 x 1.440 (QHD), nhưng đó là cách hiểu sai. Sau này, các màn hình có độ phân giải cao hơn nhưng vẫn thuộc nhóm QHD cũng được gọi là 2K luôn, ví dụ màn hình flagship Galaxy S/Note.

Rất nhiều trang web cửa hàng điện thoại hay các bài diễn giải về công nghệ gọi sai cái tên "2K" (ảnh: Android Authority)

Đã từ lâu, ngành công nghiệp có một bộ tiêu chuẩn đầu tiên quy định về cách gọi tắt độ phân giải màn hình. Dựa theo số điểm ảnh bề ngang, bắt đầu từ 1K sẽ là 1.024 (2^10), 2K là 2.048 (2^11), 4K là 4.096 (2^12), 8K là 8.192 (2^13),... và cứ thế tiếp tục. Sau này, để phù hợp với nhiều độ phân giải khác, bổ sung thêm 3K là 3.072 và 5K là 5.120,... Một chuỗi mà cái sau bằng cái trước cộng thêm 1.024 điểm ảnh (1K).

Khi TV 4K và 8K được marketing rộng rãi, 3.840 được xem là 4K, 7.680 thì là 8K, hơi khác với chuỗi độ phân giải ở trên nhưng vẫn dựa theo số điểm ảnh bề ngang để gọi. Sau đó, người ta phát triển xuống 2K là 1.920, phát triển lên 16K là 15.360, đây chính là chuỗi độ phân giải của màn hình TV. Theo logic của chuỗi đầu tiên, chuỗi thứ hai này lấy 960 làm mốc 1K, các mốc sau cũng cộng 960 vào số điểm ảnh bề ngang tạo thành.

Tìm hiểu về độ phân giải màn hình TV - 2K, 4K, 8K.

Màn hình Galaxy S10 hay Xperia 1 được gọi là "3K" và "4K" nhờ số điểm ảnh bề ngang xấp xỉ 3.000 và 4.000 (ảnh: Samsung)

Trong khi có hàng tá các thông tin sai trên mạng nói rằng "2K" là "QHD", bằng logic bạn dễ dàng nhận thấy nó không khớp với bất kỳ chuỗi nào ở trên. Đặc biệt, 2.048 đã được quy định rất rõ là 2K  DCI dựa vào số điểm ảnh bề ngang xấp xỉ 2.000. Như vậy, các màn hình Full HD+ có 2.160, 2.340 hay 2.400 điểm ảnh bề ngang chắc chắn đã vượt mốc 2K chứ không phải như nhiều người nghĩ - "...chưa đạt tới 2K".

Hay các màn hình QHD+ có 2.880, 2.960, 3.168, 3.200 điểm ảnh bề ngang vốn đã rất gần với 3.000 theo logic ở trên, hoàn toàn có thể đọc thành "3K" như 3.072. Với Pro Display XDR, số điểm ảnh bề ngang là 6.016 nên Apple cũng làm tròn thành "6K" phục vụ marketing. Không có lý do gì để 3.840 và 4.096 được nhóm thành "4K", nhưng 1.920 và 2.048 lại không phải "2K". Càng vô nghĩa hơn khi đánh đồng QHD là 2K.

Oppo tiếp thị màn hình bộ đôi Find X2 có 3.168 điểm ảnh bề ngang là "3K" (ảnh: Oppo)

Ambitious Man

Chủ đề khác