VnReview
Hà Nội

Vĩnh biệt LG G series: cùng nhìn lại hành trình 8 năm đầy thú vị của một dòng sản phẩm cách tân đích thực

Đã đến lúc nói lời từ biệt với dòng LG G (2012 – 2019). Sau 8 thế hệ và khoảng 30 biến thể thiết bị khác nhau, LG G đã chính thức dừng cuộc chơi, nhường chỗ cho kẻ kế vị mới: LG Velvet.

lg

Trong thế giới Android, dòng LG G được xếp ngang với những Galaxy S, HTC One, và Xperia như những biểu tượng của ngành công nghiệp di động. Giống như những cựu binh Android kia, LG hiển nhiên đã không ít lần "lên voi xuống chó" trong nhiều năm. Nhưng mỗi thế hệ của LG G vẫn luôn mang trong mình những tính năng thú vị đúng chất một thiết bị flagship. Đặt dấu chấm hết cho dòng sản phẩm này không phải là một quyết định đơn giản, và nó đánh dấu một chương mới trong hành trình chinh phục thế giới smartphone của LG.

Hãy cùng dành một chút thời gian để hoài niệm về những tháng ngày vinh quang của dòng sản phẩm LG G.

Những năm đầu tươi đẹp

LG Optimus G ra mắt năm 2012, thể hiện tham vọng của công ty Hàn Quốc khi bước chân vào thị trường smartphone đang hết sức hứa hẹn. Đây là một trong những thiết bị đầu tiên được trang bị vi xử lý 4 nhân cao cấp nhất của Qualcomm lúc bấy giờ, Snapdragon S4 Pro – một ví dụ về việc tạo nên những "cái đầu tiên" trong ngành công nghiệp mà không lâu sau đó đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong triết lý sáng tạo của dòng G. Có thể người dùng LG ngày nay không mấy quen thuộc với phong cách thiết kế vuông vức của Optimus G, nhưng thiết bị này đã mở đường cho một sản phẩm được xem là điểm sáng đầu tiên trong lịch sử dòng G: LG G2, ra mắt năm 2013.

lg

LG G2 là một đối thủ nặng ký đối với các ông lớn trong ngành công nghiệp di động, và tạo tiền đề cho thành công ban đầu của công ty. Với màn hình 1080p, viền tương đối mỏng, camera 13MP xuất sắc, khả năng quay video 1080p 60fps, và pin 3.000mAh, chiếc điện thoại này mang lại cho người tiêu dùng một cái nhìn toàn diện về những thứ mà một chiếc smartphone có thể thực sự làm được. Việc ra mắt vào tháng 9 cho phép G2 sử dụng được một vi xử lý cao cấp khác từ Qualcomm trước các đối thủ của mình, tạo tiếng vang trong giới hâm mộ di động toàn cầu.

Được đà tiến tới, LG hoàn thiện công thức chiến thắng trên LG G3 và chứng minh được sự đúng đắn trong chiến lược của mình. LG G3 được ca tụng là "chiếc điện thoại tốt nhất của LG" và là một trong những chiếc điện thoại tuyệt vời nhất của năm nhờ camera, thiết kế, phần mềm, và màn hình QHD đầu tiên trong ngành công nghiệp – tất cả đều hoàn hảo. Phần cứng mạnh mẽ của G2 và G3 đã giúp LG trở thành một nhà vô địch trên thị trường smartphone flagship.

Dấn thân vào những cuộc thử nghiệm táo bạo

Sau thành công ban đầu, dòng G dần trở thành nơi để LG thử nghiệm nhiều tính năng mới mẻ. LG G3 khởi đầu xu thế với màn hình QHD và hệ thống lấy nét tự động bằng laser, trong khi LG G4 tiến xa hơn nữa với màn hình cong và sạc không dây rất lâu trước khi chúng trở thành những tính năng phổ biến, chưa kể thiết bị này còn sở hữu mặt lưng với nhiều chất liệu khác nhau. LG G4 đã gây tranh cãi khi tránh sử dụng vi xử lý Snapdragon 810 vốn khá nóng khi hoạt động, và chuyển sang phiên bản chậm hơn là Snapdragon 808, khiến người tiêu dùng thắc mắc nó có thực sự là một thiết bị flagship hay không. Nhưng vấn đề chính khiến uy tín của LG bị ảnh hưởng lại là sự cố boot loop.

lg

G4 vẫn là một chiếc điện thoại tốt, nhưng LG G5 lại bước qua lằn ranh mỏng manh giữa mộng mơ và điên rồ. Vào thời điểm đó, người ta đang phát sốt lên vì những chiếc điện thoại mô-đun như Project Ara của Google, và một số hãng như LG, Essential, và Motorola đã nhanh chóng nhảy vào guồng xoay với những thiết kế khác nhau. Tuy nhiên, linh kiện camera và âm thanh gắn thêm của LG không những không mang lại những trải nghiệm mới đột phá, mà còn khiến thử nghiệm của họ thất bại đau đớn. Mô-đun hóa thiết bị còn buộc LG phải hi sinh sạc không dây và thời lượng pin, hai trong số những điểm mạnh trước đây của họ.

LG G5 vẫn thúc đẩy những trào lưu mới là camera góc rộng và cụm camera kép, đồng thời còn đưa cái tên LG vào danh sách yêu thích của dân chơi âm thanh. Tuy nhiên, nó chắc chắn không phải là một chiếc điện thoại dòng G điển hình, buộc các reviewer phải đau lòng đánh thêm một dấu chéo vào hình ảnh thương hiệu đang dần lao dốc của LG.

Trở về với những gì cốt lõi

LG G5 là một thảm họa. Mặc cho những hứa hẹn sẽ hỗ trợ triết lý thiết kế mô-đun, ý tưởng này nhanh chóng bị loại bỏ và G6 là thiết bị chứng minh LG đã trở lại của những điều đơn giản nhất. Các fan chào đón G6 nhờ cấu hình cạnh tranh, thiết kế thân máy kim loại pha kính đẹp mắt, camera tuyệt vời, và âm thanh đỉnh cao. Nhưng sau hai năm phát cuồng, LG vẫn chật vật không thể có lại được sự lôi cuốn ngày xưa.

lg

"Ngựa quen đường cũ", công ty Hàn Quốc tung ra một chiếc điện thoại với tên gọi kỳ quặc là LG G7 ThinQ một năm sau đó – nhãn hiệu "ThinQ" được LG thêm vào chiếc điện thoại của mình với dụng ý hợp nhất nó với những chiếc….tủ lạnh thông minh. Dòng G có thêm một chiến binh mạnh mẽ nữa, nhưng vĩnh viễn mất đi cộng đồng người hâm mộ trước đây, và cả thị trường phù hợp để tung hoành. G7 ThinQ nhanh chóng được giảm giá mạnh – một cái tát vào mặt những fan trung thành mua máy từ sớm, và đó cũng là một xu hướng tiếp diễn đối với nhiều điện thoại LG trong tương lai.

Doanh số LG G7 ThinQ chạm đáy, và người kế nhiệm, LG G8 ThinQ, cũng không khá khẩm hơn. Trong chuỗi ngày u ám của mình, dòng LG G đã không thể tìm được một chỗ đứng trong thị trường smartphone hiện đại, vốn bị thống trị bởi các nhãn hiệu cao cấp có tiếng tăm cùng đội quân đông đảo các thiết bị giá rẻ đến từ Trung Quốc. Trước khi chính thức từ bỏ cuộc chơi, LG còn "đánh cú chót" với một sản phẩm đậm chất khoe mẽ: chiếc LG G8X ThinQ và phụ kiện ốp kiêm vai trò màn hình thứ hai.

Trong những năm sau này, dòng LG G đã nắm trong tay nhiều thiết bị chất lượng nhưng vẫn bị đánh giá thấp. Nhiều người tự hỏi, phải chăng những năm tháng thử nghiệm điên rồ của LG đã khiến công ty phải đánh đổi đà tăng trưởng ở một thời điểm mà các nhãn hiệu Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các chiến dịch nhằm mở rộng khả năng nhận diện thương hiệu và tính cạnh tranh. Trong một vũ trụ song song, có thể chúng ta sẽ nói về LG như một đối thủ sừng sỏ của những gã khổng lồ như Samsung và Huawei; còn ở thực tại thì không. Và đừng quên rằng, sự sụp đổ của dòng LG G còn do ảnh hưởng một phần từ sự lớn mạnh của dòng LG V nữa.

LG G mở đường cho Velvet

Dòng G ra đi đã đánh dấu một bước chuyển trong phương hướng trên thị trường di động của LG. Thay vì cạnh tranh về những thông số cao cấp, mới nhất, như ngày xưa, LG Velvet nhắm đến thị trường "flagship đại chúng". Có nghĩa là nó sẽ sở hữu phần cứng có phần thận trọng hơn, cùng mức giá thấp hơn các đối thủ.

lg

Có thể LG Velvet sẽ khiến các fan lâu năm của LG thất vọng, nhưng nó lại mang đến những cơ hội mới. Không còn bị phân tâm bởi những công nghệ tân tiến, LG có thể tối ưu trải nghiệm người dùng xoay quanh những yếu tố cốt lõi mà người tiêu dùng quan tâm nhất: thời lượng pin, thiết kế, và camera. LG đã xác định đúng một khoảng trống trong thị trường để tấn công: đâu đó giữa phân khúc tầm trung và phân khúc cao cấp ngày một đắt đỏ. Khoảng 700 USD là một mức giá hấp dẫn, nhưng LG sẽ phải chiến đấu với các nhãn hiệu như OnePlus và Xiaomi, những đối thủ nắm rất rõ thị trường này trong tay.

Chúng ta sẽ phải chờ để xem liệu hướng đi mới của LG với Velvet có thực sự phát huy tác dụng hay không.

Minh.T.T (theo AndroidAuthority)

Chủ đề khác