VnReview
Hà Nội

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Tính đến thời điểm này, tuổi đời của Android;đã cán mốc con số 12 và có "hằng hà sa số" chiếc điện thoại Android đã và đang tồn tại trên thị trường. Dù HTC Hero hay Motorola Droid là sự mở đầu cho kỷ nguyên Android, thế nhưng, không hẳn là không có những thiết bị khác tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái này.  

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Những chiếc điện thoại này không quá tốt, thế nhưng, chúng lại là người thay đổi cuộc chơi, theo một cách riêng. Dưới đây là danh sách 10 chiếc điện thoại có sức ảnh hưởng nhất đối với hệ sinh thái Android.

Samsung Galaxy S2 – 2011

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Moto Droid đã biến Android thành đối thủ cạnh tranh gay gắt với iPhone, nhưng Samsung Galaxy S2 lại là lý do cho thấy tại sao Android trở thành một nền tảng chủ đạo. Việc kết hợp giữa phần cứng tuyệt vời, phần mềm tốt cùng sự hiện diện toàn cầu của Samsung đã giúp thương hiệu Galaxy – kéo theo cả Android – trở nên phổ biến rộng rãi.

Galaxy S2 được trang bị bộ xử lý Exynos 4210, 1GB RAM cùng bộ nhớ trong 16GB. Khi xuất xưởng, thiết bị này chạy Android 2.3 Gingerbread và sau đó được nâng cấp lên Android 4.1 Jelly Bean. Galaxy S2 cũng đi kèm với một vài tính năng chưa phổ biến vào thời điểm đó, chẳng hạn như xuất video thông qua cổng HDMI.

Galaxy S2 nhận được nhiều đánh giá tích cực về hiệu năng, chất lượng camera cũng như phần cứng. Chiếc điện thoại này bán rất chạy trên toàn cầu, với 10 triệu thiết bị được bán ra trong 5 tháng đầu.

Dù rằng Galaxy S ban đầu khá thành công theo đúng nghĩa của nó, thế nhưng, Galaxy S2 đã giúp Samsung củng cố vị trí nhà sản xuất điện thoại Android dẫn đầu.

HTC ThunderBolt – 2011

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Một sản phẩm đổi mới trong công nghệ không có nghĩa là nó tốt. Trong thế giới Android, có lẽ, không có dẫn chứng nào cho điều này tốt hơn HTC ThunderBolt, được ra mắt vào năm 2011. ThunderBolt là chiếc điện thoại tương thích LTE đầu tiên của Verizon (về mặt kỹ thuật, Samsung SCH-r900 lại là thiết bị LTE đầu tiên của thế giới), nhưng nó lại có thời lượng pin cực kỳ tệ hại.

ThunderBolt được trang bị RAM 768MB, bộ nhớ trong 8GB (cùng thẻ nhớ microSD 32GB đã được lắp đặt sẵn), màn hình SLCD 4,3 inch 800x430px cùng viên pin 1.400mAh. Dẫu vậy, chiếc điện thoại này đi kèm với nhiều bloatware cùng thời lượng sử dụng rất tệ. Nhiều trang đánh giá xác nhận, người dùng sẽ cần phải mang theo cục sạc dự phòng nếu muốn sử dụng cả ngày.

ThunderBolt là một thiết bị Android giúp tương lai LTE được rộng mở hơn, thế nhưng, nó vẫn chỉ là một chiếc điện thoại khá tầm thường.

Motorola Xoom – 2011

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Motorola Xoom là nỗ lực đầu tiên (cũng có thể là cuối cùng) của Google trong việc cạnh tranh nghiêm túc với iPad. Nó là thiết bị đầu tiên được phát hành cùng với Android 3.0 Honeycomb và thậm chí còn xuất hiện trong quảng cáo Super Bowl 2011, vốn nhạu lại đoạn quảng cáo Super Bowl 1984 của Apple cho Macintosh.

Xoom có một số tính năng mà thủa ấy iPad còn thiết, chẳng hạn như trình duyệt web giống desktop (Chrome cho Android lúc đó chưa có sẵn) và một cổng HDMI kích thước đầy đủ. Tuy nhiên, mức giá 800 USD của nó là rất cao so với chiếc iPad 499 USD. Bên cạnh đó, nó không hỗ trợ Adobe Flash khi ra mắt và tồi tệ hơn là rất ít ứng dụng Android được tối ưu hóa cho tablet. Dẫu vậy, ít nhất là tất cả ứng dụng Google đã có giao diện tablet.

Đáng tiếc, sự thành công của Motorola Xoom chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Doanh số của thiết bị này đã giảm đáng kể sau vài tháng và Xoom 2 thậm chí còn kém hơn.

Xoom là một trong những thiết bị Android quan trọng nhật từ trước đến nay, không phải vì nó thành công mà bởi đó là nỗ lực duy nhất từ Google trong cuộc chiến chống lại sự thống trị của iPad. Mặc dù Nexus 7 sau này đã đạt được một số thành công nhất định, thế nhưng, nó vẫn được định hướng chủ yếu ở dạng thiêt bị tiêu thụ media cấp thấp, gần giống với các chiếc tablet Amazon Fire ngày nay.

Những phiên bản Android sau đó đã dần được bổ sung các tính năng dành riêng cho tablet, và Android 4.2 Jelly Bean là phiên bản đầu tiên loại bỏ thanh điều hướng cho tablet.

Kindle Fire – 2011

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Kindle Fire cũng là một cột mốc quan trọng đối với những chiếc tablet Android trong thập kỷ qua. Chiếc tablet đầu tiên của Amazon được phát hành vào năm 2011. Với mức giá thấp nhất là 199 USD, chiếc tablet Kindle Fire này bán cực kỳ chạy.

Chiếc Kindle Fire ban đầu, giống như những chiếc tablet Fire ngày nay, không sở hữu cấu hình quá mạnh mẽ. Nó có CPU 2 nhân TI OMAP, RAM 512MB, màn hình LCD 1024x600px, 8GB bộ nhớ trong cùng khe cắm thẻ nhớ SD. Tuy nhiên, nó lại có thời gian hoạt động lên đến 8 tiếng và thiết kế gọn nhẹ đã giúp nó trở thành một sự thay thế hợp lý cho iPad trong việc đọc sách hay phát video.

Kindle Fire đi kèm với phiên bản Android được tùy biến khá nhiều (lúc đó là Android 2.3 Gingerbread) và không có Android Marketg. Amazon Appstore lúc ấy vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng giống với ngày nay, nó có một bộ sưu tập ứng dụng và game đủ lớn cho hầu hết mọi người.

Amazon chưa bao giờ cung cấp doanh số bán hàng cụ thể của chiếc Kindle Fire ban đầu. Năm 2011, họ chỉ cho biết rằng, chiếc tablet này trở thành "sản phẩm bán chạy số 1, được tặng nhiều nhất và là sản phẩm được ao ước nhiều nhất" trên Amazon.com. Ước tính, đã có khoảng 7 triệu thiết bị được bán ra vào năm 2013.

Kindle Fire là một thiết bị cực kỳ quan trọng vì một vài lý do. Nó đã khởi đầu cho dòng tablet Fire vẫn đang cực kỳ thành công cho đến ngày nay, nó giúp Android trở thành hệ điều hành dành cho những chiếc tablet giá rẻ và Amazon Appstore trở thành đối thủ cạnh tranh duy nhất của Google Play Store trên toàn cầu.

Samsung Galaxy Nexus – 2011

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Android 4.0 Ice Cream Sanwich là một bản cập nhật khá hoành tráng. Đây cũng có thể xem là phiên bản Android đầu tiên cạnh tranh nghiêm túc với iOS. Ngôn ngữ thiết kế mới, Holo, đã giúp hệ điều hành này trông đẹp đẽ hơn rất nhiều so với Gingerbread. Ngoài ra, nó có nhiều cải tiến về chức năng khác, chẳng hạn như hỗ trợ NFC, mở khóa bằng khuôn mặt, hộp thư thoại trực quan,… Do ICS là một bản phát hành quan trọng, thế nên, chiếc điện thoại đầu tiên chạy nó có ý nghĩa rất lớn, và không ai khác, đó chính là Samsung Galaxy Nexus.

Galaxy Nexus là lần thứ 2 Samsung sản xuất điện thoại cho Google. Nó sở hữu bộ xử lý TI OMAP 4460, 1GB RAM, 32GB bộ nhớ trong (không có khe thẻ nhớ SD) cùng màn hình AMOLED 4,65 inch 720p. Mặt sau là camera 5MP, trong khi camera trước lại là 1,3MP.

Chiếc điện thoại này nhận được rất nhiều đánh giá tích cực khi ra mắt. Đáng tiếc là những lời khen này không kéo dài mãi mãi. Do Galaxy Nexus sử dụng bộ nhớ flash chất lượng thấp và thiếu đi TRIM, khiến chiếc điện thoại này dần trở nên chậm chạp đối với hầu hết người dùng sau vài tháng sử dụng.

Samsung Galaxy Note – 2011/2012

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Trong nhiều năm, màn hình trên smartphone hiếm khi vượt qua con số 4 inch. Điều này giúp chúng ta mang theo chúng một cách dễ dàng hơn, nhưng khi các ứng dụng dần có nhiều tính năng hơn, mong muốn về những màn hình lớn hơn đã trở nên rõ ràng hơn.

Samsung đã thực hiện hóa điều này bằng chiếc Galaxy Note. Nó được phát hành tại Châu Âu và nhiều thị trường khác vào cuối năm 2011 và cập bến Mỹ vào tháng 2/2012. Chiếc điện thoại này sở hữu màn hình AMOLED 5,3 inch 1280x800px. Con số này là rất lớn vào thời điểm đó, nhưng so với tiêu chuẩn ngày nay, nó lại khá nhỏ.

Các thông số kỹ thuật khác bao gồm CPU Qualcomm Snapdragon 1,5GHz (hoặc bộ xử lý Exynos nếu ở thị trường khác ngoài Mỹ), 1GB RAM, 16GB bộ nhớ trong và chạy Android 2.3.6 Gingerbread. Nó cũng đi kèm cây bút S-Pen cực kỳ hữu dụng, có thể sử dụng để viết ghi chú hay chú thích ảnh chụp màn hình.

Trong chưa đầy 2 tháng, trước khi cập bến thị trường Mỹ, Galaxy Note đã vượt qua cột mốc 1 triệu thiết bị được bán ra. Điều đó chứng tỏ rằng có một thị trường rộng lớn cho những thiết bị lớn. Các nhà sản xuất khác cuối cùng cũng phải tạo ra nhiều chiếc điện thoại tương tự nhằm cạnh tranh. Đến năm 2014, Apple cũng nhảy vào xu hướng này với bộ đôi iPhone 6 – iPhone 6 Plus.

HTC One M7 – 2013

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

HTC là nhà sản xuất điện thoại Android đầu tiên và họ vẫn tiếp tục sản xuất những thiết bị chạy hệ điều hành này cho đến nay (dù ở một mức độ hạn chế). Trong tất cả các thiết bị Android của công ty, có lẽ không thiết bị nào có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp smartphone hơn One M7.

Trong một thế giới thống trị bởi những chiếc smartphone bằng nhựa và kính, One M7 đã trở nên nổi bật nhờ vào thiết kế nhôm tuyệt đẹp. Màn hình 4,7 inch 1080p trên chiếc điện thoại này cũng được khen ngợi bởi mang lại màu sắc sống động cũng như hiển thị sắc nét.

HTC One M7 cũng có cụm loa kép nằm ở mặt trước mang thương hiệu Beats, camera phía sau tuyệt vời, IR blaster và phiên bản HTC Sense cải tiến. Đó là một thiết bị tuyệt vời và có lẽ là thành tựu đỉnh cao của bộ phận smartphone HTC. Quan trọng nhất, chiếc điện thoại này đã tạo ra nguồn cảm hứng cho các hãng smartphone khác sản xuất nhiều thiết bị có cấu tạo hoàn toàn bằng nhôm.

Motorola Moto G – 2013

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Trước đây, tất cả những chiếc điện thoại Android giá rẻ đều rất tệ, được xây dựng khá kém và đi kèm với phần mềm lỗi thời. Mặc dù vẫn còn rất nhiều chiếc điện thoại giá rẻ năm 2019 cũng mang những tính chất như vậy, thế nhưng, Moto G ban đầu lại là thiết bị đầu tiên có thể phần nào xóa bỏ được cái mác đó.

Motorola đã phát hành chiếc điện thoại Moto G đầu tiên vào cuối năm 2013 với mức giá thấp nhất là 179 USD (hoặc 199 USD cho phiên bản 16GB). Nó vẫn sử dụng chủ yếu chất liệu nhựa, thế nhưng, bộ xử lý Snapdragon 400 kết hợp cùng với phiên bản Android gốc là quá đủ để mang lại trải nghiệm tốt.

Vài tháng sau khi phát hành chiếc điện thoại này, một phiên bản Google Play Edition cũng đã xuất hiện với mức cùng mức giá 179/199USD. Đến giữa năm 2014, một phiên bản tinh chỉnh, hỗ trợ 4G LTE, cũng xuất hiện, cùng với chiếc điện thoại Moto E đầu tiên. Sau đó, đến tháng 9, Motorola tiếp tục tung ra thế hệ thứ 2 và dòng sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.

OnePlus One – 2014

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

OnePlus One chắc chắn là một cái tên không thể thiếu trong danh sách này. Trong thời đại mà "flagship giá rẻ" duy nhất mà bạn có thể mua là Nexus 5, OnePlus One đã nhảy vào con đường đó khi có mức giá chỉ 299 USD. Chiếc điện thoại này có thiết kế bằng nhựa polycarbonate với màn hình 5,5 inch 1080p khiêm tốn, nhưng với bộ xử lý Snapdragon 801 cùng 3GB RAM, OnePlus One trở thành một thiết bị khó lòng có thể bỏ qua.

Chiếc điện thoại này cũng là thiết bị đầu tiên đi kèm phiên bản Android tùy biến CyanogenMod khi xuất xưởng. Dù đó là một điểm ăn tiền vào thời điểm đó, thế nhưng, mối quan hệ giữa Cyanogen và OnePlus đã trở nên gay gắt hơn. Cuối cùng, cả 2 đã ngừng hợp tác sau một năm ra mắt. Sau đó, OnePlus đã tự phát triển bản ROM OxygenOS của riêng mình và vẫn tiếp tục duy trì nó trên những chiếc điện thoại OnePlus ngày nay.

OnePlus One không tác động đến ngành công nghiệp smartphone ở quy mô lớn, nhưng nó lại giúp OnePlus trở thành công ty nhận được nhiều sự yêu mến từ những người dùng đam mê Android. Sau khi Google ngừng dòng sản phẩm Nexus vào năm 2016, OnePlus đã trở thành tùy chọn "flagship giá rẻ" duy nhất cho hầu hết mọi người. Công ty này vẫn đang tiếp tục phát hành những chiếc smartphone "ngon – bổ – rẻ" cho đến ngày nay.

Samsung Galaxy Fold – 2019

10 thiết bị có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất trong lịch sử Android

Vị trí lịch sử của Galaxy Fold vẫn chưa được thiết lập bởi nó chỉ mới được phát hành chưa đầy 1 năm. Dẫu vậy, nó xứng đáng có một vị trí trong danh sách này bởi nó là chiếc smartphone đầu tiên có thể gập lại trên thị trường đại chúng.

Samsung đã trình làng Galaxy Fold vào hồi tháng 2/2019 và điểm thu hút của nó đó chính là màn hình OLED 7,3 inch khi mở ra. Tuy nhiên, việc bán ra đã phải trì hoãn sau khi nhận được một số đánh giá tồi tệ và tất cả các đơn đặt hàng trước đều đã bị hủy do thay đổi trong quá trình sản xuất.

Cuối cùng, chiếc điện thoại này cũng được lên kệ vào tháng 9/2019. Dù Galaxy Fold vẫn còn mỏng manh hơn so với những chiếc smartphone trung bình, thế nhưng, ít nhất là nó không bị hư hỏng hoàn toàn sau vài ngày sử dụng.

Mặc dù có nhiều vấn đề sản xuất cũng như chất lượng xây dựng vẫn còn nhiều nghi vấn, nhưng nó xứng đáng có một vị trí trong danh sách này, không chỉ vì là chiếc điện thoại Android gập đầu tiên, mà nó còn mở ra thời kỳ điện thoại gập mới. Sau Samsung, Huawei cũng đã tung ra chiếc smartphone gập Mate X của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, Motorola, TCL, Xiaomi, Oppo hay những nhà sản xuất khác cũng đang phát triển nhiều thiết bị tương tự.

Minh Hùng theo Android Central

Chủ đề khác