VnReview
Hà Nội

Hai năm cập nhật phần mềm có còn đủ cho flagship Android?

Với sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các dòng flagship trên 1.000 USD, các nhà sản xuất Android sẽ cần phải bắt kịp Apple về mặt hỗ trợ cập nhật phần mềm cho thiết bị.

Năm 2017, iPhone X đã đánh dấu cột mốc 1.000 USD đầu tiên cho một chiếc điện thoại flagship. Ngay dưới ngôi vương là Samsung Galaxy Note 8 với giá bán 929 USD. Kể từ đó, xu hướng giá của các dòng điện thoại flagship tiếp tục tăng qua từng năm, và chiếc flagship gần đây nhất của Android cũng đã có giá thấp nhất từ 1.000 USD. Phiên bản Galaxy S20 thường có giá 1.000 USD và bản Ultra có giá 1.400 USD. Và chiếc điện thoại Motorola Edge+ dành riêng cho nhà mạng Verizon cũng có giá là 1.000 USD, ngay cả chiếc điện thoại Mi 10 Pro của Xiaomi cũng được bán tại Anh với giá khoảng 1.080 USD.

Google Pixel 4 XL (Ảnh: Hayato Huseman / Android Central)

Chắc chắn việc tăng giá đồng nghĩa với việc phần cứng thiết bị cũng được nâng cấp. Trong đó, những xu hướng chúng ta có thể thấy hiện nay là màn hình có độ phân giải cao với tốc độ làm tươi lớn hơn, cụm camera lớn hơn với các ống kính tele riêng biệt và khả năng kết nối 5G. Riêng nâng cấp phần kết nối của thiết bị cũng đã khiến giá thành tăng từ 100 đến 200 USD so với phiên bản trước đó.

Trong khi những chiếc điện thoại flagship Android ngày càng đắt tiền và có nhiều tính năng hơn với những phần cứng tốt hơn những năm trước, thì có duy nhất một điều vẫn không thay đổi, đó là thời gian hỗ trợ cập nhật phần mềm. Hầu hết các nhà sản xuất chỉ cam kết cập nhật hai lần đối với phiên bản hệ điều hành Android và hỗ trợ cập nhật bảo mật trong 3 năm. Ngay cả những chiếc điện thoại có giá trên 1.000 USD cũng có chính sách tương tự. Và điều này phải thay đổi.

Theo Joe Maring cho biết, với năm 2020, trải nghiệm sản phẩm quan trọng hơn bất cứ thông số kỹ thuật nào khác. Hầu hết những phần cứng điện thoại mới nhất đều được bán rộng rãi, bạn không cần phải bỏ ra hơn 1.000 USD chỉ để mua những công nghệ hiện đại nhất. Bất kể bạn bỏ bao nhiêu tiền để mua điện thoại, nếu không được cập nhật phần mềm thì tất nhiên trải nghiệm của bạn sẽ không mấy suôn sẻ.

Chính vì vậy, cập nhật phần mềm cho thiết bị là rất quan trọng. Một phiên bản mới của hệ điều hành sẽ mang lại rất nhiều tính năng mới. Và dù Android 10 có vẻ không mang lại quá nhiều sự thay đổi bên ngoài, nhưng bên trong lại là một sự đổi mới. Tuy nhiên, nhiều hãng điện thoại chỉ cam kết cập nhật hai phiên bản Android mới nên sẽ có khoảng 10 triệu thiết bị không được cập nhật Android 10.

Trong nhiều năm qua, sự cạnh tranh của Android với Apple trên lĩnh vực này là rất yếu. Dù Google đang cố gắng yêu cầu các hãng cam kết cập nhật tối thiểu hai phiên bản hệ điều hành, tuy vậy cũng không nhiều nhà sản xuất thật sự tuân theo. Motorola chỉ cam kết cập nhật một lần và sau khi bị người dùng phản ứng dữ dội thì hãng mới thay đổi cam kết thành hai lần cho chiếc flagship Edge+.

Pixel 4 vs iPhone 11 (Ảnh: Harish Jonnalagadda / Android Central)

Bởi vì Android là một nền tảng mở nên Google không thể làm gì nhiều để buộc các nhà sản xuất điện thoại tuân thủ quy định. Thay vào đó, Google quyết định làm gương bằng việc kéo dài thời gian hỗ trợ phần mềm với dòng điện thoại Pixel của mình. Google đã cập nhật Android 10 cho chiếc điện thoại Pixel đời đầu và đây là phiên bản thứ ba được cập nhật trên dòng này.

Số bản cập nhật Android trên thiết bị của Google đã tăng thêm một phiên bản so với những chiếc điện thoại Android khác. Dù vẫn không so bì được với thời gian cập nhật phần mềm cho iPhone từ 4 đến 5 năm của Apple, nhưng đây vẫn là một khởi đầu tốt. Vấn đề ở đây là Pixel chiếm số lượng rất nhỏ trong thị trường Android. Để thật sự tạo ra sự thay đổi thì có lẽ Samsung cần phải là người đi tiên phong.

Samsung là một gã khổng lồ trong thị trường điện thoại Android và nếu công ty này thay đổi chính sách cập nhật phần mềm của mình các nhà sản xuất khác chắc chắn sẽ phải chạy theo. Dù Samsung tung ra các bản cập nhật khá thường xuyên cho flagship thì ở phân khúc tầm trung và dòng giá rẻ Galaxy A lại khá bất công cho người dùng, nhất là ở thị trường châu Á. Trước đây, có nhiều trường hợp Samsung chỉ cập nhật duy nhất một phiên bản Android mới cho những dòng giá rẻ.

Với sự xuất hiện chiếc iPhone giá rẻ, iPhone SE chỉ với 399 USD, đây là thời điểm các nhà sản xuất điện thoại Android phải kéo dài thời gian hỗ trợ phần mềm cho thiết bị của mình. iPhone SE sử dụng chip A13 Bionic mới nhất, điều này có nghĩa là nó sẽ được cập nhật phiên bản hệ điều hành mới thêm ít nhất 4 năm nữa. Chính sách này đã tạo nên một lợi thế cách biệt giữa iPhone SE và các sản phẩm Android khác thuộc phân khúc 500 USD.

Một thực trạng khác là thời gian người dùng sử dụng thiết bị ngày càng dài. Các sản phẩm giá rẻ và tầm trung đều được trang bị phần cứng mạnh mẽ, do vậy người dùng không có lý do gì để lên đời trong vài năm. Ví dụ như với chiếc điện thoại Galaxy A71 được trang bị chip Snapdragon 730 và các phần cứng khác đủ tốt để sử dụng trong khoảng 3 năm hoặc hơn mà không có vấn đề gì. Trong khi đó, Samsung chỉ cam kết hai bản cập nhật hệ điều hành và thêm một năm cập nhật bảo mật, mỗi quý một lần.

Nói tóm lại, các nhà sản xuất thiết bị Android cần cân nhắc lại chiến lược của mình trong chính sách hỗ trợ phần mềm, không chỉ với flagship mà cả sản phẩm tầm trung. Sự ra đời của iPhone SE là một lời cảnh tỉnh cho cả nền công nghiệp này. Nó đánh dấu sự cách biệt rõ ràng trong chính sách cập nhật của Android và iOS. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu Android sẽ có sự thay đổi khác biệt nào trong thời gian tới hay không.

Minh Bảo theo Android Central

Chủ đề khác