VnReview
Hà Nội

Quan điểm: Loại bỏ sạc tặng kèm có khi lại là điều tốt!

Nhiều tin đồn cho biết rằng Apple;Samsung đang chuẩn bị bán các chiếc smartphone cao cấp thế hệ tiếp theo của mình mà không tặng kèm sạc bên trong hộp. Với mức giá hơn 1.000 USD, việc không tặng kèm bộ sạc cho những chiếc flagship này thật là một điều khó có thể chấp nhận.

Loại bỏ những bộ sạc điện thoại tặng kèm bên trong có thể là một điều tốt

Lưu ý: Đây là ý kiến chủ quan của cây viết Robert Triggs tại Android Auhority. VnReview xin phép lược dịch lại.

Chúng ta lại quay trở về thời kỳ mà jack tai nghe 3.5mm bắt đầu bị loại bỏ khỏi ngành công nghiệp: Tính năng thì mất, còn giá lại tăng lên! Có khác gì người tiêu dùng bị cướp đâu? Nhưng thực tế, việc các hãng sản xuất loại bỏ cục sạc tặng kèm có thể lại là một điều tốt. Vì sao?

Loại bỏ những bộ sạc điện thoại tặng kèm bên trong có thể là một điều tốt

Trước khi đi sâu vào những trường hợp không cần đến các bộ sạc điện thoại tặng kèm, bạn nên nhớ rằng, việc bán điện thoại không tặng kèm sạc không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới.

Cách đây vài năm, việc các thiết bị tầm trung không được tặng kèm đầu cắm USB không phải là một điều gì quá kỳ lạ. Thực tế, nhà mạng O2 tại Anh và HTC vào năm 2013 đã bán chiếc flagship HTC One không tặng bộ sạc. Thời điểm đó, O2 tuyên bố rằng 70% khách hàng mua một chiếc điện thoại mới đã có sẵn bộ sạc. 82% khách hàng đã mua một chiếc điện thoại không có bộ sạc trong thời gian dùng thử 6 tháng, thế nên, đây không phải là một sáng kiến không có cơ sở. Ngày nay, ngay cả những chiếc tablet Amazon Kindle cũng chỉ được tặng kèm sợi cáp USB, không có bộ sạc, bởi về cơ bản, bất kỳ cổng USB 2,5W nào cũng đủ để cung cấp năng lượng cho chúng.

Ý tưởng này hoàn toàn tốt đẹp vào thời mà bộ sạc vẫn là bộ sạc và mọi thứ đều tương thích chéo. Ngày nay, nó đã trở nên phức tạp hơn với các chuẩn độc quyền và sạc nhanh khác nhau. May mắn thay, có một con đường dẫn lối về lại một chuẩn sạc duy nhất.

Quên những tính năng sạc nhanh độc quyền đi, USB Power Delivery sẽ là chân lý!

Loại bỏ những bộ sạc điện thoại tặng kèm bên trong có thể là một điều tốt

Nhiều khả năng, bạn có một ngăn chứa đầy những bộ sạc USB cũ từ các thể hệ di động đã qua. Lý do chính khiến chúng ta buộc phải chuyển sang những bộ sạc mới cho một chiếc điện thoại mới là vì nó hỗ trợ sạc nhanh nhất có thể. Những chuẩn sạc độc quyền được sử dụng bởi một loạt các nhà sản xuất không thể hoạt động tốt nhất với nhiều thiết bị khác, và đôi khi còn không thể tương thích ngược hoàn toàn. Nó là một trong những lý do lớn khiến USB-C trở thành một mớ hỗn độn khó hiểu.

May mắn thay, gần như tất cả các chiếc smartphone hiện nay đều tương thích tốt với USB Power Delivery (USB PD), ngay cả khi đó không phải là cách nhanh nhất để sạc mọi thiết bị. USB PD là một tùy chọn "backup" tuyệt vời trong trường hợp xấu nhất, nhưng nó cũng là phương pháp được Google, Nokia, Samsung cùng một vài thương hiệu khác lựa chọn. Miễn là Samsung, và những thương hiệu khác cũng loại bỏ bộ sạc tặng kèm trong hộp, hỗ trợ USB-C và USB Power Delivery sẽ ngày càng phổ biến hơn. Chúng ta sẽ nhanh chóng thấy được một thế giới tốt đẹp với một chuẩn sạc thống nhất. Điều đó cũng có thể bao gồm các thiết bị tầm trung và giá rẻ.

Điều đó cũng tốt cho người tiêu dùng, bởi chúng ta có thể mua một cục sạc duy nhất, phục vụ cho nhiều thiết bị, thường là cùng một lúc. Nhiều chiếc laptop mới nhất và những thiết bị khác đang ngày càng hỗ trợ USB Power Delivery rộng rãi hơn.

Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi một sự thay đổi từ Apple – một công ty kiên quyết áp dụng cổng kết nối Lightning cho iPhone, dù rằng đã loại bỏ nó để chuyển sang USB-C trên iPad. Tuy nhiên, những chiếc iPhone mới nhất đã hỗ trợ USB Power Delivery, nhưng lại dùng cổng Lightning ở đầu thiết bị thay vì USB-C. Vì vậy, chúng tương thích với một loạt các sản phẩm trên thị trường thông qua một bộ chuyển đổi.

Thực tế, các công ty có công nghệ sạc độc quyền, như Oppo, OnePlus và Huawei, lại phản đối suy nghĩ thống nhất này. Họ đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ nhanh hơn so với USB Power Delivery, giúp chúng trở thành những sản phẩm khác biệt có thể bán trên thị trường. Đặc biệt, Huawei và Oppo đã bán được số lượng lớn những chiếc điện thoại, thế nên, việc ngừng cung cấp sạc bên trong hộp sẽ khó có thể sớm xảy ra phổ biến. Dẫu vậy, nhiều thiết bị từ những thương hiệu này cũng hỗ trợ USB PD, thế nên, chúng ta sẽ không bị mắc kẹt với những công nghệ độc quyền của họ. Điều này có nghĩa là các công ty không thể bỏ đi bộ sạc tặng kèm bên trong hộp chỉ để tăng lợi nhuận, ít nhất là vẫn là cũng không bỏ đi USB-C.

Nếu không muốn xài dây, bạn cũng có thể giải quyết vấn đề này bằng những bộ sạc không dây.

Góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường

Trên thực tế, phần lớn các chất thải điện tử đều là những bộ sạc cũ. Những bộ sạc cũ lỗi thời tạo ra khoảng 51.000 tấn chất thải mỗi năm, chỉ tính riêng tại Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một phần lý do tại sao các nhà lập pháp EU đã bỏ phiếu ủng hộ tạo ra một chuẩn sạc duy nhất nhất vào đầu năm 2020. Và không quá ngạc nhiên khi ban đầu, Apple chống đối lại ý tưởng này.

Quay trở lại vấn đề chất thải, đó cũng là động lực thúc đẩy sáng kiến loại bỏ bộ sạc tặng kèm của O2 hồi năm 2013. Nghiên cứu của nhà mạng này giợi ý rằng có tới 100 triệu bộ sạc không được sử dụng tại Anh. Tổng cộng, trọng lượng của chúng là 18.700 tấn, lãng phí 200.000km dây điện và vô số vỏ nhựa. Khối lượng này tương đương với 4 bãi rác có kích thước tương đương hồ bơi Olympic. Hãy nhớ rằng, đó chỉ là con số của một quốc gia cách đây 7 năm trước.

Cắt giảm được lượng chất thải đó, phần lớn có chứa kim loại quý và các nguồn tài nguyên hữu hạn khác, chắc chắn sẽ không khó, vì đã có sẵn một giải pháp phù hợp trong ngành. Với ý nghĩ đó, sự can thiệp bằng luật pháp là hoàn toàn không cần thiết nếu các nhà sản xuất có thiện chí.

"Trái Đất xanh" rõ ràng là một chiến lược marketing tốt. Và chắc chắn, các nhà sản xuất sẽ không thể để Samsung chiếm lấy phần lớn chiến lược marketing cho những bộ sạc bảo vệ môi trường.

Lợi ích lâu dài vẫn to lớn hơn bất kỳ vấn đề phát sinh nào

Loại bỏ những bộ sạc điện thoại tặng kèm bên trong có thể là một điều tốt

Có một nhược điểm: việc không tặng kèm các bộ sạc bên trong hộp sẽ khiến khách hàng của họ lựa chọn những sản phẩm USB Power Delivery của riêng mình. Một số người dùng có thể chưa có bộ sạc USB Power Delivery, đặc biệt nếu họ chưa mua bất kỳ flagship nào trong vài năm qua. Dẫu vậy, điều này không phải là một vấn đề quá lớn.

Đầu tiên, hãy nhớ rằng, USB có thể tương thích ngược. Những chiếc điện thoại mới vẫn sẽ sạc (dù chậm) với bất kỳ bộ adapter USB nào bạn đang có. Thậm chí, tốc độ này còn tốt hơn đối với những cục sạc Quick Charge cũ, cổng USB 3.0 hoặc adapter từ một công ty sản xuất điện thoại khác. Vì vậy, đó không phải là một tình huống quá vô vọng ngay cả trong trường hợp xấu nhất.

Thứ hai, các cục sạc USB Power Delivery và những phụ kiện khác không còn quá đắt đỏ nữa. Bạn không cần đến một cục sạc USB PD ở mức laptop 100W cho những chiếc smartphone. Bạn có thể chọn bất cứ cục sạc nhanh 18W nào từ các nhà sản xuất uy tín với mức giá dưới 400.000 đồng. Những bộ sạc đa thiết bị từ 40W đến 60W hiện cũng đã dần rẻ hơn, thường có giá dưới 1 triệu đồng cho các biến thể GaN mới. Đó không phải là một mức giá quá cao cho một cục sạc, sẽ cung cấp năng lượng cho tất cả các thiết bị của bạn trong nhiều năm tới.

Tất nhiên, nếu các nhà sản xuất thiết bị loại bỏ những bộ sạc tặng kèm trong hộp để trục lợi một cách trơ trẽn từ nhiều phụ kiện và tiêu chuẩn độc quyền của riêng mình, thì đó là lúc để bạn lên tiếng. Việc bỏ bộ sạc trong hộp có thể sẽ giúp những chiếc điện thoại flagship giảm giá xuống một chút. Thế nên, đó không phải là một vấn đề quá quan trọng đối với người tiêu dùng. Nhưng chắc chắn, sẽ là một điều đáng phẫn nộ nếu các nhà sản xuất không hỗ trợ chuẩn sạc phổ biến và bán ra những phụ kiện sạc độc quyền.

Minh Hùng theo Android Authority

Chủ đề khác