VnReview
Hà Nội

Có phải App Store là cách duy nhất để cài đặt ứng dụng lên iPhone như bạn vẫn nghĩ?

Epic Games cho rằng Apple độc quyền cách thức cài đặt ứng dụng lên iPhone thông qua cửa ngõ là App Store, lợi dụng vị thế này để chèn ép các đối tác và nhà phát triển phải làm theo ý họ. Nhưng liệu App Store có phải cách duy nhất để cài đặt ứng dụng lên iPhone?

Với hầu hết chúng ta, có lẽ điều này chẳng có gì sai cả. Phải đến 99% người dùng iPhone dù là lâu năm hay chỉ là "lính mới" đều cài đặt ứng dụng thông qua App Store. Thậm chí rất nhiều người còn phải nhờ người khác thao tác hộ vì gần như họ chỉ dùng các ứng dụng đã cài sẵn sau khi kích hoạt máy. Apple không chính thức cung cấp thêm một cửa hàng hay một con đường nào khác.

Quan điểm của Apple và Google

Đối với người người dùng Android, bạn vẫn có thể tải ứng dụng từ các chợ do nhà sản xuất tạo ra, như máy Samsung hay Xiaomi đều có. Hoặc bạn lên mạng kiếm một file đóng gói sẵn dưới dạng "apk" rồi dùng trình duyệt file để giải nén, cài đặt ứng dụng bình thường. Tiến trình này được gọi là "sideload" và Google không cấm cài đặt từ các nguồn ngoài Play Store.

Apple và Google có quan điểm khác nhau về việc phân phối ứng dụng đến người dùng (ảnh: Getty Images)

Theo Apple, sở dĩ iOS không chấp nhận những cách thức cài đặt không chính thống như vậy là vì yếu tố chất lượng. Apple duy trì một đội ngũ đánh giá ứng dụng rất nghiêm ngặt để đảm bảo người dùng iPhone không bị tấn công bởi malware, nội dung độc hại, lỗ hổng bảo mật hay các hình thức lừa đảo tinh vi khác.

Tuy nhiên, vẫn có cách để cài đặt phần mềm mà không thông qua App Store.

Siêu ứng dụng WeChat

Ví dụ đầu tiên chính là Tencent, ông lớn Internet của Trung Quốc và chủ sở hữu WeChat. Bên trong ứng dụng này là mô hình phân phối "mini-apps" hay các "ứng dụng thu nhỏ" đã được Apple chấp thuận. Ứng dụng thu nhỏ là chương trình phần mềm gọn nhẹ, không cung cấp nhiều tình năng như một ứng dụng đầy đủ thông thường.

Bạn có thể tải chúng ngay trong ứng dụng WeChat, lúc này, đã đóng vai trò như một App Store thứ hai. Ứng dụng thu nhỏ được viết trên nền HTML5, ngôn ngữ tạo nên trang web. Chúng tải rất nhanh và không yêu cầu phải cài đặt phức tạp giống các ứng dụng tiêu chuẩn. WeChat là siêu ứng dụng hàng đầu trong việc cung cấp các chương trình thu nhỏ như này.

Siêu ứng dụng WeChat trở thành hình mẫu cho nhiều công ty học hỏi (ảnh: Sekkei Studio)

Các nhà phát triển đã xây dựng hơn 1 triệu ứng dụng thu nhỏ trên nền tảng WeChat, giúp người dùng làm mọi thứ mà không cần phải tải về một danh sách dài các ứng dụng. Tại Trung Quốc, WeChat quan trọng hơn bất cứ thứ gì, thậm chí một chiếc iPhone với hệ sinh thái iOS đằng sau cũng không thể sánh bằng.

Người dân làm được mọi thứ từ đặt đồ ăn, mua sắm online, chơi các game đơn giản, vay nợ, lì xì đầu năm,... Trong số hơn 1 tỷ người dùng WeChat, khoảng 300 triệu người sử dụng ứng dụng thu nhỏ hàng ngày vào năm ngoái. Giá trị giao dịch tạo ra từ đó tương đương 115 tỷ USD theo công bố của Tencent. WeChat còn trở thành hình mẫu cho nhiều ứng dụng khác bắt chước.

Các đối thủ của Tencent như Alibaba, Baidu cũng tìm cách bổ sung những ứng dụng thu nhỏ như vậy vào ứng dụng của mình. Grab ban đầu là một ứng dụng gọi xe, đang cố trở mình thành một siêu ứng dụng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngay cả các hãng công nghệ Mỹ cũng đang bắt chước WeChat. Snap thông báo một chương trình gọi là "Minis" với cùng ý tưởng.;

Tất nhiên Apple có thể chấp thuận mô hình này, nhưng việc thanh toán thì không. Tencent đã thông báo dừng chấp nhận thanh toán hàng hóa ảo bên trong những ứng dụng thu nhỏ, nhằm tuân thủ luật lệ của Apple. Trước đó hồi 2017, Tencent cũng bị Apple yêu cầu gỡ bỏ tính năng "boa tiền" cho nhà sáng tạo. Người sử dụng có thể gửi tiền trực tiếp cho nhà sáng tạo nội dung, một khoản "Tipping" mà theo Tencent là họ không tính phí giao dịch.

Vậy nên khi Apple muốn thu phí 30% giao dịch này, công ty Trung Quốc đã dừng nó lại. Sau khi bị phản đối dữ dội từ người dùng Trung Quốc, hai bên đã đạt được thỏa thuận mới. Tính năng đổi thành "Thích tác giả" và tiền gửi thẳng vào tài khoản WeChat Pay của nhà sáng tạo mà không bị tính phí bởi Apple.

Bản thân Apple cũng đang học hỏi WeChat. Họ sắp sửa tung ra một tính năng là "App Clips". Đây là một cách để nhà phát triển cung cấp một phần nhỏ của ứng dụng cho người dùng trải nghiệm trước, không cần phải tải toàn bộ ứng dụng đầy đủ về. 

Apple cũng chuẩn bị tung ra một tính năng bắt chước ý tưởng của Tencent (ảnh: Apple)

Altstore

Apple cho phép các nhà phát triển Sideload ứng dụng lên iPhone từ bộ Xcode, phần mềm dùng để thiết kế ứng dụng phục vụ người dùng iPhone.

Altstore đã tự động hóa quy trình này. Nó sử dụng một ứng dụng trên Mac hay Windows yêu cầu sideload Altstore vào iPhone. Ứng dụng này có thể tự làm mới bộ tính giờ của Apple để các ứng dụng sideload có thể vận hành sau 7 ngày, bởi công ty Mỹ đã hạn chế khung thời gian. Ngoài ra, chỉ có thể sideload ba ứng dụng.

Cách thức này vẫn tiềm ẩn rủi ro bảo mật. Altstore yêu cầu bạn phải cung cấp tài khoản và mật khẩu tài khoản Apple. Khi bạn bỏ qua những cảnh báo về cài đặt ứng dụng của Apple và giao tài khoản cho một dịch vụ bên ngoài, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi malware, đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Một khu chợ khác bên cạnh App Store trên iOS liệu có khả thi? 

Khi Altstore được công bố vào năm 2019, nhiều người đã nói rằng Apple sẽ sớm "triệt hạ" nó nhằm đảm bảo vị thế độc tôn ủa App Store. Tuy nhiên cuối cùng chuyện đó đã không xảy ra, nhà sáng lập Altstore nói với CNBC rằng ông kỳ vọng chợ ứng dụng của mình sẽ trở thành một "khu chợ hợp pháp".

Tính đến nay, Altstore đã đạt được 1 triệu lượt tải, có lẽ chưa đủ để đe dọa App Store. Theo đối tác kinh doanh của Altstore, việc chợ ứng dụng này có thể tồn tại đã chứng minh rằng vẫn khả thi để cài đặt ứng dụng lên iOS mà không cần App Store, trong khi tiếp tục duy trì bảo mật và trải nghiệm người dùng.

Thậm chí khi Fortnite đã bị gỡ khỏi App Store, người dùng vẫn có thể cài đặt nó thông qua Altstore.

Airport

Đây là một dịch vụ giúp người dùng tìm kiếm danh sách các ứng dụng đang trong giai đoạn thử nghiệm tren iPhone. Nó sử dụng TestFlight, một dịch vụ thử nghiệm phần mềm của Apple cho phép nhà phát triển phần mềm cấp quyền truy cập vào ứng dụng ở trạng thái tiền phát hành.

Airport đã có 300 ứng dụng (ảnh: Airport)

Airport thực ra chỉ là một danh sách các liên kết chứ không lưu trữ các tệp tin cài đặt ứng dụng được đóng gói sẵn. Mọi thứ ở đây đều được Apple đánh giá từ trước nên khá đảm bảo an toàn. Đồng sáng lập Jordan Singer nói với CNBC rằng nhóm của ông cố gắng tạo ra một cộng đồng cho các nhà phát triển iOS. Họ tập trung vào việc cung cấp phản hồi của người thử nghiệm để phía nhà phát triển có thể cải thiện ứng dụng.

Kết luận

Nếu Epic Games thắng kiện và Apple buộc phải hỗ trợ các cửa hàng ứng dụng khác phân phối trên iOS, cạnh tranh thẳng với App Store của họ, những ví dụ bên trên có thể xem như bản nháp về tương lai chợ ứng dụng cho người dùng iPhone lẫn các nhà phát triển. Nếu bạn không hài lòng với quy định của App Store, bạn có thể đưa ứng dụng lên một chợ phân phối khác. Người dùng cũng có quyền cài đặt ứng dụng từ bất kỳ đâu, chợ của Apple hay Epic Games, Microsoft, Google,...

Ambitious Man

Chủ đề khác